Việt Nam có hai dự án tham dự Hội nghị Trẻ em Thế giới 2019
Hai dự án với các vấn đề nhức nhối của trẻ em Việt Nam sẽ đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị trẻ em thế giới sắp tới tại Ý.
Ngày hội trẻ em DFC Việt Nam 2019 vừa diễn ra tại TPHCM vào ngày 27/7 với 5 đội thi trình bày về các dự án đưa ra các vấn đề nhức nhối trong xã hội qua chính cách nhìn của trẻ nhỏ từ 7 – 15 tuổi.
Kết quả dự án “ Bữa trưa văn minh” của đội New Stars và dự án “Cùng con tâm sự” từ đội Dalat Kid được ban giám khảo chọn và nhận được tài trợ đại diện trẻ em Việt Nam tham dự Hội nghị Trẻ em Thế giới 2019 DFC diễn ra tại Rome, Ý vào tháng 11 sắp tới.
Các bạn nhỏ trình bày về dự án “Bữa trưa văn minh”
Dự án “Bữa trưa văn minh” phản ánh hiện thực lãng phí thức ăn hiện nay trên toàn thế giới, nhất là ở Việt Nam. Mỗi năm trên thế giới có tới 1,3 tỷ tấn thức ăn thừa bị bỏ đi. Lượng thức ăn này tương đương với ba hồ nước ngọt lớn hoặc có giá trị đến 100 tỷ đô la. Chúng cũng có thể nuôi sống cả ba châu lục như châu Phi, châu Âu và châu Mỹ trong 1 năm.
Trong cuộc khảo sát vào năm 2018 được tiến hành tại 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ hai về lãng phí thực phẩm. 87% hộ gia đình ở Việt Nam thừa nhận đã lãng phí trung bình 2 đĩa thức ăn một tuần. Việc lãng phí thức ăn không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn tác động không nhỏ đến môi trường.
Các bạn nhỏ của Dự án “Cùng con tâm sự” chạm đến vấn đề cũng rất thời sự hiện nay, đó là những người già cô đơn trong thời đại 4.0.
Thông qua vở kịch dí dỏm và cũng chua cay, các bạn nhỏ ánh rất chính xác thực trạng con cái hiện nay mải mê đi làm, mải mê với những thú vui mà bỏ quên cha mẹ, người già – lúc này chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Dự án “Cùng con tâm sự” – là một trong hai dự án đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị Hội nghị Trẻ em Thế giới 2019 tại Ý sắp tới
DFC (viết tắt của Design for Change, được dịch là “Kiến tạo để thay đổi”) là phong trào lớn nhất thế giới, hiện có mặt tại 100 quốc gia, tác động đến hơn 2,5 triệu trẻ em và hơn 50.000 trường học.
Ở đó, trẻ em tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng bằng phương pháp tư duy kiến tạo với 4 bước đồng cảm – hình dung – thực hiện – chia sẻ.
Qua đó, hàng triệu trẻ em trên toàn cầu đã thiết kế các giải pháp chạm đến những vấn đề diễn ra hàng ngày trong cộng đồng cho đến những thách thức lớn nhất của thế giới như bảo vệ môi trường, giúp đỡ những cộng đồng yếu thế, nạn tảo hôn, mù chữ…
Quá trình thực hiện dự án giúp các em thực hành tư duy sáng tạo,năng lực giải quyết vấn đề, trở thành những công dân tự tin, trách nhiệm.
Hoài Nam
Video đang HOT
Theo Dân trí
Những thứ không được mang đến Nhật Bản, du học sinh cần nhớ
Nếu mang thịt lợn, trứng, cam, quýt sang Nhật Bản, du học sinh có thể gặp rắc rối pháp lý.
Nếu chuẩn bị du học Nhật Bản và phân vân không biết nên mang những thứ gì để không gặp rắc rối với bộ phận hải quan, bạn hãy tham khảo danh sách được Livejapan liệt kê, để có một chuyến đi thuận lợi.
1. Các thực phẩm bị cấm
Hầu hết thực phẩm từ thịt và có nguồn gốc động vật bị cấm mang vào Nhật Bản do sợ lây lan bệnh truyền nhiễm và các loại bệnh liên quan đến vật nuôi. Luật cấm áp dụng cho thịt sống, thịt đã chế biến, đồ đóng gói hay thức ăn thừa từ máy bay, dù được mang với mục đích sử dụng cá nhân hay quà tặng.
Các thực phẩm bị cấm gồm:
- Động vật móng guốc như bò, lợn, dê, cừu và hươu...
- Gia cầm như gà, chim cút, gà lôi, đà điểu, gà tây, vịt, ngỗng.
- Ngựa, chó, thỏ và các mặt hàng có nguồn gốc từ mật ong.
- Thịt, ruột động vật dưới dạng nguyên liệu, đông lạnh hoặc chế biến.
- Trứng, bao gồm vỏ trứng hay kể cả trứng vịt lộn.
- Xương, mỡ, máu, da, lông, sừng, móng guốc và gân động vật.
- Sữa tươi, các sản phẩm từ sữa (trừ sữa áp dụng cho trẻ sơ sinh đi cùng).
- Rơm ngũ cốc và cỏ khô làm thức ăn (áp dụng cho một số vùng).
- Bò khô, giăm bông, xúc xích, thịt xông khói và bánh mì thịt.
Tuy nhiên, bạn có thể mang những mặt hàng trên đến Nhật Bản nếu có đầy đủ các giấy chứng nhận, kiểm tra dịch tễ.
Thịt và các sản phẩm từ thịt bị cấm mang sang Nhật. Nguồn: Livejapan
2. Các loại trái cây, thực vật bị cấm
Để ngăn chặn những loại sâu bệnh gây hại đến cây trồng, chính phủ Nhật Bản cấm các loại trái cây, thực vật sau:
- Các loại quả: Xoài, ớt, măng cụt, ổi, vải, hầu hết loại rau quả và trái cây như cam, quýt từ các nước và vùng lãnh thổ có loài ruồi giấm địa trung hải và ruồi đục trái phương đông đến từ châu Âu, châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Australia, Trung Đông và Đông Nam Á.
- Các loại quả: Táo, lê, đào, xuân đào, anh đào và quả óc chó có vỏ từ các quốc gia và khu vực có sâu bướm như Bắc Mỹ.
- Khoai lang từ các quốc gia và khu vực như châu Á, châu Phi, Hawaii, Australia và châu Phi.
- Các loại hạt giống cam quýt từ các quốc gia và khu vực như Mỹ và Hawaii.
- Rơm từ các quốc gia và khu vực như châu Âu, châu Mỹ và New Zealand.
3. Các mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Việc mang các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như sản phẩm nhái thương hiệu vào Nhật Bản sẽ được xem là bất hợp pháp. Những sản phẩm này không chỉ cản trở sự tăng trưởng công nghiệp của đất nước mặt trời mọc mà còn có khả năng cung cấp tài nguyên buôn lậu cho các nhóm tội phạm và nhóm khủng bố. Vì lý do này mà hải quan Nhật đang tăng cường thêm các quy định.
Ngay cả khi bạn tin rằng món đồ của mình là hàng thật, nếu bị hải quan kiểm tra và phát hiện là đồ giả thì cũng sẽ bị tịch thu ngay.
Các món đồ nhái thương hiệu bị cấm mang sang Nhật. Ảnh: Livejapan
4. Các loại thuốc
Các loại thuốc bất hợp pháp như thuốc phiện, cocaine, heroin, MDMA, nấm ma thuật, thuốc kích thích, cần sa, dụng cụ hút thuốc phiện, thuốc tác động đến thần kinh bị cấm mang đến Nhật Bản. Từng có nhiều du học sinh, hoặc du khách đến Nhật bị người khác lừa mang hộ, cầm hộ những chất cấm này, hoặc lén bỏ vào hành lý, thế nên bạn hãy thật cẩn thận.
Ngoài ra, với các loài thuốc, mỹ phẩm hợp pháp sử dụng cho mục đích điều trị cá nhân, bạn có thể mang đến Nhật nhưng sẽ bị giới hạn số lượng. Toa thuốc mang theo chỉ được giới hạn với số lượng dùng trong 2 tháng.
5. Các vật dụng nguy hiểm
Các đồ nguy hiểm như súng lục, súng trường, súng máy, đạn, kiếm, chất nổ (bom, mìn, pháo,..), thuốc súng, vật liệu vũ khí hóa học, các chất dễ cháy (gas, cồn, xăng, sơn...), các chất hóa học độc hại, chất ăn mòn, lây nhiễm, oyx hóa... đều bị cấm mang đến Nhật.
6. Động vật như chó, mèo
Nếu muốn mang chó, mèo đến Nhật Bản, bạn bắt buộc cho chúng kiểm tra thú y xem có mắc các bệnh dại hay xoắn khuẩn không. Sau khi kiểm tra, nếu không có vấn đề gì thì thú cưng có thể được nhập cảnh, còn không sẽ bị từ chối mang vào Nhật Bản.
7. Các mặt hàng được kiểm soát bởi công ước Washington
Các mặt hàng được kiểm soát bởi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (công ước Washington) sẽ không được mang đến Nhật. Công ước này áp dụng cho sản phẩm từ lông thú, da, những mặt hàng đã được thương mại hóa như thuốc thảo dược Trung Quốc.
Để mang những thứ này vào Nhật, bạn phải có giấy phép từ nước xuất nhập khẩu và giấy chứng nhận nhập khẩu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Các mặt hàng này gồm:
- Hàng gia công từ lông hổ, báo, gấu; thắt lưng, ví, túi xách từ cá sấu, rùa biển, rắn, thằn lằn, đà điểu. Các sản phẩm từ ngà voi Ấn Độ, châu Phi; các loại nhồi bông thú từ đại bàng, chim ưng, cá sấu, tê tê.
- Thuốc thảo dược Trung Quốc có các thành phần từ hổ, gấu, hươu xạ...
- Các sản phẩm trang trí từ lông vẹt, lông chim công..., các thực phẩm, thuốc bao gồm nhân sâm, dương xỉ cà rốt, cây mía dò, cây thiên ma, trầm hương.
- Các loài động vật được bảo vệ như: khỉ, vẹt, đại bàng, chim ưng, rùa, trăn Ấn Độ, cá rồng châu Á; các loại thực vật như: hoa lan, xương rồng.
Nhật Bản trước giờ vốn nổi tiếng là quốc gia nghiêm khắc nên khi sang đất nước này học tập, du học sinh nên nhớ kỹ những thứ không được mang theo, tránh gặp phải rắc rối về pháp lý.
Trước đó một du học sinh Việt Nam tên Hắc Thị Phương Linh, 23 tuổi, đã bị bắt giữ tại Nhật do vi phạm luật kiểm dịch động vật. Linh đã mang theo 350 chiếc nem chua và 360 quả trứng vịt lộn tới sân bay quốc tế Tokyo vào hôm 13/6.
Thanh Hương
Theo Livejapan/VNE
Lấy cảm hứng từ Hoa hậu H'hen Niê, nam sinh lớp 12 gây ấn tượng với BST đẹp mắt tại cuộc thi Thiết kế thời trang chuyên nghiệp Huỳnh Nguyễn Kiến Thức (nam sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vừa qua đã chinh phục ban giám khảo với bộ thời trang "Sắc đẹp vĩnh cửu" và xuất sắc giành "Giải Triển vọng" tại cuộc thi Thiết kế thời trang chuyên nghiệp "HUTECH Designer 2019". Trước khi đạt giải tại cuộc thi "HUTECH Designer 2019", Huỳnh Thức...