Vụ bảo mẫu hành hạ trẻ: Lãnh đạo Bộ GD-ĐT sốc
(Dân Việt) “Chúng tôi rất buồn và thực sự rất sốc với những hành động thô bạo không thể chấp nhận được của 3 cô giáo đối với trẻ”, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT bày tỏ.
Vừa qua, chị Hằng – mẹ bé Cù Hoàng P.L. (15 tháng tuổi) đã chia sẻ câu chuyện cậu con trai 15 tháng tuổi bị cô giáo trói tay chân, nhét giẻ vào mồm lên mạng xã hội.
Sự việc xảy ra tại nhóm lớp Mầm non tư thục Sơn Ca, đường Hữu Nghị, TP Đồng Hới, Quảng Bình.
Đến nay, Sở GD-ĐT Quảng Bình đã có báo cáo lên Bộ GD-ĐT và thừa nhận thông tin trên là đúng sự thật.
Video đang HOT
Cháu bé bị trói chân tay
Là người quản lý Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT không thể chấp nhận hành động của 3 cô giáo trẻ.
“Vụ việc ở Quảng Bình, chúng tôi rất buồn và thực sự rất sốc với những hành động thô bạo không thể chấp nhận được của 3 cô giáo đối với trẻ. Hành động này thể hiện cô giáo không có tình yêu thương đối với trẻ”, ông Minh bày tỏ.
Theo ông Minh, đối với những trường hợp bạo hành trẻ, pháp luật đã có những quy định xử phạt cụ thể. Đặc biệt, đối với giáo viên, hành vi này càng cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn các trường hợp tương tự có thể xảy ra để đảm bảo một môi trường an toàn cho trẻ khi tới trường.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, sự việc xảy ra tại cơ sở mầm mon là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục. Phòng Giáo dục để cơ sở GDMN hoạt động không đúng quy định mà không kiên quyết đình chỉ. Các địa phương phải kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương phối hợp các lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm quy định”, ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh, với nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh ngày càng tăng như hiện nay, các cơ sở GDMN tư thục cũng góp phần đáng kể nhu cầu tới trường của trẻ, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở GDMN công lập.
Trên cơ thể bé L. xuất hiện nhiều vết thâm tím sau khi đi học tại trường mầm non
Do đó, để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương phối hợp với các tổ chức, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Phát huy vai trò của nhân dân trong khu dân cư, tổ dân phố trong việc giám sát, phát hiện các nhóm lớp tư thục độc lập hoạt động trái quy định, không đảm bảo an toàn cho trẻ, đề nghị chính quyền địa phương xử lý theo quy định.
Mặt khác, cần có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ các cơ sở hoàn thiện thủ tục để được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
“Các địa phương phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục mầm non”, ông Nguyễn Bá Minh cho hay.
Trước đó, chị Hằng (mẹ cháu bé bị bạo hành) cho biết, ngày 5.10, khi mở camera lớp học để theo dõi thì chị phát hiện cô giáo Linh đang cho con mình ăn.
Chị thấy rõ cháu L. bị cô véo tai nhiều lần vì không chịu nuốt. Đến khoảng 10h57, nhìn qua camera chị Hằng thấy cô Hà kéo con vào góc lớp, lấy thìa Inox vẫn thường đút cho các bé ăn và đánh nhiều lần vào tay, vào má cháu. Quá hoảng hốt và tức giận, chị Hằng gọi điện cho chồng đến thẳng trường để làm việc với hiệu trưởng.
Sau đó, hai vợ chồng chị Hằng bật cửa vào phòng ngủ các con mà không gõ cửa. Anh chị vô cùng bàng hoàng khi thấy cậu con trai mới 15 tháng tuổi của mình bị 3 cô giáo đè xuống sàn nhà, hai tay hai chân bị trói quặt về phía sau. Cô Anh đang nhét khăn vào miệng cháu bé còn còn cô Linh và một cô nữa đang giữ chặt con. Chân tay của cháu L. bị thâm tím. Ngay sau đó, gia đình đã làm việc với hiệu trưởng về vụ việc.
Theo Danviet