Việt Nam có nữ giáo sư Toán học thứ hai
Sau nữ giáo sư Hoàng Xuân Sính, đến năm 2015, Việt Nam mới có nữ giáo sư Toán học thứ hai. Đó là tân giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn, ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên).
Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, giáo sư Phạm Vũ Luận, vừa ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2015 đối với 522 nhà giáo.
Cụ thể, Hội đồng công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho 52 nhà giáo và đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cho 470 nhà giáo.
Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn. Ảnh: Vietnamnet.
Theo ông Luận, số lượng nhà giáo năm nay được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư không nhiều, tính bình quân mỗi trường chỉ có thêm 1 giáo sư hoặc phó giáo sư. Tuy nhiên, chất lượng tốt hơn, số lượng bài báo quốc tế của các nhà giáo cũng nhiều hơn, trình độ ngoại ngữ tốt hơn. Độ tuổi trung bình của các giáo sư, phó giáo sư cũng trẻ hơn.
Video đang HOT
Những nhà giáo được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư đợt này chủ yếu ở các Viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, Việt Nam đã có giáo sư nữ Toán học thứ hai.
Theo danh sách được công bố, nhà giáo trẻ tuổi nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư đợt này là ông Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Phó giáo sư trẻ tuổi nhất đợt này là nhà giáo Hồ Khắc Hiếu, sinh năm 1984, ngành Vật lý, ĐH dân lập Duy Tân.
Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, tỷ lệ giảng viên đại học chiếm tuyệt đại đa số những người được công nhận đạt chuẩn đợt này. Cụ thể, tỷ lệ giảng viên trực tiếp chiếm 82,37%. Tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là 17,62%. Tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là cán bộ quản lý chiếm 4,21%.
Số lượng nhà giáo nữ chiếm gần 25%, có 5 ứng viên là người dân tộc thiểu số. Các con số này đều tăng hơn so với năm trước.
Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư ở TP HCM và các tỉnh thành khác đều tăng lên. Cụ thể, số lượng nhà giáo được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2015 khu vực TP HCM chiếm 18%, các tỉnh thành khác chiếm 19%, còn lại là ở Hà Nội.
Số giáo sư, phó giáo sư từ 50 tuổi trở xuống chiếm gần 62%, từ 40 tuổi trở xuống chiếm hơn 23%.
Độ tuổi trung bình của 522 tân giáo sư, phó giáo sư là 48 tuổi (năm trước là 49 tuổi). Độ tuổi trung bình của 52 tân giáo sư là 56,87 tuổi (năm trước là 58 tuổi), của 470 tân phó giáo sư là 46,64 tuổi (năm trước là 48 tuổi).
PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn sinh năm 1970, tốt nghiệp xuất sắc ĐH Sư phạm Việt Bắc và được giữ lại làm giảng viên khi mới 20 tuổi; trở thành thạc sĩ, tiến sĩ khi chưa quá tuổi 30.
Năm 2005, chị cũng trở thành nữ phó giáo sư Toán học trẻ nhất Việt Nam.
Theo Ngân Anh/Vietnamnet
Bộ GD&ĐT trả lời việc ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư
Liên quan việc ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư, ông Phạm Ngọc Phương - Chánh văn phòng, Bộ GD&ĐT - cho biết, Bộ này đã có văn bản trả lời trường từ 14/10.
Văn bản nêu, giáo sư, phó giáo sư là chức danh của giảng viên đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư tại điều 71 Luật Giáo dục và Khoản 2 Điều 54 Luật Giáo dục Đại học.
Văn bản của Bộ GD&ĐT nêu: Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng GD&ĐT, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học (trong đó có Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng) căn cứ nhu cầu bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học, ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định.
Trước đó, ĐH Tôn Đức Thắng chủ trương phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ giảng viên trong trường.
Ngày 23/9, ông Nguyễn Hải Thập - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT, cho biết, qua trao đổi với lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ GD&ĐT nắm được thông tin trường mới chỉ ban hành văn bản quy định, chứ chưa thực hiện các bước cụ thể của quy trình này. Khi Bộ yêu cầu báo cáo, trường đã tạm dừng triển khai việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
Lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, đã báo cáo việc phong giáo sư, phó giáo sư với Bộ GD&ĐT. Đây là quy định vừa được nhà trường ban hành, trong đó phần nội dung và quy trình đã đầy đủ nhưng có phần đang trong quá trình hoàn thiện. Việc này chưa được thực hiện thì báo chí thông tin.
Ngày 12/10, Đại học Tôn Đức Thắng công bố tiêu chuẩn, hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn.
Theo Zing
Dân Philippines phản đối chính sách giáo dục 12 năm Chính sách giáo dục mới của Philippines vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân vì nó tăng gánh nặng kinh tế và nguy cơ bỏ học trong tầng lớp dân nghèo. Micaella Serrano, 16 tuổi, cùng đám đông học sinh đứng trước cổng trường Trung học Quốc gia Batasan Hills, ném sách giáo khoa và la hét để phản đối...