‘Việt Nam phải mạnh lên bằng hiền tài’
“Singapore trở thành quốc gia giàu có nhờ sử dụng tài năng. Nếu quy tụ được hiền tài, tôi tin Việt Nam là một trong những nước giàu mạnh”, PGS Vũ Minh Khương nói.
Cho rằng 30 năm Đổi mới đã qua với thành quả rất đáng trân trọng nhưng 30 năm tới phải đưa dân tộc Việt Nam lên hùng cường, PGS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore) nhấn mạnh, muốn làm được điều đó cần có chính sách cụ thể về trọng dụng hiền tài, trong đó có những người Việt ở khắp nơi trên thế giới đóng góp cho quê hương.
PGS Vũ Minh Khương. Ảnh: VOV.
- Ông từng chia sẻ nếu Hải Phòng hay TPHCM cần thì ông sẵn sàng về công tác tại Việt Nam?
- Tôi khát khao từng ngày trở về Việt Nam đóng góp với đất nước. Nếu có dịp bất kể điều kiện như thế nào tôi sẵn sàng về ngay. Đó là điều thôi thúc từ trái tim mình và cũng là trách nhiệm với đất nước
- Dịp ở đây có thể hiểu như thế nào, thưa ông?
- Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt rất lớn, đòi hỏi cải cách trọng đại. Chúng ta qua 30 năm Đổi mới với thành quả rất đáng trân trọng, từ dân tộc nghèo đói đến khấm khá, nhưng 30 năm tới phải là thời kỳ chấn hưng, đưa dân tộc lên hùng cường.
Điều đó đòi hỏi nỗ lực của mỗi người, trong đó có người trí thức. Chúng tôi luôn nghĩ về đất nước và nhiều người mong muốn trở về đóng góp.
- Có dịp tiếp xúc nhiều các bạn trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài, có nhiều người cùng chung suy nghĩ như ông không?
- Người Việt Nam thời đại ngày nay có tầm toàn cầu, đi khắp nơi, đóng góp nhiều cho cộng đồng trí thức thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Như các bạn trẻ ở Singapore là những người vươn lên xuất sắc về mặt chuyên môn, điều đó ai cũng phải thừa nhận.
Nhiều người trăn trở với tôi về cơ hội đóng góp cho đất nước. Có bạn viết sách xuất bản trong nước, rồi lập ra hiệp hội hướng về quê hương… Nhưng ta chưa có kênh thực sự thôi thúc mọi người trở về xây dựng đất nước như thời kỳ Bác Hồ vào những năm đất nước khó khăn trước đây.
- “Kênh”này không hẳn là chế độ đãi ngộ cao, thưa ông?
Video đang HOT
- Không. Chế độ chỉ là một vấn đề phụ. Tất nhiên khi làm tốt thì không ai nghèo khó.
Singapore vốn nghèo nhưng với tài năng được sử dụng thì tiền tài đẻ ra rất nhiều nên họ trở thành một quốc gia giàu có hàng đầu thế giới. Họ mạnh lên bằng hiền tài, còn chúng ta thất thoát, lãng phí vô cùng nhiều. Nếu quy tụ hiền tài thì tôi tin rằng Việt Nam là một trong những nước giàu có.
Có nước khi mời một người đang làm cho một công ty tư nhân vào vị trí Bộ trưởng Bộ Công thương đã tạo sự biến đổi kỳ lạ: Trước đây, cả Bộ thu hút mãi không đủ 200 người làm đơn xin vào mà trình độ chỉ trung bình nhưng khi ông ấy về đã làm sống dậy một không khí ở đất nước đó.
Khi đó, có tới 2.000 đơn xin vào mà toàn những người ưu tú, sẵn sàng chấp nhận lương thấp để cùng “chiến đấu” đóng góp cho đất nước.
Điều đó thể hiện việc chọn người hiền tài vào cương vị phù hợp để giao nhiệm vụ, từ đó giám sát như cầu thủ vào sân bóng không đá được thì ra, dù chưa thành công cũng có cơ hội đóng góp và qua đó trưởng thành hơn.
- Vừa qua cũng có ý kiến cho rằng đóng góp với đất nước không hẳn phải về nước?
- Chúng ta phải chấp nhận tính đa dạng. Nhà nước nên khảo sát như ở Trung ương cũng như địa phương nên có danh sách những người nào muốn quay về đóng góp cho đất nước, người nào muốn về hẳn thì sẵn sàng về ở cương vị gì; người nào có thể đóng góp được từng phần thời gian, người nào đóng góp theo kiểu chuyên môn trí thức và hỗ trợ ở xa…
Nên có danh mục cụ thể và rà soát, đánh giá, công nhận, ghi nhận hàng năm. Còn chúng ta chưa thu hút được hết về là lỗi của ta. Hiện ta mơ màng với tất cả các ý kiến này khác. Cái đó phải rất cụ thể vì có hàng triệu người ở nước ngoài, suy nghĩ có khác nhau, điều kiện khác nhau và sự sẵn sàng cũng khác nhau thì mình hoàn toàn thông cảm.
- Ông nói nếu đặt vị trí xứng đáng thì nhiều người sẽ về nước cống hiến. Với ông thì sao?
- Tôi về ngay lập tức. Những năm tháng gắn bó với thực tiễn, dù trong quân đội hay ở doanh nghiệp, tôi thấy người Việt Nam mình có sức quật khởi mạnh mẽ, nhất là khi phải gắn kết với nhau để vượt qua thách thức. Một lãnh đạo có tầm nhìn và phẩm chất hiến dâng, dù ở quy mô nào, cũng có thể đem lại những đổi thay to lớn.
Trước mắt, tôi có thể làm một số việc liên quan đến chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt của Singapore, trong phát triển thành thành phố toàn cầu và tham gia các phân tích nhằm hoạch định chiến lược phát triển của Hà Nội, TP HCM trong thời gian tới.
Tôi cũng có thể tham gia giảng một số bài về quản lý chiến lược cho cán bộ chủ chốt hai thành phố. Hiện giờ, chúng ta thiên lệch quá nhiều vào việc sự vụ mà coi nhẹ nỗ lực xây dựng thiết chế quản lý chiến lược là một nguyên nhân quan trọng làm công việc sự vụ ngày càng tăng, thậm chí đến mức không thể giải quyết được…
PGS Vũ Minh Khương làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore từ 2006, chuyên nghiên cứu dự án về tăng trưởng và phát triển. Ông từng thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản.
Ông hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard, được tên được khắc trang trọng trên bảng vàng của trường Hành chính Kennedy.
PGS Vũ Minh Khương tham gia nhiều chương trình hướng về quê hương và hiện là Trưởng Ban danh dự Ban liên lạc cộng đồng người Việt ở Singapore.
Theo Ngọc Thành/VOV
Nguyên Phó chủ tịch nước trải lòng về trọng dụng nhân tài
Việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan Nhà nước có nhiều điểm chưa hợp lý, không ít tiêu cực nên không thu hút được nhân tài vào làm việc.
Câu chuyện "Vì sao người giỏi không về nước làm việc?" đã được đưa ra bàn luận tại Quốc hội hồi đầu tháng 11/2015 và dư luận đặc biệt quan tâm. Tại sao lại có chuyện nhiều nhân tài không muốn quay trở về quê hưởng bản quán làm việc và chúng ta phải có giải pháp quyết liệt như thế nào để khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám"?
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trải lòng về những trăn trở xung quanh vấn đề trên.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: VOV
- Trong thời gian qua, du học sinh không trở về nước hay trở về thành "bất đắc chí" đã từng diễn ra. Hầu hết các Quán quân, Á quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cũng ở lại nước ngoài làm việc. Thưa nguyên Phó chủ tịch nước, phải chăng là ở Việt Nam, cơ chế để họ phát huy tài năng còn quá ít?
- Nói đến nhân tài là nói đến nguyên khí của quốc gia, là sức mạnh của một đất nước. Đúng là cho đến nay, chúng ta chưa thực sự có cơ chế, chính sách thỏa đáng để phát huy vốn quý này của đất nước. Đó là nguyên nhân lớn nhất làm Việt Nam tụt hậu so với các nước khác.
Nói là chúng ta có nhiều nhân tài thì có thể là quá lạc quan, nhưng thực sự là dân tộc ta, người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, không hiếm người tài giỏi, vì hiếu học, thông minh và cần cù vốn được xem là những đặc điểm nổi bật của con người Việt Nam và trên thực tế, người Việt Nam ở trong nước cũng như định cư ở nước đã xuất hiện khá nhiều người có tài.
- Chúng ta đang nhìn nhận về việc một số du học sinh không muốn về nước. Tuy nhiên, thực tế là có những người cũng rất muốn về phục vụ quê hương. Nhưng theo chia sẻ của những người từng về Việt Nam tìm cơ hội việc làm thì họ không thể thích ứng được với cách sử dụng nhân lực của ta với kiểu "nhất thân nhì quen, con cháu các cụ". Vì thế, họ không muốn về nước, đặc biệt là không muốn làm việc cho các cơ quan Nhà nước. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là có hiện tượng số người đi du học nước ngoài ngày càng đông, trong đó nhiều người được nơi đào tạo đánh giá cao nhưng số đông không trở về. Hiện tượng này có bình thường không?
Nhiều ý kiến cho rằng, về hay ở lại không quan trọng, miễn là họ có thể đóng góp được cho đất nước. Ý kiến này có phần đúng nhưng trong lúc chúng ta cần nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia công nghệ, mà ta thường gọi là nhân lực chất lượng cao thì việc số người được đào tạo ở nước ngoài không về quê hương là rất đáng quan tâm. Ở đây có nguyên nhân từ hai phía, phía Nhà nước và phía người được đào tạo.
Về phía Nhà nước, có hai vấn đề cần giải quyết. Một là chính sách đãi ngộ đối với những người thật sự có năng lực được đào tạo, bất kể được đào tạo trong hay ngoài nước. Hai là điều kiện làm việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Được đào tạo bài bản về khoa học - công nghệ, nếu lại được bố trí làm công việc hành chính, dù cho giữ chức vụ cao, thì có gì tốt?
- Nhiều cán bộ còn nói rằng, với cơ chế xem xét, đánh giá, bổ nhiệm như hiện nay thì người thực sự giỏi và đàng hoàng chỉ lên được đến chức Vụ trưởng là cùng. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân mấu chốt khiến nhiều người du học không muốn trở về không, thưa bà?
-Đúng là Nhà nước chưa thực sự coi trọng trí thức, chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ thích hợp, do đó chưa thu hút được người tài, người có trình độ chuyên môn giỏi vào bộ máy Nhà nước. Cũng đúng là việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan nhà nước hiện nay có nhiều điểm chưa hợp lý, đấy là chưa nói đã xảy ra không ít hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức - cán bộ.
Nhân đây tôi muốn nói, nhiều trí thức giàu tâm huyết cho biết, các vị ấy đã góp rất nhiều ý kiến xây dựng, chân thành và đúng đắn, nhưng không được lắng nghe nên chán nản... Đối với trí thức có lòng tự trọng, nói ra những điều suy tư vì dân, vì nước mà không được lắng nghe, không được coi trọng thì đó là một sự "thất vọng".
- Với những nhân tài không trở về quê hương sau khi đi du học, nên chăng chúng ta cũng cần có một cách giáo dục nào đó để nhắc nhớ các em về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quê hương, thưa bà?
- Như trên tôi đã nói, việc được đào tạo ở nước ngoài, học xong không về nước có nguyên nhân từ 2 phía: phía Nhà nước và phía người được đào tạo.
Nếu Nhà nước có cơ chế chính sách thể hiện mạnh mẽ sự trọng thị người tài dù được đào tạo ở bất kỳ đâu, ngoài nước hay trong nước, nếu Nhà nước tạo lập được những điều kiện thực tế để người được đào tạo có thực tài phát huy năng lực sáng tạo của họ thì khi đó "đất lành chim đậu", không đâu bằng quê hương bản quán và chúng ta khỏi phải bàn về chuyện đi rồi có về hay không.
Còn đối với người được đưa đi du học, sau khi học xong mà không muốn về nước, dù lý do gì họ cũng không thực hiện được trách nhiệm đối với dân, với nước đã chắt chiu tiền của để cho họ đi học. Tuy nhiên phải nói cả trách nhiệm của ngành Giáo dục- Đào tạo.
Việc bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với đất nước là nội dung giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ, mà không chỉ riêng của nhà trường cũng như không chỉ dành riêng đối với một nhóm đối tượng nào.
Chúng ta cần giúp mọi thanh-thiếu niên Việt Nam thấm nhuần tình yêu đất nước, từ đó ra sức học tập, sáng tạo, đem sức lực, tài năng của mình góp phần xây dựng đất nước, để đất nước không tụt hậu, thua kém các quốc gia khác như hiện nay.
Theo Bích Lan/VOV
Tiền tỷ thu hút tiến sĩ Nhiều trường đại học, cao đẳng đưa ra chính sách ưu đãi lên đến hàng tỷ đồng để thu hút người có học hàm, học vị về trường mình, nhưng kết quả không như mong muốn. Các ưu đãi bao gồm hỗ trợ tiền mặt lên đến hàng trăm triệu đồng, phụ cấp ưu đãi theo hệ số lương, hỗ trợ đi lại,...