Viết tiếp những giấc mơ…
Sinh ra vốn không được bình thường như những đứa trẻ khác do di chứng của chất độc hóa học, nhưng bằng sự ham học, chị Lê Thị Lan Anh đã vượt lên số phận, chiến thắng bản thân để viết tiếp những giấc mơ của mình và đóng góp tích cực cho xã hội. Nghị lực và ý chí vươn lên của chị là tấm gương sáng cho nhiều người.
Không chỉ truyền cảm hứng trong mỗi bài giảng, cô giáo Lê Thị Lan Anh còn chăm chút cho học sinh như người mẹ hiền.
Vượt lên khó khăn
Nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Lê Thị Lan Anh ở khu Tân Bình, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) luôn là địa chỉ tin cậy để nhiều phụ huynh gửi gắm con đến học tiếng Anh. Ở đó, chị Lê Thị Lan Anh, sinh năm 1976, trực tiếp giảng dạy và đến giờ, chị cũng chẳng nhớ hết đã dạy bao nhiêu học trò. Với nhiều người khác có lẽ đây là việc hết sức bình thường, nhưng với một người khuyết tật như chị Lan Anh là cả một quá trình sống, phấn đấu với ý chí, nghị lực và nỗ lực không mệt mỏi.
Sinh ra không may mắn khi bị nhiễm chất độc hóa học do di truyền nên Lê Thị Lan Anh bị dị dạng từ nhỏ. Thân hình cong gập về trước, chân tay nhỏ hơn người thường, 10 ngón tay co cứng không duỗi ra được khiến bố mẹ chị thương con vô cùng.
Với thân hình đó, lúc bấy giờ, cả nhà đều nghĩ sự sống của Lan Anh thật mong manh. Ngày ấy, đồng lương của bố chị không đủ chi tiêu, mẹ chị phải nghỉ không lương ở nhà chăm con. Thể trạng không tốt nên hành trình từ nhà đến viện và ngược lại của Lan Anh diễn ra hằng tháng. Sức khỏe yếu cũng là lý do không nhà trẻ nào thời điểm đó dám nhận trông chị. Nhiều đêm cả bà nội, cả mẹ thức trắng trông nom Lan Anh. Nhờ sự chăm chút của cha mẹ và bà nội, đến khi lên 2 tuổi, cô bé Lan Anh bắt đầu lần giường tập đi, sang tuổi thứ ba mấy ngón tay cũng dần co duỗi được…
Lên 6 tuổi, Lan Anh bắt đầu đi học. Cô học chăm và tiếp thu rất tốt. Ngày đó, bà nội là người bạn đồng hành thân thiết trên con đường đến trường của cháu. “Ngày mưa cũng như ngày nắng, trừ những hôm tôi ốm đau, còn lại hai bà cháu không bỏ buổi học nào. Những hôm mưa rét, bà thương cháu nên cõng tôi trên lưng, có lần đường trơn trượt hai bà cháu ngã lên ngã xuống, người lấm lem bùn đất”, chị Lan Anh nhớ lại. Ham học nên đến năm lớp 4, Lan Anh được cô giáo chọn đi thi viết chữ đẹp, năm lớp 6 đi thi học sinh giỏi văn.
Những tưởng với nghị lực cố gắng của hai bà cháu thì mọi chuyện sẽ “xuôi chèo, mát mái”, thế nhưng, ông trời dường như vẫn muốn thử thách chị. Thời gian sang học cấp II, sức khỏe của chị Lan Anh bắt đầu giảm sút. Đến năm lớp 9, chị không thể tiếp tục đến trường bởi những trận ốm nối tiếp nhau liên tục, có những lúc gia đình tưởng chị không còn cơ hội sống.
Nghỉ học hẳn và “chiến đấu” với bệnh tật một thời gian, sức khỏe của chị bắt đầu khá lên. Khi đấy, niềm khát khao học tập lại trỗi dậy trong chị. Chị lại năn nỉ xin bố mẹ cho đi học tiếng Anh. Vì lo cho sức khỏe của con nên bố mẹ chị không đồng ý nhưng khi thấy con quyết tâm, một lần nữa họ chiều lòng, đưa con vào nội thành Hà Nội ở nhà người bà con để con gái được thỏa nguyện ước mơ học tiếng Anh.
Được học với gia sư tiếng Anh tại nhà, chị học ngày học đêm và một lần nữa lại khiến nhiều người ngạc nhiên với khả năng học tập của mình. Thế nhưng, sau một năm, cũng bởi sức khỏe không tốt nên chị không thể tiếp tục theo học, phải quay về nhà với chứng chỉ C tiếng Anh.
Truyền “lửa” đam mê
Những tưởng vốn kiến thức tiếng Anh chỉ để thỏa mãn sự ham học của cô gái Lê Thị Lan Anh bé nhỏ nhưng một ngày cách đây hơn 20 năm, có người hàng xóm sang nhờ Lan Anh kèm cho con. Chị đã vui vẻ nhận lời với ý nghĩ duy nhất là tìm được niềm vui và cũng giúp các em nhỏ thêm ham học.
Thế rồi “tiếng lành đồn xa”, cô gái tật nguyền Lê Thị Lan Anh dù chưa có bằng sư phạm, chưa một lần đứng trên bục giảng được nhiều phụ huynh tìm đến để gửi gắm con em. Và chị trở thành người truyền đạt kiến thức cho nhiều học sinh ở thị trấn Xuân Mai và quanh đó.
Thời gian đầu, chị dạy miễn phí, sau đó khoảng 1 năm thì phụ huynh đề nghị chị thu tiền học phí. Học trò theo học chị ngày một đông, được sự động viên của phụ huynh và gia đình, chị bắt đầu mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà… Chị đã tự mình làm ra tiền bằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết như thế.
Điều đặc biệt ở lớp học của chị Lan Anh là có cả học sinh khuyết tật. Với những học sinh này, chị không thu học phí mà còn dành nhiều tình cảm, động viên, khích lệ các em vượt lên khó khăn để viết tiếp ước mơ trên con đường lập nghiệp ở tương lai phía trước.
Nhiều hôm, các em học sinh về hết thì cũng là lúc đôi chân chị Lan Anh muốn khuỵu xuống. Nhưng vì lòng yêu trẻ, vì muốn tìm niềm vui trong cuộc sống, chị đã cố gắng hơn nữa để được gắn bó với các em. Cách yêu thương trẻ và sự tận tâm trong công việc của chị đã khiến nhiều người thực sự cảm động.
Là người có con và cả cháu từng theo học cô Lan Anh, chị Nguyễn Thị Thắm ở thị trấn Xuân Mai bày tỏ: “20 năm dạy học cho các cháu, cô Lan Anh luôn xứng đáng như người mẹ hiền của các học sinh. Phụ huynh nào có con theo học cô cũng đều kính mến, quý trọng cô”. Còn chị Đỗ Thị Phương, cử nhân kinh tế, cán bộ Văn phòng Đảng ủy thị trấn Xuân Mai chia sẻ: “Tôi có 7 năm được cô Lan Anh dạy môn tiếng Anh. Không chỉ truyền cảm hứng cho học sinh để học tốt môn tiếng Anh mà bài học lớn nhất cô truyền cho chúng tôi là sự nỗ lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống”…
Trong khi đó, chị Bùi Thị Minh Đức, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chương Mỹ cho biết: “Nhìn vào nghị lực và tinh thần vượt lên số phận để sống và làm việc của hội viên Lê Thị Lan Anh, nhiều chị em chúng tôi không cho phép mình nản chí mỗi khi cuộc sống không được suôn sẻ…”.
Hơn 20 năm qua, chị Lê Thị Lan Anh đã dạy rất nhiều học sinh, cả cấp I và cấp II. Nhiều người trong số đó đã thành đạt, trở thành phiên dịch, thầy, cô giáo dạy tiếng Anh. Có lẽ, đấy là niềm vui vô giá. Niềm vui được bắt nguồn từ sự thiệt thòi, khó khăn và cả những tháng ngày vượt khó nên càng trở nên ý nghĩa, thiêng liêng hơn với chị. Đó cũng chính là lý do tiếp thêm nghị lực sống cho chị mỗi ngày, như chị chia sẻ.
Với nhân cách sống cao đẹp và đóng góp cho cộng đồng, chị Lan Anh đã được trao Giải Kova lần thứ 17 năm 2019 về sống đẹp. Năm 2019, chị cũng được Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội biểu dương, nhận Bằng khen về gương “Người tốt, việc tốt”.
Hiền Phương
Cảm động trước tình quân dân ở khu cách ly, nhóm bạn trẻ tặng cây xanh và ghế đá làm quà chia tay
Sau khi kết thúc cách ly 14 ngày, một nhóm bạn trẻ cùng phòng đã góp tiền để mua tặng khu cách ly họ vừa ở 12 chiếc ghế đá và 3 cây bưởi làm kỷ niệm.
Nếu một số người cảm thấy việc cách ly là mệt mỏi và có ý định bỏ trốn thì với chị Trần Minh Trang (Hà Nội) và những người bạn cùng phòng cách ly, đây chính là quãng thời gian rất có ý nghĩa.
Sau khi trở về Việt Nam từ chuyến công tác tại châu Âu ngày 15/3, chị được đưa tập trung tại Trung đoàn Bộ Binh 59 tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội.
Toàn cảnh khu cách ly của Trung đoàn Bộ binh 59.
Theo chị chia sẻ, điều kiện ở khu cách ly rất tốt và sạch sẽ. Chị và các bạn cùng phòng được các anh bộ đội quan tâm, chăm sóc rất chu đáo. 'Các anh bộ đội ở đây rất nhiệt tình, không chỉ hỗ trợ người dân mang hành lý mà sáng nào cũng gọi gọi mọi người dậy. Nói chung, mình thấy các anh rất chu đáo.' - chị Trang kể lại.
Video: Cảnh sinh hoạt của người dân ở khu cách ly
Cảm động trước tình cảm của các anh bộ đội, chị đã cùng những người bạn cùng phòng góp tiền lại mua tặng cho khu cách ly 3 cây bưởi và 12 chiếc ghế đá như một lời cảm ơn và món quà kỷ niệm.
Lúc đầu, ban chỉ huy ở nơi cách ly không muốn nhận vì tặng quà cũng là một vấn đề khá nhạy cảm trong quân đội. Tuy nhiên thấy chị Trang và mọi người quá nhiệt tình nên ban chỉ huy mới quyết định tiếp nhận những món quà trên.
Món quà chị Trang và các bạn cùng phòng trao tặng khu cách ly.
Khi nhận được món quà chia tay này, các chiến sĩ bộ đội tại đây rất bất ngờ và cảm động. Chị Trang chia sẻ: ' Khi cùng các chiến sĩ bộ đội trồng những cây bưởi này, mình có hẹn lại với các chiến sĩ rằng sẽ quay lại nơi đây nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập khu cách ly để cùng nhau thưởng thức những trái bưởi ý nghĩa này.
Mình nghĩ rằng đây cũng là một cách để chúng mình cũng như các anh bộ đội lưu giữ kỉ niệm trong những ngày qua.'
Chị Trang và những người bạn trong khu cách ly.
Kết thúc việc cách ly, được trở về với gia đình, chị Trang cho rằng bản thân chị đã cảm nhận được rất nhiều điều, đặc biệt là tình cảm quân dân. Chị chia sẻ:
'Thật sự bọn mình được sinh ra trong thời bình nên những điều như tình cảm quân dân chỉ đc nghe ông bà, bố mẹ kể lại hay đọc qua sách vở. Cho đến khi chính bản thân mình nhận được sự quan tâm đó, mình cảm thấy rất xúc động và biết ơn nhà nước, các cán bộ y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội vì đã luôn hết mình với đồng bào, nhân dân.'
Những ngày cách ly giúp chị cảm nhận rõ tình cảm quân dân,
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, vẫn duy trì giải thưởng và học bổng KOVA Dù chịu những ảnh hưởng và khó khăn chung của thị trường do dịch Covid-19, chương trình học bổng KOVA trong năm nay vẫn sẽ tiếp tục triển khai. KOVA trao giải thưởng và học bổng cho 142 sinh viên từ hơn 50 trường ĐH trên cả nước năm 2019 - KOVA Ban tổ chức Giải thưởng và học bổng KOVA cho biết,...