Vốn “đóng băng” vì sở hữu nhà nước quá lớn
Lượng vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán còn khá nhiều khiến các doanh nghiệp đã niêm yết sau cổ phần hóa không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, làm giảm mục tiêu huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại doanh nghiệp.
Gia tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước. Nguồn: Internet.
Các doanh nghiệp (DN) cho biết phần vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán (TTCK) đang chiếm khoảng 1/3 giá trị vốn hóa toàn thị trường nhưng gần như không có hoạt động mua bán.
Sở hữu nhà nước quá lớn sẽ làm giảm hiệu quả của định hướng cổ phần hóa (CPH). Tỷ lệ sở hữu nhỏ khiến cổ đông đại chúng khó tạo ra ảnh hưởng lớn tại DN, hạn chế sự phản biện, đóng góp trong việc nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Do vị thế doanh nghiệp
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mác DN nhà nước (DNNN) đã không còn là lợi thế, mà ngược lại trở thành điểm yếu làm giảm tính cạnh tranh khi đàm phán với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Sở dĩ có sự e ngại này là bởi, để sở hữu cổ phần tại các DNNN, các nhà đầu tư phải tuân thủ nhiều thủ tục phức tạp, vừa cần nhiều thời gian để quyết định do Nhà nước vẫn muốn nắm tỷ lệ cổ phần chi phối sau CPH.
Bất cập còn đến từ việc định dạng loại hình DNNN, cũng như xác định vốn chủ sở hữu do Nhà nước nắm giữ tại các công ty con dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư thứ cấp của các công ty con, công ty cháu chắt vào DN, khiến các đối tác nước ngoài ngao ngán.
Hiện, ngoài EVN, còn khá nhiều “ông lớn” khác như Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) cũng đang có phần vốn nhà nước mà đại diện là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khá cao lên tới gần 96%; Bộ Tài chính đang nắm giữ 72% vốn của Tập đoàn Bảo Việt…
Video đang HOT
Thực tế, sở hữu vốn nhà nước luôn lớn được cho là do vị thế của các DN đều thuộc top đầu ngành trong nền kinh tế cần sự chi phối của các cơ quan quản lý để chủ động trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Ví dụ như PV GAS, hiện là DN duy nhất thực hiện hoạt động ở trung nguồn là thu gom khí từ các chủ mỏ, chế biến, lưu trữ và phân phối khí đến các DN bán buôn và bán lẻ, là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà máy điện khí, phân bón lớn trong cả nước.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn được cho là nhóm dẫn dắt đà lên xuống của TTCK, nhưng 3 ngân hàng được cho là lớn nhất hiện nay là BIDV, Vietcombank và VietinBank lại đang gặp khó khăn trong huy động vốn do tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Nhà nước đang lần lượt là 95,28%, 74,8% và 64,46%.
Một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư e ngại là việc cổ phiếu tự do chuyển nhượng ít, do cơ cấu cổ đông cô đặc sẽ khiến thị giá cổ phiếu dễ bị dao động bởi các giao dịch lớn.
Cổ đông nhà nước cũng là một nhà đầu tư nhưng cần chuyên nghiệp
Nhà đầu tư e ngại
Cơ cấu cổ đông cô đặc khiến cổ phiếu của nhóm DN này khó bùng nổ trên sàn chứng khoán. Những năm qua, công tác giảm vốn nhà nước cũng đã được định hướng và đẩy mạnh, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ cổ phần đủ chi phối tại các DN, ngành nghề quan trọng.
Tuy nhiên, công tác giảm vốn vẫn diễn ra khá chậm, nhiều DN trì hoãn tiến độ cũng đã tác động không tích cực đến cổ phiếu của DN trên sàn. Đơn cử như PV GAS kể từ khi có định hướng giảm sở hữu từ năm 2013 tới nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của PVN vẫn không đổi, thậm chí việc thoái vốn còn được dự kiến lùi đến năm 2020.
Hay như ngành ngân hàng, theo Quyết định số 986/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2018, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (ngoại trừ Agribank) sẽ ở mức tối thiểu 65% trong giai đoạn 2018-2020 và giảm xuống 51% trong giai đoạn 2021-2025.
Thực tế, hiện nay mới có VietinBank đạt được mức tối thiểu của giai đoạn 2018-2020, tức nếu muốn tiếp tục bán vốn thì nhà băng này sẽ phải chờ ít nhất là 2 năm nữa. Trong khi BIDV và Vietcombank vẫn còn lượng sở hữu quá lớn, việc có thể giảm sở hữu về 65% trong năm nay và năm sau khó có khả năng xảy ra.
Trước đó, BIDV đã phải mất tới 2 năm cho quá trình bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, mà cụ thể là KEB Hana Bank. Chính bản thân lãnh đạo nhà băng này cũng từng cho biết đây là một câu chuyện dài, trải qua nhiều giai đoạn.
Mặt khác, việc bán vốn nhà nước tại nhiều DN hầu như chỉ hướng đến cổ đông chiến lược, không tăng phần bán vốn cho cổ đông đại chúng. Đó là chưa kể do đặc thù DNNN, lượng phát hành cho người lao động (ESOP) mỗi năm cũng hạn chế, kết quả là lượng cổ phần tự do chuyển nhượng ngoài thị trường không tăng.
Do đó, việc gia tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước tốt nhất là cổ đông nhà nước cần nhìn nhận mình cũng như một nhà đầu tư, nhưng không phải là nhà đầu tư thụ động mà phải là một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo Linh Đan
Thoibaokinhdoanh.vn
Ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu
Các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn.
LienVietPostBank vừa phát hành trái phiếu huy động 3.100 tỉ đồng
TX
Huy động hàng ngàn tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa phát hành thành công 3.100 tỉ đồng trái phiếu dài hạn kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm.
Theo LienVietPostBank, lượng vốn huy động lần này nhằm tăng vốn hoạt động, cải thiện cơ cấu huy động vốn huy động với chi phí rẻ hơn so với phương thức huy động tiền gửi thông thường, từ đó nâng cao chất lượng các hệ số bảo đảm an toàn, đặc biệt là tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình điều chỉnh giảm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. LienVietPostBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.116 tỉ đồng, bằng 181% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Ngân hàng đã thực hiện thay đổi cơ cấu nguồn thu, thu nhập lãi thuần tăng mạnh, bằng 128% so với cùng kỳ năm trước nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu ra - đầu vào; thu nhập từ dịch vụ, ngoại hối cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vừa công bố việc phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2019. Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2019. Gần đây, nhà băng này đã thực hiện phát hành 50 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 8,2%/năm. Trước đó, một số ngân hàng đã thực hiện phát hành trái phiếu theo từng đợt, huy động cả hàng ngàn tỉ đồng trên thị trường, chẳng hạn như ACB, HDBank... Một số ngân hàng còn tìm cách huy động vốn nước ngoài qua kênh trái phiếu. Đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã huy động thành công 300 triệu USD trên thị trường quốc tế qua việc phát hành trái phiếu. Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của nhà băng này trong kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu quốc tế 1 tỉ USD trong năm 2019.
Ngân hàng tăng vốn cho vay và đáp ứng các tỷ lệ
Theo phân tích của Công ty chứng khoán MB trong 6 tháng đầu năm, các nhà băng đã huy động khoảng 18.200 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, ở các kỳ hạn từ 3 - 5 năm
Báo cáo tài chính của Vietinbank cho thấy, tính đến hết quý 1/2019, nợ phải trả liên quan đến trái phiếu của nhà băng này lên đến 32.165 tỉ đồng. Sở dĩ ngân hàng này tăng cường phát hành trái phiếu là để tăng vốn cấp 2 trong bối cảnh vốn điều lệ chưa thể tăng được.
Kết quả khảo sát tình hình hoạt động của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của bốn ngân hàng thương mại Nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel I ở mức 9,4% đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%). Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Từ năm 2014 đến nay, Vietinbank không được bổ sung vốn điều lệ nên tốc độ tăng trưởng của nhà băng này trong năm 2018 chỉ đạt được 6% (mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của Vietinbank) và dư nợ tín dụng cho vay của ngân hàng này qua năm 2019 giảm so với trước.
Do những ngân hàng này chưa được phép tăng vốn điều lệ nên việc phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2 để có dư địa tăng trưởng tín dụng, đáp ứng Basel II cũng như đáp ứng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Theo Thanhnien.vn
Tài sản lớn nhất nhưng ROA của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước lại gần thấp nhất hệ thống Tổng tài sản có của khối NHTM Nhà nước chiếm tới 44,4% tổng tài sản toàn hệ thống nhưng ROA lại chỉ đứng trên Ngân hàng Hợp tác xã. Ảnh minh họa. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2018, tổng tài sản có toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt 10,8...