Việt Nam liệu có thể biến livestream thành ngành công nghiệp tỷ USD?
Trung Quốc đã rất thành công với nền kinh tế livestream. Người Việt cũng có thể làm được điều đó nếu biết tận dụng sức mạnh của nền kinh tế số.
Vì sao livestream là xu thế của thương mại điện tử?
Sở dĩ live commerce đang trở thành xu hướng mới của thương mại điện tử bởi những trải nghiệm không thể tìm thấy ở đâu khác của loại hình này.
Đối với thương mại điện tử, rào cản lớn nhất của hình thức kinh doanh này là niềm tin của người dùng. Nhiều người không có lòng tin với việc mua hàng online bởi đây vẫn là “thiên đường” cho hàng giả, hàng nhái.
Bán hàng qua livestream hay live commerce đem tới cho người dùng một góc nhìn chân thật hơn về món hàng so với những hình ảnh có khả năng bị cắt ghép chỉnh sửa. Chính điểm khác biệt này đã giúp cho những người nông dân Trung Quốc có thể bán được nông sản của mình với giá cao bằng cách livestream trực tiếp ngay tại vườn.
Nhờ sự phát triển của live commerce và các phương tiện thanh toán điện tử, người nông dân tại Trung Quốc giờ đây có thể bán nông sản trực tiếp ngay tại vườn.
Ở ví dụ trên, ta có thể thấy được một lợi ích khác của bán hàng livestream. Đó là live commerce giúp loại bỏ được các khâu trung gian, đưa mặt hàng nông sản từ nơi sản xuất đến chính căn bếp của người tiêu thụ. Người nông dân nhờ vậy sẽ có lợi nhuận nhiều hơn, còn người tiêu dùng cũng được mua hàng tận gốc với giá rẻ.
Cái hay của live commerce còn ở chỗ, không chỉ là nơi trao đổi, mua bán, những phiên livestream bán hàng còn là một kênh giải trí với nhiều người.
Trong thời buổi đô thị hóa, toàn cầu hóa, nhiều người phải rời xa quê hương để tìm kiếm công việc. Các phiên livestream chính là cầu nối cho những người xa quê. Đó là nơi giúp rất nhiều người cảm nhận được nhịp sống quê nhà, hay chỉ đơn giản là một trải nghiệm đồng quê mà họ không thể tìm thấy nơi phố thị.
So với các hình thức thương mại khác, live commerce mang tới những cảm xúc đậm “tính người” hơn cho người xem.
Ở một quy mô lớn hơn, trung tâm của ngành công nghiệp livestream chính là những streamer. Bản thân mỗi người này đều giống như một ngôi sao của làng giải trí.
Lúc này, những người theo dõi phiên livestream không phải bắt nguồn từ mục đích mua hàng. Thay vào đó, họ tiếp nhận những thông tin về sản phẩm bởi sự hâm mộ và lòng trung thành đối với thần tượng.
Nhìn chung, live commerce là một hình thức kinh doanh mới mà ở đó, kênh phân phối có khả năng mang đến rất nhiều những cảm xúc có “tính người”.
Thông qua các phiên livestream, người dùng sẽ nhận được thông tin một cách tươi mới, chân thật với khả năng tương tác, phản hồi tốt hơn. Và vì thế, họ rất nhanh đưa ra quyết định mua hàng. Đây chính là lý do mà live commerce đang trở thành xu hướng phổ biến trong ngành thương mại điện tử.
Tại Trung Quốc, một ngôi sao livestream như Lý Giai Kỳ (Austin Li) có thể mang về doanh thu bán hàng hàng chục triệu USD mỗi tháng.
Video đang HOT
Live commerce cũng đang mở ra cơ hội kinh doanh cho bất kỳ ai, với điều kiện duy nhất là sở hữu một chiếc điện thoại di động có khả năng quay chụp.
Với dân số trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ người sử dụng Internet cao, Việt Nam có triển vọng rất lớn để phát triển live commerce. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hậu thuẫn và biến livestream trở thành một ngành kinh tế.
Ba việc cần làm để thúc đẩy nền kinh tế livestream
Đứng ở góc độ một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia làm livestream bán hàng tại Việt Nam, ông Phạm Ngọc Duy Liêm – Co-Founder GoStream cho rằng, livestream ở nước ta chưa thể coi là một ngành công nghiệp.
Đây là một thực tế bởi ngay cả các streamer (người làm livestream) cũng chưa được công nhận là một ngành nghề chính thức tại Việt Nam, ông Liêm nói.
Ông Phạm Ngọc Duy Liêm – Co-Founder GoStream.
Để livestream trở thành một ngành công nghiệp, theo ông Liêm, cần phải có 3 yếu tố. Đầu tiên là phải có hàng hóa chất lượng tốt, nguồn hàng dồi dào, giá cả cạnh tranh để bán trên các nền tảng livestream. Đây là điều mà người Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được.
Việt Nam cũng cần tới các hot streamer, những người biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa giải trí và bán hàng. Các hot streamer chính là những ngôi sao trong nền kinh tế livestream. Sự tồn tại của những nhân vật như vậy là điều kiện cần đề một ngành giải trí có thể xuất hiện.
Ngoài những người có tố chất thiên bẩm, để tạo ra một lượng lớn các streamer, điều mà Việt Nam cần làm là phải biến đây trở thành một nghề nghiệp được đào tạo bài bản. Chỉ những streamer được đào tạo chuyên nghiệp mới có thể biến bán hàng livestream trở thành một ngành công nghiệp với đầy đủ tính chất và giá trị.
Live commerce có thể mở ra một cơ hội kinh doanh mới cho nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những người nông dân.
Để phát triển nền kinh tế livestream, Việt Nam cũng cần tới các nền tảng xem livestream với khả năng phục vụ cùng lúc hàng triệu lượt truy cập đồng thời. Bên cạnh đó, cần có phần mềm phát livestream được thiết kế để thuận lợi cho việc tương tác.
Ví dụ, một nền tảng livestream chuyên nghiệp có thể tạo nên một cuộc trao đổi giữa người livestream và một chuyên gia thông qua cầu truyền hình online. Điều này sẽ tăng thêm tính thuyết phục của streamer đối với người xem, ở đây là những vị khách mua hàng.
Việc tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều nền tảng livestream chuyên nghiệp mở ra một cơ hội khác cho các công ty công nghệ Việt.
Một nền tảng livestream chuyên nghiệp cũng sẽ giúp streamer lưu lại nội dung phiên bán hàng để tái sử dụng trên các nền tảng khác. Đây là cách biến một phiên bán hàng livestream trở thành hình thức TV Shopping truyền thống, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận trên mỗi nội dung livestream.
Với nền tảng mạnh, người tạo phiên livestream thậm chí có thể tổ chức các gameshow cho người xem. Nếu có cách thể hiện phong phú, nền tảng mạnh kết hợp với hot streamer sẽ tạo nên sức hút khổng lồ về lượng tương tác.
Theo ông Liêm, nền tảng mạnh chính là điểm khác biệt lớn của một ngành livestream chuyên nghiệp so với việc chỉ giơ sản phẩm và giới thiệu trước ống kính đơn thuần. Đó cũng chính là cơ hội của các công ty công nghệ Việt.
Ngành công nghiệp livestream: Lời gợi mở cho nền kinh tế số Việt Nam
Sự kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử có thể tạo ra một ngành công nghiệp với quy mô hàng chục tỷ USD. Đây hứa hẹn sẽ là một thành tố rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế số.
Sức mạnh của nền kinh tế streaming
Video đang là tương lai của nền kinh tế nội dung trên Internet, còn livstream sẽ trở thành xu hướng của các nội dung video. Nhiều thống kê đã chỉ ra rằng, trong năm 2018, 80% người dân Mỹ xem nội dung trên các nền tảng livestream hàng tuần.
Mỗi người Mỹ xem nội dung video trung bình khoảng 83 phút/ngày. Trong đó, thời lượng xem các nội dung livestream nhiều gấp 10 lần so với các video tĩnh. Khoảng 42% người dùng Mỹ cho biết chính bản thân họ cũng từng là người phát đi nội dung livestream trên mạng.
Cùng với sự phát triển của tốc độ kết nối Internet và cấu hình các thiết bị đầu cuối, dịch vụ streaming sẽ được ứng dụng nhiều hơn vào giải trí, hội họp trực tuyến và bán hàng online.
Thực tế, người dùng có xu hướng chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội đối với các nội dung dưới dạng video. Tỷ lệ người dùng chia sẻ nội dung video nhiều hơn khoảng 39% so với các nội dung tĩnh như text và ảnh.
Thống kê cũng cho thấy, 48% người dùng đã từng chia sẻ video về một nhãn hàng nào đó trên mạng xã hội. Quảng cáo video vì thế cũng thu hút được lượng tương tác cao hơn 30% và thời gian xem gấp 3 lần so với các loại hình quảng cáo thông thường.
Khoảng 10 năm trước, video livestream thường chỉ được dùng để truyền tải nội dung game. Thế nhưng, với sự phát triển mạnh của hạ tầng kết nối Internet và cấu hình của các thiết bị đầu cuối, livestream giờ đây đang được ứng dụng nhiều hơn vào các nội dung giải trí, thương mại điện tử,...
Dịch vụ streaming của Netflix có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong đại dịch Covid-19.
Trong đại dịch Covid-19, những nền tảng streaming phim, âm nhạc đang cho thấy sự vượt trội của mình so với cách thức phân phối nội dung truyền thống. Chỉ cần mua 1 gói dịch vụ Netflix với giá tương đương một túi bỏng ngô ngoài rạp, người dùng đã có thể xem rất nhiều bộ phim mà không cần ra khỏi nhà.
Chính vì lý do này, hàng loạt các siêu phẩm bom tấn đã chọn các nền tảng streaming làm nơi công chiếu. Sự chuyển hướng tiếp cận này đã cứu nhiều nhà sản xuất khỏi một "bàn thua trông thấy" trong mùa dịch.
Theo dự báo, đến năm 2022, video sẽ chiếm khoảng 82% lưu lượng Internet. Con số này thậm chí có thể đạt 90% nhờ sự phát triển của 5G. Đây chính là những tiền đề để nền kinh tế streaming có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Trung Quốc kiếm hàng tỷ USD nhờ livestream qua mạng
Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp livestream đang trở thành một trào lưu tại Trung Quốc. Quốc gia này đã rất thành công trong việc phát triển live commerce - một hình thức kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử.
Theo báo cáo của iiMedia Research Group, lĩnh vực live commerce tại Trung Quốc đã có mức doanh thu 61 tỷ USD trong năm 2019. Con số này trong năm 2020 sẽ là 136 tỷ USD. Live commerce hiện chiếm khoảng 7% trong cơ cấu doanh thu 867 tỷ USD của cả ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc và được dự đoán sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Hình ảnh mô tả một phiên livestream bán hàng ở Trung Quốc. Sự kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử tại quốc gia này đã tạo ra một ngành công nghiệp với quy mô hàng chục tỷ USD.
Trải nghiệm live commerce tại Trung Quốc được ví như sự kết hợp giữa nền tảng livestream Facebook Live và trang thương mại điện tử Amazon.
Không giống như trải nghiệm 2D khi vào các trang web thương mại điện tử thông thường, kênh livestream cho phép người mua hàng có thể nhìn sản phẩm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chính điều này đã khiến doanh số bán hàng của live commerce tăng trưởng mạnh so với hình thức TV Shopping truyền thống.
Trong đại dịch Covid-19, nhiều nhà bán lẻ Trung Quốc đã chuyển sang live commerce như một cách để cứu vãn tình thế. Kết quả là, trong năm 2020, số người bán hàng thông qua livestream trên Taobao Live (nền tảng live streaming lớn nhất Trung Quốc) tăng gần 300%. Riêng trong tháng 2/2020, thời điểm bùng phát của làn sóng Covid-19 đầu tiên, số người bán hàng trên nền tảng này đã tăng 720% so với chỉ 1 tháng trước đó.
Livestream đã trở thành một kênh bán hàng chính yếu đối với nhiều doanh nghiệp Trung quốc.
Tại Trung Quốc, live commerce đang trở thành kênh bán hàng chủ lực của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp. Không chỉ nông dân, hộ kinh doanh cá thể mà ngay cả các quan chức địa phương, người nổi tiếng cũng tham gia vào trào lưu này.
Tháng 4/2020, tỷ phú Jack Ma - người sáng lập Tập đoàn Alibaba đã tham gia vào một cuộc thi bán hàng online với ngôi sao livestream Lý Giai Kỳ (Austin Li). Đến tháng 8 cùng năm, CEO Lei Jun của Xiaomi cũng đã lần đầu tiên trực tiếp tham gia vào một buổi livestream bán hàng trên mạng, từ đó thu về số tiền 30 triệu USD.
Trong Quý 3/2020, chỉ riêng Vi Á (Huang Wei) - người được mệnh danh là "nữ hoàng livestream Trung Quốc" đã có doanh thu bán hàng lên tới 890 triệu USD. Các ngôi sao khác trong top 50 streamer hàng đầu Trung Quốc như Lý Giai Kỳ hay Xin Youzhi cũng có mức doanh thu hàng chục, hàng trăm triệu USD.
Cụ Cui Shuxia (Thiểm Tây, Trung Quốc) đang bán những quả mơ mà mình trồng được thông qua hình thức livestream.
Chính sự xuất hiện của những ngôi sao livestream đã tạo nên một cơn sốt đối với cộng đồng mạng nước này. Cũng vì lẽ đó, livestreaming đang trở thành kênh bán hàng phổ biến và dễ tiếp cận với mọi thành phần trong xã hội Trung Quốc.
Từ những người nông dân bán hoa quả tại vườn, nhân viên môi giới chứng khoán cho tới các tour du lịch, đâu đâu người ta cũng thấy sự xuất hiện của các streamer.
Và cũng từ đây, livestream đã trở thành một kỹ năng không thể thiếu của các nhân viên kinh doanh. Thậm chí, Trung Quốc đã liệt kê livestream là 1 trong 10 nghề nghiệp mới cùng với kỹ sư blockchain và tiếp thị Internet.
Sự xuất hiện của nền kinh tế streaming với những ví dụ sinh động tại thị trường Trung Quốc sẽ là một mô hình đáng học hỏi cho Việt Nam. Với dân số trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ người sử dụng Internet cao, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để biến livestream trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế số.
(Còn tiếp)
Điện toán đám mây đã được các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ứng dụng thành công như thế nào? Nếu năm 2019 là xu hướng toàn cầu áp dụng đám mây thì 2020 là thời điểm không thể thích hợp hơn để hiện thực hóa điều đó. Điện toán đám mây sẽ là cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất để biến những ý tưởng "tham vọng" thành các ứng dụng tiềm năng. Theo dự đoán, 80% các tổ chức sẽ di chuyển...