Vụ án 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin: Y tá đã tiêm thuốc độc
Sáng 22.5, Công an tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi họp báo thông báo kết quả điều tra vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa (Quảng Trị) làm 3 trẻ sơ sinh tử vong.
Việc tổ chức họp báo về vụ án của Công an tỉnh Quảng Trị được dư luận địa phương đánh giá cao
Nhiều thông tin của vụ án đã phần nào được làm sáng tỏ trong cuộc họp báo sáng 22.5
Thượng tá Lê Quang Công, Quyền trưởng phòng CSĐT về TTXH, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết sau khi khởi tố vụ án (10.10.2013), Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Bộ Công an đã khẩn trương tập trung làm rõ vụ án.
Đến ngày 26.3, cơ quan này đã bắt bà Nguyễn Thị Thuận (y tá tại Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa, trú khóm 3B, thị trấn Khe Sanh) vì hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Đến nay, bà Thuận đã nhận tội.
Theo kết quả điều tra, ngày 20.7, bà Thuận được một y tá khác mở khóa phòng khám của bệnh viện để vào lấy vắc xin viêm gan B cho 3 trẻ sơ sinh được bảo quản trong tủ lạnh.
Lúc này, bệnh viện đang bị mất điện nên bà Thuận lấy điện thoại di động soi để lấy vắc xin. Sau khi về lại khoa sản, bà Thuận nạp vắc xin vào 3 ống tiêm rồi lần lượt tiêm cho 3 trẻ sơ sinh.
Đến khi nghe tiếng kêu cứu của gia đình bệnh nhi, bà Thuận đã đưa các cháu lên phòng đơn nguyên để cấp cứu.
Video đang HOT
Nghĩ mình đã tiêm nhầm thuốc, bà Thuận quay lại phòng khám, lấy hộp đựng 3 lọ thuốc đã tiêm trước đó, cho vào túi áo. Đồng thời, y tá này lấy thêm 3 lọ vắc xin viêm gan B trong tủ lạnh đưa về phòng hút hết thuốc ra rồi cho vào sọt rác.
Đối với 3 vỏ thuốc đã tiêm nhầm, bà Thuận vứt dưới gốc cây trong bệnh viện; đối với hộp đựng thuốc, bà Thuận mang vào phòng vệ sinh và thấy trên hộp có ghi chữ “thuốc độc” nên vứt ra cửa sổ.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, “vắc xin viêm gan B” mà bà Thuận đã lấy và tiêm cho các cháu, dẫn đến thảm kịch, thực chất là thuốc Esmeron.
Đây là loại thuốc giãn cơ, dùng trong gây mê, thuộc nhóm thuốc độc do bác sĩ Lê Huỳnh Sơn (nhân viên của Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa) tự gửi vào tủ lạnh của phòng khám để bảo quản từ cuối tháng 5.2013 và lấy bút lông ghi vào chữ “thuốc độc”.
Đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị trả lời chất vấn của đại diện các cơ quan báo chí
Tại buổi họp báo, đông đảo phóng viên cũng đã đặt các câu hỏi cho cơ quan điều tra và Sở Y tế Quảng Trị.
Tiền Phong: Vụ án xảy ra vào ngày 20.7.2013, non 3 tháng sau, ngày 10.10.2013, Cơ quan CSĐT mới khởi tố vụ án và gần 7 tháng sau mới khởi tố bị can là khá lâu. Có sự chậm trễ hoặc vướng mắc gì không?
Đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Trị: Có thể nói việc điều tra vụ án này gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất do hiện trường đã bị xáo trộn do bị can đã có nhiều việc làm đối phó với cơ quan điều tra. Chúng tôi cũng đã khẩn trương lấy mẫu vật, mẫu phẩm theo đúng quy định nhưng kết quả giám định ban đầu cũng gặp khó. Hơn nữa, đây là vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế, chúng tôi phải nhờ cả đến hội đồng y khoa, mời các nhà khoa học để tham khảo ý kiến. Nói chậm là chậm so với mong mỏi của dư luận chứ chúng tôi phải làm hết sức thận trọng. Đến thời điểm 7 tháng sau khi vụ án xảy ra, chúng tôi mới có đầy đủ chứng cứ khởi tố bị can.
Thanh Niên: Liệu cơ quan CSĐT đã lưu ý đến trách nhiệm của bác sĩ Sơn, người đã tự gửi thuốc độc vào tủ lạnh và các cấp cao hơn của bị can Thuận? Cơ quan CSĐT có hướng xử lý như thế nào với việc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị đã cấp chứng nhận tiêm chủng “giả” cho bị can Thuận khi đoàn liên ngành kiểm tra sau khi sự cố xảy ra?
Đại tá Trần Đức Việt: Y tá Thuận chưa được tập huấn, chưa được cấp giấy chứng nhận về tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Nhưng thời điểm sau khi vụ án xảy ra, chúng tôi phát hiện có một chứng nhận do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cấp cho y tá Thuận. Điều này là sai và chúng tôi đã thu hồi chứng chỉ này. Dưới góc độ luật pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vì sao có chuyện này.
Quá trình điều tra, chúng tôi cũng đã tự đặt ra nhiều câu hỏi và sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Nếu nhẹ, sẽ xử lý hành chính còn nếu có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm hình sự.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện báo Nhân Dân và báo Pháp luật TP.HCM đề nghị cho công bố kết luận khoa học, kết quả giám định các mẫu phẩm của vụ án nhưng đại diện Cơ quan CSĐT đã “xin khất”. “Cái này chúng tôi xin phép chưa công bố vì vụ án vẫn đang trong quá trình tiếp tục điều tra”, đại tá Trần Đức Việt nói.
Theo TNO
Thủ tướng nhắc nhở ngành y tế rút kinh nghiệm để phòng chống dịch bệnh tốt hơn
Tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch sởi diễn ra vào chiều tối qua 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới.
Không để lây chéo là biện pháp quan trọng hiện nay để khống chế bệnh sởi
Thẳng thắn nhìn nhận
Báo cáo về diễn biến bệnh sởi hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch sởi xuất hiện sớm cộng thêm thời tiết xấu kéo dài gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, hiện số bệnh nhân mắc và tử vong đều đã giảm. Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, vaccine tiêm phòng sởi hiện không thiếu do trong nước đã sản xuất được, máy thở cũng đã được bổ sung đầy đủ. Về chuyên môn, Bộ Y tế đã lên phác đồ điều trị, các phương án ngăn chặn, lập kế hoạch dịch tễ toàn diện. Song người đứng đầu Bộ Y tế cũng bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ tiêm chủng bệnh sởi không cao, mới chỉ đạt khoảng 65%, nhất là tại một số thành phố lớn, dân trí cao "vì sợ tai biến".
"Công tác truyền thông yếu và không hiệu quả dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp, rồi việc người bệnh tập trung đông tại một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, trong khi cơ sở vật chất thiếu, nhất là phòng điều trị. Nếu còn tình trạng nằm ghép giường thì việc giảm tỷ lệ tử vong gặp nhiều khó khăn", bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay. Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, truyền thông phòng chống dịch còn yếu kém cũng như nhiều địa phương thiếu tập trung chỉ đạo dẫn đến kết quả tiêm chủng ì ạch. "Phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% cũng chưa hẳn an toàn vì chỉ bảo hộ 95%, vẫn còn 5% mắc bệnh. Dịch bệnh đang có chu kỳ quay trở lại, bùng phát cao, ngay nước Mỹ đã thanh toán hoàn toàn bệnh giờ cũng tái dịch. Việt Nam cam kết năm 2017 khống chế dịch bệnh này", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, sau 3 năm Hà Nội mới có bệnh nhân sởi trở lại và trường hợp đầu tiên vào cuối tháng 12-2013. Từ khi có dịch trở lại, Hà Nội có 1.339 bệnh nhân sởi (tính cả trường hợp sởi và triệu chứng sởi là sốt phát ban), phân tán ở 584 xã, phường, thị trấn. Hiện còn 766 bệnh nhân, trong đó đang nằm viện 511 bệnh nhân, còn lại điều trị tại nhà.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, số bệnh nhân mắc cao nhất trong ngày là vào 26-3 với 27 trường hợp. Tháng 3 ghi nhận nhiều nhất với 543 trường hợp. "Từ đầu năm đã có 54 bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi, trong đó trực tiếp do sởi là 14 bệnh nhân, còn lại trên các nền bệnh khác. Những trường hợp này hầu hết chưa được tiêm vaccine. Đặc biệt có trường hợp bệnh nhân 42 tuổi và 1,5 tháng tuổi vẫn mắc sởi, là rất lạ".
Kết quả tiêm phòng sởi của Hà Nội đến nay đã đạt 95,4% do tích cực vận động, tuyên truyền. Nhiều điểm tiêm tiếp cả nghìn trường hợp mỗi ngày nên tắc nghẽn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là dù số bệnh nhân nhập viện giảm, nhưng số ca nặng nhập viện có nguy cơ tử vong cao.
Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, hiện bệnh sởi đã có xu hướng giảm, song vẫn còn rất phức tạp, không được chủ quan, lơ là, cần tập trung đồng bộ các giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của Bộ và các địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc cấp cứu, điều trị, phải hạn chế thấp nhất tử vong, không để lây chéo. "Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ quá đông và quyết tâm dập tắt sởi càng sớm càng tốt", Thủ tướng chỉ đạo.
Về kết quả tiêm chủng còn ì ạch, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền là hết sức quan trọng, cần tập trung làm tốt để người dân đi tiêm phòng, phấn đấu tối thiểu đạt 95%. "Hiện chỉ đạt 65,3% là rất thấp, có tới 11 tỉnh tỷ lệ tiêm phòng dưới 50% cần phải phê bình. Nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ thì phải tích cực phổ biến, vận động. Đừng để người dân đổ xô đi mua hạt mùi... về phòng chữa sởi mà tác dụng chỉ có hạn"- Thủ tướng đề nghị.
Trước diễn biến dịch phức tạp trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở: "Bộ Y tế và các địa phương cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, theo dõi tình hình dịch bệnh cho kịp thời, đúng mức, trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực và hiệu quả. Nếu thời gian qua làm tốt việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thì đã giảm được tỷ lệ mắc và không có chuyện dồn lên một chỗ tạo ra lây chéo".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở ngành y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền,... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục lưu ý thực hiện tốt việc nghiên cứu, phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ, vi rút học... tăng cường đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo ANTD
Phụ huynh 'phát sốt' với bệnh sởi Thông tin về bệnh sởi hoành hành với hơn 8.000 ca có xét nghiệm nhiễm sởi và hơn 100 trẻ tử vong vì bệnh này ở Hà Nội đã làm nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Bệnh sởi đã trở thành 'cơn sốt' với phụ huynh thời gian này. Khi bệnh sởi lây lan, nhiều trẻ lớn mới được phụ huynh đưa...