Vụ 3 trẻ tử vong do ăn quả dại: Độc tố gây phù phổi cấp
Học viện Quân y cho biết, độc tố của quả Hồng Trâu (loại quả khiến 3 trẻ tử vong tại Cao Bằng) có tên alcaloid, gây phù phổi cấp.
Học viện Quân y, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật vừa đưa ra kết luận khoa học về độc tính của quả Hồng Trâu, loại quả đã gây ngộ độc và dẫn tới tử vong đối với 3 em học sinh hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Ngày 1/8, 3 em nhỏ dân tộc H’Mông (Xuân Trường, Bảo Lạc, Cao Bằng) tử vong do hái quả dại mọc trên rừng. Loại quả này có màu tím, tròn, hạt bên trong màu hồng.
Sau khi có thông tin, các cơ quan chức năng đã phối hợp với Trung tâm phòng chống nhiễm độc – Học viện Quân y, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam điều tra, lấy mẫu, định loài và nghiên cứu độc tính.
Loại quả gây ngộ độc khiến 3 trẻ tử vong
Theo Học viện Quân y, cây Hồng Trâu họ Màn màn. Cây Hồng Trâu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu của lá xanh đậm.
Video đang HOT
Học viện Quân y cho biết, độc tố của quả Hồng Trâu alcaloid, chứa trong hạt của quả. Độc tính của quả Hồng Trâu tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp.
Quả Hồng Trâu có từ 4-6 hạt
Khi bị ngộ độc Hồng Trâu có thể gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra lời khuyến cáo tuyệt đối không tự ý ăn quả Hồng trâu (dù chỉ là thử nghiệm 1 lần) cũng như ăn các loại cây, củ, quả lạ mọc trong rừng. Nếu thấy bất kỳ một hiện tượng lạ nào xảy ra cần đưa người bệnh đến trạm xá hoặc các trung tâm y tế nhanh nhất.
Cách xử trí ngộ độc thực phẩm – Gây nôn (bằng biện pháp cơ học) ngay lập tức. Cho người bệnh uống nước và gây nôn. – Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh. – Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. – Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. – Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng. – Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
Theo Khampha
Xác định được loại quả dại khiến 3 trẻ tử vong
Ngày 5/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã xác định được loại quả dại mà các em nhỏ ở Cao Bằng đã ăn, gây ngộ độc, làm 3 trẻ tử vong.
Trước đó, chiều ngày 1/8, các em nhỏ dân tộc H'Mông trú tại xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã hái loại quả dại mọc trên rừng có màu tím, tròn, hạt bên trong màu hồng về ăn. Khoảng 6 giờ sau khi ăn, tất cả các em đều có biểu hiện bị ngộ độc như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, men gan tăng, rối loạn điện giải do mất nước...
Loại quả dại làm 3 học sinh bị ngộ độc, tử vong.
Hiện tại, ngoài 3 trẻ đã tử vong, số bệnh nhân bị ngộ độc do ăn quả dại trên đang được điều trị, chăm sóc tích cực tại bệnh viện trong tình trạng sức khỏe dần hồi phục tốt.
Ngay sau khi có thông tin về vụ ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm đãchỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cao Bằng điều tra, xác minh tại thực địa về loại cây, quả dại mà các em nhỏ đã ăn.
Theo đó, loại quả dại các em học sinh hái trên rừng để ăn được người H'Mông gọi là Chi pản Slua (quả gai xanh). Loại quả dại này thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ 11-12 cm, màu lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp cùi vỏ màu hồng. Mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục bọc bên ngoài, nhiều nước và mềm. Hạt to bằng hạt ngô, có màu tím và hơi dẹt.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cao Bằng đã đã tiến hành điều tra, lấy mẫu cây, quả dại nói trên gửi Trung tâm Phòng chống độc - Học viện Quân y 103 xét nghiệm các độc tố, xác định nguyên nhân gây ngộ độc để tìm phương pháp xử trí.
Loại quả Hồng trâu mà người H'Mông thường gọi là quả gai xanh
Đại tá, GS.TS Hoàng Công Minh - Học viện Quân y 103 - cho biết, loài thực vật gây ngộ độc là cây Hồng trâu (Cap paris versi color), họ Màn màn (Cap paraceae). Loài cây này có quả và hạt độc tuy nhiên chưa có các nghiên cứu chi tiết về độc tính của chúng. Hiện nay Trung tâm Phòng chống độc - Học viện Quân y đang phối hợp nghiên cứu, thử nghiệm độc tính trên cùi và nhân hạt cây Hồng trâu trên chuột.
Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức cấp cứu, điều trị tích cực cho các bệnh nhân. Đối với các bệnh nhân có biểu hiện nặng cần chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng. Đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn hoa quả, thực vật lạ, nghi ngờ độc hại.
Trong một diễn biến khác, ngày 4/8, có thêm 4 bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) do cùng ăn loại quả dại nói trên. 4 bệnh nhân mới được chuyển đến bệnh viên gồm cháu Giàng Thị Ngài (13 tuổi), Giàng Thị Ky (6 tuổi), Giàng A Hồng (6 tuổi), Thào Thị Mỵ (13 tuổi).
Khoảng 1 tuần qua, các cháu bé này thường xuyên bị đau bụng và tiêu chảy nhưng không đến cơ sở y tế để khám. Đến khi có một số bạn cùng đi chăn đê trong xóm bị tử vong, các cháu mới nói với bố mẹ là đã được những người bạn đó chia cho ăn quả màu tím cách đây 1 tuần.
Hồng Hải - Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
Ca ghép tụy-thận đầu tiên tại Việt Nam Hơn 150 y bác sĩ Học viện Quân y, Bệnh viện 103 cùng tham gia ca ghép đa tạng (thận-tụy) lần đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn tạng là người cho chết não vì tai nạn giao thông. Bệnh nhân được ghép tạng hiện tỉnh táo dù thở máy, vết mổ khô, các chỉ số về đường huyết và thận tương đối bình...