Vợ đảm Nghệ An trổ tài nấu các món ngon từ lươn, chồng con khen nức nở
Món ngon từ lươn có rất nhiều, trong đó nổi bật và quen thuộc nhất phải kể đến cháo lươn, miến lươn và lươn om chuối.
Chị Phạm Hương (45 tuổi) hiện đang sinh sống và làm việc ở thành phố Vinh, Nghệ An. Công việc của chị khá bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian vào bếp nấu ăn cho gia đình hàng ngày.
“Với mình niềm vui và hạnh phúc là khi được vào bếp tự tay chăm sóc cho gia đình những bữa ăn, đặt vào đó tình yêu thương xuất phát từ trái tim mình”, chị chia sẻ.
Chị Phạm Hương.
So với các thủy sản nước ngọt thì thịt lươn có giá trị dinh dưỡng khá cao. Người phương Đông gọi lươn là thiện ngư (cá lành) và đánh giá lươn là một trong “tứ đại hà tiên” (bốn món ngon dưới nước). Người Nhật tôn vinh lươn đến mức gọi lươn là “sâm dưới nước”. Lươn cũng được dùng làm vị thuốc hỗ trợ chữa nhiều bệnh.
Món ngon từ lươn có rất nhiều, trong đó phải kể đến cháo lươn, miến lươn và lươn om chuối. Hôm nay chúng ta sẽ cùng vào bếp làm 3 món ngon từ lươn ấy theo công thức của chị Phạm Hương nhé!
Miến xào lươn
Nguyên liệu:Lươn làm sạch , miến dong, mộc nhĩ, cà rốt thái chỉ, hành tây bổ cau, giá đỗ, rau gia vị.
Cách làm:
- Phi hành thơm rồi cho lươn vào xào săn. Nêm nếm gia vị vừa miệng và thêm chút màu điều cho lươn lên màu đẹp.
- Phi thơm hành, cho mộc nhĩ, cà rốt vào xào mềm. Cho tiếp hành tây, giá đỗ xào gần chín. Cho miến dong vào xào.
- Cho lươn xào săn vào, đảo nhẹ rồi đổ thêm chút nước nóng xào tiếp, nêm gia vị vừa miệng.
- Cuối cùng cho rau răm, hành lá, mùi tàu, có thể thêm chút hành phi khô nếu có sẵn. Rưới thêm chút ớt chưng hay xì dầu sẽ được món miến lươn ngon tuyệt.
Cháo lươn
Video đang HOT
Nguyên liệu: Lươn làm sạch, gạo tẻ trộn chút gạo nếp, đỗ xanh không vỏ, bí đỏ thái nhỏ, rau răm, hành lá, mùi tàu.
Cách làm:
- Phi hành thơm rồi cho lươn vào xào săn. Nêm nếm gia vị vừa miệng và thêm chút màu điều cho lươn lên màu đẹp.
- Rang khô gạo, đỗ xanh cho dậy mùi thơm.
- Đổ nước sôi vào.
- Thêm bí đỏ thái nhỏ (tùy chọn).
- Đun chín nhừ.
- Cho tiếp lươn xào săn vào, đảo nhẹ rồi đun sôi, nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
- Cuối cùng cho rau gia vị thái nhỏ vào.
- Rưới thêm chút ớt chưng, bí quyết dậy mùi là pha thêm cùng ít nước mắm, rồi vắt vài giọt chanh vào cháo, có ngay bát cháo lươn thơm lựng.
Nguyên liệu: Lươn làm sạch.Chuối xanh 3-4 quả, gọt vỏ xắt miếng, ngâm nước muối. Hành củ, lá lốt, tía tô thái nhỏ.
Cách làm:
- Phi hành thơm rồi cho lươn vào xào săn. Nêm nếm gia vị vừa miệng và thêm chút màu điều cho lươn lên màu đẹp.
- Phi hành thơm, cho chuối vào xào rồi thêm nước nóng, nêm chút bột canh, nấu mềm vừa ăn.
- Cho lươn xào săn vào đun sôi, thả lá lốt tía tô vào, nêm vừa miệng. Thêm chút ớt chưng là có ngay nồi lươn om chuối ngon hết sảy.
- Ngoài ra có thể thay chuối quả bằng hoa chuối hay cà tím, đảm bảo vẫn cực kỳ thơm ngon khó cưỡng!
(Ảnh: Chị Phạm Hương cung cấp)
Theo Khampha
Quán miến lươn, bánh mướt ngon nức tiếng ở Nghệ An
Miến lươn với những con lươn đồng nhỏ, mình thon, thịt chắc đã được gỡ thịt có màu vàng bắt mắt, ăn có vị ngọt và lạ miệng từ lâu đã là đặc sản níu chân du khách mỗi khi có dịp dừng chân tại xứ Nghệ.
Quán lươn ở thành phố Vinh
Nằm trong một con ngõ nhỏ ở đầu đường Dốc Thiết, thành phố Vinh là quán bà Ngọ, nổi tiếng nhờ cách chế biến truyền thống lâu năm.
Bà Ngọ tên thật là Đậu Thị Hiền, đã ngoài 90 tuổi. Con dâu bà là chị Nguyễn Thị Thủy cho biết, chị nhận lại "thương hiệu" của mẹ chồng được gần 20 năm.
Miến lươn là món ăn dễ "đốn tim" bất kỳ du khách nào khi tới xứ Nghệ. Ảnh: Foody
Chị Thủy đã được bà Ngọ truyền đạt lại bí quyết nấu nướng. Hiện chị vẫn giữ nguyên công thức này. Lươn ở quán được lấy từ Yên Thành, cách thành phố Vinh chừng 70 km.
Lươn sau khi lấy về sẽ được ngâm cùng muối đến khi hết nhớt. Sau đó, đầu bếp rửa sạch lươn với nước ấm rồi bóp cùng chanh trước khi đem đun sôi trên nồi. "Lươn được luộc qua cùng nghệ cho bớt mùi tanh", chủ quán tiết lộ bí quyết.
Sau khi hành tăm phi với dầu tỏa mùi thơm, lươn được cho vào chảo, thêm một ít bột điều, ớt cay bột. Gia vị tẩm ướp còn có nghệ, chút ớt xay.
Mỗi ngày chủ quán cùng người nhà thức dậy từ 3h30 sáng để bắt đầu bắt nước nấu cháo. Nếu súp được nấu trực tiếp cùng lươn cho ra hương vị đậm đà thì chuẩn bị cháo có phần công phu hơn. Nhờ hầm cùng xương heo mà cháo có vị ngọt tự nhiên.
Thực đơn của quán có hai món chính là súp và cháo lươn. Khách có thể gọi bát súp ăn kèm với bánh mì, bánh mướt hay tô cháo lươn với giá từ 30.000 đồng một suất. Bỏ thêm 10.000 đồng, bạn sẽ có thêm đôi ba con lươn đã qua chế biến trong bát.
Suất ăn nóng hổi khi bưng ra dậy mùi thịt lươn, cùng các loại rau gia vị sẽ khiến bạn không khỏi xuýt xoa. Khi thưởng thức, thực khách có thể kèm thêm chút ớt ngâm dấm hay ớt tươi để tăng hương vị.
Những con lươn đồng nhỏ, mình thon, thịt chắc đã được gỡ thịt có màu vàng bắt mắt, ăn có vị ngọt và lạ miệng. Cháo sóng sánh, thơm mùi gạo, hạt nở bung.
Tuy ở trong ngõ, quán vẫn có không gian thoáng và rộng. Bãi đỗ xe có người trông coi cẩn thận. Khách có thể tùy chọn chỗ ngồi ở hai gian nhà khác nhau.
Bánh mướt - đặc sản ít người biết nhưng ăn là mê
Bên cạnh những món chế biến từ lươn vốn đã nổi tiếng, bánh mướt là một đặc sản khác ở Nghệ An. Người sành ăn ở đây thường đến huyện ven biển Diễn Châu - nơi có nhiều gia đình theo nghề làm bánh đã nhiều thế hệ. Với người vùng này, đây là thức ăn sáng quen thuộc trước khi bắt đầu một ngày mới.
Gần 5h sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, con đường làng đi sâu vào những cánh đồng còn ngai ngái mùi đất ruộng, bếp của người Diễn Châu đã nổi lửa.
Để cho ra một chiếc bánh ngon đúng chuẩn, khâu chọn gạo là quan trọng nhất. Trước đây, người Diễn Châu thường lấy gạo Vê trồng ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bây giờ, không mấy nhà còn chuộng loại này, thay vào đó, họ dùng gạo tẻ. Gạo phải được ngâm đủ 3 tiếng rồi đem xay nhỏ, sau đó ngâm thêm từ 3 đến 6 tiếng nữa mới đủ "độ chín".
Bánh mướt là đặc sản dễ tìm ở Nghệ An. Ảnh: Di Vỹ.
Sau khi nhóm bếp, đun nước, người dân sẽ chắt lấy nước cốt của chậu bột ngâm hôm trước để tráng bánh. Nồi tráng phải có một lớp vải mịn bên trên. Lửa thật to, nước sôi, đầu bếp mới dùng muôi, múc từng vá bột trải mỏng lên trên rồi đậy vung lại, đợi một lúc. Cách làm tương tự bánh cuốn hay bánh ướt.
Tùy theo sự khéo léo mà đầu bếp sẽ quyết định được độ mỏng hay dày của từng chiếc bánh. Những miếng bánh chín nhờ sức nóng của hơi nước được kéo ra, rồi ngay lập tức, người ta sẽ cuộn tròn và xếp vào cái thúng đã lót sẵn lá chuối.
Người ta có thể dùng bánh mướt chấm với nước mắm vắt chanh. Nhiều nơi còn làm thêm nham từ rau nhút hoặc củ chuối để ăn kèm. Sang hơn một chút, bạn có thể dùng bánh mướt với thịt vịt, gà, bò hầm hoặc xáo lòng (nội tạng heo như tim, gan, lòng, cật, dạ dày và dồi, huyết).
Muốn làm xáo ngon, các nguyên liệu mua về phải còn tươi. Sau khi sơ chế, tất cả được đảo cho săn lại trên chảo dầu đã phi hành thơm từ trước, thêm các loại gia vị cho vừa miệng. Bước cuối cùng là đổ thêm nước vào, đợi đến khi sôi lại là có thể dùng được.
Theo VNE, bánh mướt thường có độ dài bắng ngón tay trỏ, trắng và mềm, không dính vì đã được phết lớp dầu lúc cuốn. Đĩa bánh mang ra khi còn nóng sẽ dậy mùi rất thơm.
Khi thưởng thức, bạn có thể gắp từng miếng bánh chấm vào chén nước mắm rồi chậm rãi đưa vào miệng, húp thêm miếng xáo lòng là đủ vị đậm đà.
Hiện nay, nhiều quán phục vụ kèm rổ rau sống để ăn kèm. Nhiều nơi còn bán thêm chả để tăng hương vị. Dù cách ăn thế nào, bánh mướt vẫn là món truyền thống, dân dã và đặc trưng của hồn quê xứ Nghệ mà nếu có dịp ghé chân, bạn nhất định không thể bỏ qua.
Theo Dân việt
Lươn Nghệ An được chế biến 50 món, xác lập kỷ lục Việt Nam Bên cạnh những món lươn trứ danh như cháo lươn, súp lươn, miến lươn, lươn xào... các đầu bếp còn chế biến ra hàng chục món ăn khác từ lươn đồng Nghệ An. Trong khuôn khổ các hoạt động Festival Văn hóa Ẩm thực du lịch Quốc tế - Nghệ An 2019, Chương trình Giao lưu - quảng diễn 50 món lươn Nghệ...