Vỡ trận 108 tổ hợp, có nên quay lại chương trình phân ban?
Vấn đề tổ hợp môn tự chọn cho học sinh ở bậc trung học phổ thông là một vấn đề gây nhiều tranh luận, gây đau đầu cho những nhà quản lý trong thời gian qua.
Học sinh được chọn tổ hợp môn tự chọn hay chọn theo định hướng của nhà trường?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối học sinh lớp 10 trong năm học 2022 – 2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.
Nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương).
Hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Nếu cho học sinh được tự do lựa chọn tổ hợp môn theo sở trường, yêu thích của mình thì có đến hàng trăm cách lựa chọn khác nhau theo phân tích của các tác giả trong thời gian qua trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Không thể ngụy biện lý do này hay lý do khác mà tước đoạt quyền được chọn môn của học sinh, nhưng nếu cho học sinh được tự do được chọn môn chắc chắn “vỡ trận”, có đến hàng trăm cách lựa chọn khác nhau thì không thể nào cho học sinh tự do lựa chọn tổ hợp môn được.
Nếu định hướng chọn tổ hợp môn cho học sinh được học theo đó tức là “ép” học theo tổ hợp môn đã lựa chọn là trái với quan điểm về chương trình mới, tức là thừa nhận thất bại trong việc chọn tổ hợp môn.
Ảnh minh họa: Lã Tiến
Trong bài viết “Chương trình mới “đẻ” hơn 80 tổ hợp môn, các trường ở Hải Phòng chuẩn bị ra sao?” của tác giả Phạm Linh, thầy Phạm Huy Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết:
“Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn dự kiến phân phối chương trình theo từng học kỳ của 11 lớp được chia thành 6 khối tổ hợp.
Video đang HOT
Nhóm Khoa học tự nhiên có 3 sự lựa chọn: Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Tin, chuyên đề môn Toán, Lý, Hóa (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Tin, chuyên đề môn Toán, Hóa, Sinh (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, chuyên đề Toán, Lý, Anh (2 lớp).
Nhóm Khoa học xã hội có 2 sự lựa chọn: Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý, Tin, chuyên đề môn Văn, Sử, Địa (2 lớp); Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa, Tin, chuyên đề Toán, Văn, Anh (3 lớp)” (*)
Có thể thấy nếu theo định hướng của Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn thì chỉ có 5 cách cho học sinh lựa chọn trong hàng trăm cách, có thể là nhà trường vẫn cho học sinh chọn nhưng chọn theo định hướng sẵn và chọn theo chỉ tiêu (số lớp).
Trao đổi với một số giáo viên ở các trường trung học phổ thông thì việc chọn tổ hợp môn của các trường khác cũng sẽ thực hiện theo hình thức tương tự, tức là cho các lớp sẵn cho học sinh lựa chọn và hầu như nhiều đơn vị không đưa vào chọn môn Âm nhạc, Mĩ thuật do không tuyển dụng được giáo viên 2 môn trên.
Nếu trường định hướng cho học sinh chọn tổ hợp môn thì Bộ nên định hướng cho đồng bộ, thống nhất
Nếu theo các phương án mà các trường chuẩn bị triển khai gần như sẽ là định hướng sẵn tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn, điều này không đúng với quan điểm, định hướng khi xây dựng chương trình mới hay có thể nói bước đầu quan điểm cho học sinh được lựa chọn môn theo chương trình mới đã thất bại.
Việc cho học sinh chọn tổ hợp môn có thể sẽ thất bại vì không còn cách nào khác, nếu không sẽ “vỡ trận” nên đành phải “chữa cháy” bằng cách định hướng sẵn các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn.
Tuy nhiên, nếu theo cách dự kiến hiện nay là cho các trường lựa chọn sẵn tổ hợp môn cho học sinh theo điều kiện thực tế của trường thì sẽ gặp nhiều vấn đề phức tạp phát sinh như: học sinh không yêu thích môn học đó nhưng phải chọn học tổ hợp có môn học đó, học sinh khi lựa chọn sai sẽ không được lựa chọn lại, học sinh khi chuyển trường, ở lại sẽ không có cơ hội đi học trường khác (do khó có trùng với tổ hợp môn đã lựa chọn), khó khăn dự báo nhân sự giáo viên, đào tạo giáo viên,… vô cùng rắc rối và phức tạp.
Việc cho các trường định hướng chọn tổ hợp môn như trên vô cùng rắc rối, phức tạp khi tiến hành triển khai trong thời gian tới hay có thể nói mỗi nơi sẽ mỗi kiểu khác nhau, trăm hoa đua nở.
Do đó, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thừa nhận việc dự định cho học sinh chọn tổ hợp môn là không phù hợp, không khả thi trong tình hình hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức các hội thảo với các nhà chuyên gia giáo dục uy tín trong và ngoài nước để tìm cách tháo gỡ vấn đề chọn tổ hợp môn ở lớp 10 trong thời gian rất gấp ở phía trước.
Nếu học sinh không thể được tự do chọn môn thì người viết cho rằng thay vì cho các trường định sẳn tổ hợp môn cho học sinh chọn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên định hướng tổ hợp cho học sinh lựa chọn để có tính thống nhất cả nước, đồng bộ trong việc triển khai dạy học, trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng giáo viên, trang thiết bị phục vụ học tập, giảng dạy. Có thể có từ 5-10 phương án cho các địa phương lựa chọn.
Điều gì tốt của chương trình mới thì tiếp thì tiếp thu, phát huy điều gì còn chưa phù hợp, cần thay thế thì mạnh dạn thay đổi để hướng đến tính đồng bộ, khoa học và thống nhất cả nước đáp ứng mục tiêu đổi mới, phù hợp với xu thế của thế giới xin đứng “ném lao thì phải theo lao”, “chữa cháy” bằng cách này hay cách khác làm khổ giáo viên và học sinh.
Uyển chuyển lựa chọn tổ hợp môn học
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, với lớp 10, ngoài các môn học bắt buộc chung, có môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn.
GD&TĐ - Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, với lớp 10, ngoài các môn học bắt buộc chung, có môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn.
Ảnh minh họa/INT
Có ý kiến lo lắng việc này dẫn đến xuất hiện nhiều tổ hợp và khó khăn cho nhà trường triển khai.
Chia sẻ về lý do cho phép học sinh được lựa chọn môn học ở THPT, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - cho biết: Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giáo dục phổ thông được phân thành hai giai đoạn - giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT).
Xác định tổ hợp phù hợp thực tế đội ngũ và cơ sở vật chất
- Việc cho phép học sinh được lựa chọn môn học dẫn đến có thể xuất hiện số lượng lớn các tổ hợp môn học lựa chọn và các trường sẽ khó khăn trong triển khai?
- Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006, học sinh THPT phải học 17 môn học, hoạt động giáo dục và học theo phân ban cứng. Nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra là giảm bớt số môn học bắt buộc để học sinh không quá tải và cho phép học sinh tự lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp và sở thích.
Trong Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có các chuyên gia toán học, cho nên không phải bây giờ mới tính được về mặt lý thuyết sẽ có bao nhiêu tổ hợp.
Thực ra, câu chuyện dạy học phân hóa ở cấp THPT không phức tạp đến thế. Học sinh lựa chọn môn học có nghĩa là: Chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, ví dụ: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật; chọn thêm 2 môn học ở nhóm khác, ví dụ: Sinh học, Tin học (hoặc Công nghệ, Âm nhạc) nhưng không phải học chuyên đề của các môn học này.
Còn về nhà trường thì cách làm đơn giản nhất là: Tổ chức lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như từ trước tới nay. Tổ chức lớp học chuyên đề, xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Sắp xếp học sinh vào các lớp chuyên đề theo nguyện vọng; nếu số học sinh đăng ký vào một lớp vượt quá sĩ số quy định thì chuyển học sinh vào lớp chuyên đề khác theo nguyện vọng 2. Căn cứ để chọn nguyện vọng 1 là "độ dốc" của điểm thi đầu vào hoặc điểm tổng kết môn học đó ở THCS.
Phải nói thêm, trong tính toán, chúng ta không thể quên 2 dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Làm tính mà không đủ dữ kiện thì kết quả sẽ không chính xác. Chương trình giáo dục phổ thông là chương trình xây dựng cho hàng chục năm, mở ra cho học sinh và các trường cơ hội lựa chọn các môn học phù hợp, nhưng không buộc các trường phải thực hiện ngay, vượt quá khả năng của mình và địa phương. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế.
Về phía Bộ GD&ĐT, để chuẩn bị cho công việc này, cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức 1 mô-đun để tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về xây dựng kế hoạch giáo dục. Một số sở GD&ĐT có công văn hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng. Cho nên, nếu các trường đã nghiên cứu kỹ công văn của Bộ/sở GD&ĐT và chuẩn bị sẵn sàng từ trước thì sẽ không lúng túng.
Về phía học sinh và phụ huynh, việc cần làm là cân nhắc để có sự lựa chọn phù hợp. Chuyển đổi từ chỗ học theo kế hoạch cố định sang tự do lựa chọn môn học dĩ nhiên ban đầu sẽ có chút bối rối, nhưng đây là cơ hội để học sinh được tự mình quyết định việc học của mình. Tôi tin rằng những bối rối này, nếu có, sẽ nhanh chóng qua đi với sự tư vấn và tổ chức phù hợp của nhà trường.
GS Nguyễn Minh Thuyết.
Giải pháp trước mắt về giáo viên
- Khi cho học sinh quyền lựa chọn sẽ xuất hiện môn được lựa chọn nhiều, môn được lựa chọn ít; từ đó việc bố trí đội ngũ sẽ khó khăn. Chưa kể hầu hết các trường hiện nay chưa có giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc. Cần giải quyết bài toán này thế nào, thưa Giáo sư?
- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng của học sinh, cả trong thời điểm hiện tại lẫn tương lai, khi điều kiện dạy và học sẽ thay đổi. Để khắc phục khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, trường chuyên nghiệp.
Ngành Giáo dục cũng có thể cho phép học sinh học những môn này ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, công nhận kết quả học tập của các em như môn học ở trường THPT. Dĩ nhiên, nếu không nhiều học sinh địa phương có nguyện vọng học các môn này thì không cần áp dụng các giải pháp nói trên.
- Vậy, trường hợp học sinh ở lớp 10 chọn một tổ hợp môn học, đến lớp 11 lại có nguyện vọng thay đổi thì giải quyết như thế nào trong đánh giá kết quả học tập của học sinh, theo Giáo sư?
- Tình huống này, Ban soạn thảo chương trình đã lường trước. Trong trường hợp này, nhà trường bảo lưu kết quả học tập của học sinh ở lớp 10 để học sinh đó được lên lớp, nếu đủ điều kiện. Nhưng để có đủ kiến thức, kỹ năng theo học các môn học ở tổ hợp mới, dĩ nhiên, học sinh đó phải học lại chuyên đề của môn học mới ở lớp 10.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Chương trình giai đoạn giáo dục cơ bản được thiết kế theo hướng tích hợp, nhưng phân hóa dần theo quy luật nhận thức của học sinh. Cấp THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp và sở thích. Tuy nhiên, học sinh cũng không thể học quá ít môn, vì giai đoạn giáo dục cơ bản của chúng ta chỉ học 9 năm, thời lượng học ít hơn học sinh các nước nhiều (riêng 2 cấp tiểu học và THCS, học sinh Việt Nam học ít hơn các nước OECD 2.051 giờ). Do đó, các em phải học các môn công cụ: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; các môn bắt buộc theo luật (Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Giáo dục thể chất); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương. Các em đồng thời phải chọn ít nhất 1 môn học ở mỗi nhóm môn học lựa chọn để bảo đảm giáo dục toàn diện.
Chương trình mới lớp 10: Học sinh cân nhắc kỹ trước khi chọn tổ hợp môn học lựa chọn Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) có những chia sẻ đáng chú ý xung quanh tổ hợp môn học lựa chọn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 năm học 2022-2023. GD&TĐ - Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) có những chia sẻ...