Viên nang dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh gout
Kết hợp 3 dược liệu là nụ Vối, lá Tía tô, thân rễ Nghệ, nhóm các nhà khoa học đã hoàn thiện một sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gout…
Lá tía tô là nguyên liệu để điều chế viên nang hỗ trợ điều trị bệnh gout.
Các nhà khoa học gồm TS Nguyễn Tiến Dũng, Lê Thị Tố Vi, Trịnh Tấn Thiên, Trần Mỹ Tuyền, ThS.BS Dương Thị Mộng Ngọc thuộc Viện Nghiên cứu & Phát triển Dược liệu – Trường Đại học Nam Cần Thơ đã nghiên cứu thành công sản phẩm dạng viên nang cứng DNC NAMCTGU từ dược liệu nụ vối, lá tía tô và rễ nghệ để hỗ trợ điều trị bệnh gout, hỗ trợ kiểm soát các biến chứng nguy hiểm.
TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, bệnh gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa nhân purin, đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp cấp tính, mãn tính và sự lắng đọng của các tinh thể monosodium urat trong khớp xương, mô mềm, thận dẫn đến tăng acid uric trong máu.
Tăng acid uric máu là yếu tố nguy cơ quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của bệnh gout mà còn làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, sỏi thận, đái tháo đường, béo phì và rối loạn lipid máu… Chính vì thế, những bệnh nhân mắc bệnh gout có thể dẫn đến bệnh tim mạch, đái tháo đường và gây nguy cơ tử vong cao.
Phần lớn bệnh nhân gout phải đối mặt với nhiều biến chứng của bệnh, đặc biệt là các biến chứng mãn tính như: Biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí tàn phế, tổn thương thận gây sỏi thận, suy thận, … Hậu quả của biến chứng thường nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Các thuốc tổng hợp hiện nay vẫn đóng vai trò chính trong điều trị bệnh gout với mục tiêu chính là hạ acid uric, giảm đau và kháng viêm. Ưu điểm của thuốc tổng hợp là tác dụng nhanh, sử dụng thuận tiện nhưng các thuốc này thường đi kèm một số tác dụng tiềm ẩn không mong muốn như loét dạ dày, tăng đường huyết, tăng huyết áp, suy giảm chức năng gan, độc với thận, tủy xương, suy thượng thận…
Sản phẩm viên nang cứng DNC NAMCTGU của nhóm nghiên có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gout và hỗ trợ kiểm soát các biến chứng nguy hiểm, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay là góp phần giảm thiểu tốn kém cho bệnh nhân về thời gian, tiền bạc, sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Giảm phụ thuộc vào nguồn thuốc nhập khẩu
TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện nay trên thị trường nước ngoài và trong nước nói chung và tại Cần Thơ nói riêng, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào kết hợp các tác dụng ưu việt của các dược liệu rẻ tiền, sẵn có từ nụ vối, lá tía tô và thân rễ nghệ, để tạo ra một sản phẩm có tác dụng dược lý kháng viêm, giảm đau, hạ acid uric.
Với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cho đến nay, thuốc từ dược liệu nước ta vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu mà chưa phát huy được hết những tiềm năng thảo dược tự nhiên.
“Sản phẩm này nhằm hướng đến một dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, vừa hạn chế các tác dụng phụ so với thuốc tân dược.
Sản phẩm còn đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay là góp phần phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gout, hỗ trợ làm giảm acid uric máu, giúp hạn chế và giảm nguy cơ viêm khớp do gout, giảm thiểu sự tốn kém cho bệnh nhân về thời gian, tiền bạc, sức khỏe và kéo dài tuổi thọ”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Sản phẩm tạo thành từ nguồn thảo dược thiên nhiên giúp hạn chế và khắc phục được các nhược điểm của thuốc tân dược (gây hại rất lớn đến dạ dày và chức năng gan, thận lâu dần gây tình trạng nhờn thuốc, làm hạn chế hiệu quả điều trị và giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân), quy trình hiện đại an toàn và tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và chất lượng.
Nguồn dược liệu dễ tìm, quy trình sản xuất đơn giản, sử dụng dung môi rẻ tiền và không độc tính vì thế giảm chi phí và an toàn cho người sử dụng, hạn chế tác dụng không mong muốn từ thuốc tân dược, giảm chi phí nhập khẩu thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ nước ngoài.
“Tùy cơ địa và lối sống sinh hoạt mà sản phẩm đem lại hiệu quả nhanh hay chậm, có khi chỉ sử dụng 2 – 3 tuần người dùng sẽ cảm nhận được hiệu quả như: Nồng độ acid uric giảm dần về mức bình thường, giảm sưng đau tại các khớp.
Từ đó, cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát cũng như các biến chứng tại khớp, thận, tim mạch, các cơ quan khác và hạn chế được các tác dụng không mong muốn trên dạ dày, gan, thận…”, TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Dấu hiệu nhận biết các giai đoạn và mức độ nguy hiểm của bệnh gout
Gout là bệnh viêm khớp xảy ra do rối loạn chuyển hóa nhân purin khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao, làm lắng đọng các tinh thể muối urat natri gây các cơn viêm khớp cấp.
Bệnh gout ở nam giới mắc nhiều hơn so với phụ nữ, nhất là nam giới có độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
Tuy nhiên hiện nay bệnh gout có dấu hiệu trẻ hóa, bệnh có thể xảy ra ở những người trẻ có độ tuổi 30.
Nguyên nhân gây bệnh gout
Gout thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, những đợt viêm khớp cấp bàn ngón chân đáp ứng nhanh với điều trị thuốc kháng viêm nhưng thường tái phát là đặc trưng của bệnh.
Bệnh gout do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân tăng acid uric máu và gút nguyên phát chiếm 90%. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tăng acid uric chưa rõ nguyên nhân, có thể do bẩm sinh, khiếm khuyết về di truyền kết hợp với một số yếu tố khác. Tuy nhiên chế độ ăn uống chứa nhiều purin như lòng đỏ trứng, gan, cua, tôm, thận, thịt đỏ, rượu bia... được đánh giá là những yếu tố có khả năng làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bên cạnh đó bệnh gout có nguyên nhân do tăng acid uric máu và gout thứ phát chỉ chiếm 10%, chủ yếu là do giảm khả năng đào thải acid uric trong suy thận. Những bệnh về máu, dùng thuốc lợi tiểu (thiazid, acetazolamid, furosemid...) và thuốc ức chế tế bào, sử dụng thuốc kháng lao (pyrazinamid, ethambutol...).
Ngoài ra, những bệnh nhân bị béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu dễ bị gout và ngược lại bệnh nhân gout rất dễ bị mắc 4 bệnh trên.
Biểu hiện của bệnh gout qua các giai đoạn.
Biểu hiện các giai đoạn bệnh gout
Bệnh gout có thể chia ra làm các giai đoạn sau
Ở giai đoạn 1: Gout không có triệu chứng, nếu xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu tăng trên 7mg%.
Ở giai đoạn 2: Gout cấp tính với các triệu chứng thường xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ vào ban đêm, khi thời tiết lạnh hoặc sau khi uống rượu bia. Bệnh gây đau dữ dội, đỏ và sưng khớp, phổ biến nhất là ở ngón chân cái, bàn chân, mắt cá chân hoặc đầu gối, nhưng cũng có thể bắt đầu ở các khớp khác. Các cơn gout cấp thường đáp ứng nhanh với các thuốc kháng viêm.
Ở giai đoạn 3: Được gọi là giai đoạn đau khoảng cách, tại thời điểm này các triệu chứng sẽ không xuất hiện giữa 2 đợt đau, cho nên bệnh nhân không chú ý đến diễn tiến bệnh, không tuân thủ điều trị theo phát đồ, bệnh diễn tiến nặng dần có nhiều biến chứng.
Giai đoạn 4: Nghĩa là giai đoạn gout mạn tính. Người bệnh sẽ bắt đầu bị đau khớp vì bệnh gout. Nó là kết quả của việc nhiều năm không điều trị đúng cách. Các tổn thương khớp bắt đầu phát triển mạnh, Việc trì hoãn điều trị, sẽ làm cho bệnh gout trở nên tồi tệ hơn và có nhiều biến chứng nặng
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh gout
Bệnh gout nếu không được điều trị đúng thì sẽ tiến triển âm thầm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:
Tổn thương khớp: Trong trường hợp bệnh nhân không tuân thủ điều trị bệnh gout, các khớp đang sưng viêm có thể bị tổn thương xương khớp vĩnh viễn.
U cục tophi: Tình trạng này được đặc trưng bởi quá trình tích tụ tinh thể dưới da. Những khối u cục thường xuất hiện xung quanh ngón chân, tai, ngón tay, khuỷu tay và đầu gối...có thể tự vỡ ra và bị bội nhiễm kéo dài.
Sỏi thận: Nếu bệnh gout không được điều trị đúng cách, những tinh thể acid uric đã hình thành không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn nhanh chóng tích tụ trong thận và dẫn đến bệnh sỏi thận.
Suy thận mạn: Biến chứng nặng phải chạy thận nhân tạo.
Thức ăn giàu purine sẽ làm tăng thêm tình trạng tăng acid uric máu sẵn có, thúc đẩy quá trình hình thành bệnh gout.
Cần làm gì khi mắc gout?
Bệnh nhân bị gout tùy giai đoạn bệnh sẽ được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, sử dụng thuốc (điều trị nội khoa), phẫu thuật (điều trị ngoại khoa).
Điều trị bệnh gout nội khoa là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân. Thông thường việc sử dụng thuốc được chỉ định kèm chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Nếu tăng acid uric máu không triệu chứng thì bệnh nhân gout không cần dùng thuốc, chủ yếu thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Có thể điều trị thuốc hạ acid uric máu cho bệnh nhân khi acid uric máu trên 9mg%.
Điều trị ngoại khoa là sử dụng phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi sẽ được áp dụng cho trường hợp bội nhiễm hạt tophi. Hạt tophi xuất hiện với kích thước lớn, giảm tính thẩm mỹ hoặc làm ảnh hưởng đến vận động và những hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Tóm lại: Bệnh gout là vấn đề thường gặp, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mắc bệnh gout là do chế độ ăn uống sai lầm: Ăn nhiều phủ tạng động vật, thực phẩm có chứa nhiều acid uric, các loại thịt có màu đỏ, các loại hải sản... Uống nhiều rượu bia góp phần làm tăng thêm acid uric máu, làm cho acid uric dễ dàng bị lắng đọng tại tổ chức, gây cơn gout cấp, gây sỏi thận.
Vì vậy, cần phòng bệnh bằng cách có một chế độ ăn hợp lý như: cần ăn nhiều rau xanh giàu chất xơ như dưa chuột, rau cần, cải xanh, cải bắp, cà chua, khoai tây, bí đỏ, lê, táo nho... các loại ngũ cốc, trứng, sữa...Bệnh nhân gout cần có một chế độ sinh hoạt, rèn luyện thân thể một cách khoa học. Tránh làm những việc nặng, gắng sức; tránh bị lạnh đột ngột; tránh bị stress căng thẳng thần kinh.
Ngoài ra, cần thăm khám và điều trị tốt những bệnh lý kèm theo được cho là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút thứ phát như các bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng lipid máu...), suy thận.
Trên 10 triệu người Việt gặp phải các vấn đề về giấc ngủ Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh lý rối loạn giấc ngủ trên thế giới và tại Việt Nam đang gia tăng ở các nhóm tuổi khác nhau. Hậu quả của rối loạn giấc ngủ rất nghiêm trọng, gây giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động và tăng chi phí y tế, đồng thời tăng nguy cơ tai nạn giao thông,...