Virus cúm mùa có thể bắt nguồn từ virus cúm Tây Ban Nha 1918
Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng virus cúm mùa ở người có thể bắt nguồn từ chủng virus gây đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Theo trang Daily Mail (Anh), nhóm nghiên cứu quốc tế tại Viện Robert Koch, Đại học Leuven, Charite Berlin và nhiều nhà nghiên cứu khác đã tiết lộ thêm chi tiết về đặc điểm sinh học của virus cúm H1N1, cũng như bằng chứng về sự lây lan của loại virus này giữa các lục địa.
Phát hiện mới dựa trên phân tích các mẫu phổi được thu thập trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 ở châu Âu. Cụ thể, Tiến sĩ Sebastien Calvignac-Spencer và các đồng nghiệp của ông đã phân tích 13 mẫu phổi của những bệnh nhân khác nhau được lưu trong kho lưu trữ lịch sử của các bảo tàng ở Đức và Áo, được thu thập từ năm 1901 đến năm 1931. Trong đó, 6 mẫu bệnh phẩm được thu thập vào năm 1918 và 1919.
Video đang HOT
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh các mẫu gien được thu thập cả ở trước và sau đỉnh dịch. Họ phát hiện ra rằng các đột biến trong cấu trúc của virus H1N1 – hay còn gọi là virus cúm lợn – có thể đã giúp nó thích nghi tốt hơn với vật chủ là con người. Ngoài ra, sự khác biệt về gien giữa các mẫu phỗi này cũng phù hợp với các sự kiện lây nhiễm trong cộng đồng và lây nhiễm rộng hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thực hiện mô hình đồng hồ phân tử, cho phép ước tính khoảng thời gian tiến hóa của virus. Họ nhận thấy tất cả các đoạn gien của virus cúm H1N1 đều liên quan trực tiếp đến chủng virus gây đại dịch năm 1918.Theo các nhà nghiên cứu, điều này mâu thuẫn với các giả thuyết khác trước đó về nguồn gốc của dịch cúm mùa.
Tiến sĩ Calvignac-Spencer bình luận: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có sự biến đổi gien trong đại dịch đó. Khi giải mã chúng, chúng tôi phát hiện ra tín hiệu rõ ràng cho thấy virus lây lan xuyên lục địa một cách thường xuyên. Chúng tôi cũng nhận thấy không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dòng virus này biến đổi trong các làn sóng dịch bệnh, như chúng ta đang chứng kiến ngày nay với các biến thể virus SARS-CoV-2.”
Dựa trên những kết quả thu được về trình tự gien và mô hình thống kê mới, các nhà nghiên cứu tin rằng virus cúm mùa lưu hành sau đại dịch cúm Tây Ban Nha có thể đã phát triển trực tiếp từ virus trong đại dịch này. Các phát hiện được công bố trên Nature Communications.
Y tá chăm sóc bệnh nhân mắc cúm Tây Ban Nha năm 1918 ở Massachusetts khi virus lây lan khắp thế giới. Ảnh: Getty Images
Đại dịch cúm năm 1918 là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử và là đại dịch đầu tiên trong số 2 đại dịch liên quan đến virus cúm H1N1. Dịch bệnh này đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người trên toàn cầu, chiếm hơn 1/3 dân số thế giới, bao gồm cả những người sinh sống trên các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Virus cúm Tây Ban Nha cũng cướp đi sinh mạng của khoảng 3-5% dân số thế giới, khiến nó trở thành một trong những thảm họa tự nhiên chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Chỉ trong vòng vài tháng, nó đã giết nhiều gấp ba lần số người trong Thế chiến thứ nhất và nhanh chóng lây lan hơn bất kỳ căn bệnh nào khác trong lịch sử.
Hầu hết các đợt bùng phát cúm đều tấn công trẻ vị thành niên, người già, hoặc bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu. Tuy nhiên, đại dịch cúm năm 1918 chủ yếu nhắm vào những thanh niên khỏe mạnh. Tỷ lệ tử vong thực tế trên toàn cầu do đại dịch này vẫn chưa được biết đến, nhưng ước tính khoảng 10%-20% người nhiễm bệnh đã không qua khỏi, tương đương khoảng 50 đến 100 triệu người.
Chuyên gia Nhật Bản: Tỷ lệ tử vong do biến thể Omicron cao hơn bệnh cúm mùa
Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy mặc dù biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn biến thể Delta nhưng tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm biến thể này Omicron vẫn cao hơn so với bệnh cúm mùa.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Sapporo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong báo cáo sơ bộ đệ trình lên Hội đồng Cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), các nhà khoa học Nhật Bản, trong đó có Giáo sư virus học Hitoshi Oshitani của Đại học Tohoku ở tỉnh Miyagi, cho biết họ đã tính toán tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong hai tháng đầu năm nay, thời điểm biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở nước này dựa trên báo cáo về các trường hợp tử vong. Kết quả tính toán cho thấy tỷ lệ tử vong vì biến thể Omicron là 0,13%. Trong khi đó, trong giai đoạn 2018-2019, tỷ lệ tử vong vì bệnh cúm mùa chỉ khoảng từ 0,01 - 0,05% nếu tính theo phương pháp "tử vong phụ trội" (excess mortality) và khoảng 0,09% nếu tính theo phương pháp "dữ liệu tiếp nhận" (receipt data).
Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong vì biến thể Omicron vẫn thấp hơn so với các biến thể trước đó. Nếu tính theo phương pháp "tử vong phụ trội", tỷ lệ tử vong vì dịch COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021 - thời điểm biến thể Omicron chưa xuất hiện - là 4,25%.
Mặc dù đưa ra các số liệu trên nhưng theo nhật báo Asahi, các nhà khoa học Nhật Bản vẫn nhấn mạnh rằng rất khó để so sánh một cách chính xác tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19 và bệnh cúm mùa, chủ yếu là vì những khác biệt trong khâu thu thập thông tin về người nhiễm cúm mùa và người mắc COVID-19. Hiện nay, tất cả các bệnh viện ở Nhật Bản đều có nghĩa vụ báo cáo với chính quyền về các ca mắc COVID-19, bao gồm cả những người không có triệu chứng, trong khi chỉ có khoảng 5.000 bệnh viện được yêu cầu thống kê về các ca mắc cúm mùa. Bên cạnh đó, có những bệnh nhân COVID-19 tử vong vì các nguyên nhân khác chứ không phải do COVID-19 nhưng vẫn nằm trong danh sách người tử vong vì dịch bệnh này.
Nhờ vaccine và Omicron, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Anh hiện thấp hơn cúm Theo phân tích của báo Financial Times, sự kết hợp giữa yếu tố miễn dịch cao nhờ tiêm vaccine và triệu chứng nhẹ hơn của biến thể Omicron đã giúp COVID-19 trở thành bệnh gây tử vong thấp hơn cúm mùa tại Anh. Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố cho thấy virus SARS-CoV-2 có tỷ lệ tử...