Vụ gian lận điểm thi: Giám đốc Sở GDĐT trốn tránh trách nhiệm đến khi nào?
9 tháng sau khi vụ sửa điểm bài thi THPT quốc gia gây chấn động cả nước bị phát hiện, sự việc vẫn đang “ nóng” khi cơ quan công an tiếp tục khởi tố thêm nhiều bị can. Học sinh, phụ huynh, người dân vẫn chờ đợi người đứng đầu ngành Giáo dục của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình phải chịu trách nhiệm về những lời họ đã từng nói trước khi vụ gian lận thi cử bị phanh phui.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang: “Hãy tin chúng tôi!”
Hà Giang là địa phương đầu tiên bị phát giác có tiêu cực sửa điểm bài thi THPT quốc gia 2018.
Trước khi bắt tay vào rà soát lại quy trình tổ chức thi, chấm thi theo yêu cầu của Bộ GDĐT, ông Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang (nay đã nghỉ hưu) nhận định, quy trình làm thi chặt chẽ, có máy móc và con người giám sát, nhưng nếu có “góc khuất” thì nó phải rất tinh vi!
Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Trọng Lương để điều tra về hành vi nâng điểm cho hơn 300 bài thi tốt nghiệp THPT, ngày 21.7.2018, ông Sử cho biết cảm xúc của ông là “trên cả sốc!”.
“Nếu dùng một từ sốc thì không diễn đạt hết được. Cảm xúc còn trên cả sốc. 60 năm cuộc đời, gần 40 năm lăn lộn với giáo dục vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang, có thể nói, đây là lần đầu tiên tôi có cảm xúc như vậy”, ông Sử khẳng định trên Zing.vn.
Phát biểu của ông Vũ Văn Sử. Ảnh: Zing.vn
Trước nghi vấn “đánh mẻ lớn” rồi nghỉ hưu, ông Vũ Văn Sử tiếp tục khẳng định: “Chuyện tiêu cực, tôi và 2 phó giám đốc sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không. Tôi biết mình và hai phó giám đốc nên tôi mới nói là không”.
Ông cũng khẳng định bản thân nhận thức sâu sắc và đầy đủ rằng khi vụ việc xảy ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo quy định.
“Chúng tôi có trách nhiệm rất lớn với Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, với Bộ GDĐT và lớn hơn là với nhân dân tỉnh Hà Giang và các em học sinh.
Hãy tin chúng tôi! Là nhà quản lý, chúng tôi rất muốn công bằng, khách quan và đổi mới. Chỗ nào tiêu cực phải đấu tranh làm sáng tỏ để tạo ra khí thế, niềm tin. Không thể đổi mới và làm việc hiệu quả khi niềm tin bị mất hoặc lung lay. Chúng tôi đã làm hết sức mình và trách nhiệm đến đâu chúng tôi xin hoàn toàn chấp nhận”, ông Sử nhấn mạnh.
Tuy vậy, đến đầu tháng 4.2019, cơ quan công an đã khởi tố thêm 2 Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang là bà Triệu Thị Chính và Phạm Văn Khuông vì có liên quan đến việc sửa điểm.
Ông Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang nhận quyết định nghỉ hưu cuối năm 2018.
Video đang HOT
Giám đốc Sở GDĐT Hoà Bình: Không bao giờ nghĩ đến gian lận như thế!
Khi bắt đầu có dư luận về điểm thi bất thường tại tỉnh này, trao đổi với báo chí, ông Bùi Trọng Đắc – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hoà Bình khẳng định kết quả thi tại Hòa Bình là trung thực, khách quan.
Tuy nhiên, khi sự việc gian lận trong khâu chấm thi được phát hiện, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án, ông Đắc lý giải khẳng định ban đầu là do ông đã quá tin tưởng cấp dưới.
“Với tư cách là người đứng đầu, tôi cảm thấy rất tiếc và tôi xin được xin lỗi các bậc phụ huynh học sinh, xin lỗi các thầy cô giáo, xin lỗi các em học sinh đã để xảy ra điều đáng tiếc này. Tôi cũng xin hoàn toàn chịu trách nhiệm những nội dung có liên quan về công tác quản lý của mình”, ông Đắc bày tỏ.
Ông Bùi Trọng Đắc – Giám đốc Sở GDĐT Hoà Bình. Ảnh: Huyên Nguyễn
Mới đây, trong 1 buổi làm việc với Báo Lao Động, Giám đốc Sở GDĐT Hoà Bình cho rằng đây là câu chuyện buồn, 40 năm theo nghề, không bao giờ ông nghĩ đến việc như thế.
Ông Bùi Trọng Đắc – Giám đốc Sở GDĐT Hoà Bình sẽ nghỉ hưu trong năm 2019.
Giám đốc Sở GDĐT Sơn La: Từ chối nói về vụ việc
“Hàng trăm bài thi được sửa chữa, nâng điểm, nhưng giám đốc Sở GDĐT Sơn La vẫn “mất tích” là câu hỏi đã được nhiều cơ quan báo chí, các chuyên gia đặt ra khi đề cập đến vụ việc gian lận thi cử gây chấn động dư luận thời gian qua.
Trước đó, ngày 19.7.2018, khi dư luận mới chỉ bàn tán về điểm thi bất thường tại Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La khẳng định với Báo Lao Động về toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kì tiêu cực nào.
“Kết quả điểm thi cao nổi bật so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà. Để đạt được kết quả như trên, bản thân tôi cũng rất vui mừng”, ông Đức nói.
Phát ngôn của ông Hoàng Tiến Đức trái ngược với thực tế. Ảnh: Zing.vn
Thế nhưng, sau khi sai phạm tại Sơn La bị phanh phui, vị giám đốc Sở này né tránh xuất hiện và không trả lời câu hỏi của báo chí.
Thậm chí, ngay buổi thông tin báo chí do UBND tỉnh, Bộ GDĐT công bố ban đầu về sai phạm, Giám đốc Sở GDĐT Sơn La cũng không xuất hiện vì “lý do đặc biệt”.
Giữa “tâm bão”, ông Hoàng Tiến Đức – người mà lẽ ra không được phép vắng mặt trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, đến giờ, vẫn chưa mấy ai rõ “lý do đặc biệt” để ông phải vắng mặt là vì sao.
Là người đứng đầu ngành giáo dục địa phương, nhưng mỗi lần PV các cơ quan báo chí đặt vấn đề thông tin về gian lận thi cử, trách nhiệm người đứng đầu, Giám đốc Sở GDĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức liên tục nói “Tôi bận đi công tác”, “Tôi nghỉ phép” và từ chối gặp phóng viên…
Ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GDĐT Sơn La sẽ nghỉ hưu trong năm 2019.
HUYÊN NGUYỄN – ĐẶNG CHUNG
Theo Lao động
Xử lý gian lận thi cử nhìn từ các vụ việc quốc tế liên quan
Những ngày vừa qua, diễn biến về việc xử lý những người liên quan đến gian lận thi cử ở ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì vụ việc chưa có tiền lệ, nên quá trình điều tra phải kỹ lưỡng, hướng xử lý phải xem xét nhiều luật liên quan...
Từ điểm nhìn mang tên các phụ huynh
Những ngày này, giáo dục nước Mỹ cũng đang chấn động bởi vụ gian lận thi cử, trong đó là hàng loạt con nhà nhân vật tầm cỡ được "chạy" để được vào các trường ĐH uy tín. Cần nói thêm rằng, giáo dục ĐH Mỹ luôn xếp top 1 thế giới, với nhiều trường ĐH danh tiếng, khi mà họ chưa bao giờ muốn nhường vị trí số 1 của các bảng xếp hạng uy tín cho bất cứ ĐH đến từ quốc gia nào khác.
Theo CNN nhận định: Đây là vụ gian lận thi cử lớn nhất từng bị truy tố ở Mỹ. Nước Mỹ mất 2 năm để điều tra và đưa 50 người, trong đó có 33 phụ huynh ra tòa vì gian lận; sinh viên bị đuổi học nhưng không phải đối diện các vấn đề pháp lý. Thậm chí, theo NBC News, cuộc điều tra có sự tham gia của hơn 200 đặc vụ, phân bố trong sáu bang. Báo này dẫn lời điều tra viên cho rằng: "Các bậc cha mẹ giàu có đã trả hàng nghìn USD cho một người đàn ông ở California để hắn đưa con cái họ vào học tại các trường ĐH ưu tú, như Yale và Stanford bằng nhiều hình thức gian lận khác nhau".
Các cách gian lận rất đa dạng, bao gồm sửa điểm, nhờ người thi hộ, chỉnh sửa hồ sơ để được vào trường nhờ năng khiếu thể thao (các trường ĐH của Mỹ thường ưu tiên học sinh có thành tích thể thao vượt trội).
Khi vụ điều tra hoàn thiện, đường dây chạy ĐH bị phanh phui, những ai bị cáo buộc và liên đới pháp luật? Thông tin trên một số tờ báo tại quốc gia này cho biết: Trong số 50 người đối mặt với các cáo buộc, 33 người là cha mẹ và chín người là huấn luyện viên ĐH. Những người còn lại là quản trị viên kiểm tra tiêu chuẩn, một giám sát viên kiểm tra và các cộng sự của của ông trùm Singer - người đứng đầu đường dây chạy điểm ĐH.
Còn với vụ việc gian lận điểm thi ở Việt Nam: Những cá nhân trực tiếp sửa điểm, can thiệp quá trình nhập giữ liệu, bảo quản bài thi đã bị khởi tố hình sự, các học sinh có điểm được nâng đã bị xóa kết quả, thay bằng điểm chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT. Các em nhập học bằng điểm nâng đa phần đã bị buộc thôi học, theo đúng quy chế tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Chỉ có duy nhất một điểm, cho đến nay CQĐT vẫn chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bất cứ phụ huynh nào trong vụ gian lận điểm thi, trong khi đây là vấn đề dư luận rất lưu tâm. Rất nhiều ý kiến cho rằng: Phải làm đến cùng trách nhiệm của những phụ huynh có tham gia can thiệp nâng điểm cho con.
Tại cuộc làm việc của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội với đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Công an, sau khi Bộ GD&ĐT báo cáo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề xử lý gian lận thi cử và chấn chỉnh kỳ thi THPT quốc gia, Ủy ban dự kiến có kiến nghị bằng văn bản gửi Bộ GD&ĐT về việc này.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - Phan Viết Lương nêu ý kiến: Với vụ việc ở Hà Giang, CA tỉnh đã kết thúc giai đoạn điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bất cứ phụ huynh nào trong vụ gian lận thi cử, làm thay đổi điểm của 114 thí sinh.
Gian lận thi cử dù ở bất cử quốc gia nào, dù có nền giáo dục tiên tiến hay chưa cũng là vấn đề khó tránh khỏi. - Ảnh minh họa
Quá trình điều tra không thể vội vàng
Rõ ràng, sự quan tâm của dư luận đến vấn đề gian lận thi cử dù ở quốc gia nào cũng rất lớn. Năm 2018, dư luận châu Á và thế giới cũng quan tâm đến việc ĐH Y Tokyo, Nhật Bản, bị cáo buộc đã sửa điểm thi tuyển sinh của hàng loạt sinh viên, nhằm giảm tỷ lệ nữ sinh theo học tại trường.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, ĐH Y Tokyo, một trong những trường đào tạo y khoa uy tín nhất của Nhật Bản, bắt đầu thay đổi kết quả tuyển sinh từ năm 2011 để khống chế tỷ lệ thí sinh nữ trúng tuyển dưới 30%. Trong khi đó lãnh đạo trường này lại bị cho là đã nhận hối lộ từ Futoshi Sano, một quan chức cấp cao trong Bộ Giáo dục, để nâng điểm tuyển sinh cho con trai ông này.
Khi các ĐH tại Việt Nam bắt đầu hướng xử lý với thí sinh trong diện nâng điểm, nhiều câu hỏi đặt ra rằng: Tại sao đã gần hết năm học mới có kết quả điều tra. Nhưng rõ ràng, với sự việc tương tự, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không thể vội vàng, quy trình điều tra không thể xong trong một hai tuần. 200 đặc vụ Mỹ phải mất 2 năm để có đủ chứng cứ đưa đường dây chạy điểm thi ĐH của nước này ra ánh sáng.
Như vậy, với 12 thí sinh trong danh sách nâng điểm vẫn đang học ĐH ở Việt Nam - vì điểm chấm thẩm định của họ vẫn đủ đỗ, chúng ta cũng không thể vội vàng. Phải có các chứng cớ liên quan, thì mới có hướng xử lý phù hợp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra, sau khi có kết quả điều tra sẽ xem xét tiếp tục xử lý. Rõ ràng, không thể vội vàng được.
Nhưng từ những vụ gian lận này, chúng ta có thêm bài học kinh nghiệm sâu sắc, để có sự chuẩn bị tốt nhất về con người, về quy chế, chế tài để hạn chế tối đa gian lận thi cử trong thời gian tới.
Phan Thủy
Theo phapluatxahoi
Thủ tướng yêu cầu khởi tố nếu có hành vi "đưa - nhận hối lộ" trong vụ gian lận điểm thi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi đã thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ. Ảnh minh họa Liên quan đến vụ gian lận điểm thi xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La,...