Việc quân sự hóa đảo tranh chấp khiến quan hệ giữa hai thành viên NATO gia tăng căng thẳng
Ankara đe dọa sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” trừ khi Athens đảo ngược việc quân sự hóa các đảo tranh chấp ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Một tàu của Hải quân Hy Lạp tuần tra ngoài khơi cách đất liền Thổ Nhĩ Kỳ 2 km ngày 28/8/2020. Ảnh tư liệu: AFP
Sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ với nước láng giềng và thành viên NATO Hy Lạp lại nổi lên khi Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đe dọa sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” trừ khi Athens đảo ngược việc quân sự hóa các đảo tranh chấp ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở Ankara với người đồng cấp Romania Bogdan Aurescu mới đây, ông Cavusoglu nói: “Hy Lạp cần phải từ bỏ điều này. Hoặc là họ lùi lại một bước và tuân thủ các thỏa thuận hoặc chúng tôi làm bất cứ điều gì cần thiết. Chúng tôi không thể im lặng và vô cảm trước những mối đe dọa chống lại chúng tôi. Hy Lạp đừng quên điều này: Gieo gió thì gặt bão. Nếu họ không muốn hòa bình, chúng tôi sẽ làm những gì có thể”.
Tuyên bố trên của ông Cavusoglu được đưa ra sau nhiều tháng đe dọa và cảnh báo về tình trạng của các đảo ở Biển Aegean, được trao cho Hy Lạp trong thế kỷ 20. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai sẽ tổ chức bầu cử vào mùa hè tới, đã tranh cãi trong nhiều thập kỷ qua về quần đảo Aegean.
Bình luận mới nhất của ông Cavusoglu được đưa ra sau thông tin về các cuộc tập trận quân sự của Hy Lạp liên quan đến xe tăng, pháo binh và máy bay trực thăng tấn công được tổ chức ở các đảo Rhodes và Lesbos thuộc quần đảo trên.
Các tranh chấp trước đây tập trung vào những yêu sách lãnh thổ và quyền sử dụng không phận, thường dẫn đến các cuộc đối đầu hải quân và không quân. Hai nước đã ba lần bị đẩy đến bờ vực chiến tranh trong vòng 50 năm qua.
Video đang HOT
Năm nay, Ankara đã leo thang các khiếu nại về việc Hy Lạp quân sự hóa các hòn đảo gần bờ biển của mình. Ông Cavusoglu nhắc lại tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Hy Lạp bị cấm thiết lập sự hiện diện quân sự trên các đảo theo Hiệp ước Lausanne năm 1923, hiệp định chính thức hóa hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong Thế chiến I, trong đó có Hy Lạp, cùng thỏa thuận Paris năm 1947 chứng kiến Italy nhượng lại quần đảo trên cho Athens.
“Hy Lạp không thể vũ khí hóa những hòn đảo này vì các thỏa thuận trên là hiệp ước hòa bình”, ông Cavusoglu lưu ý, cảnh báo việc tiếp tục vi phạm các hiệp ước có thể khiến Ankara thách thức chủ quyền của Hy Lạp đối với quần đảo.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước cần thiết cả về mặt pháp lý – trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc – và cả trên thực địa”, Ngoại trưởng Hy Lạp nêu rõ.
Đáp lại, Hy Lạp cho rằng quyền sở hữu của họ cho phép việc quân sự hóa để có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình, nhấn mạnh đến hiện diện quân sự khá lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ biển Aegean, trong đó có một nhóm tàu đổ bộ lớn.
Những tranh chấp gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã vượt ra ngoài quần đảo Aegean. Theo một thỏa thuận được ký kết với chính phủ Libya có trụ sở tại Tripoli vào cuối năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra yêu sách đối với những vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải, bao gồm cả vùng biển xung quanh đảo Crete của Hy Lạp.
Mặc dù thỏa thuận này bị quốc tế lên án, nhưng Ankara vẫn phái các tàu nghiên cứu địa chấn, cùng với sự hộ tống của hải quân, để tìm kiếm các mỏ khí đốt ở vùng biển tranh chấp với Hy Lạp và Síp vào mùa hè năm 2020. Hy Lạp đã đáp trả bằng cách điều lực lượng hải quân và không quân của mình tới khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo có thể tấn công đảo của Hy Lạp
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để "làm những gì cần thiết" khi thời điểm đến liên quan đến những hòn đảo tranh chấp với Hy Lạp.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/7/2022. Ảnh: REUTERS
Theo trang tin Euractiv.gr (Hy Lạp) ngày 5/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã kêu gọi Hy Lạp ngừng "quân sự hóa" các đảo ở Biển Aegean có quy chế phi quân sự, cảnh báo rằng lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn công "vào ban đêm".
Mối đe dọa trên được ông Erdoğan đưa ra sau khi căng thẳng giữa hai nước láng giềng ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây.
"Chúng tôi có thể đến bất ngờ, vào lúc nửa đêm. Nếu Hy Lạp đi quá xa, thì cái giá phải trả sẽ rất lớn", ông Erdoğan nói trong một tuyên bố được Athens coi là leo thang nghiêm trọng.
Trong khi đó theo Bộ Quốc phòng Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng các hành vi vi phạm không phận của Hy Lạp, đặc biệt bằng cách sử dụng các máy bay không người lái, chẳng hạn như ayraktar, cũng được sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Nhật báo Kathimerini của Hy Lạp đưa tin rằng ít nhất một nửa số vụ vi phạm không phận Hy Lạp vào năm 2022 liên quan đến máy bay không người lái.
Bình luận về tuyên bố của ông Erdoğan, Angelos Syrigos, một nhà lập pháp của đảng Dân chủ Mới và Giáo sư chính trị quốc tế ở Athens, cho rằng tuyên bố "chúng tôi sẽ đến bất ngờ vào ban đêm" của Tổng thống Erdoğan đề cập đến cuộc tấn công Síp năm 1974 của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Không có nhà lãnh đạo nào tăng cường đe dọa như vậy trong nhiều tuần gần đây. Thông điệp của ông Erdoğan là 'hãy cẩn trọng vì chúng tôi đã sẵn sàng'", ông Syrigos nói.
Về mặt chính thức, Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết họ sẽ không "hùa theo" những tuyên bố của Ankara, song khẳng định sẽ thông báo cho các đồng minh trong EU và NATO. "Chúng tôi sẽ thông báo cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi về những tuyên bố khiêu khích để làm rõ ai đang gây ra vấn đề cho sự gắn kết của liên minh trong một giai đoạn nguy hiểm", Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết.
Theo hãng tin Reuters, mặc dù là thành viên của NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã mâu thuẫn về một loạt vấn đề từ vi phạm không phận và tình trạng của các đảo Aegean đến ranh giới biển và tài nguyên hydrocarbon ở Địa Trung Hải.
Ankara gần đây đã cáo buộc Athens triển khai vũ khí trên các đảo Aegean, điều mà Athens bác bỏ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nổi giận bởi những gì Ankara cáo buộc là "quấy rối" máy bay chiến đấu của họ bởi các lực lượng Hy Lạp. Ankara cho rằng hệ thống phòng không S-300 mà Hy Lạp sử dụng đã "khóa mục tiêu" máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến bay thường lệ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào hôm 30/8, một ngày lễ kỷ niệm các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đánh đuổi quân Hy Lạp vào năm 1922. Đến ngày 3/9, ông Erdogan cũng kêu gọi Hy Lạp "đừng quên Izmir", ám chỉ chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara nói rằng các đảo Aegean đã được trao cho Hy Lạp theo các hiệp ước 1923 và 1947 với điều kiện không được vũ trang trên đó. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã nhiều lần cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đặt câu hỏi về chủ quyền của Hy Lạp nếu Athens tiếp tục quân sự hóa những hòn đảo này.
Đáp lại, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đặt câu hỏi về chủ quyền của Athens đối với quần đảo Aegean là "vô lý".
Armenia, Azerbaijan đối thoại về hiệp ước hòa bình Ngày 7/11, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã tiến hành đàm phán tại Washington dưới sự trung gian của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Đây là cuộc gặp kín, diễn ra chỉ vài giờ sau khi hai bên cáo buộc nhau nổ súng ở khu vực biên giới tranh chấp. Binh sỹ Armenia tuần tra trên...