Viết tiếp những ước mơ
Gần 10 năm qua, lớp học tình thương thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và hình ảnh người thầy giáo ‘ quân hàm xanh’ trở nên gần gũi, thân thương với các em học sinh nghèo.
Bằng tình cảm, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, những người thầy giáo ‘quân hàm xanh’ góp phần nâng bước nhiều học sinh nghèo được đến trường, cùng đồng hành với các em trên nét viết đầu tiên với những ước mơ còn dang dở.
Trước đây, lớp học tình thương thị trấn Bến Lức được đơn vị phối hợp tổ chức giảng dạy tại khu nhà trọ chật hẹp, còn hạn chế về nhiều mặt. Đến nay, lớp học chuyển đến địa điểm mới tại đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 8, thị trấn Bến Lức. Tại đây, 4 phòng học và 1 phòng đọc sách được thiết kế khang trang, thoáng mát, bàn ghế bố trí ngăn nắp, không còn cảnh chật chội như trước kia.
Sau một thời gian dài tạm ngưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Bến Lức, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An tiếp tục triển khai tổ chức dạy học trực tiếp. Đa số học sinh của lớp là con em các gia đình làm công nhân tại những khu công nghiệp và tạm trú trên địa bàn của huyện. Với quê quán từ các tỉnh như: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… do điều kiện gia đình khó khăn, các em phải theo cha mẹ lên đây sinh sống, cũng chính vì vậy nên con đường đến trường phải dang dở, không được như các bạn cùng trang lứa.
Các em học sinh và thầy giáo “quân hàm xanh” tại lớp học tình thương thị trấn Bến Lức.
Từ thực tế đó, năm 2012, lớp học tình thương dành cho các em cũng như trẻ em nghèo trên địa bàn huyện Bến Lức được thành lập tại nhà trọ Duy Quý, thuộc thị trấn Bến Lức. Lúc đầu, lớp học được khoảng vài em tham gia, tình nguyện đứng lớp là một giáo viên nghỉ hưu trên địa bàn. Đến năm 2013, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Bến Lức phối hợp tham gia giảng dạy.
Video đang HOT
Trong thời gian đầu, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hạn chế, nhưng lớp học vẫn được duy trì đều đặn và ngày càng hiệu quả. Để đạt được kết quả đó, không chỉ từ cố gắng vượt khó của các em học sinh mà còn là tình thương, trách nhiệm của những thầy, cô giáo, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Bến Lức.
Thượng úy Trần Văn Cảnh, thầy giáo “quân hàm xanh” trực tiếp đứng lớp giảng dạy chia sẻ: “Thời gian đầu chúng tôi nhận lớp giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài công việc chuyên môn tại đơn vị, chúng tôi phải bảo đảm duy trì lớp học, kiến thức sư phạm còn nhiều hạn chế. Nhờ sự động viên, quan tâm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, sự chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi giảng dạy từ giáo viên các trường trên địa bàn, nhất là sự tin tưởng của các bậc phụ huynh, đến nay, lớp học đạt nhiều kết quả tích cực. Các em từ khi đến đây chưa biết đọc, biết viết, nay đã đọc và viết thành thạo cũng như tính toán được các con số. Đó là động lực để những thầy giáo “quân hàm xanh” chúng tôi tiếp tục đồng hành với các em trên con đường học tập”.
Hiện nay, lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Bến Lức phối hợp tham gia trực tiếp giảng dạy cho 50 em từ lớp 1 đến lớp 5, có độ tuổi từ 6 đến 15. Để có được sự ổn định này, ngoài thời gian giảng dạy tại lớp và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở đơn vị, Thượng úy Trần Văn Cảnh tranh thủ thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ, đến nhà vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng các phụ huynh có con em theo học tại lớp, từ đó duy trì tốt sự ổn định trong việc học tập, không để các em phải bỏ học giữa chừng vì điều kiện gia đình cũng như sự thiếu quan tâm của phụ huynh đến con em mình.
Chị Đoàn Thị Minh Thi, phụ huynh học sinh lớp học tình thương chia sẻ: “Do gia đình ở quê khó khăn, không có việc làm nên mang theo con nhỏ đến đây làm thuê, vì vậy, không có điều kiện cho con đến trường. Nhờ sự quan tâm của các anh Bộ đội Biên phòng, con tôi được nhận vào lớp học tình thương. Đến nay, cháu đã biết đọc, biết viết giỏi”.
Để phục vụ tốt việc dạy và học, Thượng úy Trần Văn Cảnh còn thường xuyên tham mưu với Ban chỉ huy Đồn, tích cực cùng đồng đội vận động nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập và trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Bản thân anh cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện quyên góp thêm tiền mua đồ dùng học tập tặng các em.
Em Châu Chí Nguyện, học sinh lớp học tình thương tâm sự: “Quê cháu ở Cà Mau, ba mẹ lên đây làm. Cháu được các chú bộ đội nhận vào lớp học. Ở đây, cháu được học chữ và có thêm nhiều bạn mới nên rất vui”.
Thượng tá Vũ Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Bến Lức cho biết, các đồng chí được phân công trực tiếp giảng dạy luôn xác định tốt vai trò trách nhiệm, từng bước cải thiện khả năng sư phạm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chương trình phổ cập giáo dục của Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Bến Lức đề ra.
Từ lớp học đầy ý nghĩa này, đến nay, nhiều học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học lên các bậc cao hơn. Kết quả đó là món quà vô giá đối với những người thầy giáo mang “quân hàm xanh”, những người vẫn hằng ngày cần mẫn gieo từng con chữ vào trang vở của học sinh nghèo, góp phần nâng bước trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, gắn kết hơn nữa tình cảm quân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Tiếp sức đến trường cho sinh viên nghèo 3 tỉnh Nam Trung Bộ
Ngày 26/11, tại thành phố Nha Trang, Báo Tuổi trẻ phối hợp Tỉnh Đoàn 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và các nhà tài trợ tổ chức chương trình trao học bổng "Tiếp sức đến trường" - 20 mùa vượt khó cùng tân sinh viên.
Bà Bùi Thị Hồng Tiến, Giám đốc Quỹ khuyến học Khánh Hòa và ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trao học bổng cho các tân sinh viên vượt khó, học giỏi.
Tại chương trình, Ban Tổ chức trao tặng học bổng cho 75 tân sinh viên nghèo trên địa bàn Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, mỗi suất học học bổng trị giá 15 triệu đồng; tổng kinh phí chương trình là hơn 1,1 tỷ đồng. Đại diện các nhà tài trợ cũng trao tặng 2 laptop cho tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.
Ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, học bổng "Tiếp sức đến trường" là sự ghi nhận cho những nỗ lực lớn lao của các bạn sinh viên. Mong rằng một ngày không xa các em cũng sẽ thành công trên con đường mình đã chọn.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cảm ơn Báo Tuổi trẻ cùng các nhà tài trợ đã đồng hành, hỗ trợ và chăm lo cho học sinh, sinh viên các tỉnh Nam Trung Bộ. Ông Nguyễn Tấn Tuân mong muốn các đơn vị tổ chức, các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ để Chương trình "Tiếp sức đến trường" tại Khánh Hòa ngày càng có nhiều học bổng hơn, giúp các em sinh viên vượt khó đến trường.
Đại diện Tỉnh đoàn Khánh Hòa, Ninh Thuận và nhà tài trợ trao học bổng cho các tân sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi.
"Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc. Cần phải động viên và tạo mọi thuận lợi cho mỗi học sinh, sinh viên, từng gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư chung tay cho việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dường nhân tài cho đất nước", ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
Sự nỗ lực, vượt khó của các sinh viên là những câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cùng cố gắng. Nhiều sinh viên nhận học bổng nay đã ra trường, có những đóng góp cho xã hội. Nhiều sinh viên thành công từ chương trình đã quay lại tiếp sức cho các em cùng hoàn cảnh như mình nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp bước đến trường...
Chương trình giao lưu với các tân sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi được nhận học bổng.
Nguyễn Quỳnh Như (trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), tân sinh viên ngành Kinh doanh thương mại, Trường Đại học Nha Trang sống cùng mẹ bị điếc bẩm sinh, bà ngoại tuổi cao. Cuộc sống gia đình khó khăn đủ bề nhưng Quỳnh Như vẫn quyết tâm đi học, bởi với em học tập mới có thể thay đổi được số phận, sớm giúp bà ngoại và mẹ được chữa bệnh, sớm nghe được âm thanh tự nhiên. Nhận được học bổng của Báo Tuổi trẻ, Quỳnh Như xúc động chia sẻ: "Mẹ đã dành cả cuộc đời cho em. Mẹ phải khỏe, phải nghe được như bao nhiêu người khác. Không ai chê cha mẹ bạn nghèo hay khuyết tật, họ chỉ chê bạn khi bạn đổ lỗi do hoàn cảnh. Vì thế em càng phải quyết tâm học tập thật giỏi".
Đại diện Tỉnh đoàn Ninh Thuận, Báo Tuổi Trẻ và nhà tài trợ trao học bổng cho các tân sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi.
Theo Báo Tuổi Trẻ, sau 19 năm thực hiện, học bổng "Tiếp sức đến trường" đã hỗ trợ hơn 22.300 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường Đại học, Cao đẳng với tổng kinh phí hơn 164,5 tỷ đồng.
Truyền cảm hứng đến trường cho học sinh Bằng lòng nhiệt huyết với nghề, nhiều thầy cô giáo trẻ đã có cách làm hay, sáng tạo, mang đến cho HS những trải nghiệm thú vị mỗi ngày đến trường. Thầy Phạm Văn Phúc cùng các em HS Trường TH Võ Thị Sáu (TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) tham gia mô hình "Gây quỹ giúp HS nghèo". Tư duy theo hướng...