Vụ điều giáo viên tiếp khách: Bộ trưởng có đau lòng không?
Tại phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng bà thật sự đau lòng sau vụ việc nữ giáo viên ở Hà Tĩnh bị điều đi tiếp khách.
Chiều 16/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo thêm Quốc hội về giáo dục.
Liên quan việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều cô giáo đi tiếp khách (đại biểu Quốc hội chất vấn buổi sáng), Phó thủ tướng cho rằng việc này rất không tốt.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, gần đây, một số cơ quan yêu cầu nhân viên nữ tiếp khách trong những dịp lễ, kỷ niệm. Đây là những việc không cần thiết, cần chấn chỉnh.
‘Mong đại biểu thông cảm’
Trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói thêm về chủ đề này khi bắt đầu trả lời chất vấn đầu giờ chiều nay.
Ông Nhạ cho biết câu trả lời của mình buổi sáng “nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo” nhấn mạnh việc điều động giáo viên tiếp khách là không đúng mục đích và không phù hợp.
“Có lẽ, tôi diễn đạt chưa rõ ý, trong đó có từ vui vẻ. Khi yêu cầu địa phương giải thích, họ cũng nói đây là hoạt động đối ngoại, vui vẻ. Có lẽ là diễn đạt chưa được rõ ý, xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định luôn ưu tiên vấn đề bình đẳng với phụ nữ vì lực lượng giáo viên nữ lớn, đóng góp quan trọng cho ngành. Bộ GD&ĐT cũng có Ban tiến bộ phụ nữ và tổ chức nhiều hoạt động nhằm ghi nhận, biểu dương đóng góp của nữ giáo viên.
Đại biểu Quốc hội: Tôi rất đau lòng
Trong phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều hàng chục giáo viên nữ tiếp kháchtrong các hoạt động không liên quan công việc của họ.
Theo ông Chiến, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng họ không có thẩm quyền quản lý, xử lý.
“Ngành giáo dục địa phương đã làm hết trách nhiệm với giáo viên chưa? Bộ GD&ĐT có nên ban hành chỉ thị để giúp chấm dứt hiện tượng phi giáo dục, giáo viên phải đi làm tiếp viên như thế không?”, ông Chiến đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là sự việc có thật. Sau khi nhận được thông tin, ông đã có ý kiến, trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và gửi công văn về tỉnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá cao việc chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ra công văn yêu cầu chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh và sở GD&ĐT báo cáo vụ việc.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 16/11. Ảnh: Anh Tuấn.
Video đang HOT
Ông Nhạ nhận định trường hợp này không chỉ xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh. “Thực tế, nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo. Đây là hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ phải rút kinh nghiệm, bởi vì để xã hội phải nóng lên về vấn đề này, rõ ràng là không được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông cho biết thêm việc linh hoạt phải trong chừng mực chứ để xã hội nóng lên như thế là không được. Ông Phùng Xuân Nhạ cũng nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô.
“Tư lệnh” ngành giáo dục cho biết bộ này sẽ rút kinh nghiệm để chủ động chứ không bị động, khi báo chí phản ánh mới có ý kiến.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đồng tình với việc bộ trưởng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, bà không hài lòng khi đại biểu Nguyễn Văn Chiến dùng từ “tiếp viên” để nói về điều động cô giáo tiếp khách ở Hồng Lĩnh.
Bà Hiền cho rằng cách dùng từ này quá nặng và gây tổn thương đến các nữ giáo viên. Nữ đại biểu cũng muốn tranh luận lại về cách nhận định của Bộ trưởng GD&ĐT.
Trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập 3 nhóm vấn đề.
Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Nhóm vấn đề về công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề cập việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp.
“Mặc dù nhận trách nhiệm, bộ trưởng nói rằng cũng chỉ là vui vẻ thôi, dưới góc độ giới và đặc biệt là nữ đại biểu, tôi không biết bộ trưởng có đau lòng không; sau những sự việc như vậy, tôi thực sự đau lòng”, bà Hiền nói.
Nữ đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng với vai trò người chỉ đạo, định hướng và vì tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục, bộ trưởng phải có giải pháp tiếp theo để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành, danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên.
Tiếp lời đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tranh luận với đại biểu Nguyễn Văn Chiến rằng đây không phải là tiếp tân (ông Chiến dùng từ tiếp viên) và tranh luận với bộ trưởng đây không phải chuyện vui vẻ. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 14/11, người đứng đầu ngành giáo dục nói trước hết phải xem xét các cô giáo.
“Tôi nghĩ rằng giáo viên chắc chắn đau lòng với câu nói đó của bộ trưởng”, ông Vân nói.
Hồi tháng 8, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi trong văn bản hành chính. Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết việc huy động giáo viên tiếp khách có từ nhiều năm qua. Năm nay, thị xã có nhiều sự kiện lớn nên huy động là cần thiết, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mến khách mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quê hương.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 14/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc nhở giáo viên phải rút kinh nghiệm, giữ vững hình ảnh nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh.
Chiều cùng ngày, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc bố trí giáo viên làm công việc có thể ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của giáo viên và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp.
Sáng 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh báo cáo, giải trình.
Theo Zing
'Thí sinh không thể gian lận khi thi trắc nghiệm'
Sáng 16/11, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thí sinh không thể học tủ, nhìn bài, nhắc đáp án khi làm bài trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Sáng 16/11, 48 đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT. Các câu hỏi liên quan vấn đề lựa chọn thi trắc nghiệm nhiều môn trong kỳ thi 2017, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, dạy, học thêm...
Thi trắc nghiệm phù hợp đánh giá đại trà
Liên quan việc thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng hình thức thi này dễ xảy ra tiêu cực.
"Học sinh thi về nói với tôi chỉ thích trắc nghiệm. Phòng thi của cháu sẽ chọn bạn học giỏi nhất, bôi thật nhiều dầu gió. Cứ phương án 1, bạn ấy ho 1 tiếng, cả phòng tích vào; phương án 2 ho 2 tiếng và trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Chỉ cần 1 bạn làm được, cả phòng làm được bài, như vậy có phải phương án ưu việt hay không?", bà Nga dẫn câu chuyện và hỏi.
Theo nữ đại biểu, kỳ thi trắc nghiệm không phát huy tính tích cực chủ động. Đề thi không rèn được kỹ năng thực hành, gây lãng phí máy móc, phòng thí nghiệm được trang bị để dạy thực hành cho môn Lý, Hóa, Sinh. Kỹ năng nghe - nói tiếng Anh vốn rất kém của học sinh và giáo viên cũng không được khắc phục.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh THPT quốc gia là kỳ thi kiểm tra kiến thức phổ thông, cơ bản, toàn diện cho hàng triệu học sinh, chứ không chỉ tập trung học sinh giỏi.
Về cơ bản, kỳ thi chỉ thay đổi hình thức, vẫn đảm bảo khách quan, làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ đã tham khảo rất kỹ ý kiến chuyên gia, lắng nghe nhiều phân tích. Thi trắc nghiệm phù hợp mục đích đánh giá đại trà, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Việc thi trắc nghiệm linh hoạt, học sinh được trau dồi kiến thức trong quá trình học chứ không phải chỉ tập trung luyện thi. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề, thi riêng, có hệ thống chấm bài trên máy tính nên không có chuyện nhắc bài, ra dấu đáp án hay gian lận. Cách thi này tiết kiệm thời gian của thí sinh, công sức, tiền bạc.
"Đây là hình thức thi minh bạch, không cứng nhắc, máy móc, vận dụng cả những kiến thức xã hội và ngoài cuộc sống. Học sinh học gì thi đó. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã làm như vậy trên nền tảng công nghệ và thành công. Tôi muốn cử tri và đại biểu chia sẻ với ngành giáo dục về sự đổi mới này", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng theo lộ trình, có kế hoạch qua từng năm, năm sau điều chỉnh khắc phục điểm yếu của năm trước. Nhưng về toàn diện, đây là phương án thi phù hợp và ổn định nhất.
Đau đầu với dạy, học thêm biến tướng
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Quyết Tâm đưa ý kiến không được cấm dạy và học thêm chính đáng, chỉ cấm lợi dụng để bắt ép học sinh, ví dụ như không dạy hết nội dung ở lớp chính khóa mà mang về nhà dạy, lấy nội dung dạy thêm ra kiểm ra 15 phút.
Về chất lượng đào tạo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp có lỗi trong việc để sinh viên ra trường không có việc làm, dù chất lượng còn liên quan nhiều vấn đề, yếu tố. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định chỉ cấm dạy và học thêm biến tướng: "Có những trường hợp hợp lý không đặt vấn đề cấm mà quan tâm chấn chỉnh".
Theo ông Nhạ, thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, chỉ thị để uốn nắn việc dạy và học thêm đúng hướng; đồng thời, yêu cầu địa phương và các cơ sở giáo dục kiểm tra sâu sát hơn trong việc kiểm tra các trung tâm dạy thêm, tránh việc ép học sinh.
Trong tương lai, sách giáo khoa sẽ được chỉnh lại, lược bỏ nội dung không phù hợp, trùng lặp để chương trình nhẹ, hợp lý hơn.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) tranh luận: "Bộ trưởng cho rằng dạy thêm, học thêm đã đi vào ổn định hơn thì xin cho biết rõ thế nào. Bộ trưởng nói đây chưa phải vấn đề gấp, tôi không đồng tình".
Bà cho biết thêm tại Hà Nội hiện nay, tình trạng dạy, học thêm đang rất bức xúc, nhiều trường hợp xuất phát từ động cơ vụ lợi, ép học sinh học thêm bằng nhiều cách. Không ít cơ sở dạy thêm phát triển tràn lan do quản lý lỏng lẻo.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng các giải pháp bộ trưởng nêu ra để hạn chế tình trạng dạy thêm chưa căn cơ.
"Việc dạy thêm đang được chuyển sang hình thức tự nguyện. Phụ huynh phì cười bảo ai chả tự nguyện, phải ký đơn để được học thêm, trẻ em Việt Nam không có tuổi thơ. Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh ngay trong nhiệm kỳ này?".
Liên quan dạy và học thêm, người đứng đầu ngành giáo dục nhận được nhiều chất vấn nhưng phần trả lời chưa làm hài lòng đại biểu, dù nhiều lần nhận trách nhiệm vì chưa sâu sát, mới chỉ đưa ra các thông thư và chỉ thị.
191.000 sinh viên ra trường thất nghiệp
Rất nhiều đại biểu ý kiến về việc sinh viên ra trường thất nghiệp. Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đưa số liệu 191.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm và mong bộ trưởng cho giải pháp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm về vấn đề này.
"Chương trình giáo dục chưa bám sát yêu cầu thị trường lao động dẫn đến đào tạo không sát, chưa chú trọng kỹ năng và tiếp xúc thực tế. Mở trường phải có ý kiến chuyên môn nhưng thực tế chưa thực hiện được", Bộ trưởng GD&ĐT trả lời.
Theo bộ trưởng, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm ngay, cần qua quá trình thực tế, ngay đại học lớn như Harvard cũng vậy. Hiện 80% sinh viên ra trường có việc làm, số này thường rơi vào nhóm trường cấp trên. Số không có việc làm tập trung ở những trường mới thành lập, chất lượng kém.
"Tư lệnh" ngành giáo dục nêu ra một số giải pháp sắp tới bao gồm: Yêu cầu các trường báo cáo sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm, cấp học bổng cho sinh viên giỏi là người dân tộc thiểu số. Số sinh viên này không nhiều nhưng là hạt nhân để sau này quay về phục vụ địa phương
Ông Nhạ cũng cho biết vừa qua, Thủ tướng ban hành khung hệ thống giáo dục quốc dân, qua đó sẽ bổ sung giáo dục nghề nghiệp, bám sát yêu cầu thị trường lao động, chú trọng kỹ năng, tiếp xúc thực tế.
Đối với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) không hài lòng và yêu cầu bộ trưởng mạnh dạn trả lời câu hỏi: Vậy Bộ GD&ĐT có lỗi gì không và dự định đào tạo nhân lực thế nào?
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, đúng là thời gian qua sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn hạn chế, tới đây sẽ phối hợp tốt hơn.
Theo Zing
Hà Tĩnh yêu cầu báo cáo việc điều giáo viên tiếp khách Sáng 15/11, bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trao đổi với báo chí về việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều giáo viên đi tiếp khách. Theo ông Khánh, ngay trong sáng 15/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh báo cáo, giải trình thông tin điều một...