Việt Nam đứng thứ 82 chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu
Việt Nam xếp hạng 82 thế giới, thứ 5 khu vực Đông Nam Á và thứ chín trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu.
Theo một báo cáo dài 346 trang mới được công bố tại Davos, Thuỵ Sỹ, Việt Nam xếp hạng 82 thế giới, thứ 5 khu vực Đông Nam Á và thứ chín trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income countries) về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI – Global Talent Competittiveness Index) năm 2015.
Top 10 thế giới về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu GTCI 2015. Nguồn trích từ báo cáo GTCI 2015.
So với kết quả năm 2014, thứ hạng GTCI của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và giữa các nước có mức thu nhập trung bình thấp không thay đổi, nhưng trên bảng xếp hạng chung toàn thế giới, Việt Nam bị tụt 7 bậc.
Việc tụt hạng này phần nhiều do nhóm tác giả đã mở rộng phạm vi đánh giá từ 93 nước (năm 2014) thành 109 nước (năm 2015). Bảy nước mới tham gia vào khảo sát năm nay gồm: Malta, Cyprus, Bosnia, Montenegro, Serbia, Georgia và Barbados.
Xét về điểm số, thậm chí kết quả GTCI của Việt Nam còn tăng 4% từ 36,45 lên 37,73. Nhưng kết quả tăng này không ấn tượng bằng nước hàng xóm Malaysia trong khu vực (điểm GTCI tăng 8%) hay Phillipines (điểm GTCI tăng 6%).
Tại Khu vực Đông Nam Á, Singapore tiếp tục dẫn đầu, đồng thời ổn định ở vị trí thứ hai thế giới với 71,46 điểm GTCI.
Kết quả chỉ số GCTI tại 5 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á năm 2014-2015. Nguồntrích từ báo cáo GTCI 2015.
Để có kết quả GCTI cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp từ 61 chỉ số thành phần. Trong đó, một số chỉ số do nhóm trực tiếp thực hiện thu thập dữ liệu. Số còn lại, nhóm lấy từ những nghiên cứu trước đó của các tổ chức uy tín như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), World Bank, UNESCO, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ….
GTCI là báo cáo thường niên được các nhà nghiên cứu đến từ Viện Quản trị Kinh doanh Châu Âu (Institut européen d’administration des affaires – INSEAD), Viện Lãnh đạo Vốn nhân lực (Human Capital Leadership Institute, Thuỵ Sỹ) và Tập đoàn Adecco (tập đoàn Thuỵ Sỹ chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nguồn nhân lực) phối hợp thực hiện, bắt đầu triển khai từ năm 2013.
61 chỉ số thành phần lại được ghép thành 6 nhóm chỉ số chính bao gồm: 4 chỉ số đầu vào (Input): Điều kiện (enbale), Thu hút (attract), Phát triển (grow), Duy trì (retain) và 2 chỉ số đầu ra (output): Lao động và Kỹ năng nghề (labour and vocational skills) và kỹ năng tri thức toàn cầu (Global Knowledge Skills). Điểm GTCI cuối cùng là điểm trung bình của 6 nhóm chỉ số này.
Kết quả không bất ngờ
Kết quả chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu 2015 có thể nói không gây bất ngờ với giới chuyên môn. Các nước đứng đầu bảng xếp hạng là Thuỵ Sỹ, Singapore, Luxembourg, Hoa Kỳ, Đan Mạch đều thuộc nhóm có mức GDP đầu người cao nhất thế giới.
Ở chiều ngược lại, những nước xếp cuối bảng xếp hạng như Mali, Tazania, Ethiopia, Burkina Faso hay Madagascar đều thuộc nhóm có mức GDP đầu người thấp nhất thế giới. Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ như Algeria, Kuwait, Qatar có vẻ điểm GTCI không tương quan với GDP đầu người.
Video đang HOT
Việt Nam đứng thứ 82 thế giới với GTCI 37,73 điểm, nhỉnh hơn mức trung bình của các nước có mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income countries) một chút.
Điểm thành phần GTCI 2015 của Việt Nam (màu tím đậm) so với điểm thành phần trung bình GTCI 2015 của các nước có thu nhập trung bình thấp (màu tím nhạt). Nguồn trích từ báo cáo GTCI 2015.
Xét từng điểm thành phần, Việt Nam đạt 53,03 điểm Điều kiện (enable), xếp thứ 63 thế giới; 43,50 điểm Thu hút (Attract), xếp thứ 82 thế giới; 34,73 điểm Phát triển (Grow), xếp thứ 87 thế giới; 37,45 điểm Duy trì (retain), xếp thứ 89 thế giới; 26,79 điểm Lao động và Kỹ năng ghề (Labour and Vocational Skills), xếp thứ 89 thế giới; 30,87 điểm Kỹ năng tri thức toàn cầu (Global Knowledge Skills), đứng thứ 52 thế giới.
Câu hỏi đặt ra, chúng ta có thể ứng xử và sử dụng kết quả GTCI như thế nào?
Thứ nhất, mặc dù vẫn còn một số nhược điểm, nhưng có thể nói báo cáo GTCI là tài liệu vô cùng hữu ích. Đúng như lời dẫn nhập của nhóm tác giả báo cáo: Toàn cầu hoá đang ngày càng sâu, sự di động của tài năng ngày càng trở thành yêu tố quan trọng tới sự năng động, sáng tạo và cạnh tranh (của tổ chức/ của quốc gia).
Trong bối cảnh đó, báo cáo xếp hạng GTCI ra đời như một “phong vũ biểu” đo đếm kịp thời, chi tiết và đa diện; đồng thời cho phép đối sánh từ năng lực (4 chỉ số đầu vào input) cho đến kết quả (2 chỉ số đầu ra output) cạnh tranh tài năng của Việt Nam so với 108 nước trên thế giới.
Các nhà quản lý, hoạch định chính sách từ vĩ mô đến cơ sở ở nước ta nên sử dụng báo cáo làm dữ liệu đầu vào cho việc ra quyết định, cũng như hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Thứ hai, báo cáo cũng có vẻ như bắt khá “đúng bệnh” của Việt Nam. Ví dụ, trong các điểm thành phần, điểm có thứ hạng cao nhất là Kỹ năng tri thức toàn cầu (cao hơn mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp) và điểm thấp nhất là Lao động và Kỹ năng nghề (thấp hơn hẳn mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp).
Từ lâu, chúng ta luôn có cảm nhận chung là Việt Nam bị thiếu trầm trọng lực lượng lao động có kỹ năng nghề thành thạo và ở chiều ngược lại, ở một vài khía cạnh, Việt Nam cũng đạt được thành tựu nhất định so với thế giới.
Vì vậy, chúng ta cần có kế hoạch ngay lập tức nhằm cải thiện các chỉ số có kết quả quá thấp, đồng thời lựa chọn trong những chỉ số có kết quả cao để đầu tư trọng điểm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh bền vững của Việt Nam so với các nước; nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á hoặc các nước trong cùng nhóm thu nhập trung bình thấp.
Một số hạn chế của báo cáo GTCI 2015
Cũng như mọi nghiên cứu khác, báo cáo GTCI 2015 có một số hạn chế nhất định.
Thứ nhất, khá nhiều chỉ số con thuộc các chỉ số thành phần đã không được nhóm nghiên cứu truy cập đầy đủ. Ví dụ với riêng Việt Nam, báo cáo GTCI 2015 không có kết quả của chỉ số Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (chỉ số con thuộc chỉ số Điều kiện) hoặc chỉ số tỷ lệ người ở độ tuổi tương ứng theo học trường cao đẳng/trung cấp nghề. Mặc dù về nguyên tắc, các chỉ số này đều có thể truy cập được và có số liệu.
Thứ hai, báo cáo GTCI, trong nhiều trường hợp, hơi lạm dụng phương pháp thu thập dữ liệu bằng bảng hỏi. Ví dụ chỉ số chất lượng các trường đào tạo về quản lý (chỉ số con thuộc chỉ số Phát triển) sử dụng phương pháp bảng hỏi.
Trong nghiên cứu khoa học xã hội, việc sử dụng phương pháp bảng hỏi thường chỉ nên sử dụng trong một số trường hợp nhất định hoặc khi không thể tìm được phương pháp thay thế khác.
Theo Zing
Tại sao học sinh học lên cao dễ thui chột?
Theo PGS Văn Như Cương, càng học cao, học sinh càng bị tách rời khỏi cuộc sống, trong khi giáo dục đại học không tạo ra những người làm được việc.
Trong buổi giao lưu tại ĐH Vinh ngày 14/12, GS Ngô Bảo Châu nhận xét học sinh Việt Nam có kiến thức phổ thông tốt nhưng lại đuối dần vào năm thứ hai đại học và càng kém ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Học sinh Việt Nam có tiềm năng nhưng dễ thui chột.
Quan sát của GS Ngô Bảo Châu thực ra chỉ xới lại một hiện tượng của giáo dục Việt Nam mà không ít người đã chỉ ra trước đó.
Càng lên cao càng đuối
Khả năng của học sinh phổ thông không chỉ là tự công nhận với nhau, mà đã có những minh chứng quốc tế.
Lần đầu tiên tham gia chương trình khảo sát PISA năm 2012, các học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã đạt được hạng 17 về toán học, hạng 8 về khoa học và hạng 17 về đọc hiểu trong số 65 nước hay vùng lãnh thổ tham gia, đặt Việt Nam ở mức cao hơn chuẩn mực trung bình của toàn khối OCDE.
Kết quả PISA của Việt Nam đặc biệt ấn tượng nếu dựa trên khía cạnh bất lợi xã hội đối với học sinh. Theo chuyên gia Andreas Schleicher, điều phối viên PISA, "gần 17% số học sinh 15 tuổi thuộc dạng nghèo nhất Việt Nam nằm trong số 25% học sinh hàng đầu của 65 quốc gia hay lãnh thổ tham gia thi PISA"...
Nhìn chung, năng lực của học sinh Việt Nam ngang ngửa các bạn cùng tuổi ở Hàn Quốc, dù điều kiện xã hội khác biệt.
Theo khảo sát của đề án Young Lives của cơ quan Oxfam, trong số 20 trẻ em 10 tuổi tại Việt Nam, khoảng 19 em có thể làm phép cộng 4 chữ số, trong khi 85% có thể trừ phân số. Nếu so sánh với Ấn Độ, nước có thu nhập bình quân đầu người tương tự, có đến 47% học sinh lớp 5 không làm được toán trừ với 2 chữ số!
Còn đối với những học sinh ưu tú nhất, hàng năm, trong các kỳ thi Olympic quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực Toán học, Vật lý, học sinh Việt Nam đều đứng thứ hạng cao.
Năm 2015, Việt Nam cử 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Toán học, Tin học với 28 học sinh tham gia 37 lượt thi, tất cả các em đều đoạt giải. Đặc biệt, đây là năm có tỷ lệ học sinh đoạt HCV Olympic quốc tế cao nhất từ trước đến nay.
"Học là một quá trình gây mê không hồi sức"
Điều gì khiến cho sức học của người Việt Nam càng lên cao càng đuối: Thời phổ thông học rất giỏi, nhưng thường không thể duy trì thành tích đó khi đặt chân vào giảng đường đại học?
Với câu hỏi này, thạc sĩ Trịnh Văn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM trong một bài viết của mình đã cho rằng: "Cách dạy, cách học, cách thi hiện nay rất khó phát huy khả năng sáng tạo cho người học. Thời học sinh còn nhỏ - giai đoạn não phát triển rất mạnh - lẽ ra nó phải tự do bay bổng, tư duy sáng tạo thì lại nhường chỗ cho học thuộc bài vì lối dạy đọc chép của thầy cô, từ đó tạo đường mòn cho học sinh tiếp thu theo kiểu ghi âm tri thức".
Học sinh Việt Nam phải vất vả trải qua kỳ thi căng thẳng để vào đại học, nhưng chất lượng đào tạo của bậc học này lại không được đánh giá cao. Ảnh: VietNamNet.
Ông Trịnh Văn Anh kể lại câu chuyện, "một số sinh viên truyền miệng nhau rằng: "Học là một quá trình gây mê không hồi sức?". Khi được hỏi tại sao lại có khái niệm kỳ quặc thế, câu trả lời là "Suốt thời sinh viên, chúng tôi được thầy đọc cho chép, vào lớp thầy ru cho ngủ mệt muốn chết, lên cao học tưởng khác, ai ngờ cũng gặp toàn sư phụ năm xưa của mình, họ chuyển từ "đọc chép" sang "chiếu chép".
"Câu nói có hơi quá, song phản ánh phần nào thực trạng và học thi hiện nay. Học với mục đích chỉ để đối phó với thi cử, học máy móc góp phần thui chột sự sáng tạo tự nhiên của sinh viên" - ông Văn Anh kết luận.
PGS Văn Như Cương thì nhận xét càng học cao, học sinh càng bị tách rời khỏi cuộc sống, trong khi đó, giáo dục đại học không tạo ra những người làm được việc.
Trong báo cáo "Nâng cao tay nghề cho Việt Nam: Chuẩn bị nguồn lực cho một nền kinh tế thị trường thời hiện đại", Ngân hàng Thế giới cảnh báo về tình trạng thiếu hụt các kỹ năng tư duy phê phán trong nhóm và kỹ năng giao tiếp của sinh viên đã tốt nghiệp.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, môi trường học tập của Việt Nam quá thiếu những kỹ năng này vì lớp học chỉ thường tập trung vào việc đơn thuần tiếp thu kiến thức và "học gạo".
GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nhận định: "Học càng lên cao càng đòi hỏi tư duy tổng hợp mà tư duy này ở Việt Nam không được rèn luyện nhiều lắm. Đây là cái khó khăn của ta hiện nay, thiếu cái này thì khó đi xa được".
Để "hạt mầm" không thui chột: Mấu chốt ở giáo dục đại học
Cần phải đổi mới ở tất cả các bậc học là ý kiến chung của các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục. Ông Trịnh Văn Anh cho rằng, "có nhiều yếu tố bất cập kìm hãm sự sáng tạo trong học tập của học sinh, sinh viên khiến họ đuối sức khi học lên cao".
PGS Lê Trọng Thắng, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Mỏ - Địa chất cũng cho rằng, phải thay đổi cách đào tạo và giáo dục ở tất cả các bậc học.
Trở lại buổi giao lưu tại ĐH Vinh, GS Ngô Bảo Châu giải thích thêm về hiện tượng "tiềm năng của học sinh Việt Nam bị thui chột" như sau: Năng lực của sinh viên bắt đầu đuối từ năm thứ hai bậc ĐH; lên đến thạc sĩ, tiến sĩ thì khoảng cách so với quốc tế "không thể nào san lấp".
"Việt Nam có tiềm năng về con người nhưng không xây dựng được nền tảng tri thức, hệ thống trường đại học 'sánh vai cùng các cường quốc năm châu' như lời Bác Hồ căn dặn".
Trong dịp về nước đầu năm 2015, khi trao đổi với một số phóng viên, GS Ngô Bảo Châu nói, "trong năm qua, điều hơi tiếc là trọng tâm cải cách giáo dục đáng ra giáo dục đại học là khâu yếu nhất lại không ai đả động gì. Rõ ràng, đây là mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội".
"Khách quan mà nói, giáo dục đại học hiện có vô cùng nhiều vấn đề. Chuyện bỏ quên giáo dục đại học, tập trung vào giáo dục phổ thông là điểm cần xem lại" - những quan sát được đặt ra từ đầu năm 2015 đến nay vẫn còn giá trị thời sự.
Theo Ngân Anh/VietNamNet
Vĩnh biệt một tài năng toán học xuất sắc của Việt Nam GS.TSKH Vũ Quốc Phóng nằm trên giường bệnh để chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Dù đau đớn vì bệnh tật, nhưng ông vẫn luôn mỉm cười với bạn bè, đồng nghiệp. Nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông, ai cũng thương xót cho một tài năng toán học Việt Nam, bởi ngày ông từ giã cõi trần...