Việt Nam – Hoa Kỳ tái khẳng định các vấn đề về Biển Đông
Trao đổi về tình hình Biển Đông, Việt Nam và Hoa Kỳ tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngày 30/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tina Kaidanow đã đồng chủ trì Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 9.
Đây là đối thoại thường niên giữa hai nước, thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng của Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế của Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tina Kaidanow
Tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tina Kaidanow ghi nhận những tiến triển tích cực mà hai nước đã đạt được kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013.
Hai bên nhấn mạnh năm 2017 tiêp tuc la môt năm thanh công trong quan hê Việt Nam – Hoa Kỳ với việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Hoa Kỳ vào tháng 5/2017 và Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên đón Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển ổn định, sâu rộng và hiệu quả trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đề nghị hai bên tập trung thực hiện tốt các thỏa thuận lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong năm 2017 nhằm đưa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả; duy trì các chuyến thăm, trao đổi ở cấp cao và các cơ chế đối thoại; thúc đẩy đà phát triển của quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác an ninh – quốc phòng giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm Việt Nam thành công của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngay đầu năm 2018. Đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó tập trung vào Dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa, tháo gỡ bom mìn còn sót lại, hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh, tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh…
Video đang HOT
Cuộc đối thoại đối thoại thường niên giữa hai nước, thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm
Về phía Hoa Kỳ, Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Tina Kaidanow nhất trí hai nước cần duy trì đà phát triển và đưa quan hệ đi vào chiều sâu thông qua việc trao đổi đoàn, tiếp xúc, đặc biệt là ở cấp cao, tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, nhất trí hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là lĩnh vực trọng tâm và là động lực thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới; đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Tina Kaidanow khẳng định, Hoa Kỳ coi hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh là một trong những ưu tiên trong hợp tác an ninh – quốc phòng với Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này, đồng thời cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, thương mại quốc phòng…
Hai bên đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tham gia vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển tại khu vực, thúc đẩy hợp tác chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, an ninh mạng, tội phạm quốc tế và hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc.
Hai bên trao đổi về tình hình Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở tại Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).
Hai bên nhất trí sẽ tiến hành Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng lần thứ 10 tại Washington DC.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Trung Quốc tìm cách do thám tàu ngầm Mỹ ở đảo Guam
Bắc Kinh đã lắp mạng lưới cảm biến âm thanh dưới nước gần đảo Guam nhằm theo dõi hoạt động của tàu ngầm Mỹ tại căn cứ lớn nhất Tây Thái Bình Dương.
SCMP dẫn lời nhà khoa học Trung Quốc cho biết một số cảm biến âm thanh tiên tiến đã được lắp tại vực thẳm Challenger, nằm trên rãnh Mariana, khu vực sâu nhất thế giới từ mực nước biển và ở gần đảo Yap, thuộc Liên bang Micronesia. Vực Challenger và đảo Yap cách nhau khoảng 300 km và cách đảo Guam khoảng 500 km về phía tây nam.
Các thiết bị giám sát này được vận hành từ năm 2016 nhưng mới được Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cống bố trong tháng này. Theo các nhà khoa học Trung Quốc, các cảm biến âm thanh này có tầm hoạt động hơn 1.000 km và đang được sử dụng cho nghiên cứu khoa học như động đất, bão và theo dõi cá voi.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cho rằng hệ thống cảm biến này nhắm đến việc theo dõi hoạt động của tàu ngầm Mỹ xuất phát từ căn cứ đảo Guam tiến vào Biển Đông. Ngoài ra, hệ thống này có thể dùng để đánh chặn và giải mã tín hiệu liên lạc giữa các tàu ngầm Mỹ với trung tâm chỉ huy.
Theo sát dấu chân tàu ngầm Mỹ
Đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Đây cũng là trung tâm bảo dưỡng quan trọng cho các tàu ngầm và tàu chiến của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở Thái Bình Dương.
Hàng loạt cảm biến âm thanh tiên tiến được Trung Quốc lắp đặt dọc theo tuyến hải trình chính của tàu ngầm Mỹ vào Biển Đông. Đồ họa: SCMP.
Vấn đề được giới phân tích đặc biệt quan tâm là hệ thống cảm biến của Trung Quốc được lắp dọc theo tuyến đường chính mà Hải quân Mỹ sử dụng để đi vào Biển Đông. Các tàu ngầm Mỹ xuất phát từ căn cứ đảo Guam đi qua rãnh Mariana dọc theo đảo Yap, Palau để tiến vào Biển Đông.
Từ đảo Guam, tuyến hải trình nhanh nhất để đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam là đi qua biển Celebes, nằm giữa Indonesia và Philippines. Tuyến đường biển này dài 3.500 km, mất khoảng gần 4 ngày di chuyển đối với tàu ngầm hạt nhân.
Hải quân Mỹ đã thiết lập đường dây liên lạc trên các tuyến hải trình chính mà tàu ngầm thường sử dụng. Hệ thống cáp dưới đáy biển kết nối với các thiết bị phát sóng âm cho phép tàu ngầm giữ liên lạc với trung tâm chỉ huy mặt đất mà không cần sử dụng vệ tinh.
Năm 2008, Hải quân Mỹ triển khai mạng lưới liên lạc tàu ngầm biển sâu có tên Deep Siren. Các tàu ngầm sẽ thả phao chìm xuống đáy biển và sử dụng tín hiệu âm thanh để gửi và nhận tin nhắn. Tín hiệu liên lạc được gửi đến vệ tinh đặc biệt do Cơ quan An ninh Quốc gia kiểm soát và tích hợp vào mạng lưới liên lạc toàn cầu.
Đảo Guam, nơi có căn cứ lớn nhất của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên, những cảm biến âm thanh tiên tiến này có thể phát hiện sự liên lạc giữa các tàu ngầm Mỹ. Các tín hiệu liên lạc được mã hóa nhưng có thể cung cấp thông tin hữu ích về hoạt động của tàu ngầm Mỹ trong khu vực. Hệ thống cảm biến mà Trung Quốc triển khai có thể hoạt động ở độ sâu tới 12.000 m.
Theo ông Zhu, người đứng đầu chương trình giám sát và truyền thông biển sâu tại Viện Nghiên cứu Thủy âm Trung Quốc nói: "Ở độ sâu lớn, mọi thứ rất yên tĩnh và nó cho phép chúng tôi tập trung vào thứ muốn nghe nhất".
James Lewis, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế ở Washington, cho biết việc triển khai mạng lưới giám sát âm thanh dưới nước là một trong những tiêu chuẩn của lực lượng hải quân hùng mạnh. "Trung Quốc đang trở thành một cường quốc hải quân và họ đang hành động để cụ thể hóa điều đó".
Việc Trung Quốc tiết lộ về mạng lưới cảm biến âm thanh dưới nước là một động thái cho thấy Bắc Kinh quyết tâm cạnh tranh với Mỹ ở Thái Bình Dương. Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa và cải tổ quân đội quy mô lớn để đáp ứng ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên toàn cầu.
Theo một nhà khoa học tham gia vào dự án, mạng lưới cảm biến dưới nước gần đảo Guam là một bước tiến để vượt qua hệ thống phòng ngự của Mỹ hình thành ở chuỗi đảo thứ 2 từ Chiến tranh Lạnh đến nay.
Theo Zing News
Ủng hộ Indonesia thay cách gọi khu vực ở Biển Đông, Mỹ khiến Trung Quốc "nóng mặt"? Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đồng ý với kế hoạch đổi tên vùng biển tranh chấp với Trung Quốc của Indonesia trên Biển Đông có thể sẽ khiến Bắc Kinh "nóng mặt". Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu (trái) tiếp người đồng cấp Mỹ Jim Mattis tại trụ sở Bộ Quốc phòng Indonesia ở Jakarta ngày 23/1 (Ảnh: Reuters)...