Vợ chồng thầy giáo già đi nhặt rác
Về hưu ở tuổi xế chiều với đồng lương “tạm đủ sống”, con cái đã yên bề gia thất nhưng suốt 3 năm nay ông bà rủ nhau tìm niềm vui với công việc nhặt phế liệu “ làm đẹp cho đời” ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội)
Bà là Đinh Thị Thu, năm nay 57 tuổi, giáo viên dạy môn Văn của Trường THCS Xuân Dương (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Còn ông là Lê Minh Hương, 61 tuổi giáo viên tiểu học. Ông bà quê gốc ở Thường Xuân, Thanh Hóa. Cả hai ông bà đã nghỉ hưu và hiện đang làm nghề nhặt phế liệu ở bến xe Mỹ Đình.
Lặn lội thân cò nơi phố xá
Về hưu 12/2009, sau Tết năm đó, ông bà khăn gói lên đường ra Hà Nội để bắt đầu những tháng ngày mưu sinh nơi đất khách quê người, kiếm sống với nghề nhặt phế liệu.
Mấy tháng đầu ra Hà Nội lạ nước lạ cái, ở cái tuổi ngoài 60 như ông không còn là thanh niên sức dài vai rộng để người ta thuê mướn nữa. Một chiều ông Hương đi qua bến xe Mỹ Đình, thấy chai lọ quanh bến xe vứt ngổn ngang chợt suy nghĩ “nếu nhặt đem bán cũng được mấy đồng lại giữ gìn môi trường”.
Thế là ông quyết định về rủ bà đi cùng. Ý kiến ấy của ông được bà đồng ý ngay. Vợ chồng ông Hương gắn bó với công việc nhặt phế thải từ ngày đó.
Bà cười hiền hậu, bảo: “Hôm nào mưa thì mặc áo mưa chứ không nghỉ. Có khi ngày mưa lại may mắn nhặt được nhiều vỏ chai hơn ngày nắng. Mưa gió như thế, khách họ ngại chạy ra ngoài nên nhiều khi ngồi trên xe mà vứt thẳng xuống đất. Mình cứ đi lại quanh đó rồi nhặt, vừa bảo vệ được môi trường vừa lại kiếm thêm thu nhập”.
Với ông Hương bà Thu: “Nhặt rác cũng là một nghề kiếm sống chân chính còn góp phần giữ gìn môi trường sạch đẹp”.
Bến xe Mỹ Đình rộng nên hai ông bà phân công cho nhau khu vực mà thu lượm chai lọ. Lúc nào thấy chiếc túi đựng rác đầy thì ra quán nước của chị Hiền, gần cây xăng gửi nhờ. Ngày túc tắc cũng được 4 – 5 lần. Lúc nào mệt, bà lại tranh thủ ngồi phân loại phế liệu.
Video đang HOT
“Mỗi loại lại tính theo một giá tiền khác nhau. Những lon như bò húc thì 3.700 đồng/10 lon, ngày nào kiếm được nhiều nhiều cũng vui lắm”. Trong cái nắng giữa một ngày tháng 8, bà đưa tay quệt vội giọt mồ hôi lăn dài trên trán bảo bà bắt đầu “yêu cái “nghề” này rồi”.
Tháng đầu tiên mới ra Hà Nội đi nhặt chai ông bà kiếm được 400.000 đồng. Những tháng sau cứ túc tắc được 1 triệu đồng hoặc tháng nào nhiều thì gần 2 triệu đồng.
Làm đẹp cho đời
Hỏi thăm về vợ chồng ông Hương bà Thu mấy bác xe ôm ở bến xe Mỹ Đình đều gật đầu, khâm phục ” ông bà ấy chịu khó lắm, sức chúng tôi còn thua xa. Ngày nào cũng thấy ông vác bao tải qua đây, niềm nở và hay nói chuyện với mọi người ở đây lắm”.
Thành quả sau một ngày lao động, chiều đến bà lại gom vào và quẩy gánh mang đến nhà cô Mận Chính, nơi chuyên thu gom sắt vụn ở đầu hẻm để bán. Có lẽ trong cái khổ con người cũng dễ đồng lòng với nhau nhiều hơn. Thương người cùng quê lại già cả nên ông bà được ưu tiên mua giá cao hơn so với dân thu gom đồng nát trong làng.
Nhưng cũng có người tỏ thái độ khinh miệt, gọi ông bà là “lũ” dơ dáy, bần hàn rồi rè bỉu, chê bai. Họ uống nước rồi lại quẳng ngay xuống gầm xe ô tô. Nếu muốn lấy phải dùng gậy khều ra mới được.
Dù mưa hay nhưng ông và bà vẫn đều đặn có mặt ở khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình để nhặt rác.
Ông giọng trầm ấm tâm sự: “Mình không xin của ai cái gì. Cái của xã hội vứt đi, không sử dụng nữa thì mình tận dụng để mình nuôi cuộc sống. Dẫu là vài ba nghìn nhưng mình làm từ mồ hôi nước mắt, từ sức lao động chân chính của mình thì chả nề hà gì”.
Chị Hiền, chủ quán nước cổng bến xe Mỹ Đình cho biết: “Thấy ông bà già cả mà ngày nào cũng lọ mọ từ sáng đến chiều tối nhìn tội tội nên chị dọn sẵn cả một khu phía sau quán nước cho ông bà gửi nhờ phế liệu. Lúc nào chiếc túi đựng rác của ông bà Hương đầy là mang qua chị gửi, đỡ phải đi bộ xa về nhà cất”.
Ông bà vẫn thường nói vui với nhau, trước đây mình là giáo viên – một trong những nghề cao quý nhất của xã hội, còn bây giờ nhặt rác lại là nghề thấp hèn nhất. Ông nói thế thôi, nhưng nhìn vào ánh mắt ông tôi biết trong suy nghĩ của cả ông và bà còn lao động được ngày nào là còn cảm thấy hạnh phúc. Nghề gì cũng là nghề, miễn là lương thiện thì đều cao cả và đáng trân trọng.
Chuyện kể về những người con…
Ở cái tuổi xế chiều đáng nhẽ ra phải được hưởng thụ, thảnh thơi nhưng cả ông và bà đều muốn cố gắng để nuôi nấng thêm giấc mơ cho con trẻ.
Ông bảo, khổ bao nhiêu mà lo cho con cái ăn học bằng bạn bằng bè vợ chồng tôi cũng chịu được. Nhắc đến con, ánh mắt cả ông và bà như rạng rỡ hơn. Ông tự hào kể về những người con của mình.
Con trai lớn của ông là Lê Đức Hiếu, sinh năm 1977 đã từng là cử nhân của hai trường đại học là Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông. Anh giờ đây đang là giảng viên dạy công nghệ ô tô của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Anh con út tốt nghiệp đại học ra và bây giờ cũng làm ở một công ty của Nhật Bản, tại cụm công nghiệp xã Liên Ninh, Hà Nội.
Con cái giờ lớn khôn, trưởng thành ai nấy đều dựng vợ gả chồng rồi cũng không muốn bố mẹ phải lam lũ, nhọc nhằn nữa. Họ ngăn cản, thậm chí đã nhiều lần giấu “đồ nghề” của mẹ nhưng rồi được dăm bữa, nửa tháng lại đâu vào đấy.
Trưa đến, bà để dành giấc ngủ của mình đến tối rồi tranh thủ đi bộ ra bến xe xem ai có thuê gì thì làm đấy. Thình thoảng khuân hộ họ thùng nước hay tải hàng người ta cũng trả cho 5.000 đồng, 10.000 đồng. Con dâu gàn mẹ “đừng đi làm như thế nữa, vất vả lắm nhỡ người ta lừa mợ mang hàng cấm thì chúng con biết làm thế nào”.
Bà lại cười xòa, cứ đi làm túc tắc ngày cũng kiếm được mớ rau, quả trứng đỡ con cái được phần nào hay phần đó. Ông bà còn sức khỏe là còn chiến đấu được với cuộc sống còn muôn vàn khó khăn này. Hơn nữa nhặt phế liệu quanh bến xe cũng là hành động bảo vệ môi trường.
Tháng 9 này, anh con trai cả lên đường du học, bà lại đến để trông nom cho vợ chồng anh con út. Bà dặn ông thật kỹ ” thằng Hiếu nó đi, tôi cũng sang trông con cho thằng út ông ở nhà cố gắng dành dụm, kiếm thêm đỡ tiền sinh hoạt cho con. Tội chúng nó lắm. Con cái cứ ốm đau suốt mà cuộc sống cứ chầy chật, giật gấu vá vai. Mưa ông cũng đừng nghỉ, họ ngại không đi nhiều mình đỡ sợ tranh phần mất”.
Có người tặc lưỡi, cười trừ rằng “ông bà hâm, gàn dở”. Tôi không nghĩ vậy. Câu chuyện mà tôi được nghe kể từ hai vợ chồng giáo viên già về hưu vẫn mưu sinh bằng nghề nhặt rác ở bến xe Mỹ Đình thật đẹp. Họ có cả chặng đường dài gieo chữ cho học trò. Giờ đây khi về già họ lại tiếp tục lao động, hy sinh vì con cái lại “làm đẹp cho đời”.
Theo VNN
Dân nghèo khốn đốn lo tiền trường cho con
Giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng vùn vụt trong khi sản phẩm làm ra giá thấp chưa kể dịch bệnh hoành hành khiến nhiều nông dân khốn đốn lo tiền trường cho con dịp đầu năm. Có gia đình phải cho con nghỉ học.
Làm gì cũng lỗ
Chị Nghiêm Thị Thu, nhà ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Một sào lúa nếu chăm bón tốt được khoảng 2 tạ thóc, giá tốt thì bán được hơn 1 triệu đồng".
Hình ảnh người mẹ nghèo khó Nghiêm Thị Thu và cậu con trai Lê Đức Duẩn (thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội năm 2012) khiến nhiều độc giả không khỏi xúc động
Chị Thu cho hay, hiện ở xã Hoàng Long rất ít hộ làm nhiều ruộng bởi "càng nhiều ruộng làm càng lỗ vì phải công cán thuê người làm cao, thu không bù chi. Đấy là chưa kể những vụ mùa thất bát hay phải dùng nhiều thuốc trừ sâu".
Tương tự, ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nông dân cũng không còn mặn mà với đồng ruộng. Họ hoặc cho không người khác làm hoặc bỏ đất trống. Nhiều người xoay sang hướng chăn nuôi cũng bết bát vì giá thức ăn tăng, giá bán lại quá rẻ.
Chị Lê Thị Hồng Nhâm chia sẻ: "Năm ngoái, gia đình tôi nuôi gần chục con lợn thịt. Nuôi đến 60kg/con hết 6 bao cám giá gần 2 triệu đồng, chuẩn bị được bán thì gặp dịch chết gần hết".
Nhà chị Nhâm có thêm ao cá mè giống nhưng giá cũng giảm mạnh: từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg nay chỉ còn 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg". Năm nay mưa liên miên, bờ kè thấp nên số cá thả bị thất thoát rất nhiều.
Cũng như nhiều hộ gia đình ở xã Bình Dượng, chị đã bỏ nuôi lợn thịt vì lỗ nặng, cá thả cầm chừng. Nhà chị hiện chỉ nuôi 2 lợn nái với hy vọng thu lãi từ việc bán lợn con giống.
Tại xã miền biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhiều ngư dân cũng chật vật vì tình hình lạm phát. Chị Lê Thị Phượng, một chủ tàu cá trung bình cho biết: "Năm nay, cá đánh được không nhiều, giá bán bấp bênh mà chi phí đắt, công thuê thợ cao nên tiền lãi khá ít".
Đầu năm 2007, trong chuyến ra khơi tàu cá của gia đình chị va chạm với tàu cá khác và bị chìm. Suốt từ đó tới nay gia đình chị gánh thêm khoản vay gần tỷ đồng để đóng mới tàu và tiền trả cho nhân công.
Những người ít đất phải đi làm thuê cho các tàu cá như bác Lê Văn Nhất (cũng ở xã Hoằng Trường) cộng cả thu nhập đi làm muối của người vợ mỗi tháng cũng chỉ được gần 500.000 đồng.
Bán đến hạt thóc cuối cùng lo học cho con
Hay tin con đỗ đại học, chị Thu đã phải bán hết số thóc hơn 5 tạ của 5 sào ruộng lấy hơn 1 triệu đồng và vay thêm của chi hội phụ nữ ở địa phương được gần 7 triệu chuẩn bị cho con nhập học. Đấy là chưa kể cậu con trai út của chị hiện cũng vào lớp 7 với bao khoản thu chưa biết lấy tiền đóng từ đâu.
Để có tiền đóng học đầu năm và phụ giúp gia đình, nhiều em nhỏ đã phải phiêu bạt lên thủ đô để kiếm sống. (Ảnh chụp ở xóm lao động trên phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội).
Chuẩn bị vào đầu năm học, trường tiểu học nơi con chị Phượng đang theo học ở Hoằng Trường đã thu 700.000 đồng tiền đồng phục, học thêm, sách vở của phụ huynh. Chị cho biết vào đầu năm, trường sẽ thu thêm hơn 1 triệu đồng các khoản phí khác.
Cô con gái đang chuẩn bị lên lớp 12 của gia đình chị hiện đang học trường ngoài công lập. Năm 2011, nguyên tiền đầu năm chị phải đóng cho con 4,6 triệu đồng chưa kể tiền học thêm gần 700.000 đồng/tháng. Cậu con trai cả của gia đình chị qua hai lần thi đại học không đỗ, năm nay vẫn quyết tâm lên thành phố Thanh Hóa ôn thi.
Người mẹ của ba đứa con thở than: "Năm nay làm ăn khó khăn, giá cả tăng chóng mặt mà tiền học cho con cũng theo đà trượt giá. Tôi tính nguyên tiền đầu năm cho ba con hết hơn 8 triệu đồng".
Tương tự, chồng chị Nhâm cũng phải đi phụ hồ kiếm thêm tiền cho hai con trai: một học cao đẳng tại Hà Nội, một lên lớp 5 trường làng. Vừa qua vợ chồng chị cũng phải vét nốt số cá mè giống ở ao, bán được hơn 500.000 đồng lo tiền học cho con.
Lợn thịt bán ra giá chỉ 30.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg nhưng giá ở chợ vẫn từ 90.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg nên nuôi lợn đấy mà lâu lâu chị Nhâm mới dám mua ít thịt ba chỉ thái mỏng cho con ăn.
Cực chẳng đã, gia đình bác Nhất đã phải cho hai người con: một lên 8 tuổi, một lên 10 tuổi nghỉ học vì nghèo khó.
Những đứa trẻ không có mùa hè
Để có tiền đóng học đầu năm và phụ giúp gia đình, nhiều em nhỏ đã phải phiêu bạt lên thủ đô để kiếm sống. Có mặt ở xóm lao động nghèo ở phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội tôi gặp nhiều em nhỏ như thế
Mới học lớp 8 nhưng cậu bé Trần Ngọc Anh đã có 4 năm hè ra thủ đô bán hàng cùng bà nội. Cậu bé có số phận hẩm hiu khi bố mẹ em chia tay lúc em chỉ mới 6, 7 tuổi. Nắng gió miền biển khiến người em đen cháy, gầy nhẳng so với tuổi 14 của mình.
Cực chẳng đã những người như chị Trần Thị Thủy (36 tuổi) mới phải dắt cả hai con gái (đứa lớp 9, đứa lên lớp 6) ra Hà Nội cùng bán hàng rong với mẹ.
Là con cả trong gia đình 3 chị em, sau 4 năm đi bán hàng cùng mẹ giờ Trần Thị Nga đã tách mẹ để đi bán một mình. Cô bé 15 tuổi với mái tóc dài, gương mặt bầu bĩnh lí nhí: "Sau này cháu muốn làm nhà văn hay nhà báo. Cháu đã viết nhật ký về cuộc sống của mẹ và những người ở đây".
Gần 10 năm nay, chị Nga hết đi vào Nam rồi lại ra Bắc bán hàng rong. Vài năm trở lại đây, chị quyết định sẽ bán hàng rong ở Hà Nội "vì đỡ tiền tàu xe thì về thăm các con được nhiều hơn".
Chị tần ngần rồi quả quyết khi được hỏi sau này các con muốn học và thi đỗ vào đại học sẽ cho con học tiếp không: "Tôi sẽ cố gắng nuôi con đến khi nào không thể đi tiếp được thì mới thôi"
Theo VNN
Chọn nhầm nghề, nhiều SV thất nghiệp Ngày 8/8, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm sàn thi ĐH, CĐ năm 2012. Hàng trăm nghìn thí sinh đã đỗ đại học, nhưng liệu đại học có là con đường đáng mơ ước? Vì trong thực tế có nhiều cử nhân ra trường không xin được việc, phải đi làm công nhân kiếm sống. Bài học về chọn ngành hiện...