Việt Nam tạo bước tiến vượt bậc ở hội thi Intel ISEF quốc tế
Mặc dù không giành giải thưởng cao tại hội thi Intel ISEF quốc tế như năm 2012 nhưng năm nay, đoàn Việt Nam đã có một bước tiến vượt bậc trong con mắt của bạn bè quốc tế. Với hai giải Tư đạt được, đoàn xếp trên cả Pháp, Argentina, ngang hàng với Hàn Quốc, Nam Phi…
Hơn 22h tối qua (20/5), đoàn Việt Nam dự thi Intel ISEF quốc tế 2013 đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Trong không khí hân hoan và vui mừng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng lãnh đạo nhiều Vụ, Cục của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội… đã đích thân ra sân bay đón đoàn. Chuyến hành trình bay từ Mỹ về Việt Nam khá dài nên cả thầy và trò trong đoàn đều “mệt nhoài”. Trước sự nồng nhiệt đó, dường như mọi mệt mỏi của các thành viên tan biến.
Mặc dù hơn 22h đêm đoàn dự thi Intel ISEF mới về đến Hà Nội nhưng đông đảo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, người thân và bạn bè có mặt tại sân bay để đón đoàn.
Hình ảnh Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển quá sốt ruột nên đã vào tận trong khu vực chờ lấy hành lý để chúc mừng đoàn cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bộ GD-ĐT đối với kì thi này. Để giảm bớt sự chờ đợi từ phía bên ngoài, ông Đoàn Hoài Vĩnh – phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trưởng đoàn đành phải ra ngoài sảnh A quốc tế đến để chia sẻ và đón nhận những lời chúc mừng nồng nhiệt của các cấp, ngành liên quan.
Để mọi người bớt sốt ruột vì phải chờ đợi, trường đoàn, ông Đoàn Hoài Vĩnh đã ra sảnh A chia sẻ những vấn đề xung quanh cuộc thi trong khi các thành viên vẫn đang chờ lấy hành lý
Sau những phút giây hội tụ trong “men say” chiến thắng, các thành viên trong đoàn được mời lên phòng VIP của sân bay Nội Bài để tham dự buổi lễ chúc mừng và bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Những học sinh đầu tiên tiến ra sảnh A.
Và những phút giây vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Video đang HOT
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trưởng đoàn Đoàn Hoài Vĩnh chia sẻ: “Với sự chuẩn bị chu đáo của Bộ GD-ĐT, đoàn dự thi Intel ISEF quốc tế đã được thành lập. Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện cho 16 thầy cô giáo cùng với học sinh tham dự hội thi khoa học kỹ thuật lớn nhất thế giới. Năm nay đoàn mang 5 đề tài đi dự thi của 5 nhóm HS (gồm 12 HS) và đã đạt hai giải Tư. Các đề tài khác chưa có giải là do khâu chuẩn bị chưa thấu đáo, tính mới và tính thiết thực chưa được nổi bật”.
Ông Đoàn Hoài Vĩnh – Trưởng đoàn, báo cáo kết quả tham dự hội thi.
Năm nay, song song với hội thi thi Intel cũng tổ chức hội nghị các nhà giáo dục. Trưởng đoàn tham dự hội nghị này là PGS.TS Tạ Đức Thịnh – Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Tại hội nghị này, chủ yếu thảo luận xung quanh các vấn đề xây dựng cơ chế, cách thức triển khai, chính sách hỗ trợ, đánh giá phát động hội thi khoa học kỹ thuật đối với giáo dục phổ thông… Bên cạnh đó, các nhà khoa học nói về cuộc thi, phát triển nhân tài sau khi nhận giải. Tham dự hội nghị này, đoàn đã học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm và sẽ có những trao đổi cụ thể với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để cuộc thi quốc gia năm tới được tổ chức quy mô và bài bản hơn”.
Vụ trưởng Tạ Đức Thịnh cũng cho biết thêm, năm nay có 1.299 đề tài, dự án tham gia hội thi Intel ISEF quốc tế. Có hơn 1.600 HS tham gia cuộc thi, tổng số giải chính thức 379. Như vậy tỷ lệ HS đạt giải so với đề tài tham dự chiếm khoảng 25%. Đoàn Việt Nam có 5 đề tài tham gia thì có 2 đề tài đạt giải, như vậy chiếm đến 40%, cao hơn so với tỷ lệ chung cả kì thi. Đây là một thành tích rất đáng khích lệ khi mà chúng ta mới chỉ bước vào sân chơi này trong một thời gian ngắn. Xét trong nước thì năm nay Bộ GD-ĐT mới tổ chức quy mô toàn quốc lần đầu.
Các học sinh đoạt giải tại hội thi Intel ISEF quốc tế 2013.
“Trong buổi làm việc giữa đoàn Việt Nam với lãnh đạo của tập đoàn Intel, họ đánh giá rất cao Việt Nam về chính sách, cách thức tổ chức thực hiện đối với hội thi khoa học kỹ thuật. Họ cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là tấm gương để cho nhiều nước khác học hỏi” – PGS.TS Tạ Đức Thịnh tự hào nói.
PGS.TS Tạ Đức Thịnh cũng nhấn mạnh: “Thông qua cuộc thi này, rõ ràng đã làm các em trưởng thành hơn rất nhiều. Đoàn cũng có được chứng kiến các em thi tài và có thể nói các em rất tự tin trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo và đi đúng vào trọng tâm của vấn đề”.
Dưới góc độ là người trực tiếp tham dự cuộc thi, em Trương Nhựt Cường, lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) – thành viên đạt giải tư với đề tài “Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại nhà” tâm sự: “Trước khi lên đường các em được thầy cô và các nhà khoa học chuẩn bị đầy đủ kỷ năng về ngôn ngữ, kỹ năng khoa học, kỹ năng thiết kế poster, kỹ năng trình bày và trả lời câu hỏi… nên đã tạo một sự tự tin rất lớn. Chính vì thế, khi sang Mỹ mặc dù thay đổi về thời tiết, về cách thức sinh hoạt nhưng cả thầy và trò đều rất bình tĩnh. HS không chỉ tham gia cuộc thi mà cònđược tham gia hoạt động khác như tham gia giao lưu, trao đổi, thảo luận các vấn đề học tập… Qua đó cho thấy sự chuẩn bị là cần thiết và chúng ta đã gặt hái được những thành công. Kết thúc cuộc thi, chúng em cảm thấy tự hào, tự tin khẳng định với bạn bè quốc tế năm châu, Việt Nam đã bước được lên đỉnh vinh quang”.
Em Trương Nhựt Cường, lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM chia sẻ về những trải nghiệm ở cuộc thi.
Đánh giá cao về kết quả của đoàn đạt được, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: “Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết TW 11, trong đó có đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với những yếu tố chính như mục tiêu chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động, nội dung giáo dục… Tuy nhiên, trước khi có đề án thì nhiều việc đã được triển khai, trong đó có việc rất cơ bản như đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông; đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức dạy học…Chính việc các em hôm nay đi thi nghiên cứu khoa học, đây là hoạt động mới có lần đầu tiên trong hoạt động giáo dục phổ thông của chúng ta. Tuy nhiên, tiếng Anh các em đã đạt một trình độ rất xuất sắc”.
“Các em chính là những người đi đầu trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản toàn diện nói chung” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
“Các em chính là những người đi đầu trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản toàn diện nói chung. Mặc dù là đi đầu nhưng đã giành được thắng lợi” – Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, xuất phát từ phía Bộ GD-ĐT thì đây là một nguồn động viên rất là lớn đối với những người làm cán bộ quản lý, các thầy cô giáo – những người trực tiếp giáo dục các em vì mang lại niềm tin vào sự thành công của đổi mới giáo dục. Chúng ta đã đi đúng hướng, đúng cách mặc dù mới chỉ là bước đầu.
“Con đường khoa học bao giờ cũng chông gai, các em đã thành công bước đầu và tôi xin chúc các em sẽ tiếp tục duy trì đam mê khoa học này trong công tác học tập và nghiên cứu sau này, không phải chỉ có trong nhà trường mà còn trong cả cuộc sống” – Thứ trưởng Hiển gửi gắm niềm tin với những “nhà khoa học” trẻ tuổi.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tới các thành viên đạt giải hội thi Intel ISEF quốc tế 2013.
Trung ương Đoàn trao tặng huy chương tuổi trẻ sáng tạo cho nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Trước những kết quả mà đoàn đạt được, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã quyết định tặng bằng khen cho các HS tham dự hội thi Intel ISEF quốc tế. Đối với những thành viên đoạt giải ngoài nhận bằng khen còn được nhận mức thưởng theo quy định. Bên cạnh đó, các thành viên này còn được nhận huy chương chương tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhận bằng khen và tiền tưởng của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).
Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam trao tặng bằng khen và tiền thưởng tới các thành viên đạt giải.
Những phút giây hạnh phúc của cô và trò Trường Amsterdam cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội.
Bên cạnh đó, với việc đề tài “Nghiên cứu khả năng lọc vi khuẩn trong nước của màng vỏ trứng gà” đạt giải Tư, em Vũ Mai Hương – HS lớp 12 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã được Ban giám hiệu nhà trường làm đơn xin đặc cách tốt nghiệp THPT. Phụ huynh của Mai Hương chia sẻ: “Năm cuối cấp nên khi cho con tham gia cuộc thi gia đình rất lo lắng vì mục tiêu chính vẫn là đỗ vào trường ĐH, CĐ. Với việc đạt giải như thế này nên áp lực cũng giảm bớt hơn”.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế (Intel ISEF), đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào đại học. Nếu chưa tốt nghiệp THPT sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp THPT.
Theo Dantri
Phải báo cáo trước khi đưa tin tiêu cực: Nhà giáo dục băn khoăn
Bộ GD-ĐT yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với các cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm. Quy định này khiến nhiều nhà giáo dục băn khoăn và cho rằng như vậy chưa hợp lý.
Theo nội dung công văn mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký gửi đến chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, tăng cường chỉ đạo sở GD-ĐT, các ban ngành có liên quan trong việc giám sát các kỳ thi, ngăn chặn các tiêu cực có thể xảy ra.
Công văn này khẳng định rõ chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).
Chính khẳng định trên của công văn đã làm nhiều nhà giáo dục băn khoăn và cho rằng như vậy chưa hợp lý.
GS Phạm Tất Dong - phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Nếu chỉ đạo như vậy là không đúng. Cơ quan hành chính và cơ quan báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau, không thể áp đặt. Báo chí có luật của báo chí. Báo chí có quyền thông tin và phải chịu trách nhiệm thông tin của mình trước pháp luật. Các cơ quan chức năng tỉnh, thành không thể cấm nhà báo phản ánh tiêu cực. Tiêu cực thì phải nói ra, nhiều khi báo chí phản ánh lên thì các lãnh đạo mới biết và giải quyết".
Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: "Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT chỉ đạo như vậy là tránh tình trạng đưa tin tiêu cực thi cử tràn lan như mấy năm trước nhưng như thế là không nên vì không có báo chí phản ánh thì biết thế nào để giải quyết. Báo chí cung cấp chứng cứ đúng sẽ giúp lãnh đạo ngành giáo dục giải quyết tiêu cực của ngành mình".
"Báo chí có nguyên tắc của báo chí nên với vấn đề trên chỉ cần nhắc nhở các báo đưa tin chính xác, đúng sự thật tất cả mọi vấn đề, kể cả vấn đề nhạy cảm là được" - PGS Cương cho hay.
Về quy định trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) băn khoăn: "Mọi vấn đề xảy ra tiêu cực trong thi cử, Bộ ôm sao xuể. Do vậy, tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc này như vậy là không khéo. Báo chí có quyền của báo chí và các UBND tỉnh có quyền của UBND tỉnh. Bộ chưa hình dung ra hết những sai sót trong kỳ thi với thông tin nào cần giải quyết ngay, thông tin nào cần tổng hợp lại để công bố trước dư luận".
TS Lâm cho rằng: "Tất cả mọi vấn đề cần làm theo Luật. Báo chí có Luật của báo chí. Vấn đề đặt ra ở đây là tính chất an toàn và nghiêm túc cho kỳ thi, lãnh đạo cần xử lý thông tin như thế nào để không gây ra sự bất thường. Khi sự việc nhạy cảm xảy ra, cần bàn bạc kỹ để có hướng xử lý hợp lý. Quan điểm của tôi là ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Trước một sự việc, ai cũng muốn có sự an toàn cho mình nhưng tùy từng mức độ để đặt ra. Báo chí cũng vậy".
Theo Dantri
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm nhiệm Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Kết quả làm việc về nhân sự mới của trường ĐH Kinh tế quốc dân đã được Bộ GD-ĐT công bố với việc Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng kiêm giữ chức Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân theo Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT và ý kiến của Thành ủy Hà Nội. Việc công bố quyết định...