Vinh danh thủ khoa đại học: Tạo động lực hay gây áp lực?
Ở nước ta, hàng năm các trường đại học đều công bố thủ khoa đầu vào, địa phương công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và có lễ tôn vinh các thủ khoa đại học… Tuy nhiên, có một số ý kiến đặt vấn đề: Liệu việc vinh danh này có cần thiết và nó sẽ tạo động lực hay gây áp lực?
Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Chen Baosheng (Trần Bảo Sinh) tuyên bố nước này sẽ cấm việc tuyên truyền vinh danh gương thủ khoa sau kỳ thi đại học năm 2018. Tỷ lệ đỗ đại học của từng địa phương cũng bị cấm tiết lộ.
Nhiều người cho rằng chỉ thị trên xuất phát từ lo ngại danh hiệu thủ khoa bị gắn quá nhiều yếu tố thương mại như công cụ quảng bá, kinh doanh và việc tuyên truyền quá mức của các trường, mang đến quá nhiều áp lực cho học sinh lẫn phụ huynh và cả xã hội.
Câu chuyện về động thái động thái muốn chấm dứt việc tôn vinh thủ khoa ở xứ người được dư luận trong nước quan tâm và soi chiếu với thực tế Việt Nam khi cả hai nước có cùng kỳ thi đại học “cá chép vượt vũ môn”.
Tôn vinh thủ khoa có thực sự cần thiết và có nên tiếp tục?
Về vấn đề này, PGS.TS Lưu Văn An (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nêu quan điểm: “Việc tôn vinh người giỏi, người tài là cần thiết và xã hội nào cũng phải tôn vinh, đề cao người tài để làm tấm gương cho những người trong cùng hoàn cảnh nhìn vào có thêm cảm hứng phấn đấu.
Trong xã hội, có tấm gương để giáo dục phổ biến đức tính tốt đẹp cần cù, chịu khó, cầu tiến… là cần thiết. Nhất là, người ta giỏi thật, thành đạt bằng chính khả năng của người ta thì việc tôn vinh, vinh danh hoàn toàn không có gì phải bàn cãi”.
Theo ông An, đối với thủ khoa đại học, việc các em được vinh danh là xứng đáng và nên làm. Bởi lẽ, kỳ thi THPT Quốc gia là kết quả của cả quá trình, đề thi tổng hợp 4 môn kết tinh các kiến thức bao quát và chuyên sâu chứ không phải chỉ một môn. Do vậy chúng ta xác định, nó kiểm tra được tương đối toàn diện kiến thức, năng lực học tập và cả kỹ năng của học sinh. Lúc này, việc vinh danh thủ khoa hoàn toàn xứng đáng nhằm nhân lên gương học tập tốt trong xã hội, lan tỏa tinh thần chinh phục đỉnh cao tri thức.
Hơn nữa, các hình thức vinh danh thủ khoa hiện nay ở nước ta là phù hợp, không bị “lố” hay chi phối bởi yếu tố thương mại hóa.
PGS.TS Lưu Văn An cho rằng việc tôn vinh người giỏi, người tài là cần thiết. (Ảnh: Lệ Thu)
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, thực tế nhiều thủ khoa đại học đầu vào khi được vinh danh mang áp lực tâm lý vì mọi người xung quanh để ý/ kỳ vọng/ dòm ngó nhiều và số khác sau khi được vinh danh lại mang tâm lý như “đi trên mây”, ảo tưởng năng lực bản thân.
Về luồng ý kiến này, PGS.TS Lưu Văn An nêu quan điểm: “Các thủ khoa nếu giỏi thực sự không phải vì ăn may mà được thì nên nhìn danh hiệu như một động lực để tiếp tục cố gắng thay vì áp lực.
Đồng thời, tôn vinh là việc của nhà trường và xã hội, nếu mắc “bệnh ngôi sao” sớm quá là do tư chất của người được tôn vinh. Cái đó cá nhân phải tự vượt qua mới mong thành người hiền tài, phải khiêm tốn, biết đâu là giá trị thực. Báo chí, dư luận có thể tôn vinh các em nhưng nếu các em thấy “quá sức” thì tự gạt đi, vầng hào quang tự khắc biến đi và các em vẫn tiếp tục khiêm tốn phấn đấu trên hành trình đã chọn. Câu chuyện sau khi được tôn vinh đối với các em là giáo dục rèn luyện “đức”, còn điểm cao tức là “tài” khiến các em đạt thủ khoa, được tôn vinh là vế đầu. Nếu bạn trẻ có tài nhưng dễ sa đà vào “bệnh nguyệt quế”, “bệnh ngôi sao” thì là một câu chuyện khác”.
Chia sẻ quan điểm của mình, GS. Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng ĐH Thương mại cũng đồng tình cho rằng, vinh danh thủ khoa là hoạt động biểu dương cá nhân có thành tích xuất sắc, họ đã nỗ lực học tập miệt mài vất vả để đạt thành quả đó.
Do vậy, ý nghĩa của việc vinh danh trong lĩnh vực giáo dục cũng tương tự các lĩnh vực khác. Đó là cơ chế khích lệ, động viên tinh thần người tài trẻ tiếp tục học tập, rèn luyện đạt đến đỉnh cao tri thức. Muốn đánh giá xem hoạt động vinh danh có biến tướng không thì phải xem có thành phần nào trong xã hội lợi dụng nó vì mục đích khác không.
Video đang HOT
GS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại.
“Theo tôi, việc vinh danh thủ khoa ở nước ta chưa thấy tác dụng tiêu cực, chưa ai lợi dụng nó vào mục đích “thương mại hóa”, nó không trái luật pháp và không gây các hệ lụy.
Còn nói có ý kiến cho rằng, việc này sẽ gây áp lực cho sinh viên, học sinh thì nên có khảo sát cụ thể, phỏng vấn các thủ khoa xem khi được vinh danh họ cảm thấy ra sao, có hạnh phúc không, có thoải mái tự hào hay bị áp lực, có thêm động lực phấn đấu hay mang lại hệ lụy khác”, GS. Đinh Văn Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Lưu Văn An, việc công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT/ tỉ lệ đỗ ĐH tại địa phương không cần thiết phải cấm công bố: “Chúng ta sống trong xã hội dân chủ, việc công bố tỉ lệ tốt nghiệp là cần thiết. Tất nhiên vẫn có người không tin vì cho rằng kết quả thi tốt nghiệp hay đại học không phản ánh đúng thực chất nhưng đó lại là câu chuyện khác. Việc minh bạch công khai tỉ lệ tốt nghiệp hay danh tính những có người tài năng, đạt được những thành tựu đỉnh cao là phù hợp với xã hội hiện đại…”.
Thủ khoa nói gì?
Trả lời PV Dân trí về vấn đề này, em Nguyễn Thị Phương Liên – một trong hai thủ khoa khối A của Hà Nội với điểm 10 tuyệt đối ở cả 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học năm 2017 trải lòng chân thật về cảm xúc và trải nghiệm của bản thân rằng: “Đạt được danh hiệu thủ khoa là một điều bất ngờ đối với em, nhưng có lẽ mọi chuyện hầu như diễn ra với em theo chiều hướng tiêu cực”.
Em Nguyễn Thị Phương Liên – Thủ khoa khối A của Hà Nội năm 2017.
Phương Liên chia sẻ: “Kết quả thi vừa có, em còn chưa kịp biết thì báo chí đã kịp đăng bài. Với sự non nớt của mình, em luôn cảm thấy e ngại khi trả lời phỏng vấn. Em cố gắng trả lời chỉ để vừa lòng nhiều người, vì em biết nhiều người đọc được nó, và rồi vì con người ta thì vẫn thích đánh giá cảm quan.
Em đã đọc được nhiều bình phẩm bất lịch sự trên các trang mạng, nhưng em thì không học được cách lờ đi chuyện ấy. Người thầy đầu tiên em gặp ở đại học nói với em rằng: Mấy đứa thủ khoa chúng mày không khác gì mấy con gà gô… Đó có chăng chỉ là câu nói lúc thầy nóng giận nhưng làm em ám ảnh mãi… Đó là một khoảng thời gian khó khăn với em. Em sợ bị đánh giá. Em cảm thấy mình không được thoải mái. Em sợ mỗi khi định hỏi về việc gì đó.”
“Chưa ai dạy em cách vượt qua những áp lực đó cả. Thật may đến bây giờ em đã thực sự thoải mái và không bận tâm về danh hiệu gì nữa. Nhưng đó thực sự là khoảng thời gian đáng nhớ với em” – thủ khoa Phương Liên tâm sự.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Trung Quốc muốn chấm dứt truyền thống tôn thờ thủ khoa đại học
Danh tính thủ khoa trong kỳ thi đại học năm 2018 sẽ bị cấm tiết lộ để không gây áp lực cho học sinh khác.
Lần đầu tiên, Bộ trưởng Giáo dục Chen Baosheng (Trần Bảo Sinh) tuyên bố Trung Quốc sẽ cấm tuyên truyền gương thủ khoa sau kỳ thi đại học (thường gọi là gaokao) năm nay, tổ chức ngày 7-8/6, theo Global Times ngày 17/5.
"Nếu phát hiện trường hợp vi phạm nào, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông nói trong hội nghị quốc gia mới đây và cho biết tỷ lệ đỗ đại học của từng địa phương cũng bị cấm tiết lộ.
Nhiều người suy đoán động thái này xuất phát từ mối lo ngại về giá trị thương mại gắn liền với từng thủ khoa. Việc tuyên dương người đạt điểm cao nhất cũng mang lại quá nhiều áp lực cho phụ huynh và học sinh.
Đồng thời, đây cũng được coi là dấu hiệu Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy "phát triển giáo dục toàn diện", vốn được đề cập nhiều năm nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, chia sẻ động lực quan trọng để công khai danh tính thủ khoa là sự tôn thờ của xã hội với những người đạt thành tích cao trong thi cử. Thủ khoa mang lại danh tiếng cho trường đại học, thậm chí cho cả chính quyền địa phương nên luôn được tuyên truyền rộng rãi.
Nhà giáo dục Xiong Bingqi bổ sung rằng vấn đề then chốt đằng sau việc tôn thờ thủ khoa là hệ thống giáo dục hướng đến thi cử. "Nếu cấm tuyên truyền mà không xác định mục tiêu hay người thực hiện, nó có thể trở thành một cuộc nói chuyện trống rỗng", ông nói.
Thí sinh đạt điểm cao nhất của tỉnh Hồ Bắc trong kỳ thi đại học năm 2015 dự lễ tuyên dương và được trao thưởng hơn 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD). Ảnh: IC
Kiếm bộn tiền nhờ đỗ thủ khoa
Ở Trung Quốc, từ "zhuangyuan" chỉ những người đạt điểm cao nhất kỳ thi xuất phát từ thời nhà Tùy (581-618). Trong suốt chiều dài lịch sử, người dân luôn tôn thờ những người "tuổi trẻ tài cao".
Tháng 8/2017, báo chí đưa tin về việc bốn thí sinh ở huyện Bác Bạch, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được rước bằng xe hơi trang trí hoa lụa đỏ, đằng sau là một đoàn xe, một ban nhạc và đội múa lân. Các em vẫy chào người đi đường như những ngôi sao nhạc pop.
Những lễ tuyên dương như vậy không chỉ khiến thủ khoa được người dân ngưỡng mộ, trầm trồ mà còn mang lại lợi ích về kinh tế. Ngoài tiền thưởng, vài thủ khoa còn được tặng ôtô hoặc nhà.
Hãng truyền thông Meirirenwu ở Bắc Kinh cho biết thủ khoa năm ngoái của thị xã Ân Bình, tỉnh Quảng Đông đã được một công ty thưởng căn nhà 130 mét vuông, trị giá ít nhất 500.000 nhân dân tệ (78.587 USD).
Các tổ chức giáo dục hay thậm chí công ty cung cấp sản phẩm chăm sóc sức khỏe có thể tiếp cận thủ khoa để nhờ quảng bá thương hiệu.
Trên trang web thương mại điện tử Taobao, những ghi chú viết tay của thủ khoa được rao bán với giá trung bình 350 nhân dân tệ, cao nhất là 2.000 nhân dân tệ.
Một thủ khoa giấu tên ở tỉnh Hà Bắc cho biết mỗi bài phát biểu sau khi được vinh danh có giá 8.000 nhân dân tệ.
Đa số thủ khoa hài lòng với việc thương mại hóa tên tuổi, thể hiện ở con số 70% thủ khoa tham gia một khảo sát năm 2016 sẵn sàng hợp tác với các công ty.
Zheng Shuhao, một trong những người đạt điểm cao nhất về khoa học trong kỳ thi đại học năm 2017 của tỉnh Sơn Tây, cũng được các cơ sở giáo dục mời chia sẻ kinh nghiệm và dạy các khóa học. "Học sinh sẵn sàng lắng nghe chúng tôi hơn giáo viên và phụ huynh. Những gì chúng tôi nói mang lại lợi ích cho họ", chàng trai chia sẻ.
Tuy nhiên, Zheng thừa nhận rất áp lực khi tham gia chương trình truyền hình nổi tiếng Super Brain, bởi "Tôi là thủ khoa nên không thể thua".
Ngoài các công ty, chính quyền địa phương và trường học cũng tôn vinh những "anh hùng" trẻ tuổi. Sau khi đào tạo được một thủ khoa, trường trung học sẽ công bố đội ngũ giáo viên và thế mạnh để thu hút nhiều học sinh giỏi. Một số trường tận dụng cơ hội để tăng phí thi đầu vào.
Chú trọng điểm số thái quá
Khi giáo dục hướng đến thi cử, phụ huynh và học sinh đều sẽ quan tâm đến điểm số và thứ hạng. Tuy nhiên, ông Chu nói những thước đo này không thể đánh giá toàn diện về hiệu suất học tập.
Mặc dù chính phủ đề xuất ý tưởng "phát triển toàn diện giáo dục" từ những năm 1990, ông cảm thấy khẩu hiệu này quá trừu tượng và chưa được đưa vào thực tiễn.
Trong khi các cơ quan giáo dục yêu cầu trường học giảm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh vẫn tiếp tục đưa con đến lớp học thêm để tránh "thua từ vạch xuất phát".
Học sinh Trung Quốc vùi đầu trong sách vở để chuẩn bị cho kỳ thi sinh tử. Ảnh: Business Insider
Khác với phụ huynh phương Tây, phần lớn cha mẹ Trung Quốc coi con cái như huyết mạch, hy vọng con đạt được ước mơ mà bản thân không thể hoàn thành.
Hiện tượng coi trọng điểm số, tôn thờ thủ khoa không chỉ xảy ra ở mỗi đất nước này. Hàn Quốc cũng tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học rất gắt gao. Học sinh khóa dưới thường đứng đợi bên ngoài phòng thi từ sáng sớm và cúi đầu, cầu chúc anh chị cuối cấp thi tốt.
Cải cách thi đại học
Theo Bộ trưởng Giáo dục, để giải phóng gánh nặng của hệ thống giáo dục hướng đến thi cử, Trung Quốc phải cải cách, thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện, không xếp hạng học sinh theo điểm số.
Hệ thống thi cử đang áp dụng hình thức "3 X", trong đó học sinh thi ba môn chính là Toán, tiếng Trung và tiếng Anh cùng một số môn tự chọn thuộc lĩnh vực khoa học (vật lý, sinh học và hóa học) hoặc nhân văn (địa lý, lịch sử và chính trị).
Nhiều người tin rằng thi đại học là cách công bằng nhất, bởi nó tạo cơ hội cạnh tranh cho thí sinh thuộc mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát trực tuyến do People's Daily thực hiện năm 2012, 53% số người được hỏi (5.882 người) tin rằng kỳ thi gaokao không còn công bằng như trước do sử dụng nhiều đề thi, lập nhiều điểm thi cho thí sinh ở các tỉnh.
"Với cách đánh giá duy nhất là chú trọng vào điểm số, chúng ta không thể phá vỡ nền giáo dục theo định hướng thi cử", Xiong nói.
Cả hai chuyên gia về giáo dục, Chu và Xiong, cùng đề xuất một giải pháp cải thiện hệ thống giáo dục hiện tại. Thay vì phụ thuộc cơ quan giáo dục, các trường đại học nên tự xây dựng đề thi và thành lập đội ngũ tuyển sinh riêng để lựa chọn ứng viên phù hợp.
Hiện Bộ Giáo dục Trung Quốc chưa ban hành hướng dẫn chi tiết về việc triển khai lệnh cấm tuyên truyền gương thủ khoa, trong khi kỳ thi đang đến rất gần.
Thùy Linh
Theo vnexpress.net
Trầm cảm ở giới trẻ: 'Nới lỏng dây cương để con được thở' Áp lực vừa phải sẽ trở thành động lực, nhưng nếu áp lực quá lớn sẽ trở thành phản lực và phản tác dụng khôn lường. Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Ảnh do nhân vật cung cấp "Con cần sống hơn cần điểm 10" - đó là câu nói thốt lên của một người mẹ của hai đứa trẻ...