Viettel phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật tại TP Hồ Chí Minh
Sáng 21-9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội ( Viettel) công bố phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự lễ công bố có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, Viettel công bố đã hoàn thành việc xây dựng 1.000 trạm NB-IoT phủ sóng 100% Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Viettel cũng phủ sóng 5G trên toàn bộ phường 12, quận 10 của thành phố. Như vậy, TP Hồ Chí Minh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng 5G liền mạch và IoT trên diện rộng.
Các đại biểu nghe giới thiệu về Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Viettel.
Phát biểu tại sự kiện, Thiếu tướng Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định: Sau hơn 3 tháng thực hiện cuộc gọi thử nghiệm đầu tiên trên nền tảng 5G, Viettel bước thêm một bước tiến nữa trong công cuộc xây dựng hạ tầng siêu băng rộng di động ở Việt Nam. Chúng tôi chính thức phát sóng mạng 5G ở quy mô thử nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với quy mô này sẽ cho phép người dân được trực tiếp trải nghiệm công nghệ 5G. Theo công bố của Hiệp hội Di động Thế giới ( GSMA), Viettel đang là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G. Hiện trên thế giới mới chỉ có khoảng 10 quốc gia thương mại hóa 5G và đều là những quốc gia phát triển. Như vậy, TP Hồ Chí Minh cũng là một trong những thành phố đi đầu trên thế giới có được nền tảng công nghệ mới nhất.
Video đang HOT
Thiếu tướng Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại buổi lễ.
“Trong giai đoạn phát triển lần thứ 4 của mình, Viettel đặt mục tiêu phải tiên phong kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. Đó là tiên phong mang đến các nền tảng công nghệ số mới nhất, dẫn dắt tạo ra những nền tảng ứng dụng số cho xã hội và đặc biệt dẫn đầu về việc bảo vệ một không gian số an toàn”, Thiếu tướng Hoàng Sơn cho biết thêm.
Cùng với điện toán đám mây – Cloud, hệ thống cáp quang rộng khắp, hạ tầng 3G, 4G đã được Viettel đầu tư trước đó, NB-IoT và 5G được chính thức đưa vào khai thác hôm nay là những nền tảng cốt lõi quan trọng cho việc xây dựng xã hội số và nền kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, việc công bố phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viettel đã thể hiện được vai trò chủ lực, dẫn dắt, tiên phong trong việc triển khai các công nghệ mới, tạo nên các thị trường mới, mở rộng không gian phát triển cho ngành Viễn thông & CNTT. TP Hồ Chí Minh đang đi đầu trong phát triển đô thị thông minh, việc bắt tay với Viettel triển khai sớm hạ tầng ICT tiên tiến nhất thế giới sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ số thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu chúc mừng Viettel.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm xây dựng đô thị thông minh lấy con người làm trung tâm. Việc hợp tác với Viettel xây dựng hạ tầng ICT hiện đại và các nền tảng cốt lõi cho xã hội số sẽ giúp thành phố hiện thực hóa tầm nhìn và chiến lược này, giữ vững vai trò chủ lực, dẫn đầu cả nước trong việc chuyển đổi số.
Dự kiến, trong tháng 9 này, Viettel sẽ phủ sóng NB-IoT cho 100% địa bàn thủ đô Hà Nội và đã có lộ trình triển khai tiếp tại thành phố Đà Nẵng cũng như mở rộng ra toàn quốc trong 2 năm sắp tới.
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố phát sóng mạng 5G của Viettel.
Trong khuôn khổ lễ công bố, lần đầu tiên người dùng được trải nghiệm nhiều dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G như: Giao lưu với robot mô phỏng các động tác được điều khiển từ xa qua sóng 5G, chơi trò chơi thực tế ảo trên đám mây, xem video trực tuyến với độ phân giải 8K, du lịch ảo qua camera 360… và một số ứng dụng như nhà thông minh (smart house), các ứng dụng kết nối internet vạn vật (IoT) như đo quan trắc môi trường nước, không khí, đo công tơ điện từ xa của Viettel.
Toàn bộ các trạm 5G tại TP Hồ Chí Minh sử dụng hệ thống ăng ten thông minh với 64 bộ thu phát, kỹ thuật điều chế bậc 8 (256-QAM) và có thể truyền tối đa 4 luồng dữ liệu song song đồng thời. Đây cũng là cấu hình tiên tiến nhất hiện nay khi triển khai công nghệ 5G. Nokia tham gia cung cấp các giải pháp cho 5G và IoT do Viettel triển khai tại TP Hồ Chí Minh (bao gồm mạng lõi, thiết bị truyền dẫn, thiết bị vô tuyến).
Công nghệ IoT trên hạ tầng 4G do Viettel thiết kế bao gồm cả trạm gốc, ăng ten và băng tần được cấp phép, giúp kết nối số lượng lớn thiết bị IoT với ưu điểm công suất tiêu thụ thấp, yêu cầu băng thông đường truyền thấp, vùng phủ rộng.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Kết nối không dây bằng công nghệ NB-IoT
Việc Viettel phủ sóng NB-IoT tại TPHCM đã tạo cơ hội để các nhà phát triển ứng dụng đưa công nghệ vào đời sống, nhà sản xuất thiết bị tối ưu hóa thiết bị để kết nối tốt hơn, và để TPHCM phát triển các giải pháp cho thành phố thông minh trong nay mai.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, việc phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) và nền tảng phát triển xã hội số tại TPHCM, đã cho thấy những lợi ích khi công nghệ NB-IoT được phủ sóng rộng khắp thành phố, mọi thiết bị thông minh kết nối mạnh mẽ hơn.
Việc phủ sóng IoT rộng khắp là cơ hội để TPHCM phát triển nhiều ứng dụng phục vụ cuộc sống người dân
Viettel đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT (Narrow Band - Internet of Things), phủ kín 100% địa bàn TPHCM. Với quy mô này, Viettel đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ kết nối Internet cho vạn vật tại TPHCM, đưa thành phố trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng IoT diện rộng. Công nghệ NB-IoT rất linh hoạt và có thể hoạt động ở băng tần 2G, 3G lẫn 4G, loại bỏ sự cần thiết của cổng kết nối, giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài. Công nghệ NB-IoT được Viettel thiết kế, phát triển trên hạ tầng 4G hiện có bao gồm cả trạm gốc, ăng ten và băng tần được cấp phép. NB-IoT thuộc nhóm công nghệ Low Power WAN IoT (mạng diện rộng, công suất thấp cho IoT) với ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm pin, chi phí kết nối thiết bị thấp và cho phép một lượng lớn các thiết bị có thể kết nối tới mạng.
Không chỉ đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT mà song song với quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới cho IoT, hiện nay Viettel đang đẩy nhanh tiến độ triển khai nền tảng (platform) để sớm cung cấp hệ sinh thái các ứng dụng về NB-IoT tới khách hàng, như đậu xe thông minh, giám sát chất lượng không khí, giám sát vị trí, thiết bị đo lường... Như vậy, mọi kết nối với thiết bị thông minh được điều khiển qua di động hay máy tính bảng sẽ nhanh chóng, tiện dụng hơn nhiều.
Khi IoT phủ sóng rộng khắp TPHCM thì có thể nói smart home (nhà thông minh) được "nhờ" nhiều nhất. Ở smart home, chủ nhà sẽ dễ dàng bật điều hòa, bình nóng lạnh trước khi về nhà hay thậm chí có thể mở cửa cho bạn bè vào chơi trong khi chủ nhà đi vắng. NB-IoT sẽ góp phần giúp con người trong đô thị nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc Viettel phủ sóng NB-IoT tại TPHCM đã tạo cơ hội để các nhà phát triển ứng dụng đưa công nghệ vào đời sống, nhà sản xuất thiết bị tối ưu hóa thiết bị để kết nối tốt hơn, và để TPHCM phát triển các giải pháp cho thành phố thông minh trong nay mai. Trong khi đó, tại Hà Nội, Viettel đã phát sóng gần 500 trạm NB-IoT tại quận Cầu Giấy và các huyện ngoại thành. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: "Không chỉ Hà Nội và TPHCM, mục tiêu của Viettel là đưa công nghệ IoT tới tất cả các tỉnh thành trên cả nước và thị trường nước ngoài. Với khả năng phủ rộng và phủ sâu, NB-IoT giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ở bất cứ khi nào và ở đâu, bao gồm cả những vị trí thách thức nhất như hầm tòa nhà, đường hầm hay khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo".
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Viettel tuyên bố đã phát sóng 1.000 trạm NB-IoT, phủ kín 100% địa bàn TP Hồ Chí Minh Ngày 12/9/2019, Viettel đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT, phủ kín 100% địa bàn TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kết nối Internet cho vạn vật và đưa thành phố này trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng IoT diện rộng. Viettel tuyên bố đã phát sóng 1.000 trạm NB-IoT, phủ kín 100% địa bàn...