Vụ ám sát cựu thủ tướng Lebanon 15 năm trước
15 năm sau khi cựu thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri bị ám sát, tòa án do LHQ hậu thuẫn chuẩn bị đưa ra phán quyết về 4 nghi phạm từ nhóm Hezbollah.
Rafic Hariri giữ chức thủ tướng Lebanon năm 1992 – 1998 và năm 2000 – 2004 sau cuộc nội chiến 1975 – 1990. Ông theo phái Hồi giáo Sunni, là tỷ phú đã lập nghiệp từ ngành xây dựng ở Arab Saudi.
Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri trong cuộc họp nội các ở Beirut ngày 20/9/2004. Ảnh: Reuters.
Khi trở thành thủ tướng lần đầu tiên năm 1992, ông là trường hợp hiếm hoi khi một lãnh đạo Lebanon không từng tham chiến. Ông đã dẫn đầu nỗ lực để tái xây dựng Beirut, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
Hariri có nhiều mối quan hệ quốc tế và là bạn thân của cố tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ông có hộ chiếu Arab Saudi và được coi là biểu tượng của ảnh hưởng của Arab Saudi với Lebanon trong những năm sau chiến tranh.
Trong một năm trước vụ ám sát, Hariri dính vào tranh cãi liên quan đến việc kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống thân Syria Emile Lahoud. Dưới áp lực của Syria, hiến pháp Lebanon được sửa đổi để cho phép gia hạn nhiệm kỳ thêm ba năm. Hariri phản đối động thái này nhưng cuối cùng đã ký thông qua sửa đổi.
Hariri ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2004, gây áp lực lên Syria về vai trò của họ ở Lebanon. Họ kêu gọi một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng, rút toàn bộ lực lượng nước ngoài và giải tán các nhóm vũ trang trong nước, trong đó có cả nhóm Hezbollah thuộc phái Shiite thân Syria.
Tháng 10/2004, Hariri từ chức thủ tướng nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong chính trường với tư cách nghị sĩ. Ngày 14/2/2005, Hariri lên xe sau khi ghé thăm một quán cà phê gần tòa nhà quốc hội. Một kẻ đánh bom tự sát ngồi trong một chiếc xe tải chứa hai tấn chất nổ quân sự đã chờ sẵn đoàn xe của Hariri. Anh ta kích nổ quả bom khi chiếc xe Hariri đang tự lái đi qua.
Hariri cùng 21 người khác thiệt mạng trong vụ nổ bên ngoài khách sạn St. George. Các nạn nhân bao gồm vệ sĩ, cựu bộ trưởng kinh tế Bassil Fleihan và cả người qua đường không có liên quan.
Vụ ám sát kích động phong trào biểu tình “Cách mạng Cedar”, phản đối sự hiện diện của Syria ở Lebanon. Dưới áp lực quốc tế ngày càng tăng, Syria rút quân khỏi Lebanon vào tháng 4/2005. Lebanon được định hình lại.
Con trai của Hariri, Saad, thiết lập Liên minh 14/3 gồm các đảng chống Syria, được hậu thuẫn bởi các quốc gia phương Tây và Arab Saudi. Trong khi đó, các đồng minh Lebanon của Syria, bao gồm Hezbollah, tập hợp thành Liên minh 8/3.
Hai phe này đối chọi nhau trong nhiều năm, phần lớn tập trung vào vấn đề vũ khí của Hezbollah và vụ ám sát Hariri.
Hiện trường vụ đánh bom ám sát cựu thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri ngày 14/2/2005. Ảnh: Reuters.
Một cuộc điều tra quốc tế được tiến hành vào tháng 6/2005, do công tố viên Đức Detlev Mehlis dẫn dắt. Tháng 10/2005, họ đưa ra báo cáo ám chỉ các quan chức Syria và Lebanon cấp cao liên quan đến vụ ám sát. Syria bác bỏ mọi liên quan.
Tháng 8/2005, 4 tướng Lebanon thân Syria bị bắt theo yêu cầu của Mehlis. Họ được thả ra gần 4 năm sau mà không bị buộc tội vì không có đủ bằng chứng để truy tố.
Mehlis được thay thế vào đầu năm 2006. Cuộc điều tra diễn ra chậm chạp. Một số nhân sự chủ chốt đã từ chức. Saad al-Hariri ban đầu cáo buộc Syria đứng sau cái chết của cha mình nhưng ông rút lại cáo buộc vào năm 2010.
Toà án Đặc biệt về Lebanon được thiết lập năm 2007 ở Hà Lan để điều tra và truy tố người đứng sau vụ ám sát Hariri. Năm 2011, tòa án truy tố và phát lệnh bắt 4 thành viên Hezbollah gồm Salim Jamil Ayyash, Mustafa Badreddine, Assad Hassan Sabra và Hussein Hassan Oneissi. Năm 2012, họ truy tố thêm một thành viên của Hezbollah là Hassan Habib Merhi.
Salim Jamil Ayyash, Hassan Habib Merhi, Assad Hassan Sabra và Hussein Hassan Oneissi bị cáo buộc âm mưu thực hiện một cuộc tấn công khủng bố. Ayyash bị buộc tội thực hiện hành động khủng bố, giết người và âm mưu giết người. Hezbollah bác bỏ những cáo buộc này, gọi đây là bịa đặt và không có bằng chứng. Mustafa Badreddine đã bị giết tại Syria vào năm 2016.
Các công tố viên cho biết dữ liệu từ các mạng điện thoại cho thấy các nghi phạm đã gọi cho nhau bằng hàng chục chiếc điện thoại để theo dõi Hariri trong vài tháng trước vụ tấn công và để phối hợp hoạt động vào ngày cựu thủ tướng Lebanon bị ám sát. Những người này đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều năm và bị xử vắng mặt, không rõ họ đang ở đâu.
Tòa dự kiến ra phán quyết liệu 4 người này có tội hay không vào 7/8 nhưng hoãn tới ngày 18/8, với lý do nhằm thể hiện “sự tôn trọng” với những người đã thiệt mạng trong vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8. Nếu họ bị buộc tội, phiên kết án sẽ được tổ chức sau, những người này có thể đối mặt án tù chung thân.
Saad và những người ủng hộ Hariri cho biết họ không tìm cách trả thù hay đối đầu, nhưng phán quyết của tòa án phải được tôn trọng. “Chúng tôi mong chờ ngày 7/8 là ngày của sự thật và công lý cho Lebanon, và là ngày trừng phạt cho những tên tội phạm”, Saad Hariri trước đó nói.
Hezbollah phủ nhận trữ vũ khí tại cảng Beirut
Lãnh đạo dân quân Hezbollah Nasrallah khẳng định họ không cất giữ vũ khí tại địa điểm xảy ra vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut hôm 4/8.
"Chúng tôi không sở hữu thứ gì trong cảng. Không có kho vũ khí hay kho tên lửa nào, không có tên lửa, súng trường, bom đạn hay amoni nitrat", lãnh đạo dân quân Hezbollah Hassan Nasrallah nói trên truyền hình Lebanon ngày 7/8.
Ông Nasrallah cho biết vụ nổ ở cảng Beirut là một "thảm kịch lớn và thảm họa nhân đạo", thêm rằng cần có phản ứng phù hợp sau sự việc. Ông cũng kêu gọi "quân đội điều tra và công bố kết quả".
Nasrallah ca ngợi cộng đồng quốc tế vì sự ủng hộ dành cho Lebanon sau vụ nổ, song cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron là "ý nghĩa nhất". "Chúng tôi đánh giá tích cực bất cứ sự hỗ trợ và đồng cảm nào dành cho Lebanon", ông nói.
Lãnh đạo dân quân Hezbollah Hassan Nasrallah phát biểu trên một kênh truyền hình Lebanon ngày 7/8. Ảnh: AFP.
Nasrallah ra tuyên bố sau khi Tổng thống Lebanon Michel Aoun cho rằng "có khả năng can thiệp từ bên ngoài bằng tên lửa, bom hoặc các hành động khác". Tổng thống Aoun nói Lebanon sẽ mở rộng điều tra về vụ nổ ở thủ đô Beirut, khiến ít nhất 154 người chết và khoảng 5.000 người bị thương.
2.750 tấn amoni nitrat phát nổ ngày 4/8 làm rung chuyển thủ đô Beirut, san phẳng hoặc gây hư hại nhiều công trình xung quanh. Mỹ cho biết không loại trừ khả năng vụ nổ có thể do một cuộc tấn công. Israel, quốc gia đối thủ của Lebanon, tuyên bố không liên quan đến vụ nổ.
Beirut tan hoang sau vụ nổ được ví như bom nguyên tử. Video: Guardian.
Với sức công phá ngang 240 tấn TNT, vụ nổ tàn phá hơn nửa thành phố Beirut, gây thiệt hại lên đến hàng tỷ USD và đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh mất nhà cửa. Vụ nổ được coi là đòn giáng mạnh vào Lebanon, quốc gia Trung Đông đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ cùng Covid-19.
Hezbollah là nhóm duy nhất không bị giải giáp sau cuộc nội chiến Lebanon 1975-1990. Nhóm dân quân thân Iran này nắm nhiều quyền lực tại Lebanon sau khi cùng các đồng minh chính trị giành đa số ghế trong quốc hội năm 2018.
Khu vực xảy ra vụ nổ ở thủ đô Beirut, Lebanon, hôm 4/8. Đồ họa: AFP.
Khủng hoảng kinh tế và và bạo loạn ở Lebanon Lebanon trong 2 ngày qua đã trở nên căng thẳng khi làn sóng biểu tình gia tăng trong bối cảnh đất nước chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Trung tâm thủ đô Beirut đêm thứ Sáu (12/6) đã biến thành một chiến trường sau các cuộc tuần hành ôn hòa. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình ủng hộ...