Vợ yếu chồng… đuối
Đã hai năm, dù vẫn sống chung nhà, ăn chung mâm, nhưng tình trạng vợ chồng chị Anh Thư chẳng khác ly thân.
Từ ngày phát hiện vùng kín của chị bị xuất huyết bất thường khi quan hệ (bác sĩ định bệnh là u xơ tử cung), chồng chị rất hoảng sợ.
Mất sức – Mất luôn chồng
Video đang HOT
Anh đưa chị đi khám nhiều nơi, thúc giục uống thuốc, dùng thuốc rửa vệ sinh. Không cần đợi lệnh “bế quan tỏa cảng” vài tháng của bác sĩ, chồng chị cũng ngại gần vợ vì thấy không sạch sẽ, không thăng hoa, lại ngần ngại vợ kêu đau rát. Dần dần, anh càng ít có những cử chỉ thân mật với vợ. Lúc đầu, chị ngỡ anh tự tránh những cảm xúc phát sinh, sau này mới biết là anh dị ứng mùi thuốc men, mùi mồ hôi khẳn khẳn trên áo vợ. Cay đắng hơn, chị luôn nghĩ anh khao khát chờ ngày. Tưởng anh hào hứng trông chờ bệnh chị tạm ổn, nhưng sự thật lại quá phũ phàng: đã có người thế vai chị trong thời gian vợ chồng “xa mặt cách giường”.
Bệnh cũ chưa hết, chị mắc thêm chứng nhức đầu, mất ngủ, rối loạn thần kinh vì ghen. Chị càng kêu gào anh về, anh càng mất tăm mất dạng, có khi đêm không về. Nhà cửa không ai lo, chị bệnh không ai túc trực chăm sóc nên chị càng ức chế, hễ thấy chồng là tranh thủ xả bực tức. Chị không tiếc lời chỉ trích chồng là người phụ tình, ham của lạ, vô trách nhiệm, ăn ở thất đức, vắt chanh bỏ vỏ… Hú hí bên ngoài nhưng anh viện cớ làm thêm, tăng ca đêm để kiếm tiền chạy chữa cho vợ. Mỗi lần tranh cãi, anh không quên bồi thêm: “Cô tưởng trị bệnh cho cô ít tiền lắm à? Tôi không cày thêm thì có nước cả nhà… ăn cám”. Câu nói như xát muối vào tim chị. Chị càng khủng hoảng tinh thần khi biết gia đình chồng xui anh bỏ vợ để cưới người tình, một đồng nghiệp trẻ của anh. Mẹ chồng chê chị nay ốm mai đau, không nhờ vả gì được, lại không biết đẻ con để nối dõi tông đường (chị đã hư thai hai lần do u xơ). Mái ấm của chị đang đứng bên bờ vực chỉ vì chị coi thường sức khỏe bản thân. Chị mê mải đi làm, học nâng cao, chăm sóc người thân. Chị có mẹ bị u xơ cổ tử cung, bản thân chị béo phì và từng bị viêm “vùng kín”, đó là những bước đệm đưa chị đến căn bệnh này nhưng chị vẫn thờ ơ trước nguy cơ. Chị cũng vài lần định gặp bác sĩ nhưng công việc cứ lôi chị đi, thế là “nuôi bệnh”.
Bi kịch của chị Kim An (Q.3) lại bắt nguồn từ sạp trái cây hút khách của chị. Mới ra sạp đã mua may bán đắt, chị bận bịu hơn nhiêu so với thời làm công nhân may. Chị gồng mình, nắm bắt cái thời làm ăn nhưng khi chị tích lũy đủ để sửa lại nhà thì cơ thể chị cũng đòi chừng ấy tiền để chữa bệnh. Chị mang nhiều chứng: Viêm xoang, đau khớp, đau bao tử, sỏi thận, tim mạch, cao huyết áp. Chiều khách, chị dọn hàng sớm, dẹp hàng khuya, ăn uống thất thường, lười uống nước, ngại đi vệ sinh… Chuyện gối chăn từ chỗ nồng nàn giờ cũng thành nỗi ám ảnh vì chị quá mệt.
Ngày chị lên cơn đau dữ dội, phải vào BV Bình Dân mổ lấy sỏi ra, chồng con chị chạy đến rạc người. Thương chồng vất vả nhưng thấy anh vụng về, lớ ngớ, chị lại hay nổi sùng, cáu bẳn. Những “cuộc chiến” vặt vãnh bên giường bệnh cứ nổ ra. Chỉ cái chuyện chồng lấy nhầm bộ đồ dài và bộ sườn xám vào BV cho vợ mặc cũng khiến chị phát bực, nghĩ anh không quan tâm đến vợ. Chị hỏi han chuyện mua bán, nhà cửa, chuyện học của con, anh nạt: “Bệnh thì lo bệnh đi. Mệt quá!”. Anh nấu cháo quá mặn, chị kêu là cháo kho, anh nổi nóng đem bỏ ụp vào thùng rác trước mặt chị. Không kiềm chế được, chị thều thào: “Tôi lo hết trong ngoài, anh ăn không ngồi rồi riết không còn biết làm gì”. Anh khích: “Có giỏi thì ngồi dậy lo đi”.
Xuất viện chẳng bao lâu, chị lại bị tai biến yếu nửa người, phải nghỉ bán và đi tập vật lý trị liệu mỗi ngày. Vừa làm vợ, vừa làm chồng, vừa làm cha, chồng chị quá oải nên cũng nghỉ việc để chăm sóc gia đình. Ngân quỹ cạn kiệt, gia đình ngày càng lún nợ. Chán cảnh nhà nặng nề, chồng chị trở lại đam mê bài bạc, đá gà như thuở xưa, bỏ mặc vợ con tự xoay xở. Xót con, giận rể vô tình bạc nghĩa, mẹ chị đón chị và con về quê chăm sóc. Chồng chị buông xuôi.
Nụ hôn bắt bệnh
Hoạn nạn là cơ hội thể hiện tình yêu thương nhưng nó cũng có thê nhấn chìm gia đình. Dù vợ bệnh gì, thì nếu kéo dài lâu ngày cũng có thể biến chứng sang… tim của người chồng. Yếu khó yêu! Từ mệt mỏi, túng quẫn, tâm trạng không ổn định, vợ/chồng sẽ dần không nuôi dưỡng được cảm giác cần nhau, vì nhau. Nhiều người cho rằng giây phút đẹp nhất của hôn nhân là chăm bệnh. Lúc đầu thì đúng vậy. Tình yêu lấn át, người chồng sẽ ưu tiên “tất cả cho vợ”, mọi tình cảm, mọi nâng niu dồn hết cho người vợ đau yếu. Nhưng thời gian dần trôi, các thành viên trong gia đình dần mòn mỏi, chán chường. “Cục cưng” trở thành gánh nặng cho cả nhà. Gánh nặng này không biết quẳng cho ai, mà càng mang càng đuối. Không khéo lại bệnh tập thể.
Sức đề kháng của cơ thể còn là sức đê kháng của hạnh phúc gia đình. Với những cuộc hôn nhân mà không có hoặc tình yêu đã nhạt thì đạo nghĩa vợ chồng không đủ sức để giữ cho gia đình khỏi đổ vỡ. Sức khỏe yếu thì không hạnh phúc, không hạnh phúc thì sức khỏe càng yếu. Trong đời sống vợ chồng, sức khỏe của một người ở mức độ nào đó, còn là… của người kia.
Trong chuyên đề Những vấn đề sức khỏe phụ nữ liên quan đến hạnh phúc gia đình, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc BV Từ Dũ) phân tích: “Người vợ là “người xây tổ ấm”, nếu vợ bệnh hoạn hoài thì tổ ấm làm sao vui vẻ được? Nhiều người cứ tưởng mình bệnh sẽ làm chồng quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho mình hơn, nhưng thực tế, tôi đã gặp nhiều gia đình chồng rất yêu vợ, nhưng khó chịu khi đi làm mệt mỏi về đến nhà là gặp bà vợ eo sèo, đau yếu. Không có bữa cơm ngon, lại nghe mãi những lời than vãn, người chồng sẽ căng thẳng, chán nản. Nếu cộng thêm con cái không ngoan, kinh tế gia đình bất ổn thì càng khó mà hạnh phúc. Đó là chưa kể khi mắc bệnh phụ khoa, vợ chồng không quan hệ tốt được, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều điều không hay cho quan hệ vợ chồng”.
Bác sĩ Ngọc Phượng khuyến cáo, mỗi người phải nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật để vững vàng hơn trước những bất trắc của cuộc sống. Khỏe để lo được cho người khác, không thì ít nhất cũng không làm phiền bạn đời, con cháu. Khỏe nhờ chế độ dinh dưỡng khoa học, uống nhiều nước, vận động thường xuyên, tập lối sống lành mạnh, giữ tinh thần an vui, khám sức khỏe định kỳ, có bệnh thì chữa dứt sớm…
Theo VNE