‘Vỡ mộng’ tiếng Anh tích hợp vì đuối sức
Tại TP.HCM, nhiều phụ huynh có con học chương trình lớp 1 tích hợp (dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam) đã phải xin cho con về lớp thường sau học kỳ 1.
Học sinh lớp 1/5 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM trong giờ học chương trình tiếng Anh tích hợp – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đa số phụ huynh xin chuyển vì sức con không theo nổi chương trình.
“Con không muốn ăn, con không muốn đi học”
Học sinh học chương trình tích hợp sẽ được học đầy đủ các môn của chương trình Việt Nam theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT do giáo viên Việt Nam dạy. Ngoài ra, học sinh được học cùng giáo viên bản ngữ ở 3 môn toán, tiếng Anh và khoa học.
Anh Đ.Q.T. có con đang học một trường tiểu học tại quận 9, vừa kết thúc học kỳ 1, anh xin nhà trường cho con qua học kỳ 2 của lớp 1 thường.
Anh T. cho biết đầu năm học nghe nói chương trình tích hợp sẽ không phải mất thời gian học thêm bên ngoài mà cha mẹ cũng đỡ thời gian đón đưa nên đăng ký cho con học. Nhưng dần dần mỗi buổi chiều đón con về, thấy con mệt mỏi, hỏi thì con nói con không muốn ăn, con không muốn đi học nữa.
“Theo dõi mới biết sức con mình có hạn, tư duy không kịp chương trình. Suốt cả một học kỳ con chịu đựng, mệt mỏi. Thế là thi học kỳ 1 xong tôi vội vàng xin chuyển con sang lớp bình thường” – anh T. kể.
Trường hợp con chị P.T.T.S. (quận 3) cũng tương tự. Trước đó thấy bạn bè chị S. có con học chương trình tích hợp và vì muốn đầu tư lâu dài cho con ngay từ đầu để con đi du học.
Video đang HOT
“Nghe học chương trình tích hợp thì tiếng Anh được dạy nâng cao hơn, ứng dụng chương trình tiếng Anh với kiến thức lý thuyết hệ thống, nâng cao kỹ năng và thấy con của bạn bè cũng học tốt nên tôi nghĩ con mình cũng thế.
Chỉ hai tháng đầu của năm học, con mỏi mệt. Kiểm tra bài vở thì con rất mơ hồ. Cộng với giáo viên thông tin tình hình học tập nên tôi cố gắng hết kỳ 1 để… “giải phóng” cho con” – chị S. nói.
Nên bắt đầu từ những chương trình nhẹ nhàng
Chương trình tiếng Anh tích hợp là tên gọi tắt của đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” được UBND TP.HCM phê duyệt theo quyết định số 5659/QĐ-UBND ngày 20-11-2014.
Trên cơ sở này, từ năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT đã phê duyệt danh sách 47 trường tiểu học, 26 trường THCS và 16 trường THPT được triển khai chương trình này.
TS Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) có con đang học lớp 2 chương trình tích hợp. Với vai trò là phụ huynh, bà cho rằng chương trình tích hợp chỉ dành cho học sinh đầu vào không đúng tuyến.
Tuy nhiên, năng lực các bé khi mới vào lớp 1 mà học toán, khoa học, tiếng Anh thì sẽ gặp khó khăn, có em học được, có em thì không. Em nào không theo kịp sẽ tạo áp lực không tốt cho phụ huynh, học sinh, nhà trường cũng phải lo giải quyết chuyển lớp cho các em.
“Để biết được tình hình con, cha mẹ theo dõi con qua sổ liên lạc, nhưng như vậy cũng chưa có đủ chi tiết. Khi học sinh gặp vấn đề, giáo viên nên làm việc trực tiếp với phụ huynh theo từng tháng để gia đình nắm bắt tình hình chứ không phải đợi đến hết năm học, học kỳ” – bà Dung chia sẻ.
Tuy vậy, với giáo dục thì năng lực của đứa trẻ không phải 1-2 tháng mà là một quá trình, phụ huynh nên lượng sức cho con chạy đường dài.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ dưới góc độ tâm lý trẻ em, cái gì liên quan đến ổn định, hạnh phúc, thoải mái mới là quan trọng nhất. Học qua chơi sẽ nhẹ nhàng hơn học qua chương trình của nhà trường.
“Với trường hợp phụ huynh cứ cố muốn chọn cho con lớp chương trình “xịn” là cố tình đẩy con theo ý chí người lớn. Như thế làm đứa trẻ sẽ mất động cơ học tập, sợ đến trường, sợ đi học, trầm trọng hơn nữa là ảnh hưởng dai dẳng sức khỏe tinh thần đứa trẻ. Vì thế nên bắt đầu cho con từ những chương trình học nhẹ nhàng, bình thường, thoải mái nhất” – ông Điệp đưa ra lời khuyên.
Được tư vấn nhưng vẫn… phóng theo
Một chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 3 cho biết: “Thường khi con vào lớp 1 thì có hội đồng tuyển sinh tư vấn cho phụ huynh. Tuy nhiên, có một số phụ huynh vì tâm lý đầu vào, muốn vào lớp “VIP”, muốn con học lớp chương trình chất lượng cao mà quên mất khả năng tiếp nhận của con, hoặc biết nhưng vẫn cố tình chạy theo”.
“Tôi biết có phụ huynh xin ra khi hết học kỳ, hết năm học nhưng cũng có phụ huynh đợi trống chỗ để xin chuyển con vào cho được lớp tích hợp. Nhưng đến khi thấy con không thích nghi được mới tính đường nước rút, như thế đã làm mất môi trường thành công cho con ngay từ những ngày đầu” – chuyên viên này thông tin.
Theo tuoitre
Gấp rút ôn tập, chuẩn bị thi THPT quốc gia
Hiện tại, hầu hết các trường THPT tại TPHCM đã tiến hành cho HS khối 12 đăng kí dự kiến chọn bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH) trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Từ đăng kí dự kiến của HS cũng như nắm bắt nguyện vọng của các em về xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhà trường đã triển khai ôn tập, tăng tiết, lên kế hoạch thi thử... để giúp các em chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Hoàn thiện đăng kí dự kiến bài thi
Từ đầu năm học này, Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức) cho HS khối 12 đăng kí dự kiến chọn bài thi tổ hợp tự chọn và nguyện vọng khối thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Theo cô Hoàng Hảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường có 714 HS khối 12, sau khi cho các em đăng kí dự kiến chọn bài thi tổ hợp bắt buộc, qua tổng hợp có 514 em chọn bài thi KHTN và 200 em chọn bài thi KHXH. Đầu học kỳ 2, trường có thông tin các em thay đổi lựa chọn có thể đăng kí lại, nhưng chỉ có 1 trường hợp thay đổi từ bài thi tổ hợp KHTN sang KHXH.
Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), có hơn 400 HS khối 12, trong đó có 3 lớp đăng kí dự kiến bài thi tổ hợp KHXH (khoảng 90 em).
Còn ở Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) có 770 HS khối 12, trong đó có 550 em chọn bài thi KHTN. Thầy Trần Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết "ngoài việc cho các em đăng kí dự kiến chọn bài thi tổ hợp, khối thi, ôn tập tăng tiết, trường sẽ tổ chức 2 lần thi thử để giúp các em làm quen, tập dượt. Ở học kỳ 1, trường đã tổ chức thi thử lần 1 và dự kiến gần cuối tháng 5 sẽ tổ chức thi thử lần 2".
Bên cạnh đăng kí bài thi dự kiến, HS một số trường tại TPHCM khuyến khích các em HS khả năng đăng kí kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH QG TPHCM vào cuối tháng 3/2019 để có thêm nhiều cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng như có những kinh nghiệm, tập dượt cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Các trường vừa tổ chức dạy học theo chương trình vừa ôn tập cho HS khối 12 chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới
Chủ động ôn tập cho học sinh
Tại Trường THPT Thủ Đức, với lợi thế dạy 2 buổi/ngày, nên song song với chương trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã bắt đầu tăng tiết học ở buổi hai cho HS theo đăng kí bài thi tổ hợp tự chọn, cũng như khối thi các em dự kiến xét tuyển. Cụ thể, HS chọn đăng kí bài thi XH để xét tốt nghiệp nhưng các em lại xét tuyển ĐH ban D (Toán, Văn, Anh) sẽ được tăng cường 2 - 3 tiết Sử/tuần. Còn nếu các em chọn bài thi tổ hợp KHXH và chọn xét tuyển ban C các em sẽ tăng cường 4 tiết Sử/tuần.
Về nội dung ôn tập, căn cứ trên bộ đề thi minh họa được Bộ GD&ĐT công bố, các giáo viên bộ môn của các trường THPT đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về các chuyên đề ôn tập cho HS.
"Hiện tại ở buổi 2, với môn Tiếng Anh chúng tôi ôn tập cho HS các kiến thức cơ bản theo chủ đề như ngữ pháp, từ vựng, luyện tập các dạng bài tập viết câu, phát âm... và mở rộng thêm kiến thức cho những HS chọn ban D để xét tuyển ĐH, CĐ. Từ bộ đề minh họa, bản thân giáo viên cũng tự soạn các bộ câu hỏi và tham khảo thêm ở trên mạng, ở đồng nghiệp các trường bạn để cho các em làm quen dần. Phương châm của giáo viên là ôn tập kiến thức cơ bản, học tới đâu ôn tập và giúp các em nắm kiến thức tới đó", cô Lê Ngọc Nữ, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Thủ Đức cho hay.
Ở các trường tư thục, thời điểm này cũng đã bắt đầu tăng tốc ôn tập cho học sinh khối 12. Thầy Lê Hoàng Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Đào Duy Anh (quận 6) thông tin, ngoài việc bảo đảm học tập theo chương trình quy định của Bộ, nhà trường còn tổ chức cho HS khối 12 ôn tập, làm các dạng đề vào buổi tối cho HS theo hình thức cuốn chiếu. Trường tổ chức kiểm tra định kỳ cho để nắm bắt việc ôn tập, học tập của các em. Từ các bài kiểm tra định kỳ, kiến thức các em còn yếu chỗ nào, các giáo viên sẽ ôn tập thêm cho HS.
Thảo Nguyên
Theo giaoducthoidai
Những cách nói thay thế 'scary' "Terrifying", "horrifying" hay "alarming" có thể dùng thay thế "scary" để diễn đạt nghĩa "đáng sợ". Theo 7 ESL