Việt Nam ứng phó với vấn đề an ninh nguồn nước
Việt Nam chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông…
Sáng 17-8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội tổ chức hội nghị giải trình về vấn đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập.
Thách thức do phụ thuộc vào nguồn nước ở bên ngoài
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Nguyễn Vinh Hà cho hay nguồn nước của ta phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông liên quốc gia. “Chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa…” – ông Hà nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định “nguồn nước đổ về Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia”.
Cạnh đó, trên thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô thuộc lãnh thổ nước ngoài đã xây dựng nhiều bậc thang hồ chứa thủy điện, hiện đã đưa nhiều công trình vào vận hành nên tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta. Cùng với đó, tại vị trí các con sông đổ vào lãnh thổ Việt Nam, nước đã bắt đầu bị ô nhiễm. Nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế năm 2017 công bố, dự kiến lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, hỏi: “Việc hợp tác quốc tế của chúng ta đã đủ tích cực, chủ động chưa? Việc tham gia các điều ước quốc tế đã góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?”.
Còn Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết các thỏa thuận pháp lý quốc tế hiện “hết sức lỏng lẻo và hoàn toàn tự nguyện”, chủ yếu mang tính chất tham vấn và tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của mỗi nước. “Có hai nước quan trọng nhất nằm trên lưu vực sông Mê Kông là Trung Quốc và Myanmar nhưng họ lại không tham gia Ủy hội sông Mê Kông” – ông Hà nói thêm.
Cùng với nước biển dâng 1 cm/năm thì khả năng chỉ sau 25 năm, đa phần diện tích Cà Mau sẽ xấp xỉ mặt nước biển. Trong ảnh: Người dân sống bằng nghề đóng hàng đáy trên sông Cửa Lớn (Cà Mau). Ảnh: HOÀNG GIANG
Video đang HOT
Bốn tại chỗ song song với hợp tác quốc tế
Trong bài phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh tới tám nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới. Đáng chú ý, để chủ động nguồn nước, không bị phụ thuộc nước ngoài thì cần thực hiện phương châm bốn tại chỗ: Sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.
3.500 con sông, suối chảy trên đất Việt Nam. Chiều dài trung bình của mỗi con sông, suối đó là từ 10 km trở lên; tạo ra 13 lưu vực sông với diện tích lớn hơn 10.000 km2. Cạnh đó, bảy lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% và lại ở khu vực đầu nguồn.
Song song, ông Hiển nhấn mạnh tới việc tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức, các nước trong khu vực, ký kết và thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông, phối hợp điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế mức cao nhất sự tác động của con người tự nhiên làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng. Cụ thể, cần tiếp tục thực hiện tốt các hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995 giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Việt Nam, Campuchia, hợp tác Mê Kông – Lan Thương…
“Cần khẳng định rằng chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập” – ông Hiển nói. Cuối cùng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban KH, CN&MT cần kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng đề án phát triển và đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn năm 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất.
Sẽ có nhiều vùng đất ngập chìm trong nước
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay một kịch bản xấu có thể xảy ra là đến năm 2050, nước biển dâng theo toàn dải ven biển Việt Nam từ 21 cm đến 25 cm và có khả năng đến năm 2100 sẽ là từ 44 cm đến 73 cm.
Đó là chưa kể nước dâng do bão, do thủy triều ven bờ, do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức. “10% đồng bằng sông Hồng, 15% đồng bằng sông Cửu Long, 14% TP.HCM và từ 20% đến 30% diện tích đất của Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này có thể ngập nước, ảnh hưởng đến sinh kế của 20 triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp” – ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, thực tế khảo sát cho thấy tỉnh Cà Mau là vùng đất thấp, đa phần chỉ cao hơn nước biển có 0,5 m nhưng liên tục bị lún với tốc độ từ 1 cm đến 2 cm/năm. Cùng với nước biển dâng 1 cm/năm thì khả năng chỉ sau 25 năm, đa phần diện tích Cà Mau sẽ xấp xỉ mặt nước biển.
Nguyên tắc áp dụng pháp luật: Áp dụng văn bản ban hành sau
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Hai phương án về trách nhiệm tham gia thẩm tra
Hai vấn đề lớn được nhiều Ủy viên UBTVQH cho ý kiến là trách nhiệm tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua trao đổi, các cơ quan thống nhất cần tiếp thu, bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đề xuất 2 phương án.
Phương án thứ nhất là bổ sung trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội theo hướng quy định khái quát. Theo đó, đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết, UBTVQH sẽ chỉ phân công cơ quan chủ trì thẩm tra. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác chủ động tổ chức nghiên cứu để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra về những nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách, gửi văn bản tham gia thẩm tra và cử đại diện tham dự phiên họp của cơ quan chủ trì thẩm tra.
Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sự bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội nhằm "gác cửa" về những nội dung của dự án có liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách. Quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong việc tham gia thẩm tra, góp phần bảo đảm chất lượng của văn bản.
Phương án 2 là bổ sung quy định trách nhiệm của 3 cơ quan gồm Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Ủy ban Đối ngoại trong việc tham gia thẩm tra các vấn đề lồng ghép chính sách dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tính tương thích với các điều ước quốc tế.
Phương án này giúp chỉ rõ trách nhiệm của 3 cơ quan nêu trên trong việc tham gia thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đối với các nội dung thuộc lĩnh vực do các Ủy ban khác phụ trách (như kinh tế, tài chính, ngân sách, phòng, chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường...) thì lại không được xử lý đồng bộ, nên không bảo đảm tính toàn diện trong công tác tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.
Qua thẩm tra, thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chọn Phương án 1.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quốc hội
Áp dụng văn bản ban hành sau!
Theo Luật BHVBQPPL, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. Ngoài ra, hệ thống pháp luật hiện nay còn tồn tại nguyên tắc "ưu tiên áp dụng pháp luật". Việc tồn tại đồng thời hai nguyên tắc áp dụng pháp luật này đã dẫn đến phát sinh xung đột, mâu thuẫn trong một số trường hợp do không xác định được phải áp dụng theo quy định nào. Đây cũng là một trong các vấn đề "chồng chéo trong pháp luật về đầu tư kinh doanh" được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nêu ra thời gian gần đây.
Vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định của Luật BHVBQPPL là phù hợp để bảo đảm tránh xung đột, mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật. Trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật thì vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc áp dụng văn bản ban hành sau.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng cả nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Luật BHVBQPPL và nguyên tắc "ưu tiên áp dụng pháp luật" như trong một số luật là cần thiết. Việc phát sinh mâu thuẫn trong thực tiễn áp dụng luật là do trong Luật BHVBQPPL chưa có sự kết nối giữa 2 nguyên tắc này.
Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 156 theo hướng: trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau; trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dù thực hiện theo Phương án 1 hay Phương án 2 thì việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Điều 12 của Luật BHVBQPPL nhằm hạn chế tối đa việc quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật ngay từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra... là cần thiết.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, cần tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: UBTVQH phân công cơ quan chủ trì thẩm tra, các Ủy ban khác tham gia thẩm tra về những nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách; với Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Các vấn đề xã hội cần có quy định riêng về trách nhiệm thẩm tra của hai cơ quan này.
Còn về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, trường hợp có hai văn bản cùng quy định một vấn đề thì áp dụng văn bản sau. Trong trường hợp luật ban hành trước có những chính sách cần ưu tiên áp dụng mà các luật sau vẫn thấy các điều đó hợp lý thì quy định ngay trong luật.
Phương Thảo
Hai Bộ trưởng lo lắng khi hơn 70% nguồn nước phụ thuộc vào nước ngoài Việt Nam có 7/13 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn dẫn đến tình trạng rủi ro lớn cả về chất lẫn lượng nước. Sáng 17/8, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KHCN&MT) của Quốc hội tổ chức hội nghị giải trình về vấn đề...