Vinschool đề xuất tăng học phí, nhiều phụ huynh phản ứng
Thông tin Hệ thống giáo dục Vinschool tăng học phí từ năm học 2017-2018 nhận được ý kiến của nhiều phụ huynh. Trường khẳng định tăng học phí để cải cách, nâng tầm 3 lĩnh vực.
Ngày 22/9, Vinschool gửi đến phụ huynh định hướng và phát triển nâng tầm giáo dục. Trong đó, thông tin trường sẽ tăng học phí từ năm học 2018-2019 ở cả 3 cấp học nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận.
Dự kiến tăng học phí từ năm học 2018-2019
Phụ huynh Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết trong các buổi họp với cha mẹ học sinh, Vinschool công bố sẽ không tăng học phí quá 10% nhưng giờ lại tăng.
Tài khoản Phuong Lan Truong viết trên mạng: “Tại sao Vinschool lại đột ngột tăng học phí? Chúng tôi trước khi mua nhà đã tìm hiểu rất kỹ qua nhiều kênh thông tin mới đi đến quyết định. Hiện tại, chúng tôi rất đau đầu về vấn đề này”.
Cụ thể, theo bảng thông báo của trường, mức học phí sẽ được tăng ở cả 3 cấp học là Tiểu học, THCS và THPT cho ba năm học (2018-2019, 2019-2020, 2020-2021) và giữ nguyên trong 2 năm học tiếp theo ở lộ trình 5 năm học.
Vinschool giải thích với sự đầu tư về chương trình học, chất lượng giáo viên, tổng kinh phí dự kiến sẽ tăng 80% so với hiện tại. Do đó, trường sẽ tăng học phí nhằm bù đắp chi phí tăng lên.
Mức học phí dự kiến tăng từ năm học 2018-2019 và lộ trình các năm học tiếp theo. Ảnh chụp màn hình.
Học phí hiện tại của Vinschool. Ảnh chụp màn hình.
So sánh với học phí hiện tại (năm học 2017-2018), mức học phí mới tăng với đối tượng học sinh mới nhập học năm 2018-2019. Cụ thể, những em nhập học năm học 2018-2019 sẽ tăng 2,5 triệu đồng ở cấp tiểu học, tăng 3,2 triệu ở cấp THCS, tăng 4,2 triệu (gần gấp đôi) ở cấp THPT.
Với những học sinh cũ đã nhập học từ năm 2017-2018 trở về trước, học phí tăng 850.000 ở cấp tiểu học, 1,2 triệu ở cấp THCS và 1,4 triệu ở cấp THPT.
Video đang HOT
Trong bảng thông báo, Vinschool cho biết tăng học phí là một trong những cơ sở để thực hiện quyết định chủ động thay đổi toàn diện và sâu rộng về giáo dục, sẽ phát triển song song 2 hệ chương trình: Hệ nâng cao và hệ chuẩn Vinshool.
Ngoài học phí, điều khiến dư luận băn khăn tiếp theo là sự thay đổi về nơi học của học sinh. Cụ thể, trường sẽ giãn mật độ học sinh từ học kỳ II năm học 2017-2018, giãn học sinh tại khu đô thị Times City sang khu trường mới tại khu đô thị Vinhomes The Harmony.
Thông báo tăng học phí và chuyển chỗ học của học sinh ngay sau đó khiến phụ huynh xôn xao. Trên các diễn đàn, nhiều cha mẹ bày tỏ sự không hài lòng vì thay đổi khi năm học mới đã bắt đầu.
‘Cải cách để nâng cấp chất lượng trên toàn hệ thống’
Trước thông tin cho rằng học phí tăng đột ngột, bà Phan Hà Thủy, Tổng Giám Đốc Vinschool, trả lời Zing.vn rằng cơ sở để tăng học phí là cuộc cải cách nâng tầm trên 3 lĩnh vực: Nâng cấp và bổ sung các nội dung mới vào chương trình giáo dục dành cho học sinh; nâng tiêu chuẩn và chế độ đãi ngộ cho các giáo viên để sàng lọc, tuyển chọn các giáo viên giỏi, giáo viên nước ngoài; nâng cấp cơ sở vật chất cũng như chất lượng dịch vụ học đường.
Bà Phan Hà Thủy, Tổng Giám Đốc Vinschool.
Bà Thủy khẳng định học phí mới chỉ áp dụng từ tháng 9/2018, tức còn khoảng một năm nữa. Mức học phí mới cũng chỉ áp dụng ngay với học sinh sẽ gia nhập Vinschool vào năm sau nên không có chuyện đột ngột.
Các học sinh đang theo học hiện nay, bao gồm cả khối mầm non, mức tăng sẽ được giãn cách trong 3 năm. Năm thứ 4, thứ 5 Vinschool cam kết không tăng. Như vậy, tính trung bình mỗi năm Vinschool chỉ tăng học phí từ gần 13%-20% một năm, trong khi chất lượng tăng vượt trội.
Trước thực tế học phí tăng gần gấp đôi (tăng 4,2 triệu ở cấp THPT đối với nhóm học sinh mới), đại diện nhà trường lý giải: “Chúng tôi đang không tăng học phí trên nền chương trình và chất lượng giáo dục như trước, mà đây là việc cải cách để nâng cấp chất lượng trên toàn hệ thống”.
Theo bà Phan Hà Thuỷ, thực tế, trong kế hoạch tài chính được lập trong 5 năm tới, Vinschool sẽ không lấy lợi nhuận. Ngay cả mức học phí áp dụng cho học sinh mới trong năm học 2018-2019 cũng căn cứ dựa trên điểm hòa vốn, chứ hệ thống hoàn toàn không có lãi với mức học phí này.
Trước câu hỏi nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc, trường có tiếp tục tăng học phí như công bố, bà Thủy nói đã tổ chức đối thoại với đại diện ban phụ huynh và tiếp tục giải đáp thông qua cuộc giao lưu trực tuyến với phụ huynh. Vinschool luôn kiên định đi theo định hướng và triết lý giáo dục đã đặt ra từ đầu.
Theo Zing
Nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí: Đích đến của tự chủ?
Các trường đại học phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính.
Ngay từ đầu năm, một số trường đại học tự chủ không thông báo việc tăng học phí khiến thí sinh không có cơ hội lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với điều kiện gia đình. Chỉ đến lúc nhập học, thí sinh mới "tá hỏa" khi biết nhà trường tăng học phí.
Bất ngờ tăng gấp 3-4 lần
Dù quy chế tuyển sinh đã quy định, phải công khai mức học phí dự kiến ngay từ đầu năm, nhưng nhiều trường không thực hiện quy định này.
Nhiều thí sinh và phụ huynh bức xúc cho rằng nếu biết trước trường tăng học phí sẽ không nhập học, giờ đã trót vào trường rồi thì "đi cũng dở mà ở không xong".
Năm học mới bắt đầu, niềm vui là tân sinh viên (SV) chưa được bao lâu thì nhiều SV Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại lo lắng vì học phí từ năm 2018 sẽ tăng từ 3,4-4,1 lần, lên tới 4,4 triệu đồng/tháng đối với ngành Bác sĩ đa khoa.
Nhiều thí sinh đã đăng ký xét tuyển xong mới "té ngửa" vì chọn phải trường có mức học phí cao. Ảnh: VOV.
Điều đáng nói, tháng 3/2017 (thời điểm trước khi thí sinh đăng ký dự thi), trường này công bố đề án tuyển sinh trên web của Bộ GD&ĐT nhưng thông tin về học phí không đúng với quy chế mà mập mờ với câu: "Nhà trường sẽ công bố trên web sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính". Học phí tăng dự kiến cũng là mức tăng cao nhất.
Đây là năm đầu tiên trường được tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc thay vì chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP.HCM như các năm trước, nên SV ngoại tỉnh sẽ không được cấp bù ngân sách.
So với mức học phí hiện tại chỉ 1,07 triệu đồng/sinh viên/tháng, học phí một số ngành của trường tăng từ 3,4-4,1 lần. Học phí hàng tháng của trường giai đoạn một từ tháng 9 đến tháng 12/2017 dự tính như sau: Đối với SV có hộ khẩu TP.HCM là 1,07 triệu đồng. SV không có hộ khẩu tại TP.HCM là 2,2 triệu đồng.
Giai đoạn 2 từ tháng 1/2018, sau khi được UBND thành phố phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ toàn phần, mức thu học phí sẽ được thu theo nghị định 86/2015/NĐ-CP cho các trường đại học thuộc nhóm một.
Mức học phí các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược sĩ đại học, Cử nhân khúc xạ thu 4,4 triệu đồng/SV/tháng (10 tháng là 44 triệu đồng/SV/năm). Các ngành còn lại từ 3-3,6 triệu đồng/SV/tháng.
Cũng theo quy định của Chính phủ, mức thu học phí bình quân tối đa của Đại học Y dược Cần Thơ (áp dụng cho chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm học 2017-2018 là 18 triệu đồng/SV/năm. Bắt đầu từ năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/SV/năm và năm học 2019-2020 là 20,4 triệu đồng/SV/năm; năm học 2020-2021 là 21,6 triệu đồng/SV/năm.
Đối với các ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ, cử nhân theo nhu cầu xã hội, trường được quyết định mức học phí không vượt quá mức trần học phí tương ứng quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ (tối đa 44 triệu đồng/SV/năm).
Một SV học ngành y bày tỏ băn khoăn về việc tăng học phí quá đột ngột và quá cao của các trường hiện nay rằng cứ đà này thì chỉ thí sinh có điều kiện mới đi học ngành y, hay những ngành hot nhất trong các trường đại học; còn thí sinh nhà nghèo, dù có muốn cũng đành ngậm ngùi vì không đủ tiềm lực kinh tế để theo.
Tương tự, Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng thông báo sẽ áp dụng thu mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ đại học chính quy năm học 2017-2018 là 14 triệu đồng/SV/năm, tăng gấp đôi so với trước.
Sinh viên nên chấp nhận 'cuộc chơi'?
Chính phủ đang soạn thảo nghị định về cơ chế của các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% các trường hoạt động tự chủ. Khi các trường tiến hành tự chủ, nguồn kinh phí chi thường xuyên "bao cấp" của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường đại học sẽ buộc phải tăng học phí.
Mức thu cho phép ở một số trường như Đại học Kinh tế TP.HCM cho năm 2017-2018 là 17,5 triệu đồng/SV/năm. Tuy nhiên, đây là mức học phí cho chương trình đại trà, còn các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học phí sẽ gấp nhiều lần.
Chẳng hạn, các chương trình đào tạo đặc biệt như chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo tài năng, kỹ sư chất lượng cao PFIEV của Đại học Bách khoa Hà Nội, mức học phí tính theo tín chỉ từ 320.000-460.000 đồng/tín chỉ, khoảng 16-23 triệu đồng/năm.
Lộ trình tăng học phí của chương trình này đối với năm học sau cũng sẽ thêm 40.000 đồng/tín chỉ so với năm trước. Mức học phí các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến tại Đại học Kinh tế TP.HCM là 25 triệu đồng/năm.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng SV nên chấp nhận "cuộc chơi", coi việc vào đại học như một phi vụ đầu tư cho tương lai. Bởi vì trước sau 100% các trường đại học sẽ được giao quyền tự chủ và áp dụng mức thu học phí mới.
Cần đẩy nhanh xu hướng tự chủ đại học để tránh những bất hợp lý trong hệ thống giáo dục, đó là trường tự chủ trước thì học phí cao, trường chưa tự chủ thì học phí thấp.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Các trường đại học phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, khi các trường thực hiện tăng học phí sẽ gây khó khăn lớn cho đông đảo người dân có thu nhập thấp có con học đại học. Bên cạnh đó, tăng học phí có đi đôi với nâng cao chất lượng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!
Theo Hoàng Dũng / VOV
Trường đại học khẳng định không 'úp sọt' học phí với tân sinh viên Trước thời điểm nhập học, một số sinh viên bày tỏ băn khoăn khi học phí tăng cao. Đại diện nhà trường khẳng định việc tăng học phí là đúng quy định và được công khai từ trước. Trên mạng xã hội, những ngày qua, nhiều tân sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết nhà trường không thông báo với sinh...