Vũ điệu bánh canh
Hồi nhỏ, không hiểu sao tôi cả quyết rằng dì Ba sinh ra chỉ để… nấu bánh canh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tầm bốn rưỡi, năm giờ sáng là dì lạch cạch đặt gánh bánh canh dưới gốc đa đầu xóm.
Mùa hè không nói làm gì, mùa đông giờ đó trời còn lạnh ngắt, tối thui. Vậy mà dì vẫn lui cui với gánh bánh canh dưới ngọn đèn tù mù treo trên nhành cây. Khác với “ông Đồ” của Vũ Đình Liên: “Qua đường không ai hay”, dì ngồi chưa ấm chỗ đã thấy năm sáu người ghé vào: anh xe thồ, chị bán cá, ông nông dân, bà hàng rau, mấy học trò trường huyện. Người ngồi trên rễ cây đa, người ngồi đòn tre, người ngồi lên cục gạch đợi dì múc bánh canh. Bình dị vậy nên tôi cho rằng dân ăn bánh canh không hề… chảnh. Ai cũng húp bánh canh xoàn xoạt, khen tiêu nồng, hành thơm, ngò đượm, bánh canh dẻo, chả cá dai…
Bình dị vậy nên tôi cho rằng dân ăn bánh canh không hề… chảnh. Ai cũng húp bánh canh xoàn xoạt, khen tiêu nồng, hành thơm, ngò đượm, bánh canh dẻo, chả cá dai.. – Ảnh: Giang Vũ
Có đến bốn năm người nấu bánh canh ở làng tôi, nhưng “đỉnh” nhất vẫn là dì Ba. Hỏi bí quyết, dì nói có gì đâu, nấu bánh canh cần có cái… tình. Ơ hay, bánh canh mà cũng tình hả dì? Dì nói chớ sao, miếng ngon nhớ lâu, nỗi đau nhớ đời mà. Có cái tình với người ăn nên mua cá làm chả phải lựa cá tươi, viên chả mới săn lại, ngọt từ ngoài ngọt vô.
Xay bột phải chọn gạo tốt thì bánh mới dai; ủ bột, nhồi bột cũng đợi đúng giờ đúng giấc. Sớm hay trễ một canh giờ thôi, con bánh canh hoặc là bở hoặc là chua, không vừa miệng người ăn được đâu. Tôi nói dì ơi, lớn lên con làm ông to, nhất định con phong dì cái chức đứng đầu ngành thanh tra thực phẩm. Dì xua tay nói thôi thôi, đứng đầu ngành… bánh canh của làng là sang lắm rồi.
Tuần trước, bạn tôi từ Sài Gòn về thăm quê. Nó nói nhớ bánh canh. Tôi với mấy thằng nữa, đều là “tín đồ” của dì Ba, mới hừng đông chưa rõ mặt người đã hú nó ra gốc đa ngồi với tô bánh canh bốc khói. Nó vừa ăn vừa nói trong khói bánh canh cay cay hương vị quê nhà.
Video đang HOT
Như một tác phẩm nghệ thuật, hình như món ngon cũng làm người ta… xúc động. Có người xuýt xoa: “Úi chu cha dì Ba ơi! Bánh canh của dì húp tới đâu… nhẹ đầu tới đó”. Hôm nào xóm có khách vãng lai, “sức mua” tăng đột ngột, đôi tay dì thoăn thoắt múc bánh canh, rắc gia vị trông cứ như… múa. Em gái tôi nói đó là vũ điệu bánh canh.
Có lần tôi hỏi sao dì không xây quán bán trước nhà cho gần. Dì cười, nói làng cho tiền, dì xây liền. Mà thôi, dì ngồi đây quen rồi. Giờ đổi chỗ, gốc đa nhớ… bánh canh thì tội lắm.
Trần Cao Duyên
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
Nồng đậm vị quê bánh canh vịt Quảng Trị
Với người Quảng Trị, xếp sau bánh canh cá lóc có lẽ phải kể đến bánh canh vịt. Khác với cháo cá bán cả ngày, thường bánh canh vịt chỉ bán vào buổi chiều cho những ai ăn xế.
Bánh canh vịt Quảng Trị - Ảnh: Trương Trà Linh
Vịt nấu với bột gạo hay bột lọc (bột sắn) cũng đều ngon, nhưng bột gạo phổ biến hơn vì ăn khá là nhẹ bụng. Cũng nhào từ bột gạo như cháo cá, nhưng sợi bánh canh vịt được xắt to hơn một chút. Vịt ngon làm sạch, chặt thành từng miếng vừa ăn, ướp với củ nén và gia vị rồi um lên thơm ngào ngạt. Vịt chín tới thì thêm nước, đun sôi liu riu cho đến khi nước ngọt, vịt mềm mới thảy bột vào. Bột vừa chín, người nấu dụi bớt củi, chỉ để lại một chút vừa đủ giữ nóng nồi rồi gánh đi quanh xóm bán cho từng nhà. Hoặc chỉ đơn giản là bắc cái nồi ra trước hiên, xếp thêm mấy bộ bàn ghế thấp, bày ít tô, chén ra rồi bán, không cần biển hiệu mà khách vẫn nườm nượp kéo đến ăn, ai không may đến chậm là "được" bụng đói ra về.
Tô bánh canh vịt ngon nhờ miếng thịt mềm, cọng bột đầy đặn, mà nước dùng thì ngọt, thơm. Lớp nước béo vàng ươm sóng sánh - màu vàng đặc trưng của mỡ vịt - khiến cháo vịt không thể bị lẫn với bất cứ món bánh canh nào khác. Nồi bánh canh vì thế mà luôn rộn ràng, hấp dẫn, vì bên dưới lớp màng vàng óng kia, là bao nhiêu miếng thơm, miếng ngon.
Tô bánh canh vịt ngon nhờ miếng thịt mềm, cọng bột đầy đặn, mà nước dùng thì ngọt, thơm - Ảnh: Trương Trà Linh
Nồi mắm gừng thật hoành tráng vì phục vụ cho lượng khách đông đảo - Ảnh: Trương Trà Linh
Banh canh vịt thì không thể thiếu mắm gừng. Người bán thường làm sẵn một nồi mắm gừng to, đỏ rực màu ớt lẫn với gừng băm nhuyễn, khi khách ăn thì múc ra chén nhỏ dùng kèm. Mắm dùng để nêm thêm vào cháo tùy khẩu vị của khách, hoặc để dùng chấm với thịt vịt. Nhiều khách đến quán ngoài ăn bánh canh, còn gọi thêm đĩa lòng mề hay cổ cạnh nhâm nhi cùng chén mắm.
Bánh canh vịt bột lọc với con bánh trong suốt đẹp mắt - Ảnh: Trương Trà Linh
Ngoài bột gạo, bánh canh vịt còn được nấu bằng bột lọc. Nếu là bột lọc thì chủ quán không cho bột vào ngay từ đầu mà cho theo từng mẻ vừa phải, bán hết lại cho mẻ khác vào để nước không bị rền quá. Vịt cũng không um lên mà chỉ cho vào luộc lấy nước rồi vớt ra để riêng, khi ăn khách gọi phần nào mới cho phần đó vào nhúng qua rồi múc ra tô bánh canh. Ăn bánh canh bột lọc cũng là một cái thú. Sợi bột khi chín chuyển sang màu trong, ăn vừa dẻo, vừa dai, lích nhích rất vui miệng, thêm chút hành lá, rau răm, trái ớt, chút mắm gừng,.. thì ăn bao nhiêu cũng hết.
Quảng Trị nhiều miếng ngon, đất cằn mà vị quê thì nồng đậm. Bưng tô bánh canh vịt hít hà, người xa lỡ có về rồi lại chẳng muốn bước chân đi...
Trương Trà Linh (thực hiện)
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
[Chế biến] - Bánh canh giả cua Bánh canh nấu theo dạng bánh canh cua nhưng sử dụng trứng gà để làm giả cua. Mọi người cùng thử nhé! Nguyên liệu: - 500g bánh canh - 500g xương heo - 200g tôm - 200g chả cá - 300g thịt nạc dăm - 4 trứng gà 2 - 200g bánh tôm - 200g huyết heo - Hạt nêm, muối, tiêu, đường,...