Vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp
Doanh nghiệp vay vốn dài hạn từ ngân hàng chịu chi phí cao, còn ngân hàng lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì mất cân đối nguồn vốn.
Nhu cầu vốn trung dài hạn vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nguồn: Internet
Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế – xã hội của Quốc hội sáng 22/5, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng huy động nguồn lực phát triển kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng. Đây là gánh nặng lớn cho ngànhngân hàngvì mất cân đối nguồn vốn, còn doanh nghiệp (DN) do phải chịu chi phí cao thì rủi ro cao.
Tỷ lệ vẫn ở mức cao
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ đầu năm 2019 từ 45% xuống còn 40%.
Tại đại hội cổ đông mới đây, một số ngân hàng cũng công bố tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đến cuối năm 2018 ở mức dưới 40%, bao gồm: Nam A Bank, SCB, BIDV, HDBank, ACB, Kienlong Bank, MB, Sacombank, OCB, Bac A Bank…
Tuy nhiên, khảo sát tại 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2019 cho thấy, tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn vẫn còn ở mức cao, chiếm 54,68%, so với cuối năm 2018 chỉ giảm 1,6%.
Tính đến hết quý I, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong cơ cấu tổng dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn rất nhiều so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Đứng đầu nhóm khảo sát là VIB đang có hơn 85,4 nghìn tỷ đồng cho vay trung và dài hạn trong tổng số 101,9 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay. Theo đó, tỷ lệ vốn cho vay trung vài dài hạn/ tổng cho vay của VIB lên tới 83,81%.
Video đang HOT
Tiếp đến là TPBank và Seabank là 75%; OCB, LienVietPostBank, VPBank, Techcombank: trên 60%.
SHB cũng là ngân hàng có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong cơ cấu tổng dư nợ khá cao, chiếm đến 59%, chỉ xếp sau Techcombank.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn/tổng dư nợ thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của nhóm khảo sát như Vietcombank chỉ chiếm 45% tổng dư nợ, VietinBank là 44,13% và BIDV là 37,41%.
Hầu hết các ngân hàng này đều đưa ra kế hoạch trong năm 2019 sẽ tăng vốn điều lệ và tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí thấp, hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.
Không dám mạo hiểm
Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu vốn trung, dài hạn cho DN để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, trong khi thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết theo thông lệ quốc tế, nguồn vốn cho nền kinh tế chia làm hai nguồn: vốn ngắn hạn là vai trò của ngân hàng, vốn trung và dài hạn sẽ được cung cấp từ thị trườngtài chính, chứng khoán. Chỉ như vậy mới giảm chi phí đầu vào, giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng và cả DN.
Ví dụ, khi DN huy động vốn qua thị trường chứng khoán, người góp vốn sẽ được hưởng cổ tức, trong khi nếu vay ngân hàng thì DN phải trả chi phí. “DN vay ngân hàng chịu chi phí cao thì rủi ro. Còn ngân hàng lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì mất cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, bất cứ khi nào nền kinh tế đi xuống thì toàn ngành ngân hàng cũng rủi ro”, ông Thắng phân tích.
Do đó, ông Thắng cho rằng hiện nay, quy mô tăng trưởng của nền kinh tế đang ở mức cao nên nguồn vốn cần phải xử lý minh bạch để hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, an toàn hơn.
Trong khi đó, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.HCM) khẳng định, chất lượng trong sử dụng vốn ngày càng được nâng cao và hiệu quả. Ngoài ra, đã cơ cấu khá thành công thị trường tài chính, tức là đã nâng cao thêm một phần vai trò của thị trường vốn, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng lên.
Hiện, vốn hóa của thị trường chứng khoán đã lên đến trên 70% GDP, do đó sẽ chia sẻ bớt một phần cung ứng vốn trung, dài hạn từ ngân hàng thương mại đến nền kinh tế.
“Thị trường chứng khoán đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế; công tác tái cơ cấu thị trường đã được triển khai quyết liệt theo Đề án đã được phê duyệt”, ông Ngân nói.
Ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng các ngân hàng vẫn muốn cho vay kỳ hạn dài vì có được lãi biên cao hơn, từ đó củng cố lợi nhuận chung.
Tuy nhiên, với quy định ngày càng siết chặt của cơ quan quản lý, cùng với những rủi ro đã xảy ra sẽ là cảnh báo cho các nhà băng. “Các ngân hàng sẽ không dám “xé rào” bởi NHNN sẽ “tuýt còi” và không ngân hàng nào muốn mạo hiểm thấy rủi ro mà vẫn lao vào”, một chuyên gia nhận xét.
Theo Thời báo Kinh doanh
Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ cải cách hành chính
Quý 1/2019, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới đạt gần 2,4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2019, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh triển khai cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục cho vay.
Cắt giảm nhiều loại phí giao dịch
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú, thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đến nay ngành ngân hàng đã cắt giảm được hơn 100 thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục, điều kiện hành chính cho vay. Song song đó, việc cải cách, đơn giản hóa các thủ tục tín dụng cũng được ngành ngân hàng chú trọng cải tiến, giúp hoạt động cho vay đơn giản hơn. Điều này cũng tạo động lực hơn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cạnh tranh cho vay, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN) và người dân trong việc tiếp cận vốn vay.
TP Hồ Chí Minh được xem là điểm sáng trong việc cải cách thủ tục hành chính ngành ngân hàng. Có thể thấy, trong nhiều năm qua, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh luôn thực hiện chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN nhằm lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động cho vay. Do đó, các NHTM chi nhánh TP Hồ Chí Minh luôn có tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các tỉnh thành khác trong cả nước.
Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính gắn liền với công nghệ 4.0 đã giúp mối quan hệ giữa các NHTM, DN và người dân gần gũi hơn, nhanh gọn hơn trong việc cho vay và vay vốn. Trong đó, giải pháp cho vay hay gửi tiết kiệm online đã được các ngân hàng triển khai giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và DN.
Bên cạnh đó, các NHTM cũng cắt giảm các loại phí để giảm áp lực cho DN và người dân. Điển hình như ngân hàng BIDV, giai đoạn 2016 -2018 đã giảm, miễn phí 9 loại phí, gồm: Giảm phí chuyển tiền; miễn phí đăng ký sử dụng các dịch vụ, phí thường niên online, smartbanking... Ngân hàng MB cắt giảm 16 loại phí, gồm ba loại phí xác nhận cam kết thanh toán, năm loại phí liên quan đến thực hiện cam kết, hai loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng... Ngân hàng Techcombank thực hiện chương trình Zero fee (miễn phí 100%) cho tất cả các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong chuyển tiền.
Đối với việc loại bỏ phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay, ngân hàng VCB đã cắt giảm các loại phí tư vấn, thu xếp, thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết... đồng thời ngừng thu phí phát hành cam kết tín dụng cho khách hàng và phí cam kết cấp tín dụng, phát hành hợp đồng tín dụng bằng tiếng nước ngoài.
Trong khi đó, Vietinbank thì hướng tới mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận vốn với chi phí hợp lý nhất, đồng thời tiết giảm chi phí làm cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay...
Tạo thuận lợi để tiếp cận vốn vay
Việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các thủ tục vay vốn cũng là điều kiện cần trong cải cách hành chính ngành ngân hàng. Ảnh: H.Y
Mặc dù cắt giảm nhiều thủ tục và điều kiện cho vay, nhưng tăng trưởng tín dụng của các NHTM vẫn chậm. Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho biết chính sách và cơ chế cho vay của NHNN đã có, vốn VNĐ và USD không thiếu, tuy nhiên từ chính sách đến thực thi vẫn chưa đồng bộ.
"Nguyên nhân là trên 70% tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đến từ các DN vừa và nhỏ (DNVVN). Tuy nhiên, hiện nay các DNVVN đều thiếu hồ sơ minh bạch, tài sản thế chấp và không chứng minh được nguồn vốn trả nợ. Để tạo thuận lợi cho DN vay vốn, việc cắt giảm thủ tục hành chính chưa đủ mà các NHTM cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ ngân hàng có kiến thức và nhiệt huyết để hỗ trợ người dân, DN hoàn thiện hồ sơ trong phạm vi quy định của pháp luật. Không thể vì DN không đáp ứng đủ thì NHTM bỏ mặc. Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất như thế nào, từng NHTM phải có chính sách riêng và cơ chế thiết thực", TS Bùi Quang Tín chia sẻ.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cải cách thủ tục hành chính không chỉ là ứng dụng công nghệ số mà còn phải phụ thuộc con người. Vì vậy, các NHTM cần có giải pháp nào thay thế khi DN thiếu tài sản thế chấp, như có thể chấp nhận thế chấp 80% khoản phải thu, hay 50% hàng tồn kho của DNVVN... Có như vậy, DN có thể mới được "cởi trói" và tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Ngoài ra, NHNN cũng nên tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng tại các thành phố lớn, các địa phương có số lượng DN đầu tư cao. Đặc biệt, nên xây dựng thang điểm tín dụng để chấm điểm cho các DN, nếu DN nào có điểm tín dụng cao thì có thể cho vay nhanh chóng hơn.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, muốn tăng trưởng tín dụng thì phải có chính sách tiền tệ ổn định. Vì thế, việc cải cách hành chính ngành ngân hàng vẫn lấy ổn định làm trung tâm, quan trọng nhất là kiểm soát tiền tệ, kiểm soát lãi suất. Theo đó, việc giảm nợ xấu là việc cần làm trước tiên. Cụ thể, các NHTM cần rà soát nợ xấu tại các DN lớn, nợ xấu nào không cứu được thì cần cắt bỏ ngay, không nên cứu DN nữa.
Bàn về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đồng tình cần tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân khi vay vốn thông qua cải cách thủ tục hành chính, trong đó việc áp dụng công nghệ số khi cải cách thủ tục là cần thiết và đi đầu. Tuy nhiên, các NHTM vẫn phải cẩn trọng vì áp dụng công nghệ cũng đi kèm nhiều rủi ro, khó khăn và phức tạp khi cho vay, tránh phát sinh nợ xấu.
Về phía NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế, thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các NHTM tổ chức tín dụng trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động.
Hải Yên/Báo Tin tức
Tỷ phú Trần Đình Long đem tài sản cá nhân ra 'cầm cố' Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) vừa công bố thông tin nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua giao dịch giữa thành viên HĐQT công ty và công ty thành viên. Theo đó, để bổ sung vốn lưu động 1.700 tỉ đồng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho Công ty cổ phần Thép...