Việc làm bình dị của bà Sáu Thia
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em ở nước ta, đến nỗi nó trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của các bậc phụ huynh.
Có một người phụ nữ đã dang rộng vòng tay đón các em vào lòng, dạy từng bước để các em đủ tự tin trên dòng sông, suối…
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục – Đào tạo kêu gọi các địa phương phổ cập dạy bơi từ sớm nhằm trang bị kỹ năng bơi cho trẻ. Tuy nhiên, việc phổ cập bơi cho học sinh tại các trường học còn gặp khá nhiều bất cập, tình trạng tử vong do đuối nước vẫn không ngừng lại.
Lo lắng, xót xa trước những cái chết thương tâm vì đuối nước ở trẻ em, bà Sáu Thia đã không ngại vất vả tự nguyện tham gia dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn học sinh Tháp Mười.
“Hồ dạy bơi” ngay trên sông của bà Sáu Thia.
Bà Sáu Thia tên thật là Trần Thị Kim Thia, sinh năm 1952, quê ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Bà là con thứ 6 trong gia đình nên được gọi là Sáu Thia. Nhà nghèo, ba mẹ lần lượt qua đời nên bà bắt đầu đi làm thuê kiếm sống rồi lưu lạc đến xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Bà “chuyển khẩu” đến đây từ năm 1986 và làm đủ thứ nghề, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình thuê, rồi đến bán vé số và làm cả công việc nặng nhọc chỉ dành cho nam giới như đốn tràm, bốc vác…
Đến năm 1992, bà tham gia công tác Hội phụ nữ ở ấp và làm thêm công việc bán vé số để có thêm thu nhập. Năm 2002, khi xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em vào mỗi dịp hè, bà Sáu Thia được mời làm “huấn luyện viên” dạy bơi, bà đồng ý ngay và cũng được lên huyện tập huấn kỹ thuật trước khi về mở lớp dạy bơi.
Bà cho biết xã Hưng Thạnh nằm ở rốn lũ của tỉnh Đồng Tháp, mỗi khi tới mùa lũ thường xảy ra tình trạng trẻ em chết đuối rất thương tâm, vì vậy bà muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để tự bảo vệ mình, giảm bớt nỗi lo cho cha mẹ.
Bà tâm sự: “Lúc đó, mỗi lần lũ về, nghe đài kêu có trẻ em đuối nước, lòng tôi đau thắt lại. Nghĩ tới mấy đứa nhỏ vùng lũ ở đây nên tôi đảm nhận công việc dạy bơi này”.
Video đang HOT
Bà Sáu Thia đã tự nguyện tham gia làm “huấn luyện viên” dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em.
Hồ dạy bơi cho trẻ của bà Sáu Thia cũng thật đặc biệt, nằm ngay trên những khúc sông cạn ở xã. Để giữ an toàn cho trẻ, bà Thia lấy cọc tre cắm dưới sông, sau đó dùng lưới mùng bao quanh tạo thành “hồ bơi” có chiều dài 8m, chiều ngang 4m và cao 2m.
Mỗi ngày trước khi trẻ tới học, bà Thia phải xuống hồ bơi lặn trước để kiểm tra xem hồ có an toàn không rồi mới dám cho trẻ xuống. Không những thế bà còn cùng các em tập các bài tập vận động làm nóng người trước khi bơi và cũng để tránh bị chuột rút.
Công cụ hỗ trợ bà khi dạy bơi cho trẻ không phải là áo phao như thường thấy, mà chính là những thanh tre cột nổi trên mặt nước làm thành của hồ bơi. Khi mới học, tất cả các em học sinh đều được bà cho bám vào đó lấy an toàn để lặn, để đạp nước…
Mỗi buổi học bơi kéo dài khoảng 1,5 tiếng, mỗi khóa học kéo dài khoảng 10 – 15 ngày và chỉ học trong thời gian 3 tháng hè, nhưng với kinh nghiệm dạy bơi “miệt vườn” và sự “mát tay” của bà Sáu Thia, các em học sinh đều rất nhanh biết bơi, chậm lắm thì khoảng 10 ngày chứ có em chỉ 4 ngày là đã tốt nghiệp.
Một phụ huynh có con học lớp học bơi của bà Sáu Thia chia sẻ: “Cô Sáu Thia dạy bơi hay lắm! Không biết có bí quyết gì mà cô dạy thằng con tôi trong 10 ngày đã biết bơi ngon lành. Trước đó, vợ chồng tôi cũng hì hục cắm cây, dạy con đạp nước nhưng tập suốt một năm trời con tôi vẫn không bơi được”.
Ban đầu việc dạy bơi cho các em (thường ở độ tuổi 6-14) của bà Sáu Thia chỉ ở 1-2 ấp trong xã với số lượng dao động 70 – 80 em. Nhưng nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết đến từng nhà vận động các em ra lớp bơi của bà, các khóa học bơi miễn phí càng ngày đông. Tính đến nay bà đã có thâm niên gần 20 năm dạy bơi cho trẻ với số lượng học sinh lên đến hàng nghìn em. Nhờ những đóng góp của bà mà trên địa bàn xã Hưng Thạnh không còn trường hợp trẻ bị đuối nước.
Dù cuộc sống vô cùng khó khăn, phải mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhưng cứ hè đến, mùa nước lũ sắp về là bà gác hết mọi công việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ. Có phụ huynh tỏ lòng biết ơn đã gửi tiền cho bà xem như học phí nhưng bà nhất quyết không nhận. Bà chỉ nhận khoản trợ cấp tiền xăng của xã 300.000 đồng/lớp/khóa.
Bà chia sẻ: “Tôi coi ti vi thấy nhiều trường hợp trẻ em chết đuối mà thương lắm. Nên tôi muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để chúng tự bảo vệ mình được chứ đâu vì chuyện tiền bạc. Hạnh phúc của tôi là nhìn những đứa nhỏ biết bơi và không có đứa trẻ nào phải đuối nước”. Mặc dù cuộc sống cô đơn nhưng bù lại, dạy bơi cho hàng ngàn đứa trẻ như con cháu ruột khiến bà luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
Với những đóng góp của mình, bà Sáu Thia được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác dạy bơi cho trẻ em. Đặc biệt, năm 2017, bà lọt vào Top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do Hãng tin BBC bình chọn. Năm 2018, bà là một trong 3 cá nhân ở Đồng bằng Sông Cửu Long vinh dự nhận Giải thưởng KOVA.
Nhận xét về bà, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã có những lời rất trân trọng rằng: “Chị Sáu Thia, một người không gia đình nên tất cả trẻ học bơi được chị chăm sóc, dạy dỗ như là con, cháu của mình, còn phụ huynh các cháu thì chị xem như là người thân ruột thịt. Chắc là phải có tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến, chị mới sẵn sàng làm một việc thiện nguyện đầy tính nhân văn như vậy”.
Hà Phương
Theo CAND
Phòng chống đuối nước: Phải giúp trẻ có kỹ năng
Từ trước đến nay, đuối nước luôn là nỗi kinh hoàng mỗi dịp hè về, không chỉ tại Nghệ An mà trên toàn quốc, những con số biết nói, rất đáng báo động. Đâu là giải pháp để giảm thiểu tình trạng này?
Lớp học bơi miễn phí tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng- Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy.
Đuối nước, tại sao?
Đuối nước luôn là nỗi "ám ảnh" với con người, đặc biệt là đối với học sinh và trẻ nhỏ vào các dịp nghỉ hè. Theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày nước ta có 6 trẻ em, trẻ vị thành niên tử vong do đuối nước.
Theo số liệu của Tỉnh Đoàn Nghệ An, tính đến ngày 12/7/2019, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ đuối nước làm 52 em tử vong, trong đó có 6 học sinh THPT. Thời gian tới, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp cần gấp rút phối hợp với nhà trường, gia đình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giúp các em có thêm hiểu biết để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Ở Việt Nam, tỉ suất đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Các cháu đuối nước thường dưới 16 tuổi, hoặc trong độ tuổi trẻ em. Đặc biệt, những vụ đuối nước thường xảy ra gần nhà chiếm đến 40%.
Vụ đuối nước xảy ra tại huyện Yên Thành vừa rồi là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Vào khoảng 12 giờ ngày 30/5/2019, tại đập Trại Xanh, xã Bắc Thành, xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Vụ việc khiến 5 học sinh THCS chết đuối. Trong 5 em thì có 4 bạn nữ, 1 bạn nam; có 4 học sinh cùng học chung lớp 8A Trường THCS Trung Thành. Nhóm học sinh mang theo đồ nấu ăn đến khu vực Trại Xanh (nằm trên địa bàn xã Bắc Thành) chơi. Đến trưa cùng ngày, kéo nhau xuống khu vực đập nước chơi thì không may bị sẩy chân xuống hố sâu.
Trên đây chỉ là một trong những vụ đuối nước xảy ra trong năm nay tại tỉnh Nghệ An.
Trong bài tuyên truyền phòng chống đuối nước năm 2019, BCH Tỉnh đoàn Nghệ An đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước hiện nay, đó cũng là nguyên nhân rút ra từ bài học của nhiều vụ đuối nước liên quan khác.
Nghệ An có nhiều sông ngòi, ao hồ, sông suối. Đây là một trong những môi trường không an toàn khiến tình trạng đuối nước luôn xảy ra. Bên cạnh đó, trẻ luôn thiếu sự giám sát của người lớn. Theo bản năng vốn có của trẻ, các em rất hiếu kỳ và mải mê chơi đùa cùng bạn bè đồng trang lứa, hễ có bạn thì rủ nhau cùng tổ chức chơi những trò chơi mà trẻ biết ở mọi lúc, mọi nơi. Trong khi đó, không ít phụ huynh suốt ngày chỉ tất bật với công việc kiếm tiền mà sao nhãng đi việc quản lý, trông nom con em mình, để các em tự do đi lại, vui chơi.
Đặc biệt, việc trẻ không biết bơi được xem là nguyên nhân hàng đầu bị đuối nước.
Chuyện không của riêng ai
Mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trên ghế nhà trường, mà ngay tại gia đình mình, việc giáo dục con cái, dạy cho các con kĩ năng trong môi trường nước, cách ứng cứu khi cứu các bạn sẩy chân rơi xuống nước là điều rất cần thiết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Lương, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An, chia sẻ: "Việc tìm ra giải pháp để giảm thiểu tai nạn đuối nước là nhiệm vụ và chức năng của Tỉnh đoàn và các đơn vị liên quan. Ngoài tuyên truyền cho các bậc phụ huynh thì Tỉnh đoàn cũng thực hiện đẩy chức năng, nhiệm vụ giảm thiểu đuối nước lên thành chiến dịch. Ngay trong trường học, luôn tổ chức các đợt sinh hoạt đầu giờ, đầu tuần để cảnh báo cho các em. Tại địa phương, Đoàn - Đội cơ sở tổ chức các lớp dạy bơi, dạy kĩ năng sống khi gặp tai nạn.
Ngoài ra, tại các bản tin phát thanh của cơ sở, phải luôn tuyên truyền để các em hiểu rõ hơn về tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, các đơn vị cơ sở cũng thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức cắm biển cảnh báo ở ao, hồ, sông, suối, nơi dễ xảy ra tai nạn đuối nước".
Mặc dù vậy, hiện nay, việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa thực hiện được. Chưa có trường học nào có bể bơi để đảm bảo cho việc dạy học bơi lội nên việc đưa môn bơi lội vào dạy ngoại khóa cho học sinh còn khó, chưa nói đến học chính khóa. Chính vì thế, cơ hội học bơi cho học sinh lứa tuổi tiểu học, THCS còn rất khó khăn.
Việc đảm bảo an toàn cho trẻ mỗi độ hè về, trách nhiệm không chỉ riêng mỗi gia đình, mỗi trường học mà đó là của cả xã hội. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải chung tay bảo vệ, tìm ra giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ. Để kỳ nghỉ hè không còn là nỗi lo, nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh thì hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh phải vào cuộc đồng hành. Bên cạnh công việc, thì việc giám sát con mình là cần thiết và bắt buộc. Chỉ cần một phút lơ là thì hậu quả không thể lường trước được. Chính cha mẹ là trường học vĩ đại của mỗi trẻ. Hãy bày dạy cho các cháu kĩ năng phòng tránh đuối nước, cứu bạn khi bị đuối nước. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ con trẻ, để kỳ nghỉ hè trở nên đúng nghĩa vui khỏe, an toàn.
Lưu Khuyên
Theo kinhtenongthon
Càng sợ nước càng phải học bơi Vào hè, các địa phương đồng loạt phát động phòng chống đuối nước, các phương tiện truyền thông ra rả cảnh báo, nhưng số vụ trẻ em bị đuối nước vẫn cứ diễn ra đều đều. Một ngày sau khi trường THCS Trung Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) tổng kết năm học, sáng 30/5 tập thể lớp 8A tổ chức buổi liên...