Việt Nam, Philippines yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông.
Chiều 21/5, ngay sau lễ đón được tổ chức tại Phủ Tổng thống Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III đã tiến hành họp hẹp và hội đàm, trao đổi các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines sau hội đàm.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình và những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội của mỗi nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng và đánh giá cao việc Chính phủ Philippines đã đạt được thỏa thuận hòa bình, chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột và mở đường cho sự phát triển ở miền Nam Philippines.
Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.
Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thống Philippines Aquino đã có cuộc họp báo chung thông báo về kết quả cuộc hội đàm.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên ASEAN ở thủ đô Manila.
Tối cùng ngày, Tổng thống Philippines Aquino đã mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên cùng đi trong đoàn.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Philippines, Tổng thống Aquino cảm ơn Việt Nam dành cho Philippines sự hỗ trợ quý báu, đóng góp vào việc khắc phục hậu quả nặng nề của bão Hải Yến năm 2013 vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino đã kiểm điểm, đánh giá tình hình hợp tác giữa hai nước và cùng nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp; khẳng định tiếp tục tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp sẵn có theo tinh thần “Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ XXI và thời kỳ tiếp theo” cũng như các thỏa thuận cấp cao đã có giữa hai nước, nhất là trong chuyến thăm của Tổng thống Aquino đến Việt Nam (10/2010) và chuyến thăm Philippines của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (10/2011).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi họp báo sau Hội đàm Việt Nam-Philippines chiều 21/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Video đang HOT
Hai nhà lãnh đạo cũng đạt được những nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác ở khu vực trong thời gian tới. Về quan hệ chính trị-đối ngoại, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao cũng như các cấp, các bộ/ngành và địa phương cũng như hợp tác ở các kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân; nhất trí việc lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ thiết lập nhiều hình thức linh hoạt (như thăm làm việc, điện đàm, gặp bên lề các hội nghị…) để tăng cường gặp gỡ, cùng nhau trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino cũng khẳng định quyết tâm thực hiện thành công Chương trình Hành động Việt Nam-Philippines giai đoạn 2011-2016 và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thông qua các cơ chế Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Philippines.
Hai bên nhất trí tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được về quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định Dẫn độ; nghiên cứu thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm hậu cần, công nghiệp quốc phòng; tích cực tham vấn, ủng hộ nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng an ninh như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…
Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định hợp tác biển đại dương là một trụ cột trong quan hệ hai nước; nhất trí tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp lập trường, hợp tác có hiệu quả tại các cơ chế song phương như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác biển và đại dương, Nhóm Chuyên gia pháp lý về các vấn đề hợp tác trên biển; thúc đẩy hợp tác nghề cá, hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển, khí tượng thủy văn và bảo vệ môi trường biển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên ASEAN ở Thủ đô Manila. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD vào năm 2016, tạo thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ… ; đồng thời khuyến khích tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và du lịch…
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp hiện có, hai bên nhất trí cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Philippines, đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện lên tầm cao mới. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí lập Ủy ban công tác chung do hai Bộ Ngoại giao đứng đầu để xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ đối tác chiến lược, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực để sớm trình lãnh đạo cấp cao hai nước quyết định.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác, phấn đấu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2015; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Theo VNN
Cựu Tổng lãnh sự VN tại Trung Quốc: Bắc Kinh có nhiều điểm yếu
Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc, ông Dương Danh Dy nói Việt Nam tôn trọng nhưng không sợ Trung Quốc và Bắc Kinh đánh giá rất cao Hà Nội.
Ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: Phương Mai
Kể từ ngày 2/5, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông đã có nhiều diễn biến liên quan của 2 nước cũng như một số quốc gia khác.
Trả lời phỏng vấn TS về căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua, ông Dương Danh Dy cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc nói: "Việt Nam tôn trọng nhưng không hề sợ Trung Quốc và Bắc Kinh đánh giá rất cao Hà Nội".
Mũi tên trúng hai đích
- Là người làm ngoại giao lâu năm, công tác tại Trung Quốc, ông có nhận xét gì về việc có thông tin nói Trung Quốc đưa Hải Dương 981 vào Biển Đông thực hiện &'mũi khoan chính trị'?
Hành động này của Trung Quốc nhằm 2 mục đích, vừa xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vừa tổ chức thăm dò tài nguyên, khoáng sản dầu khí trên Biển Đông.
Điều này có thể hóa giải được thế khó của Trung Quốc hiện nay khi đa số các vùng biển có dầu mỏ đều bị khai thác tràn lan, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản ở các vùng xung quanh.
Việc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc (Nguồn: AP)
Là người đã làm việc nhiều năm ở Trung Quốc, từ trung ương tới địa phương. Trong thời gian đó, tôi đã tiếp xúc với những tài liệu của Bắc Kinh cho thấy mưu đồ 10 năm thăm dò dầu khí Biển Đông của họ.
Nhìn lại năm 1995, sở dĩ Trung Quốc đưa tàu ra chiếm Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vì nơi đây được cho là có trữ lượng dầu khí đã được thăm dò.
Từ đó có thể thấy rằng, mục tiêu đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông không chỉ có động cơ chính trị. Trong lúc các vùng biển còn lại đang bị ô nhiễm tàn phá, Biển Đông được xem là &'vùng sạch' với nguồn tài nguyên phong phú.
Ngoài ra, còn phải nhìn thấy rằng, Biển Đông là cửa ngõ của nhiều tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Với âm mưu chi phối Biển Đông, Trung Quốc hi vọng sẽ có một ngày gây được áp lực với Nhật Bản qua tuyến hàng hải này.
Nói như vậy để ta hiểu được Trung Quốc đã chuẩn bị rất lâu trước khi đi bước đi này. Hiện nay, Trung Quốc là một nước mạnh, chúng ta phải thừa nhận điều đó, nhưng đồng thời phải hiểu rằng Việt Nam tôn trọng chứ không hề sợ Trung Quốc.
-Thưa ông, có ý kiến nói rằng Trung Quốc không dám khoa trương sức mạnh ở biển Hoa Đông bởi ở đó Nga thì quá mạnh, Nhật cũng không vừa, hơn nữa Tokyo từng được Tổng thống Mỹ Obama cam kết bảo vệ. Thế nên Bắc Kinh buộc phải diễu võ giương oai ở Biển Đông, ông nhận xét thế nào về điều này?
Tôi đọc nhiều tài liệu Trung Quốc, trong đó họ có nói đến việc từ thời Nguyên, Trung Quốc đã có dã tâm thôn tính Nhật Bản nhưng bất thành bởi hạm đội thủy quân bị bão đánh chìm. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa nguôi điều đó.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ép một chiếc tàu từ Hong Kong (Trung Quốc) ra khỏi khu vực Senkaku
Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Á vừa qua cũng cam kết bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia. Ông Obama cũng nói đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku mà Nhật đã khéo léo quốc hữu hóa trước sự tức giận của Bắc Kinh.
Dĩ nhiên với việc Nhật, Mỹ bắt tay ở biển Hoa Đông khiến Bắc Kinh không dám manh động, dù vẫn mạnh miệng tuyên bố chủ quyền với Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào Hoàng Sa của Việt Nam là việc làm đã được tính toán rất lâu, nằm trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Obama là một trong những động lực khiến Trung Quốc vội vã hành động ngang ngược ở Biển Đông.
Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải thay đổi quan niệm, có nhận thức mới về đâu là đối tác, đâu là đối thủ.
"Không có kẻ thù vĩnh viễn..."
-Thưa ông, còn một vấn đề khác đang được dư luận thế giới quan tâm là Nga - Trung tập trận hải quân ở biển Hoa Đông. Ông có nhận định thế nào về cuộc tập trận này?
Năm 1969, Liên Xô và Trung Quốc từng có cuộc chiến tranh biên giới, và nhiều năm sau đó, khi tôi đang ở Trung Quốc cũng chứng kiến những cuộc khẩu chiến dữ dội giữa hai bên. Nhưng như chúng ta đã biết, "không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh cửu".
Tàu chiến Nga đến biển Hoa Đông tập trận cùng Trung Quốc
Sau khi bị Mỹ, phương Tây gây khó dễ về việc dầu khí và khí đốt nên Nga buộc lòng phải quay sang nhích lại gần Trung Quốc.
Phải nói rằng sức ép của Mỹ và phương Tây đã khiến Nga, Trung Quốc giải quyết nhanh vấn đề tranh chấp biên giới, đặt đường ống dẫn dầu và sắp tới là dẫn khí đốt sang Trung Quốc.
Mỗi năm Bắc Kinh phải nhập hơn 200 triệu tấn dầu, trong khi hiện tại được Nga cung cấp dầu thì quá tốt cho Trung Quốc.
Sự hợp tác Nga - Trung hiện nay có thể coi là để chống lại sức ép từ phía Mỹ. Cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước cũng chủ yếu nhằm gửi tín hiệu đến Mỹ.
Theo VTC
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thăm và động viên ngư dân bám biển Để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đến gặp gỡ, động viên ngư dân phát huy tinh thần yêu nước, kiên quyết bám biển, đấu tranh với những hành động sai trái của Trung Quốc. Trong những ngày vừa qua, ngư dân Quảng Ngãi liên tục bị tàu Trung Quốc...