Vụ 8.000 HS ở Nam Định không được học bán trú: Các trường mở cửa trở lại
Ngày 4/1, toàn bộ 21 trường tiểu học tại thành phố Nam Định đã mở cửa trở lại đón học sinh bán trú. Việc này đã làm thỏa lòng hơn 8.000 phụ huynh có con tham gia bán trú trên địa bàn thành phố.
Có mặt tại một số trường học vào sáng 4/1, tiếp xúc với những phụ huynh đưa con đến lớp, phóng viên thấy trở lại nụ cười cùng những câu trả lời vui vẻ khi bức xúc, lo lắng đã được giải tỏa. Chị Hoàng Thị Huệ, có con học ở Trường tiểu học Hùng Vương thở phào bởi không còn phải lo lắng chạy ngược chạy xuôi khi đưa đón 2 đứa bé ở hai nơi khác nhau. Hầu hết đại diện Ban giám hiệu các trường khi được hỏi về hành động “đột ngột” này đều cho biết, quyết định trên là do UBND thành phố Nam Định chỉ đạo ngày 3/1.
Theo cô Đinh Thị Tú, Hiệu trưởng trường tiểu học Phạm Hồng Thái, UBND thành phố chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện nấu ăn bán trú cho học sinh chứ chưa quyết định mức thu tiền ăn do còn đợi xin ý kiến UBND tỉnh. Vì vậy, các trường cứ thông báo cho phụ huynh mà chưa biết sẽ nấu bữa trưa 4/1 cho các cháu theo mức nào. Tại trường tiểu học Trần Quốc Toản, ngay lập tức nhà trường triệu tập nhân viên nhà bếp đến dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú ngày hôm sau. Ở các trường còn lại cũng tương tự.
Bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định cho biết đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, nhưng hiện chưa có văn bản chính thức về mức thu tiền ăn bán trú phù hợp. Cũng theo bà Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định: hiện chưa thể đưa ra quyết định về thời hạn sớm nhất để có con số cụ thể thay cho mức 15.000 đồng/ngày/cháu. UBND thành phố sẽ nhanh chóng xem xét khi có văn bản chính thức từ phía tỉnh. Trước mắt, UBND thành phố yêu cầu các trường khi đón các cháu bán trú trở lại phải đảm bảo đủ dinh dưỡng trong bữa ăn cho các cháu; việc bù trừ sẽ được tính toán cụ thể sau khi có quyết định chính thức từ phía cơ quan chức năng.
Cuối cùng thì những bức xúc, lo lắng của hơn 8.000 phụ huynh ở thành phố Nam Định đã cơ bản được giải tỏa, mặc dù cả họ và các trường vẫn “thấp thỏm” không biết mức thu mới sẽ ra sao. Người dân Nam Định cũng ghi nhận động thái này của các ngành chức năng như một hình thức sửa sai “muộn còn hơn không”. Điều đáng nói là đến tận bây giờ vẫn chưa thấy động tĩnh nào từ phía Sở Giáo dục Đào tạo Nam Định, cơ quan tham mưu với UBND tỉnh đưa ra mức thu vô lý, dẫn tới cả 21 trường đồng loạt dừng bán trú vào đầu tháng 1/2012.
Theo Tin Tức
Video đang HOT
Học sinh bán trú 2 tháng chưa được ăn thịt
Thầy Đồng Xuân Lợi - Hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang cho biết: "Từ đầu năm học tới nay, chúng tôi chưa có điều kiện mua cho các cháu một bữa thịt lợn nào. Do giá cả đắt đỏ nên chỉ đủ mua lạc, đậu, cá khô...".
Quyết định 85/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp học sinh dân tộc thiểu số học bán trú có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thấp trong khi giá cả leo thang khiến nhiều học sinh vẫn phải chịu đói. Ghi nhận của PV tại Lai Châu.
Gần 2 tháng chưa được... ăn thịt
Chúng tôi tới Trường THCS Bản Lang (huyện Phong Thổ) đúng lúc hơn 100 học sinh đang ăn cơm trưa. Nhìn cảnh mỗi cháu một bát to cơm chỉ với mấy con cá khô và gắp chung đĩa rau muống luộc, ai nấy đều đắng lòng.
"Cháu không được ăn sáng nên bây giờ đói lắm. Nhiều hôm đi học, chưa đến bữa cơm trưa đã thấy đói hoa mắt, chẳng thể học được" - Lý Trung Thành, học sinh lớp 6 tâm sự.
Trao đổi với phóng viên, thầy Đồng Xuân Lợi - Hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang cho biết: "Từ đầu năm học tới nay, chúng tôi chưa có điều kiện mua cho các cháu một bữa thịt lợn nào. Do giá cả đắt đỏ nên chỉ đủ mua lạc, đậu, cá khô...".
Thầy Lợi cho biết thêm, theo quy định, mỗi học sinh ở bán trú được hỗ trợ tiền sinh hoạt là 40% lương cơ bản, tương đương 332.000 đồng/tháng. Trừ các khoản như gạo, mắm, muối... thì chẳng còn tiền mua thức ăn.
Cách đó không xa, học sinh Trường THCS Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) cũng chịu cảnh bữa no bữa đói. Phàn Lở Mây - học sinh lớp 9A cho biết: "Từ nhà em tới trường phải vượt qua 1 con suối và 4 con đèo, đi bộ mất khoảng 2 tiếng. Từ khi được ở bán trú, em có điều kiện học tốt hơn nên 2 năm nay đều đạt học sinh khá".
Tuy nhiên, những ngày này, Mây và các bạn học sinh Trường Sì Lở Lầu cũng chỉ được ăn uống cầm chừng vì không đủ tiền mua gạo, thức ăn.
Thầy Phạm Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường THCS Sì Lở Lầu cho biết: "Do giá cả sinh hoạt đắt đỏ nên từ đầu năm học đến nay công tác tổ chức bán trú cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn, luôn thiếu chất đốt, thiếu nước sạch, thiếu thực phẩm...".
Bữa ăn chỉ rau luộc và cá mắm của học sinh Trường THCS Dào San (Phong Thổ, Lai Châu).
Khó nói chuyện "xã hội hoá"
Để cải thiện sinh hoạt cho học sinh, nhiều trường học ở Lai Châu đã đưa ra các phương án nhằm xã hội hoá công tác giáo dục nhưng nhìn chung vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo thầy Đồng Xuân Lợi, nhà trường đã từng áp dụng hình thức vận động phụ huynh góp gạo để cải thiện đời sống cho các cháu nhưng người đóng người không nên dẫn tới tình trạng "ganh tị" giữa các gia đình. Cuối cùng, nhà trường chỉ đưa ra hình thức góp 30kg củi mỗi tháng và đóng tiền mua vật dụng, nhưng cũng không thành.
"Hiện chúng tôi cũng mới được ứng 20 triệu đồng tiền sinh hoạt cho các cháu nên vẫn phải "nợ" tiền những đầu mối cung cấp thực phẩm. Thậm chí, từ khi các cháu ở bán trú tiền điện cũng phát sinh thêm hàng triệu đồng mỗi tháng mà không có khoản để chi nên các thầy cô đành chia đầu người ra đóng góp" - thầy Lợi cho biết.
Theo Quyết định 85, học sinh cách điểm trường 5km là được ở bán trú, nhưng do ít chỗ ở nên ước tính ở Phong Thổ (Lai Châu) có khoảng 40% học sinh đủ điều kiện ở bán trú nhưng không được ở. Và vì vậy, các em cũng không được hưởng hỗ trợ tiền ăn theo chính sách.
Cùng chung những khó khăn trên, thầy Đặng Thế Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Ma Ly Pho (Phong Thổ) cho biết, hiện có hơn 100 học sinh đủ tiêu chuẩn ở bán trú và có nhu cầu ở nhưng nhà trường chỉ bố trí được cho 65 em.
Để cải thiện đời sống cho các em học sinh, nhà trường đã huy động các em trồng rau, mỗi em góp một vài con gà để nuôi tăng gia và góp 10kg gạo mỗi tháng nhưng vẫn không đủ.
Không phủ nhận những hiệu quả từ chính sách hỗ trợ học sinh bán trú mang lại như giúp học sinh đỡ đi lại xa, tạo điều kiện học tập và giảm bớt tình trạng bỏ học ở học sinh vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ như hiện nay, nhiều trường đang lo lắng về "số phận" mô hình bán trú cho học sinh khi mà không lo nổi đời sống cho các em.
Theo dân trí