Viettel tại Mozambique trúng thầu 3 dự án của Ngân hàng Thế giới trị giá 20,5 triệu USD
Movitel – thương hiệu của Viettel tại Mozambique vừa được Ngân hàng Thế giới ( World Bank) – lựa chọn làm đối tác cho dự án nâng cao chất lượng sống và khả năng tiếp cận tài chính cho người nghèo tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa Mozambique.
Dự án của World Bank được chia thành 6 dự án nhỏ theo 6 khu vực với tổng trị giá 35 triệu USD. Movitel tham gia vào 3 trong số 6 dự án kể trên, với tổng trị giá là 20,5 triệu USD.
Ngay ngày đầu tháng 07/2019, Movitel đã bắt đầu triển khai một phần dự án của World Bank tại tỉnh Nampula (Mozambique) với tổng trị giá của gói dự án này là 6,4 triệu USD. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp dịch vụ chuyển tiền/rút tiền cho 100.000 hộ nghèo tại Nampula với tổng giá trị tiền chuyển hàng tháng hơn 1 triệu USD, thực hiện trong vòng 3 năm. Nampula là trung tâm kinh doanh ở miền bắc Mozambique còn được gọi là “Thủ đô của miền Bắc”, với diện tích 79.010 km và dân số hơn 4 triệu người. Sau tỉnh Nampula, Movitel sẽ tiếp tục triển khai phân phối tiền trợ cấp của World Bank cho các hộ dân nghèo tại các tỉnh thành khác như Cabo, Niassa, Tete và Manica.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel Global cho biết: “ Movitel được chọn thực hiện dự án lớn của World Bank tại Mozambique trước hết là bởi ưu thế vùng phủ rộng và hạ tầng vượt trội. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Mozambique đưa ra giải pháp kỹ thuật toàn diện nhất để hỗ trợ nạp rút tiền cho người dân tại khu vực chưa có sóng di động là giải pháp thẻ từ. Ngoài ra, một trong các lý do chúng tôi được chọn bởi Movitel là đầu mối thực hiện nhiều dự án uy tín với chính phủ Mozambique như dự án cung cấp đường truyền cho các Bộ ban ngành, dự án xây dựng trạm viễn thông công ích cho chính phủ“.
Lĩnh vực B2B (khách hàng doanh nghiệp) đang tạo không gian tăng trưởng mới cho Viettel Global ở nhiều thị trường quốc tế, từng bước chuyển dịch từ nhà mạng viễn thông truyền thống sang cung cấp giải pháp CNTT và chuyển dịch số. Các công ty của Viettel Global được lựa chọn làm đối tác trong nhiều dự án lớn, như: Tháng 5/2019, Bitel – thương hiệu tại Peru đã ký hợp đồng trị giá 27 triệu USD với Bộ Giáo dục Peru; Tháng 6/2019, Telemor – thương hiệu tại Đông Timor ký kết thành công 2 hợp đồng hơn 1 triệu USD với Bộ Truyền thông – Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp.v.v…Viettel cũng đang thực hiện hàng loạt các dự án B2B khác như dự án về camera giám sát cho Bộ An ninh Nội địa, dự án giải pháp dịch vụ di động cho Tanzania; Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu Hộ dân cư cho Chính phủ Lào; Dự án xây dựng giải pháp Chính phủ điện tử cho Bộ Bưu chính viễn thông Campuchia…
Theo VN Review
Viettel vươn mình ra thế giới thế nào?
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Viettel đã vươn mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số 1 Việt Nam và vươn mình ra thế giới.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel được thành lập vào ngày 1/6/1989, tiền thân là Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin (SIGELCO). Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Viettel đã vươn mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số 1 Việt Nam và lọt vào Top 15 (năm 2018) nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới.
Chiếm lĩnh thị trường trong nước nhờ tiếp cận giá rẻ
Sau 6 năm kể từ ngày thành lập SIGELCO, vào năm 1995, Viettel vượt mặt các "ông lớn" của ngành viễn thông thời điểm đó (Mobifone và Vinaphone) để trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất được cấp phép kinh doanh dịch đầy đủ các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam.
Chiếm lĩnh thị trường trong nước nhờ tiếp cận giá rẻ.
Video đang HOT
Với triết lý kinh doanh "Luôn quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đáp ứng nhanh nhất mọi nhu cầu của khách hàng", kèm theo đó là khẩu "Hãy nói theo cách của bạn", Viettel đã từng bước chinh phục mọi tầng lớp khách hàng bằng các dịch vụ viễn thông hiện đại phục vụ nhu cầu liên lạc thông tin hàng ngày.
Ngay từ khi mới ra mắt, Viettel đã đưa ra mức cước di động phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam. Như vậy, nhà mạng quân đội đã phá vỡ thế độc quyền và biến dịch vụ viễn thông từ xa xỉ thành thứ hàng hóa bình dân. Sau cuộc cách mạng ấy là sự thay đổi vượt bậc trong đời sống người dân và nền kinh tế Việt Nam nhờ tiếp cận tri thức và kết nối thông tin dễ dàng, chi phí thấp.
Cũng nhờ cách tiếp cận như vậy, thị phần của Viettel liên tục tăng trưởng thần tốc. Tính tới năm 2017, tổng số thuê bao của Viettel khoảng 60 triệu, chiếm 46,7% trong thị phần di động tại Việt Nam, bỏ xa Mobifone với 26,1%. Đứng số 1 Việt Nam về số lượng thuê bao di động.
Nếu xét riêng về thị phần (thuê bao) dịch vụ 2G, Viettel dẫn đầu, chiếm 42,5%; tiếp đó là MobiFone và VNPT, lần lượt nắm giữ 30% và 21,5% thị phần. Tương tự, đối với thị trường cung cấp dịch vụ 3G, năm 2016 số thuê bao di động 3G của mạng Viettel chiếm tới 57,7% tổng số thuê bao 3G, tăng hơn 16% so với năm 2013.
Từ số 1 Việt Nam tới Top 15 thế giới
Năm 2007, Tập đoàn Viễn thông Quân đội thành lập Viettel Global với tham vọng đưa thương hiệu Việt "xuất ngoại". Chỉ sau 2 năm, Viettel Global đã có mặt tại Lào và Campuchia và trở thành doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có mặt ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Chưa dừng lại tại đó, kể từ năm 2009 đến năm 2018, Viettel liên tục mở rộng thị trường quốc tế với việc triển khai hoạt động ở 3 châu lục và 10 nước khác nhau, bao gồm: Lào, Campuchia, Đông Timor, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania và Myanmar. Cũng trong năm 2018, Viettel lọt vào danh sách Top15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.
Cho tới năm 2018, Viettel đã kinh doanh tại 11 quốc gia trên thế giới là Việt Nam, Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania và Myanmar.
Sau 10 năm xuất ngoại, Viettel Global đã đạt được nhiều thành quả đáng nể. Cụ thể, tại 5 thị trường Campuchia, Lào, Burundi, Đông Timor, Mozambique, Viettel Global đã nhanh chóng đứng ở vị trí số 1 về thị phần thuê bao, doanh thu và lợi nhuận. 8/10 thị trường đã có lãi và đã có 3 thị trường hoàn vốn là Lào, Campuchia và Đông Timor.
Trong đó, tính riêng mạng di động Metfone (công ty con của Viettel tại Campuchia), trong năm 2018, Metfone đã đạt doanh thu lũy kế là 2.245 tỷ USD và lợi nhuận lũy kế đạt gần 300 triệu USD.
Metfone đã giúp Viettel hoàn vốn về cổ tức gần 250 triệu USD, gấp gần 6 lần vốn đầu tư. Đặc biệt, thị trường này đã hoàn vốn sau 4 năm kinh doanh, trong khi trung bình các doanh nghiệp viễn thông đầu tư nước ngoài sẽ hoàn vốn trong vòng 10 năm.
Với thị trường Myanmar, dù mới đi vào hoạt động nhưng đây là thị trường đạt tăng trưởng ấn tượng nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của Viettel Global.
Chỉ sau hơn 6 tháng khai trương, Mytel - thương hiệu của Viettel tại đây, đạt vượt mốc 5 triệu thuê bao. Mytel cũng là hiện tượng tăng trưởng của ngành viễn thông toàn cầu. Theo dự kiến, Mytel sẽ có lãi trong năm 2019 và tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất của Viettel Global.
Với những thông tin lạc quan từ thị trường nước ngoài, cổ phiếu VGI của Viettel Global niêm yết trên sàn UpCom đã tăng rất mạnh kể từ đầu năm 2019.
Cụ thể, vào đầu tháng 3/2019, cổ phiếu VGI chạm đỉnh 28.000 đồng/CP, tăng gấp đôi so với cuối năm 2018. Hiện VGI đang dao động quanh mức 22.500 đồng, tương ứng với vốn hóa thị trường đạt hơn 50.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD).
Tiên phong hàng loạt công nghệ mới
Không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông di động, Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel còn tiên phong trong nhiều công nghệ mới. Cụ thể, Viettel là nhà mạng đầu tiên triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam. Vào tháng 4/2017, Viettel này đã triển khai 36.000 trạm thu phát sóng trong 6 tháng, phủ 95% dân số. Thống kê đến hết tháng 3/2018 cho thấy, đã có 10,6 triệu thuê bao 4G trên mạng Viettel.
So với dịch vụ 3G, tốc độ 4G Viettel phát triển được sau 1 năm khai trương cao gấp 10 lần. Hiện 4G đã chiếm gần 20% tổng số khách hàng của Viettel, cao hơn so với tỉ lệ này tại các nước châu Á (trung bình khoảng 10% - 15% thuê bao toàn mạng sau 1 năm khai trương).
Viettel là nhà mạng đầu tiên triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.
Không chỉ phổ biến ở các khu vực đô thị, thành phố lớn, 4G Viettel đã len lỏi vào các tỉnh vùng sâu, vùng xa nhất của Tổ quốc, đem lại cơ hội học tập và nghề nghiệp cho nhiều người dân. Bên cạnh đó, công nghệ 4G cũng đã trở thành nền tảng để triển khai nhiều dự án 4.0 quan trọng của xã hội, chính phủ.
Viettel cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai điện toán đám mây (Cloud) vào năm 2008, đây cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên đưa ra dịch vụ cloud tại Việt Nam.
Viettel cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai điện toán đám mây.
Sau 10 năm hình thành và phát triển, thị phần điện toán đám mây của Viettel đứng đầu thị trường với hơn 16%, bỏ rất xa các đối thủ cạnh tranh như FPT hay VNPT. Năm 2017, Viettel IDC là đơn vị trong nước đầu tiên và duy nhất hiện nay được cấp chứng chỉ Nhà cung cấp dịch vụ cấp độ doanh nghiệp (Enterprise Service Provider) đầu tiên và duy nhất của VMWare tại Việt Nam.
Hiện tại, Viettel IDC cũng là nhà cung cấp duy nhất tại Việt Nam cung cấp hệ sinh thái dịch vụ đầy đủ cho khách hàng: từ tính toán (compute), mạng (networking), lưu trữ (storage), an ninh bảo mật (security), dịch vụ quản trị (manage services), khôi phục dữ liệu (Dr as a service) và các dịch vụ khác. Trong tương lai, Cloud của Viettel sẽ được xuất ngoại sang Campuchia và Myanmar.
Trong lĩnh vực công nghệ chế tạo, Viettel khiến cả thế giới ấn tượng với sản phẩm máy bay không người lái (UAV) được trình diễn tại Triển lãm Indo Defence, dù chỉ mang đi trưng bày mẫu máy bay không người lái cỡ nhỏ có tên gọi Shikra với trọng lượng 26 kg và sải cánh 3,5m.
Ngoài ra, Viettel đang phát triển Công ty An ninh mạng Viettel. Doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu đứng số 1 ở lĩnh vực Dịch vụ giám sát và xử lý sự cố an toàn thông tin (ATTT) 24/7, Dịch vụ kiểm định đánh giá ATTT cho hệ thống và ứng dụng, Dịch vụ rà soát gỡ bỏ mã độc...
Mức tăng trưởng thần tốc của Viettel sau 30 năm
Sau 30 năm hình thành và phát triển, doanh thu và lợi nhuận của Viettel tăng vài chục nghìn lần. Cụ thể, tổng doanh thu của Viettel vào năm 1990 đạt khoảng 1,46 tỷ đồng, cho tới năm 2018, tổng doanh thu của Viettel đạt 234.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam.
Năm 2018, tổng doanh thu của Viettel đạt 234.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam.
Tương tự, lợi nhuận hợp nhất năm 1990 đạt 125 triệu đồng và cho tới hiện tại (hết ngày 31/12/2018) tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 37.600 tỷ đồng, chiếm hơn 70 % lợi nhuận toàn ngành, nộp ngân sách nhà nước 37 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 70 % số tiền nộp ngân sách toàn ngành.
Vào tháng 1/2018, 1/2018, vốn điều lệ của Viettel đạt 121.520 tỷ đồng (khoảng 5,4 tỷ USD). Dự kiến, vốn điều lệ của Tập đoàn giai đoạn từ 2015 - 2020 là 300.000 tỷ đồng (khoảng 13,3 tỷ USD).
Bước sang năm 2019, Viettel đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 7,3% (hơn 251 nghìn tỷ đồng); lợi nhuận tăng 4,6% (hơn 39 nghìn tỷ đồng) so với năm ngoái. Viettel cũng dự kiến sẽ nộp 38.100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2019.
Trong tương lai, Viettel tiếp tục xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm.
Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,... từ cấp trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.
Theo vtc
Ngân hàng phải có phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước quý III/2019 phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Ngân hàng phải có phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân...