Với đội ngũ giảng viên, học vị Tiến sĩ mới chỉ là bắt đầu
Một người nghiên cứu, giảng dạy bậc đại học thì Tiến sĩ mới là bắt đầu sự nghiệp, để được một người có kiến thức sâu như vậy sẽ phải mất nhiều công sức, kinh tế…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34/2018/QH14, trong đó, dự thảo có đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu. Giảng viên đại học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ dự kiến sẽ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy nếu có mong muốn, đủ sức khỏe và được nhà trường chấp nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trên là hoàn toàn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Điều này một mặt vừa có thể tận dụng được nguồn chất xám của thầy cô, vừa tránh được những hụt hẫng trong đội ngũ giảng viên đại học khi mà tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên của Việt Nam hiện đang rất thấp so với khu vực và thế giới.
Với một người nghiên cứu, giảng dạy đại học thì Tiến sĩ mới chỉ là “bắt đầu”, họ bắt đầu vào sự nghiệp. Ảnh minh họa: T.D.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Đặng Minh Tuấn – Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Tuấn cho biết: “Ở đại học khác với cấp phổ thông, đây là cấp nghiên cứu và giảng dạy nên rất cần giảng viên có kiến thức sâu.
Những người không làm trong mảng nghiên cứu, giảng dạy đại học thì họ sẽ “dừng lại” ở Tiến sĩ, chỉ lấy danh Tiến sĩ để làm mầu, thăng quan tiến chức, phục vụ mục đích riêng của họ, và với họ thì học vị Tiến sĩ là bước cuối cùng. Xã hội thường có một lượng người học Tiến sĩ như vậy nhưng không phục vụ nghiên cứu và giảng dạy đại học.
Nhưng với một người nghiên cứu, giảng dạy đại học thì Tiến sĩ mới chỉ là “bắt đầu”, họ bắt đầu vào sự nghiệp. Và để một người có kiến thức sâu đáp ứng được yêu cầu giảng dạy ở bậc đại học thì có thể nói là phải mất rất nhiều công sức, thời gian, kinh tế,…Thường ở tuổi 40 người ta mới tạm đủ tích cóp kiến thức để giảng dạy trong môi trường đại học, nhưng tuổi nghỉ hưu theo quy định là 60, điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ “dùng” được một người như vậy trong 20 năm, như vậy quá lãng phí.
Ngày xưa, trung bình tuổi thọ của con người còn thấp. Nhưng hiện nay, cuộc sống xã hội ngày càng tốt hơn, ứng dụng nhiều công nghệ nên cuộc sống thuận lợi hơn rất nhiều nên tuổi thọ của con người cao hơn.
Những giảng viên đại học cần đạo tạo rất sâu, rất lâu, tôi luyện giống như bác sĩ mới có được kiến thức nền và cũng rất khác với những ngành nghề khác, như vậy việc kéo dài thêm thời gian cống hiến, làm việc cho những giảng viên này theo tôi rất tốt cho giáo dục ở bất cứ quốc gia nào.
Video đang HOT
Có 2 vấn đề, thứ nhất: Đối tượng người được sử dụng là giảng viên sẽ duy trì được công việc dựa trên “nền tảng” mà họ đã mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của mới có được và bây giờ họ đóng góp lại cho xã hội và đất nước.
Thứ 2: Cơ sở giáo dục sử dụng các giảng viên này cũng được thuận lợi, tất nhiên là luôn luôn tuyển đội ngũ trẻ để kế cận, nhưng những nền tảng của những người có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư là cơ sở rất tốt để truyền lại kinh nghiệm, kiến thức cho các thế hệ trẻ sau này. Khi các giảng viên nhiều thế hệ này được làm việc cùng nhau trong một môi trường giáo dục thì đơn vị sử dụng rất cần những giảng viên lâu năm, có kiến thức nền tốt giúp cho đội ngũ trẻ hấp thu những kinh nghiệm đã được sửa đổi qua thời gian, các bạn trẻ sẽ tiến bộ nhanh hơn rất nhiều”.
Vậy vấn đề sức khỏe khi các giảng viên đến tuổi nghỉ theo quy định, và nếu kéo dài thời gian ở lại làm việc sẽ ảnh hưởng đến cơ hội cho các giảng viên trẻ? Về vấn đề này, thầy Tuấn nói: “Khi các giảng viên đến tuổi nghỉ hưu, theo tôi không làm công tác quản lý nữa, mà kéo dài ở đây là kéo dài sức lao động, sự cống hiến trí tuệ mà những “chất xám” đó không phải một sớm một chiều đã có được. Như vậy vẫn có “chỗ” và cơ hội dành cho lớp trẻ khẳng định mình.
Còn việc tiếp nhận và sử dụng đội ngũ giảng viên ra sao thì điều này phụ thuộc vào sự cân đối của cơ sở giáo dục, liên quan đến quản trị, cách phân bổ giờ dạy cho đội ngũ, nhưng theo tôi các giảng viên được kéo dài thời gian ở lại để cống hiến thì không ảnh hưởng gì đến đội ngũ kế cận, mà việc này chỉ tốt hơn mà về mặt truyền đạt tri thức.
Trình độ một giảng viên như thế nào mới được giảng dạy đại học, và điều này đã có quy chuẩn, vậy nên giảng viên trẻ hay có tuổi khi giảng dạy đều phải theo quy chuẩn, người già có kinh nghiệm nhưng người trẻ có sức bật, sự sáng tạo,…Vậy nên chúng ta không thể so sánh hai vấn đề đó với nhau.
Ngoài ra, với các giảng viên có tuổi, ngoài năng lực giảng dạy, nghiên cứu và công bố thì còn là uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các giảng viên trẻ, tạo nên các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Những giảng viên đại học cần đạo tạo rất sâu, rất lâu, tôi luyện giống như bác sĩ mới có được kiến thức nền và cũng rất khác với những ngành nghề khác. Ảnh minh họa: T.D.
Học vị của giới “tinh hoa”
Theo thầy Tuấn: “Thực tế trước kia, việc làm luận án Tiến sĩ nếu ở Châu Âu là chỉ dành cho giới quý tộc tinh hoa, những người rất có điều kiện kinh tế, không bị cơm, áo, gạo, tiền chi phối mới có thể dành hoàn toàn thời gian làm nghiên cứu, đem lại những thành quả, phát minh đó cho thế giới, làm thay đổi nhân loại, đó là những người toàn tâm, toàn ý cho khoa học, và Tiến sĩ không dành cho “tay mơ”.
Nhưng hiện nay xã hội đã khác rất nhiều, và câu chuyện nghiên cứu được hiểu một cách đơn giản hơn, không còn “sang chảnh” như ngày xưa nữa. Nhưng nếu một người học xong bậc đại học, rồi làm Thạc sĩ thì sẽ rất khác bởi họ chưa có trải nghiệm ngoài cuộc sống thật, vậy nên việc học của họ cũng giống như lên lớp. Nhưng nếu người đó đã có trải nghiệm ngoài đời, rồi mới quay lại làm Tiến sĩ, đó mới là giá trị.
Khi một người bảo vệ xong đề tài Tiến sĩ, thực chất lúc này anh ta mới học xong cách nghiên cứu chuyên sâu, mới vượt qua bài học đầu tiên để bước chân vào môi trường nghiên cứu, gọi bắt đầu là như vậy.
Sau đó đi giảng dạy sinh viên và từ những kiến thức tích lũy được, có môi trường cộng đồng làm việc, trao đổi thảo luận chuyên sâu, có những nghiên cứu, ứng dụng, có đồng nghiệp của “thế giới” nghiên cứu. Vậy nên 20 năm sau Tiến sĩ nó quá ngắn để những người này cống hiến.
Những thành quả mà các nhà nghiên cứu, giảng dạy này có được, có thể nói đó là “xương máu” mà xã hội không thể hiểu được, chỉ nghĩ đơn thuần Tiến sĩ là cao nhất. Còn có một học vị sau Tiến sĩ nữa đó là “Tiến sĩ liên ngành”, theo đó, các Tiến sĩ chuyên ngành sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu để mở rộng phạm vi đề tài của mình trước đó và tìm ra những kiến thức mới hơn.
Ngoài ra sau Tiến sĩ là nghiên cứu cao cấp, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp và câu chuyện không phải đến đó là dựng lại, rồi Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học phấn đấu đóng góp thành Giáo sư,…Còn rất nhiều bước để họ phấn đấu, rất vất vả tốn nhiều công sức mà không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có được”.
Đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% giảng viên đại học
Trong 20 năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng chủ trì thực hiện 2 đề án đào tạo nhân lực trình độ tiến sĩ và thạc sĩ có kinh phí nhiều nghìn tỉ đồng.
Sau nhiều lần dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ và ngày 18/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 89 phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (Đề án 89).
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới, Giáo dục Đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Như vậy, nếu so với mục tiêu của Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm, thì mục tiêu của Đề án 89 này đã giảm số lượng hơn một nửa.
Ngày 13/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn triển khai Đề án này trong năm 2021 và 2022. Yêu cầu các trường muốn tham gia đào tạo đăng kí trước ngày 20/5, gửi danh sách ứng viên trước ngày 15/6.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo danh sách trúng tuyển trước ngày 30/6/2021.
Infographic: Tùng Dương.
Tài liệu tham khảo:
1. https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/nha-giao-va-can-bo-quan-ly-giao-duc/Pages/Default.aspx?ItemID=5830
2. http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=95252
3. https://daibieunhandan.vn/hau-de-an-322-248467
4. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/hang-nghin-ty-dong-va-giac-mo-tien-si-ky-1-312711
5. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-an-322-bi-dung-may-ma-toi-khong-phai-la-sinh-vien-tai-nang-post62570.gd
Cựu sinh viên ĐH Oxford: College không đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ College tại ĐH Oxford (Anh) giống một trường đại học thu nhỏ với sinh viên từ nhiều ngành học khác nhau nhưng không có chức năng đào tạo đối với chương trình thạc sĩ, tiến sĩ. Linacre College được giới thiệu là nơi đáp ứng điều kiện ăn, ở, các tiện nghi sinh hoạt, học tập cho giảng viên, nhân viên, sinh viên...