“Vốn” con người
“Vốn con người là những kiến thức, kỹ năng tích lũy trong mỗi con người nhờ quá trình học tập, rèn luyện và lao động. Giáo dục và đào tạo chính là yếu tố để hình thành và tích lũy vốn con người”. (Trích báo cáo của tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới WEF).
Cuối tuần vừa rồi, giáo dục Việt Nam nhận một tin vui, tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD dựa trên điểm thi hai môn Toán và khoa học của học sinh độ tuổi dưới 15 đã xếp hạng giáo dục phổ thông Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới, đứng trên cả các nước Anh – Mỹ. Trong điều kiện môi trường giáo dục của Việt Nam những năm qua, thứ hạng cao vượt xa cả các nước có nền giáo dục tiên tiến này đã khiến không ít người hoài nghi kết quả của OECD.
Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, các nhà giáo dục trong nước, kết quả này là hoàn toàn khách quan. Vì tổ chức này chỉ khảo sát trên 2 môn học thôi, là Toán và khoa học. Chúng ta tin và có thể vui về kết quả đó, thậm chí là sử dụng kết quả đó như một căn cứ để hoạch định các chiến lược trong phát triển giáo dục phổ thông.
Và cũng chỉ một ngày sau khi OECD công bố kết quả xếp hạng đó, thì Diễn đàn kinh tế thế giới WEF lại công bố một thứ hạng khác cũng liên quan tới giáo dục, đây là chỉ số HC, còn gọi là chỉ số về “nguồn vốn con người”. Theo đó bảng xếp hạng HC không chỉ quan tâm đến những chỉ số tuyển sinh và trình độ từ sơ cấp đến đại học, dạy nghề của người dân ở các quốc gia, mà còn phân tích cả những tiêu chuẩn như học hỏi ở nơi làm việc, tình trạng thất nghiệp hay những kỹ năng không tương xứng. Trong bảng xếp hạng HC, Việt Nam đứng tận con số 78, nghĩa là chênh 66 bậc so với xếp hạng OECD. Đây là một sự chênh lệch đáng buồn, nó cho thấy đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo các kỹ năng sống, các kỹ năng hiểu biết của giáo dục Việt Nam là chưa tốt.
Giáo dục và đào tạo chính là yếu tố để hình thành và tích lũy ” vốn” con người
Tất nhiên, ngay cả các nước có nền giáo dục tiên tiến thì không phải lúc nào hai chỉ số xếp hạng OECD và HC cũng tương đồng. Tuy nhiên, chênh lệch khá lớn như Việt Nam thì các nhà quản lý giáo dục, các nhà lãnh đạo buộc phải suy ngẫm.
Nhìn từ thực tế, chúng ta phải thừa nhận với nhau một điều là khả năng học hỏi, tích lũy kiến thức nghề, các kỹ năng xử lý cuộc sống của phần đa những người trong độ tuổi lao động ở ta chưa tốt. Tỷ lệ thất nghiệp trong học sinh, sinh viên mới ra trường còn quá cao. Nhiều người trẻ tốt nghiệp đại học ra trường đi làm nhưng không đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Kỹ năng học hỏi, làm việc nhóm còn quá yếu. Kiến thức sách vở thì có nhưng kiến thức trải nghiệm, học hỏi, sáng tạo lại kém. Họ thường bị động trong công việc và không có khả năng đảm nhiệm những công việc có quy mô đòi hỏi kiến thức sâu rộng, khả năng xử lý tình huống nhanh nhẹn hài hòa. Trong khi ở các nước phát triển, những người tốt nghiệp đại học đi làm, họ có một vốn hiểu biết cũng như các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trong giáo dục của ta, không hiếm ví dụ về các em học sinh, thời đi học thì điểm thi rất tốt, nhưng khi học nghề, ra đời, lại không trở thành những người có kỹ năng làm việc tốt. Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế cấp phổ thông, ở nhiều môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh… và một số môn khoa học khác, rất nhiều em giành giải cao, nhưng rồi khi ra cuộc đời, ứng dụng vào thực tế công việc, nhiều em không khẳng định được vị trí, đẳng cấp của mình.
“Vốn con người”, một khái niệm có thể nói là quan trọng bậc nhất trong đánh giá chất lượng sống, chất lượng đào tạo, tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia. Con người chất lượng là con người sở hữu một “vốn” lớn, hiểu biết sâu rộng mọi lĩnh vực của đời sống, có các kỹ năng để làm nghề, để vượt qua những thử thách, cam go, đối mặt với mọi áp lực, biết tích lũy kinh nghiệm từ sách vở và từ thực tế lao động. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển thường sở hữu nguồn “vốn con người” cực kỳ chất lượng. Chính nguồn nhân lực chất lượng đã thúc đẩy các phát minh sáng chế, biến quốc gia của mình trở thành quốc gia đi đầu.
Giáo dục của ta, ở cấp phổ thông, mặc dù còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng về cơ bản đã có được những thành tựu, và bảng xếp hạng của OECD là một ví dụ để tự tin hơn. Nhưng còn giáo dục đai học, nơi cung cấp phần lớn kiến thức nghề, kỹ năng vào đời, kỹ năng sốngcho sinh viên thì thực sự còn quá nhiều bất cập đòi hỏi ngành giáo dục phải có một sự đổi mới toàn diện như tinh thần của nghị quyết Trung ương 2 khóa 8 đã đề ra. Bởi vì nếu không có nguồn “vốn con người chất lượng cao, hoàn hảo, chúng ta khó lòng mà phát triển nội lực quốc gia, đưa kinh tế – văn hóa – xã hội Việt Nam hội nhập với thế giới. “Vốn con người” là gốc rễ để thúc đẩy phát triển xã hội, nếu chúng ta xem nhẹ nguồn vốn này, chúng ta sẽ lãnh chịu hậu quả nghiêm trọng trong tương lai…
Theo motthegioi