Vỡ mộng kinh doanh giáo dục (Kỳ cuối)
Nhiều chuyên gia cho rằng việc các trường tư đang ngắc ngoải là quy luật của thị trường và chứng minh một thực tế không thể làm giáo dục theo kiểu “ăn xổi ở thì”.
Hiệu trưởng một trường trung cấp tư thục ở TP.HCM thừa nhận những nhà đầu tư vào trường luôn tìm cách để tối đa hóa lợi nhuận theo kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”, đầu tư cơ sở vật chất tạm bợ, không quan tâm đến việc tuyển giảng viên giỏi… Sau thời gian trường tuyển sinh èo uột, thua lỗ, những người này đã rút lui, đẩy trường vào chỗ khó khăn hơn.
Đầu tư tốt cho cơ sở vật chất là một trong những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong ảnh: một phòng thí nghiệm hiện đại của Trường ĐH quốc tế Miền Đông – Ảnh: Minh Trọng
Tín hiệu đáng mừng
Một trong những nguyên do dẫn đến thực trạng trên, đại diện một số trường trung cấp cho rằng mình đang tham gia một “cuộc chơi không cân sức” khi nhiều trường ĐH “vớt” hết học viên tốt nghiệp từ THCS trở lên. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng tâm lý chuộng bằng cấp nên nhiều người không chọn con đường học nghề. Tuy nhiên, cũng có ý kiến thừa nhận có nguyên nhân chủ quan từ chính các trường như hiệu trưởng một trường trung cấp thừa nhận đội ngũ và cơ sở vật chất của trường còn sơ sài. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến các trường bị người học tẩy chay.
“Có khai sinh thì cũng phải có khai tử đối với những trường quá yếu kém, không thể thu hút được người học. Ở các nước, những trường kém chất lượng đều bị buộc đóng cửa nhưng ở VN vẫn chưa làm được việc này” PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
TS Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc một số trường ngoài công lập phải ngừng hoạt động, thậm chí “chết” đi, là tín hiệu bình thường của nền kinh tế thị trường. Cũng theo TS Kim Dung, khoảng 10 năm trở về trước, nhiều người cho rằng đầu tư vào giáo dục thu lại lợi nhuận rất cao, mở trường sẽ hốt bạc.
Chính tâm lý này làm cho các trường mở ra hàng loạt chứ không phải là vì có sự tâm huyết với giáo dục như một số nhà đầu tư đã làm. Một trong những điều làm cho giáo dục khó “hốt bạc” nữa là vì có sự xuất hiện của các trường quốc tế, sinh viên đi du học… “Thị phần” trong giáo dục hiện đã được chia sẻ rất nhiều. Có thể xem đây là một tín hiệu báo động từ nhiều phía để các bên thực hiện cho tốt hơn.
Trên thực tế thời gian qua, nhiều trường tư xuất hiện mà chưa chuẩn bị đủ từ nhân lực, cơ sở vật chất đến hoạch định việc hoạt động trường nên thiếu nguồn lực, tầm nhìn mà quan trọng nhất là thiếu chất lượng. Các trường này không có sự hoạch định về việc ngành mình đào tạo thiếu hay thừa trong tương lai. “Hiện rất nhiều tín hiệu cho thấy sinh viên trường tư sẽ không được chấp nhận chỗ này chỗ kia.
Video đang HOT
Cũng như có không ít sinh viên trường này trường kia không đáp ứng được công việc sau khi tốt nghiệp thì chuyện người học quay lưng với trường đó là tất yếu. Nếu như trường không đủ chất lượng vẫn “bán bằng” được, người học vẫn chấp nhận “hàng giả” thì đây lại là điều đáng lo. Những trường không đủ bản lĩnh, không có được hướng giải quyết khó khăn dẫn đến ngưng hoạt động thì đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Bởi nó cho thấy “người tiêu dùng” – người học – đã có sự lựa chọn thông minh hơn trong việc nên chọn trường nào để phát triển bản thân” – TS Kim Dung nói.
Trong khi đó, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trước thực trạng các trường tư khốn khó như hiện nay cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại để khắc phục. Cũng cần nhìn nhận các trường ngoài công lập đã có đóng góp lớn trong việc phát triển giáo dục thời gian qua.
Thực tế không ít trường tư đầu tư đàng hoàng vẫn sống tốt. Trường học ngưng hoạt động gây hệ quả lớn, không chỉ là vấn đề của giáo dục mà còn của xã hội. Việc này làm mất thời gian, tiền bạc của người học và xã hội.
Kiểm soát chất lượng
Giải thể trường kém chất lượng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng đề xuất: “Đối với các trường tư thục, chỉ nên cho phép thành lập những trường có vốn đầu tư lớn và hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Chính phủ có biện pháp xử lý nghiêm khắc (có thể giải thể) với các trường vi phạm quy định để đảm bảo chất lượng, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm nay vẫn không có đất xây dựng trường”. Trong khi đó ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định đến năm 2013, nếu các trường bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng, bộ sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
Theo GS Phạm Phụ, có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng các trường tư đang rơi vào cảnh khó khăn hiện nay. Thứ nhất, do hành lang pháp lý chưa rõ ràng đã tạo cơ hội cho một số người toan tính kinh doanh giáo dục, chỉ lo kiếm lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng. Thứ hai, cơ quan quản lý giáo dục buông lỏng quản lý, các trường được lập ra nhanh chóng nhưng không đủ điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Một thực tế cần nhìn nhận nữa là trước đây số người học rất lớn trong khi lại có ít trường nên dù trường kém chất lượng vẫn có người học. Nhưng hiện nay trường mở ra quá nhiều, cung đã xấp xỉ cầu, người học có nhiều lựa chọn, những trường kém chất lượng sẽ không có người học. “Khuyến khích phát triển trường tư cần phải kiểm soát chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đây là thời điểm tốt để rà soát lại các trường, nhưng về lâu dài phải có hành lang pháp lý rõ ràng và Nhà nước cần có chính sách tốt đối với trường ngoài công lập” – GS Phụ nói.
Chờ đợi cạnh tranh
GS Phạm Phụ cũng cho rằng việc coi trọng lợi nhuận trong phát triển giáo dục không nên nhìn nhận một cách cực đoan, nhất là khi lợi nhuận biểu hiện ở sản phẩm là con người. Tuy nhiên, hiện nay cấp quản lý vẫn phớt lờ và không làm rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận trong giáo dục. Vì thực tế lợi nhuận của các trường là có thật!
Tuy nhiên, khi chưa làm rõ vấn đề này thì người có tâm với giáo dục e ngại, còn người muốn mưu cầu lợi ích thật nhiều lại không chịu thừa nhận. Do đó không ít người luôn tuyên bố “trường tôi là trường phi lợi nhuận” nhưng thực chất lợi nhuận không tái đầu tư mà chia nhau hết, thậm chí có trường còn báo cáo lỗ vì thực tế tiền lãi đã phân tán thông qua mức lương “khủng” hằng tháng. Vì vậy, việc làm rõ hai khái niệm trên không chỉ giúp các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục yên tâm khi đầu tư vào đây, mà Nhà nước sẽ có chính sách quản lý thích hợp.
Theo đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học VN giai đoạn 2006-2020, thì đến năm 2020 có 40% sinh viên cả nước được đào tạo tại các trường ngoài công lập. Những người làm giáo dục mong mỏi tỉ lệ này sẽ có thêm “đối phía” cân bằng với sự độc quyền của các trường công. “Chúng ta mong muốn có một hệ thống trường ngoài công lập lành mạnh và là một môi trường để cho các trường công nhìn vào để nâng cao chất lượng của họ, cạnh tranh được với các trường công. Khi có một hệ thống trường tư lành mạnh, khỏe khoắn đủ sức cạnh tranh với các trường công thì chất lượng giáo dục đại học sẽ tốt hơn. Rất tiếc nhiều trường chưa làm được như vậy và đó là một dấu hiệu không tốt cho kế hoạch cạnh tranh này” – TS Kim Dung nhận định.
Theo TT
ĐH Công lập và Dân lập: Cạnh tranh không bình đẳng!
Sinh viên trường ngoài công lập không được hưởng ưu đãi thiếu đất xây trường, bị đánh thuế, bị phân biệt đối xử, bị định kiến, khó tuyển sinh... Đó là thực trạng của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay.
Tại buổi họp báo sáng nay 17/4 về phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II năm 2012 - 2017 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL), GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết: "Trường ĐH công lập và dân lập đang có sự cạnh tranh không bình đẳng nên các trường NCL phát triển rất khó khăn".
Trường đại học công lập và ngoài công lập đang cạnh tranh rất gay gắt.
Các trường ĐH, CĐ thành lập ồ ạt
GS Trần Hồng Quân đưa ra dẫn chứng cụ thể, xét trong tổng thể hệ thống ĐH Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, quy mô số trường ĐH, CĐ công lập từ 156 trường tăng lên 331 trường các trường ĐH, CĐ NCL từ 22 trường tăng lên 81 trường. Từ năm 2000 đến năm 2005, mỗi năm trung bình thành lập 20 trường công lập và 2 trường NCL. Từ năm 2005 - 2010 trung bình mỗi năm thành lập 26 trường công lập và 10 trường NCL. Có năm trung bình 1 tuần thành lập một trường ĐH hoặc CĐ. Sự tăng số lượng ồ ạt này chủ yếu là các trường ĐH, CĐ công lập.
Trong 81 trường ĐH, CĐ số lượng SV đào tạo 254.370, chiếm 14,7% tổng số SV cả nước, đã cho ra trường hàng chục vạn lao động trình độ ĐH, CĐ mà nhà nước không phải bỏ kinh phí chi cho đào tạo. Phần lớn các trường tuy khuôn viên chưa rộng lớn, nhưng có cơ sở khang trang, có thiết bị dạy học tương đối đủ cho các ngành nghề đào tạo. Về cơ bản đã vượt qua tình trạng trường lớp tạm thời thuê mướn.
GS Quân cho rằng, nhìn tổng quá, tốc độ phát triển các trường NCL so với các mục tiêu chiến lược nhà nước. Trong khi đó sự phát triển ồ ạt các trường ĐH, CĐ công lập là sự thực hiện sai lệch quan điểm chỉ đạo của chiến lược phát triển giáo dục đã đề ra, làm phân tán nguồn lực tài chính của nhà nước, làm sai chức năng của hệ thống các trường công lập. Lẽ ra chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề cần phải đầu tư lớn, đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực chuyên biệt, đặc thù mà các trường NCL không thể đảm đương được.
Có sự cạnh tranh không bình đẳng
GS Trần Hồng Quân cho rằng, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006- 2020, đến năm 2020 có 40% SV cả nước thuộc nhóm các trường NCL sẽ khó đạt được bởi sự phân biệt giữa "con đẻ, con nuôi".
Sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các trường công lập và NCL thông qua việc nhà nước bao cấp chi phí đào tạo và các ưu đãi khác cho SV trường công lập (SV trường công lập được hưởng 70% chi phí trong khi SV NCL phải tự chi trả 100%).
Mô hình trường 100% đầu tư của nước ngoài. Hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài và tuân thủ Pháp luật Việt Nam, hiện đang có trường RMit... các trường này được thực hiện cơ chế tự chủ rất cao mà lẽ ra các trường Việt Nam cũng phải được như vậy. Sự khác biệt này tạo ra sự không bình đẳng trong cạnh tranh, không có cơ chế chỉ đạo quản lý của cơ quan nhà nước về giáo dục đào tạo, về tài chính, về chất lượng đào tạo đối với các trường này. Nguồn tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp THPT, không qua thi tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT. Thực tế, các trường loại này đang "làm ăn" khá thành đạt tại Việt Nam.
Ngoài ra, các trường NCL càng ngày càng gặp khó bởi thiếu đất xây trường, bị đánh thuế, bị phân biệt đối xử, bị định kiến, khó tuyển sinh do cạn kiệt nguồn tuyển, thiếu văn bản pháp quy cần thiết có liên quan hoặc có mà không có chế tài thực hiện (như Nghị quyết 05, Nghị định 69 của CP). Bản thân các trường NCL chưa đủ thời gian khẳng định vị thế của mình trong xã hội thông qua chất lượng đào tạo, thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong giáo dục .
Tuy nhiên, GS Quân cũng thừa nhận, cá biệt có một số trường do áp lực tài chính, có khi chạy theo lợi ích trước mắt mà đã có một số sai phạm làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của cả hệ thống các trường NCL.
Để xóa bớt định kiến xã hội về "con đẻ, con nuôi" trong thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội các trường NCL kiến nghị, Nhà nước nên quan tâm, tài trợ những trường có tiêu chí: đào tạo ra SV có chất lượng cao mà không cần phải gắn mác công lập hay NCL.
Riêng với Hiệp hội, GS Quân cho hay, sẽ tiếp tục làm tư vấn, tham mưu, phản biện, góp ý với cơ quan nhà nước một số chính sách đổi mới để nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như Quyết định công nhận các trường ĐH dân lập và cho phép chuyển đổi trường ĐH, CĐ dân lạp sang tư thục. Năm tới, Hiệp hội sẽ thành lập Viện nghiên cứu Phát triển Nhân lực, thành lập Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng (chỉ dành phục vụ các trường NCL).
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Trường đại học tư - Lợi nhuận hay phi lợi nhuận? Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ngoài công lập tiếp tục viện đến các "chiêu" hút thí sinh bằng cách tung ra các chính sách hấp dẫn về học phí, học bổng, điều kiện ăn ở, khả năng kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhiều trường thậm chí chấp nhận lỗ để giảm học phí, hoặc cố gắng không tăng học...