Vinh danh 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu: Những người chọn khó khăn, vất vả về mình
Cô giáo dân tộc Mông Phàng Thị Thúy (SN 1988) và thầy giáo Tổng phụ trách đội La Vui Đức Dương (SN 1986) là 2 trong số 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư được T.Ư Đoàn vinh danh.
Họ là những thầy cô giáo luôn sẵn sàng chọn vất vả, khó khăn về mình để mang con chữ đến với học trò nghèo vùng cao.
Cô giáo Phàng Thị Thúy và các em học sinh dân tộc Mông Ảnh: NVCC
Hạnh phúc vì được làm giáo viên vùng cao
Từ những ngày còn là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội 2, cô giáo Phàng Thị Thúy (SN 1988), dân tộc Mông luôn có một mơ ước rất đỗi giản dị là làm cô giáo vùng cao. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi cô là giáo viên trường Tiểu học Quang Sơn (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), nơi có 100% học sinh là người dân tộc Mông.
Cô Thúy chia sẻ, bản thân trước đây từng bị bố mẹ bắt nghỉ học sớm để đi làm nương, làm rẫy nhưng nhờ có sự tuyên truyền, vận động của các thầy, cô giáo cô được đi học trở lại, được vào học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú, rồi thành sinh viên ngành Sư phạm. “Nhờ sự định hướng tận tình của thầy cô giáo, mà cuộc đời tôi đã đổi thay, bước sang trang mới đầy tươi đẹp như bây giờ. Từ câu chuyện cuộc đời mình, tôi muốn được mang sức trẻ, tri thức cống hiến, giúp đỡ các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn rất nhiều những khó khăn, hủ tục”, cô giáo trẻ Phàng Thị Thúy chia sẻ.
Hiện lớp học của cô giáo Thúy chỉ vỏn vẹn… 7 học sinh. Con số ít ỏi đó là cả một hành trình nỗ lực tuyên truyền, vận động của thầy cô giáo trường Tiểu học Quang Sơn. Trước đây, học sinh thường xuyên nghỉ học, bỏ học giữa chừng đi làm nương, rẫy, trông em cho bố mẹ. Ngày ngày, các thầy cô giáo đến tận nhà tuyên truyền, vận động; có những gia đình, cô giáo đến vận động cả tuần, thậm chí cả tháng mới cho con đi học trở lại. Nhiều gia đình, cô giáo phải tranh thủ đến vào ban đêm mới gặp.
“Ở vùng cao, nhiều em học sinh dù tuổi đời còn rất ít nhưng đã phải đảm trách nhiều công việc trong gia đình. Có những em khi được vận động đi học trở lại đã viết lên bàn các dòng chữ khiến tôi bật khóc như “Con nhớ cô”, “Con muốn được đi học”, “Con yêu cô”… Đó là “liều thuốc” giúp chúng tôi có thêm sức mạnh vượt qua mọi thử thách để đồng cảm, sẻ chia với các em học sinh. Điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi là làm sao tất cả học sinh đều được đi học và cảm thấy vui vẻ khi đến trường”, cô Thúy chia sẻ.
Nhờ tình yêu thương học sinh như con cái của cô giáo Phàng Thị Thúy và các thầy cô giáo trong trường Tiểu học Quang Sơn, những năm gần đây, 100% học sinh đồng bào dân tộc Mông tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên, đều đến trường và đi học đúng độ tuổi.
Dù dạy học trong điều kiện vất vả, thiếu thốn, học sinh ít ỏi như vậy, nhưng cô giáo trẻ Phàng Thị Thúy vẫn luôn dành trọn mọi tâm huyết với nghề, luôn nghiên cứu đưa ra các sáng kiến trong dạy học. Trong đó, sáng kiến: “Một số đổi mới về rèn chữ đẹp cho học sinh lớp 2A của trường Tiểu học Quang Sơn” được áp dụng rộng rãi. Năm học 2018 – 2019, cô Thúy đạt giáo viên dạy xuất sắc cấp huyện.
Chia sẻ về ước mơ của mình, cô Thúy bộc bạch: “Nếu giờ có ai đó hỏi tôi rằng, có hối hận, có thay đổi không, tôi vẫn chọn được làm giáo viên vùng cao, vì nơi đó, các em luôn cần mình. Có một câu hát khiến tôi rất tâm đắc: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Tôi cảm thấy yêu và đang hạnh phúc với công việc hiện tại”.
28 lần hiến máu tình nguyện
Video đang HOT
Không chỉ tận tâm, sáng tạo trong công việc, thầy giáo dân tộc Raglai La Vui Đức Dương, giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Phước Chiến (Ninh Thuận) còn là tấm gương điển hình về tinh thần tình nguyện vì cộng đồng. Tính đến thời điểm này, thầy giáo La Vui Đức Dương đã trải qua 28 lần hiến máu tình nguyện và hiện đang phấn đấu để trở thành những người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh.
Thầy bộc bạch: “Trước đây, tôi hiến máu thông qua chương trình, phong trào của các đoàn thể phát động, nhưng giờ tôi chủ động đi hiến máu định kỳ 3 tháng/lần. Giờ như một thói quen, đến kỳ mà chưa kịp đi hiến máu tôi thấy bứt rứt trong người. Mình còn trẻ, còn có sức khỏe, còn cho đi được là một điều hạnh phúc”. Mỗi lần hiến máu, thầy Dương phải vượt quãng đường gần 40 km từ nhà xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
La Vui Đức Dương sinh ra trong gia đình khó khăn nhưng có tinh thần hiếu học. Năm 2005, La Vui Đức Dương ghi dấu ấn trong trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận khi trở thành người dân tộc Raglai đầu tiên thi đỗ vào trường sau 30 năm thành lập. Sau khi ra trường, thầy Dương được phân công về dạy tại trường Tiểu học Phước Chiến (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) làm giáo viên âm nhạc, hai năm sau chuyển sang làm giáo viên Tổng phụ trách Đội đến bây giờ. Trường Tiểu học Phước Chiến có 100% là học sinh dân tộc Raglai. Học trò nghèo, trường thiếu thốn, lụp xụp.
Hai năm đầu, thầy Dương phải ở nhờ nhà dân, ngày ngày, “chạy sô” 4 điểm trường cách nhau cả chục cây số để dạy cho học sinh. Nhiều lúc tiền lương không đủ đổ xăng nhưng thầy vẫn kiên trì bám nghề, yêu trẻ. Hai năm trở lại đây, trường được hỗ trợ xây dựng khang trang hơn, thu gọn lại 3 cơ sở, thầy đỡ vất vả. Tuy vậy, công việc của giáo viên Tổng phụ trách Đội khiến thầy lúc nào cũng tất bật, đi sớm, về muộn.
Năm 2018, thầy giáo trẻ La Vui Đức Dương được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tin tưởng chọn tham gia tổ biên soạn Tài liệu tiếng dân tộc thiểu số Raglai dành cho cán bộ – công chức – viên chức công tác vùng miền núi của tỉnh Ninh Thuận. Cuốn tài liệu dày 400 trang, bao gồm các bài học, từ vựng, hình ảnh, các chủ đề. Hiện thầy trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ giáo viên đang công tác vùng miền núi của tỉnh Ninh Thuận.
Thầy giáo La Vui Đức Dương.
Tối 18/11, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức lễ tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp T.Ư lần thứ nhất, năm 2019. Dự buổi lễ có: Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư; anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp T.Ư là giải thưởng do Ban Bí thư T.Ư Đoàn trao tặng hằng năm vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dành cho các thầy cô giáo, giảng viên trẻ dưới 35 tuổi.
Đây là những nhà giáo đạt nhiều thành tích cao trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dấn thân cống hiến cho xã hội, sống gương mẫu và là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên.
Năm 2019, có 229 hồ sơ ứng viên, Hội đồng xét chọn đã chọn ra 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư để vinh danh. Trong đó, có 9 giáo viên dân tộc thiểu số. Họ là những điển hình của nghị lực vượt khó, luôn bám nghề, trăn trở mang con chữ đến cho con trẻ, thắp sáng tương lai.
LƯU TRINH
Theo Tiền phong
Vinh danh các nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc năm 2019
Nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Ngày 17/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tôn vinh "Nhà giáo của năm 2019".
Các thầy cô được vinh danh là những giáo viên vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Năm 2019 có 183 giáo viên được vinh danh là "Nhà giáo của năm", trong đó có 128 giáo viên đến từ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; 55 thầy cô đến từ các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.
T rao Bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các thế hệ nhà giáo, những người đã, đang và sẽ đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam, nhân kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Những thành quả mà ngành giáo dục và đào tạo có được trong những năm qua là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành; sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đặc biệt là sự đóng góp lớn lao của gần 1,4 triệu thầy, cô giáo - những người đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự nghiệp trồng người cao quý và trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục.
Trong đó, nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi lễ
Sự nghiệp giáo dục đòi hỏi mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, dù ở cương vị nào, vẫn luôn nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn, các thầy cô giáo sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, tâm huyết, sáng tạo, phấn đấu để trở thành những nhà giáo tốt, những người "anh hùng vô danh", hoàn thành nhiệm vụ cao quý là đào tạo thế hệ trẻ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Những nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh hôm nay đã có nhiều thành tích xuất sắc thực hiện phong trào thi đua "đổi mới và sáng tạo trong dạy và học", hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh, sinh viên; gương mẫu đi đầu trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Những cống hiến của các nhà giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, lan tỏa và truyền cảm hứng tới đội ngũ nhà giáo trên cả nước, quyết tâm tạo sự chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.
Cùng với việc khen thưởng nhà giáo xuất sắc, năm nay cũng là năm đầu tiên tổ chức tôn vinh danh hiệu "Nhà giáo của năm". Điều đó thể hiện sự trân trọng, tri ân của ngành Giáo dục đối với đội ngũ thầy, cô giáo; đồng thời tin tưởng đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để khẳng định vị thế, vai trò, hình ảnh của nhà giáo trong xã hội
Tại buổi lễ, 183 nhà giáo tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng biểu trưng "Nhà giáo của năm 2019".
Vừa qua, UBND tỉnh Lào Caicũng đã tổ chức "Lễ tuyên dương, khen thưởng nhà giáo tiêu biểu tỉnh Lào Cai năm 2019", nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019)
Dự lễ tuyên dương, khen thưởng có đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; đồng chí Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. Buổi lễ còn có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban ngành cùng 530 nhà giáo tiêu biểu năm 2019 trong các phong trào thi đua " dạy tốt, học tốt", " đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực", đại diện cho hơn 18.000 cán bộ quản lý, giáo viên của 616 cơ sở giáo dục toàn tỉnh Lào Cai.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, trong những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Lào Cai tiếp tục có bước tiến bộ vững chắc và rõ nét, cả ở vùng thấp và vùng cao thể hiện sự cống hiến và những cố gắng vượt bậc của các nhà giáo trong tỉnh.
UBND tỉnh Lào Cai tặng cờ thi đua cho các đơn vị
Với nỗ lực của toàn ngành, tỉnh Lào Cai có học sinh đạt giải Ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ và cũng là giải duy nhất của đoàn học sinh Việt Nam. Kết quả thi THPT Quốc gia của Lào Cai đứng thứ 22/63 tỉnh thành cả nước, tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc là 3,06%. Năm hoc vừa qua, 1.269 Nhà giáo Lào Cai đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và 9.574 nhà giáo đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, hơn 600 nhà giáo đạt giải trong các cuộc thi, hội thi về công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ các cấp.
2 tập thể, 17 cá nhân ngành Giáo dục Tỉnh Lào Cai nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể, 17 cá nhân. UBND tỉnh Lào Cai đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 24 tập thể; 4 nhà giáo được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 47 cơ sở giáo dục và 337 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Xuân Hồng - Lê Dung - Nguyễn Hải
Theo baophapluat
Chuyện "ngược đời" của một giáo viên xã Cư San Khi đồng nghiệp nhiều người đã về thị trấn làm việc sau đủ năm công tác ở vùng sâu, cô giáo Nguyễn Vân Nhi vẫn làm chuyện "ngược đời", đó là viết đơn xin ở lại gắn bó, không muốn rời xa ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu, xã Cư San, huyện M'Đrăk, tỉnh Đăk Lăk. Là một...