Vụ cô giáo đánh, kéo tai học trò: Cần nhìn nhận đa chiều
PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận đa chiều vụ cô giáo tiểu học tát, mắng, véo tai học sinh trong nhiều ngày và bị camera giấu kín ghi lại.
Gần đây, dư luận bức xúc với việc cô giáo N.H.H (giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP HCM) có hành vi bạo hành trẻ và bị camera bí mật ghi lại.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Thành Nam, cho rằng, ở trường hợp này, cô giáo có lẽ đã nghĩ rằng những hành vi bạo lực đó là sai nhưng khi thử bằng cách khác thì lại không có hiệu quả.
Nếu muốn kỷ luật mang tính tích cực với học sinh, phải dựa trên mối quan hệ. Tức, mối quan hệ giữa cô trò gần gũi nhau thì khi cô phạt học sinh nhẹ nhàng, các em sẵn sàng nghe lời. Cô phải giống như “ông chủ tốt” của trò thì trò mới nể và nghe theo.
PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).
Mặt khác, các thầy cô chỉ được tuyên truyền những điều được làm/không được làm thế này/thế kia khi có sự việc xảy ra. Thực tế, ta cần phải hướng dẫn các thầy cô làm như thế nào để quản lý những hành vi sai của học sinh sao phù hợp nhất. Xử lý tình huống phát sinh sao cho vẫn bảo vệ được cô giáo và không gây tổn thương cho học sinh.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, hành vi của cô cần được nhìn trong cả một quá trình. Việc kiểm soát cảm xúc của giáo viên là rất quan trọng vì có thể dẫn tới hành vi sai.
Các thầy cô thường có suy nghĩ, muốn cho học sinh nghe theo lời mình thì phải khiến các em sợ hoặc xấu hổ. Các cô chưa được trải nghiệm với cái mới nên niềm tin không thay đổi. Cô giáo chỉ cố gắng thay đổi về mặt hành vi là vì cô sợ, chứ không tự giác.
Muốn giáo dục một đứa trẻ cần phải làm cho các em cảm thấy nếu mình ứng xử sai thì sẽ bị tước mất cơ hội, quyền lợi. Còn nếu giữ nguyên theo cách dạy học sinh/dạy con theo kiểu cũ thì không thể thay đổi được niềm tin.
Chung quy lại, người thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ. Tất cả những bài học về tình yêu thương chúng được học trên lớp nhưng bản thân cô giáo, bố mẹ hay ngoài xã hội lại diễn ra theo những hướng khác.
Video đang HOT
Camera bí mật ghi lại cảnh cô giáo tát mắng học sinh ở TP Hồ Chí Minh.
Khi ấy nếu có giáo dục về hành vi lối sống trên lớp cũng chỉ là hình thức. Nó chỉ được áp dụng ở trong một phạm vi nào đó mà có sự giám sát chặt chẽ, mọi người sợ bị vi phạm, sợ bị phạt nên cố gắng ứng xử với nhau theo nguyên tắc. Sau này khi lớn lên, đứa trẻ có thể sẽ có những hành vi “siêu giả vờ”, ở trong môi trường nào thì ứng xử như thế.
Ví dụ, khi đi trên đường mà cứ thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông thì mới nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông, còn nếu không thì lại vô tư vượt đèn đỏ, không có tính tự giác. Hành vi đạo đức, phẩm chất lối sống của con người phải hình thành dựa trên tính tự giác.
“Qua câu chuyện này, chúng ta nên nhìn nhận đây là vấn đề của cả hệ thống. Rõ ràng, an ninh an toàn trường học đang thực sự có vấn đề.
Trước đó, vào ngày 23/8, nhiều em học sinh lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Tân Phú, TP HCM) về nhà nói với bố mẹ bị giáo viên chủ nhiệm là cô N.H.H. đánh, véo tai liên tục, quát mắng học sinh. Camera được bí mật lắp ở lớp học 4 ngày liên tiếp từ 27 đến 30/8 và ghi được hình ảnh cô giáo có các hành vi bạo hành học sinh.
Hiện tại, Thanh tra quận Tân Phú đã lập đoàn thành tra để tìm hiểu nguyên nhân của sự việc. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM, hành vi của cô giáo là phản giáo dục và không thể chấp nhận được, cần phải đưa ra khỏi ngành giáo dục. Hiện tại, cô giáo H. đang bị tạm đình chỉ đứng lớp.
Đan Lê
Theo Dân trí
Chiếc camera đặt lén ở góc lớp
Sự việc cô giáo đánh, kéo tai, chửi học trò lớp 2 tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TPHCM) được phanh phui bằng một chiếc máy quay đặt lén ở góc tủ của lớp.
Từ đây cũng kéo theo những băn khoăn...
Trước hết, phải khẳng định, ai đặt chiếc camera này cũng không thay đổi bản chất hành vi đánh, kéo tai, phạt học trò của cô N.H.H. trong không gian lớp học mà cô là người chịu trách nhiệm. Ở đó, lớp học ngập tràn trong cảnh học sinh bị đánh, kéo tai, bị phạt...
Clip cô N.H.H đánh, kéo tai trẻ... được tung ra từ một máy quay đặt lén trong lớp học
Nếu không có chiếc máy quay đặt lén này thì việc cô giáo đánh học trò có thể là "bí mật" trong lớp học. Có chăng chỉ được thể hiện qua những lời kể yếu ớt, tâm lý hoảng sợ của học sinh và thêm sự hoang mang của những phụ huynh có quan tâm đến con.
Tuy nhiên, chiếc máy quay đặt ở góc lớp tại một trường học không có quy định gắn camera trong lớp là một vấn đề đề được nhắc đến trong sự việc này. Cô giáo N.H.H. đã hoàn toàn nhận hành vi của mình là sai, xin lỗi phụ huynh và xin nhận mọi kỷ luật.
Cô H. cho biết, trước khi clip được tung ra, có người đã gọi điện cảnh báo và cả đe dọa cô H., sau đó thì cô không dám đánh, mắng học sinh nữa. Cô vốn đang có "mâu thuẫn" với nhà trường khi đứng ra tố cáo những sai phạm của hiệu trưởng nên cô rất sợ bị kiện, bị "nắm thóp".
Thông tin phụ huynh vào trường đặt lén máy quay, góc độ là người trong cuộc, cô H. khẳng định, phụ huynh không thể vào lớp để đặt máy quay, lớp học này có hai khối lớp theo học, sáng một lớp, chiều một lớp. Nhất là góc quay ở trên cao, bắt buộc phải bắc ghế, bắc thang mới có thể lắp đặt được thiết bị. Việc gắn thiết bị trong nhiều ngày, sau đó còn phải gỡ ra để thay pin, lấy dữ liệu... theo cô H., không phụ huynh nào làm được nếu không được phép của nhà trường.
Phía Trường tiểu học Phan Chu Trinh khẳng định trường không có quy định gắn camera trong lớp học. Trước thông tin "phụ huynh vào lớp bí mật đặt máy quay", nói về quy định phụ huynh được vào lớp học trong trường hợp nào, bà Trần Thị Mai Hoa - Hiệu phó Trường tiểu học Phan Chu Trinh cho hay, nhà trường chỉ cho phụ huynh vào lớp ngày đầu tiên của năm học để đưa đón học sinh, sau đó, ngày thứ 2 đưa đón tại sân trường. Vào giờ học thì phụ huynh không được đến lớp, mọi trao đổi với giáo viên đều diễn ra ở phòng tiếp dân, phòng làm việc của ban giám hiệu.
Trước ý kiến về việc liệu có khả năng phụ huynh vào lớp gắn camera hay không, bà Hoa cho biết đó cũng là thắc mắc của nhà trường. Tuy nhiên, vị hiệu phó thông tin thêm, quy định phụ huynh không được vào lớp nhưng trong tuần đầu tiên của năm học, nhà trường có tổ chức cho các lớp trang trí lớp học, lúc này có huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh.
Trong thời gian này, có một số phụ huynh tài trợ ti vi, quạt, rèm cửa... nhà trường có tạo điều kiện để phụ huynh vào lớp. Thời gian cho phụ huynh lắp đặt là từ ngày 20/8 cho đến hết tháng 8.
Hiện nay, nhà trường tạm thời đình chỉ công tác giảng dạy của cô H. và sự việc được thanh tra quận tiếp nhận, xử lý.
Không liên quan đến sự việc này nhưng ở một diễn biến khác, cô H. là người tố cáo về một số sai phạm, hành vi của hiệu trưởng nhà trường, bà Đ.T.S. Mới đây, vào ngày 22/8/2019, UBND quận Tân Phú đã ra Văn bản số 188/TB-UBND thông báo kết quả giải quyết tố cáo của giáo viên N.H.H. đối với một số hành vi không đúng quy định của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Theo đó, kết quả xác minh cho thấy, hiệu trưởng đơn vị đã kê khai chứng từ bảng kê phụ trội thêm giờ để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng các môn tin học, mỹ thuật không đúng tình hình thực tế. Qua kiểm tra, cho thấy đơn vị đã khắc phục sai phạm và nộp toàn bộ số tiền chênh lệch hơn 259 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với sai phạm này đối với tập thể Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và cá nhân Hiệu trưởng chưa được xử lý.
Nói một cách tách bạch, việc cô H. có những hành vi đánh, kéo tai, phạt trẻ trong nhiều ngày liền của đầu năm học và việc cô là người đứng ra tố cáo sai phạm là hai sự việc độc lập. Điều này không thay đổi hành vi cô đánh, kéo tai, xử phạt trẻ một cách phản giáo dục trong lớp học.
Hiện nay, việc có nên gắn camera công khai ở lớp học hay không vẫn có nhiều ý kiến trái chiều trong nhiều năm qua giữa hai trường phái. Nhưng chuyện chiếc camera được đặt lén sẽ là một lời cảnh báo, cảnh tỉnh.
Trong một hội thảo gần đây về Đạo đức nhà giáo tổ chức ở TPHCM, PGS.TS Trần Thị Phương Mai (ĐH Sư phạm Hà Nội) khi đề cập đến một số clip bạo hành, đánh đập trẻ trong lớp học, bà đặt câu hỏi: Ai có thể vào quay các anh chị? Nếu không phải là đồng nghiệp, là người bên cạnh chúng ta?
TS Phương Mai nói đến điều này không phải nhắc giáo viên đối phó, đương đầu, mất niềm tin mà muốn nhấn mạnh, mỗi người thầy phải luôn nhắc bản thân không ngừng tự rèn luyện, phải chuẩn mực, biết kiềm chế, tỉnh táo, cẩn trọng trong hành vi đạo đức lẫn lời ăn tiếng nói.
Còn khi bản thân mình có hành vi phản giáo dục, mình vi phạm đạo đức làm người, đạo đức nhà giáo thì không điều gì có thể biện minh. Mình không thể ngăn cấm, kiểm soát được người khác nhưng hoàn toàn có thể thay đổi, kiểm soát, điều chỉnh hành vi, lời nói của chính mình.
Thiết nghĩ lời nhắc nhở này không chỉ dành riêng cho nghề giáo, cho người thầy mà cho tất cả mỗi chúng ta...
Hoài Nam
Theo Dân trí
Vụ phụ huynh lắp camera phát hiện cô giáo đánh học sinh, chuyên gia Vũ Thu Hương chia sẻ về "một khía cạnh khác" nguy hiểm không kém Đang có vụ việc "giáo viên TP.HCM đánh trẻ", tôi đương nhiên phản đối hành vi xâm phạm trẻ của cô giáo, nhưng tôi muốn phân tích một khía cạnh khác về Phong cách giáo dục "không phạt" đã hủy hoại trẻ em thế nào? Các đây gần 10 năm, ở nước ta xuất hiện phong cách giáo dục "không phạt". Người ta...