Việt Nam sẽ nhận được gì nếu ‘nhập khẩu’ giáo dục Bắc Âu?
Điểm chung của nền giáo dục ở các nước Bắc Âu là chính phủ hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, sinh viên và thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm thay vì 12 năm.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng một số hiệu trưởng các trường đại học, phổ thông thăm các nước Bắc Âu, ký kết những biên bản ghi nhớ, mở ra cơ hội hợp tác, “nhập khẩu” những điểm tiên tiến của những nền giáo dục như Đan Mạch, Thụy Điển hay Phần Lan.
Đây là 3 trong số những nền giáo dục hiện đại và thành công nhất trên thế giới.
Nền giáo dục miễn phí, hiện đại
Ở Phần Lan, giáo dục được coi là quyền cơ bản và chính sách giáo dục Phần Lan nhấn mạnh cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người. Vì vậy, chính phủ hỗ trợ 100% học phí.
Trong khi đó, Thụy Điển miễn phí hoàn toàn cho các học sinh từ 6 đến 19 tuổi. Không có bất kỳ quy định nghiêm ngặt nào về việc chọn trường. Học sinh có thể lựa chọn vào bất cứ trường nào họ thích, gồm trường công, tư hay trường quốc tế. Một ngày học ở Thụy Điển bắt đầu lúc 8h15 và kết thúc vào 15h30.
Chính phủ Đan Mạch cũng hỗ trợ 100% học phí trong suốt 9 năm học bắt buộc và thêm 6 năm nữa nếu người đó học tiếp đại học. Học sinh không nhất thiết phải đến trường. Điều này có nghĩa bạn có thể học tập tại trường công folkeskole (từ lớp 1 đến lớp 9), trường tư hoặc học tại nhà, miễn là đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc gia và học đầy đủ các môn được yêu cầu.
Các nước Bắc Âu hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Hubstatic.com.
“Chúng tôi đều được chính phủ trả tiền học phí nếu theo học đại học, giống như ai đó trả lương cho bạn để tham gia lớp đại học vậy”, Louis Moe Christoffersen, một sinh viên kỹ thuật ở Đan Mạch, nói.
Mỗi sinh viên nhận được khoảng 900 USD mỗi tháng (5.839 DKK) và ngay cả khi sinh viên bỏ học giữa chừng cũng không phải hoàn lại khoản trợ cấp này. Yêu cầu duy nhất để được nhận hỗ trợ 100% là họ không sống cùng cha mẹ.
Sinh viên được nhận hỗ trợ miễn phí tối đa 6 năm, bắt đầu từ 18 tuổi. Đa số sinh viên tốt nghiệp không phải chịu các khoản nợ sinh viên.
Video đang HOT
Madman Hammer Larsen, người phát ngôn Bộ Giáo dục Đan Mạch, nói với tờ Washington Post: “Mục đích của chương trình hỗ trợ học phí là đảm bảo rằng thành công của mỗi người được quyết định bằng tài năng và đam mê của chính họ chứ không phải vị trí xã hội hay tiềm lực kinh tế”.
Một số dấu hiệu cho thấy chương trình này tạo ra hiệu quả tích cực. Các trường đại học Đan Mạch có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất trong số những nước thành viên của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và công dân của nước này hầu như không có nợ nần.
Tuy nhiên, để duy trì nền giáo dục miễn phí và các chi phí khác, quốc gia Bắc Âu này là một trong những nước có mức thuế cao nhất thế giới.
Đối với trường tư, nhà nước trợ cấp khoảng 80% chi phí học tập, cha mẹ chi trả 20% còn lại với trung bình khoảng 700 DKK (khoảng 110 USD) mỗi tháng.
Đào tạo giáo viên
Cả 3 quốc gia Bắc Âu này đền rất chú trọng vào việc đào tạo sư phạm và có những yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên.
Ở Phần Lan, giáo viên được coi là “những người mang văn minh đến ngôi làng nhỏ”. Chính vì vậy, họ được yêu cầu rất cao. Tất cả giáo viên phải có bằng thạc sĩ và trải qua một chương tình đào tạo sư phạm nghiêm túc.
Giáo viên được tự chủ về phương pháp dạy, tài liệu dạy học và cách tổ chức chương trình. Quy trình tuyển chọn vào các trường sư phạm cũng rất khắt khe. Bù lại, đây là nghề được tôn trọng và trả lương cao.
Đan Mạch có một hệ thống đào tạo sư phạm thống nhất, đào tạo một nhóm giáo viên để họ có khả năng phụ trách toàn bộ thời gian học bắt buộc kéo dài 9 năm, đồng thời có chuyên môn tối thiểu trong các môn học. Giáo viên được phân biệt rõ ràng giữa giáo viên tiểu học, trung học với các loại giáo viên khác.
Quá trình đào tạo giáo viên mất khoảng 4 năm, gồm nghiên cứu lý thuyết và thực hành. Chương trình giảng dạy sư phạm gồm nhiều môn học chính như tiếng Đan Mạch, tâm lý học, sư phạm, nghiên cứu xã hội, tôn giáo… Hiện, quốc gia này có tất cả 18 trường có các khóa đào tạo sư phạm.
Chương trình giảng dạy
Ở các nước Bắc Âu, chương trình giảng dạy mà chính phủ đưa ra chỉ là hướng dẫn chung. Quan trọng vẫn là sự tin tưởng giữa cơ quan giáo dục và nhà trường.
Chương trình giáo dục ở Bắc Âu khá thoải mái, không tạo áp lực cho sinh viên. Ảnh: Scandinavianstudy.com.
Tại Đan Mạch, Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm thiết lập các mục tiêu đạt được cho từng môn học ở trường công. Chính quyền địa phương và các trường sẽ quyết định làm cách nào để đạt được mục tiêu đó. Bộ Giáo dục cũng cung cấp hướng dẫn chương trình giảng dạy cho từng môn học nhưng chỉ là tham khảo. Các trường được phép xây dựng chương trình học của riêng mình miễn là phù hợp với mục tiêu chung.
Một số môn học bắt buộc được đưa vào chương trình giáo dục bao gồm an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe giới tính, định hướng nghề nghiệp và thị trường lao động.
Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc (9 năm) hoặc học thêm một năm tùy chọn là 10 năm, học sinh phải hoàn thành và trình bày một dự án liên ngành. Dự án được đánh giá bằng văn bản và nếu học sinh muốn thì sẽ được cấp giấy chứng nhận ra trường.
Các kỳ thi và kiểm tra
Có tất cả 2 kỳ thi ở Đan Mạch là thi tốt nghiệp và kỳ thi nâng cao. Cả hai đều bao gồm một hỗn hợp các bài thi viết và thi nói. Thang điểm từ 0-13. Bộ Giáo dục đưa ra các quy tắc chuẩn cho kỳ thi. Bài thi viết được tổ chức và chấm điểm tập trung.
Tuy nhiên, không có kỳ thi nào là bắt buộc. Học sinh cùng với cha mẹ hoặc người giám hộ sau khi tham khảo ý kiến với nhà trường sẽ quyết định có thi hay không.
Phân cấp và quản lý
Học sinh ở Đan Mạch không bị phân cấp giữa tiểu học và trung học. Các em sẽ học cùng trường từ năm đầu tiên cho đến năm thứ 9. Khoảng 89% học sinh tham gia trường công, số còn lại học trường tư. Phụ huynh hoặc người giám hộ sẽ nhận được thông tin về hoạt động học tập và xã hội của trẻ tại trường ít nhất 2 lần mỗi năm.
Năm học mới thường bắt đầu vào tháng 8 và kết thúc vào tháng 6 năm sau, bao gồm 200 ngày học. Quy mô lớp không được vượt qua 28 học sinh, trung bình chỉ khoảng 19 em mỗi lớp. Tỷ lệ học sinh – giáo viên là 10/4.
Quốc gia này không bắt buộc trẻ em phải học mẫu giáo. Tuy nhiên, phần lớn trẻ chưa đến tuổi đi học đều tham gia một trong 3 lớp gồm dành cho trẻ dưới 3 tuổi, từ 3-7 tuổi và từ 5-7 tuổi. Trẻ em bắt đầu đi học khi lớp 1 khi 7 tuổi.
Các trường ở Đan Mạch áp dụng một hệ thống “giáo viên chủ nhiệm” độc đáo. Theo đó, một giáo viên sẽ phụ trách lớp của mình trong 9 năm. Giáo viên sẽ giám sát sự tiến bộ về học vấn xã hội và cá nhân của tất cả học sinh trong lớp, đồng thời là cầu nối giữa nhà trường và gia đình.
Theo Zing
Phần Lan sẽ bỏ tất cả môn học
Phần Lan từ lâu đã nổi tiếng là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực giáo dục.
Sự nổi tiếng đó càng được xác nhận khi tại đất nước Bắc Âu này đang diễn ra một cuộc cải cách quy mô lớn toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, từ bậc tiểu học đến bậc trung học. Nguyên tắc được áp dụng trong cuộc cải cách này là không dạy theo các môn học mà dạy theo chủ đề.
Một lớp tiểu học ở Phần Lan.
Học sinh chọn một chủ đề hay một khái niệm cụ thể nào đó rồi xem xét chủ đề hay khái niệm đó qua lăng kính những lĩnh vực kiến thức có liên quan.
Chẳng hạn, khi chọn chủ đề biến đổi khí hậu, các em sẽ xem xét qua lăng kính các môn khoa học tự nhiên, sinh thái học, kinh tế và chính trị.
Như vậy, nguyên tắc mới mẻ này cho phép loại bỏ tất cả các môn học truyền thống và thay vào đó sẽ là những buổi học có nội dung liên quan đồng thời đến nhiều môn học khác nhau.
Quan hệ giữa thầy cô giáo và học sinh đương nhiên cũng sẽ thay đổi theo. Bởi lẽ các em chỉ sử dụng một phần thời gian học tại trường, phần khác sẽ học qua mạng, theo kiểu trực tuyến. Hơn thế nữa, các em còn được khuyến khích phát biểu tới mức tối đa những quan niệm riêng của mình.
Theo Ngọc Thoa / Tiền Phong
Học sinh Phần Lan chơi nhiều, học ít, không áp lực thi cử Học sinh 15 tuổi ở Phần Lan không mất nhiều thời gian "đánh vật" với bài tập về nhà so với bạn cùng trang lứa ở một số nước khác. Thầy cô cũng nói không với học thêm, phụ đạo. "Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan?", đó là chủ đề tọa đàm do Đại sứ quán Phần Lan...