Vụ giáo viên bị tố nâng điểm cho học sinh: Hiệu trưởng lên tiếng
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, nhà trường đang lập tổ xác minh việc 5 bài thi giữa kỳ của một học sinh bị tố được nâng từ 0,8-1,8 điểm. Sau 30 ngày, nhà trường sẽ có kết luận chính thức.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ, nơi xảy ra vụ tố cáo nâng điểm cho học sinh.Ảnh: Anh Nhàn
Chiều 23.4, trao đổi với Lao Động, bà Phạm Thị Thu Hồng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho hay: “Ngày 18.4, nhà trường nhận được đơn tố cáo của một nhóm giáo viên về việc một em học sinh lớp 12A9 bị nâng điểm. Ngay sau đó, nhà trường đã lên kế hoạch xác minh nội dung đơn tố cáo.
Trường lập một tổ xác minh, sau 30 ngày, nhà trường sẽ có kết luận cuối cùng. Sau đó, nhà trường sẽ tiến hành họp hội đồng kỷ luật và có biện pháp xử lý”.
Bà Hồng cũng cho biết thêm: Kỳ thi giữa học kỳ 2 ở trường THPT Nguyễn Công Trứ diễn ra từ ngày 11 – 13.3. Trường tổ chức thi kiểm tra tập trung toàn khối 12 các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh. Môn Văn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại làm bài thi trắc nghiệm.
Sau khi thi xong, trường có 1 bộ phận chuyên môn chấm các môn trắc nghiệm do cô giáo Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách. Trong đơn tố cáo, nhóm giáo viên cho rằng cô Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn về chấm thi của nhà trường đã chỉ đạo sửa điểm cho học sinh.
Quan điểm của nhà trường là nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Video đang HOT
Là hiệu trưởng nhà trường, bà Hồng cho biết bản thân cũng có một phần trách nhiệm trong việc này. “30 năm nay trường có thành tích dạy học rất tốt nên sự việc tố cáo gian lận thi cử làm tôi rất bất ngờ và bức xúc. Là người đứng đầu nhà trường, tôi nhận một phần trách nhiệm của mình trong việc này”, bà Phạm Thị Thu Hồng nói.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP.HCM) nơi xảy ra vụ việc. Ảnh:Anh Nhàn
Trước đó, một nhóm giáo viên trường THPT Nguyễn Công Trứ do nghi ngờ có sự gian lận nên đã chụp lại bài làm của học sinh ngay sau khi bài thi hoàn thành.
Sau khi kết quả kỳ thi được công bố, các giáo viên khẳng định có sự gian lận, điểm thực tế của học sinh thấp hơn điểm được công bố nên đã tố cáo sự việc lên nhà trường.
Một số câu trắc nghiệm trong phiếu trả lời bài thi các môn Toán, tiếng Anh, Sinh, Lý, Hóa đã được chỉnh sửa từ sai thành đúng nhằm nâng điểm.
Trong đó, môn Toán được sửa 7 câu (nâng 1,6 điểm); môn tiếng Anh sửa 9 câu (1,8 điểm); môn Sinh sửa 6 câu (1,5 điểm); Lý và Hóa mỗi môn sửa 2 câu (0,8 điểm).
ANH NHÀN
Theo laodong
Đổi mới thi 2019: Hạn chế tối đa lộ thông tin thí sinh ở bài thi trắc nghiệm
Những gian lận thi cử năm 2018 được phát hiện đều xẩy ra tại khâu chấm thi. Số điểm được nâng nhiều tại ba địa phương Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đều xẩy ra đối với bài thi trắc nghiệm. Rút kinh nghiệm từ thực tế, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT sẽ có các giải pháp kỹ thuật chấm bài thi trắc nghiệm.
Theo ông Trinh, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tiếp tục được tổ chức với phương thức cơ bản giữ ổn định như các năm 2017, 2018; kết quả Kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Phát huy những ưu điểm trong việc tổ chức Kỳ thi những năm qua và nghiêm túc rút kinh nghiệm sau những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương; Bộ GD&ĐT đã cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp, nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi; nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ thi cho những người tham gia tổ chức thi; đồng thời tăng cường một số giải pháp kỹ thuật để phòng, chống gian lận trong tất cả các khâu của Kỳ thi, nhất là ở khâu chấm thi.
Trong đó, việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ do các trường ĐH chủ trì với Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp theo hướng tăng cường khâu bảo mật để phòng ngừa, phát hiện các gian lận.
Ông Trinh cho hay, tất cả dữ liệu liên quan đến bài thi của thí sinh từ ảnh quét bài thi cho đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa bằng các thuật toán mã hóa tiên tiến có độ tin cậy và bảo mật cao; người dùng không thể nhìn được toàn bộ ảnh quét và không thể đọc được thông tin kết quả bài thi (kể cả kết quả trung gian hoặc kết quả cuối cùng);
Quá trình sửa lỗi kỹ thuật trên phiếu trả lời trắc nghiệm (lỗi do thí sinh điền sai mã đề, điền sai số báo danh, lỗi nhận dạng đáp án...) do phần mềm tự động phát hiện, người vận hành phần mềm chấm thi trắc nghiệm không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với phần bài làm của thí sinh ("đánh phách điện tử" Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh). Có nghĩa là, khi sửa lỗi nội dung liên quan đến thông tin cá nhân thì không thể nhìn thấy phần nội dung trả lời và khi sửa lỗi phần nội dung trả lời thì không thể nhìn thấy phần thông tin cá nhân;
Mọi thao tác trên phần mềm đều được lưu vết; chỉ người có trách nhiệm mới có thể mở để đọc mà không thể sửa được các thông tin này;
Phần mềm có các chức năng để hỗ trợ người dùng (cán bộ chấm thi) trong việc dò tìm, phát hiện, sửa lỗi trong quá trình chấm thi để hạn chế đến mức thấp nhất các thao tác thủ công của con người;
Các dữ liệu trung gian cũng như kết quả chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa và chỉ có thể được giải mã bằng "khóa" được cung cấp cho người có trách nhiệm; Kết quả chấm trắc nghiệm được mã hóa, chỉ được tự động giải mã khi nhập vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia để hoàn thiện dữ liệu chấm thi của Kỳ thi.
Như vậy, quá trình chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện bằng máy tính với phần mềm chấm thi trắc nghiệm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp, người tham gia công tác chấm thi trắc nghiệm không thể trực tiếp can thiệp để làm thay đổi dữ liệu dẫn đến làm thay đổi kết quả thi.Việc sửa lỗi kỹ thuật chỉ thực hiện được ở những vị trí lỗi khi nhận diện ảnh quét bài thi do phần mềm phát hiện.
Trong suốt quá trình chấm thi trắc nghiệm, ảnh quét gốc bài thi của thí sinh không thể can thiệp và sửa chữa.
Thêm nữa, dữ liệu ảnh quét bài thi gốc (đã mã hóa) cũng được gửi về Bộ GD&ĐT tạo để quản lý và đối sánh với kết quả chấm nhằm phát hiện những sai lệch một cách có chủ ý (nếu có).
Ông Mai Văn Trinh cũng cho hay cùng với các giải pháp kỹ thuật nói trên, công tác tập huấn kỹ thuật đã được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng. Các trường ĐH được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm cần lựa chọn những cán bộ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu về phần mềm và quy trình chấm thi; tiến hành tập huấn đầy đủ để chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ chấm thi trắc nghiệm.
Các sở GD&ĐT cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị....theo quy định của Quy chế; phối hợp tốt với các trường ĐH để tổ chức Kỳ thi nghiêm túc.Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban chấm thi trắc nghiệm.
HUÊ NGHIÊM - NGUYỄN HÀ
Theo Tiền phong
Thương cô bé nhà nghèo thi được 29,75 điểm rớt Học viện Quân y Chúng tôi cứ nghĩ "Nếu không có những vụ gian lận điểm thi thì với số điểm đạt được gần như tuyệt đối như thế, biết đâu Linh đã không phải khổ thế này?". Nguyễn Thị Linh thi đạt 29,75 trượt Học viện Quân y (Ảnh tác giả) Sau một thời gian bí mật, đến thời điểm này thì hàng trăm học sinh...