Vị trí CEO Yahoo và lời nguyền thất bại
Từ Carol Bartz, Scott Thompson cho tới Marissa Mayer, họ đã bước vào Yahoo với tham vọng vực dậy công ty nhưng những gì họ nhận được là sự thất bại và danh tiếng bị hủy hoại.
Gã công nghệ khổng lồ một thời Yahoo từng qua tay nhiều CEO, từ Carol Bartz, Scott Thompson cho tới Marissa Mayer. Dù bước vào Yahoo với tham vọng đưa công ty trở lại thời hoàng kim, họ đã không chỉ thất bại mà còn tổn thất nặng nề về danh tiếng.
Khi Verizon cho biết sắp sửa mua lại Yahoo với giá 5 tỷ USD, một nhân vật khác được đưa vào vị trí CEO của công ty này với tham vọng lớn, đó là Tim Armstrong, giám đốc AOL thuộc sở hữu của Verizon.
Tim Armstrong. Ảnh: Reuters.
Armstrong được cho là người đứng đầu trong thương vụ mua lại Yahoo và ông được kỳ vọng sẽ là người kết hợp Yahoo-AOL nếu thương vụ này thành công.
Armstrong sẽ vượt lên đỉnh vinh quang nếu đưa được Yahoo trở lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, “cái dớp” đen đủi của Yahoo từng nhấn chìm nhiều CEO trước Armstrong. Và tham vọng vực dậy hãng công nghệ đang hấp hối của Armstrong có thể đẩy ông vào cùng cái bẫy mà những người tiền nhiệm mắc phải.
Công ty đang hấp hối
Armstrong sẽ có lợi thế lớn khi không phải đối mặt với giới đầu tư luôn muốn tham gia vào đường hướng của Yahoo và khiến người giữ vị trí CEO phải khốn khổ. Tuy nhiên, chắc chắn đây không phải một vị trí dễ nhằn cho Armstrong. Mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến của Yahoo đã sa sút trầm trọng trong nhiều năm, và được dự báo sẽ tồi tệ hơn khi Google và Facebook tiếp tục chiếm lĩnh thị phần.
Tệ hơn, lần đầu tiên trong quý vừa rồi, mảng kinh doanh dịch vụ video trực tuyến Maven có tăng trưởng âm, làm tăng thêm thách thức cho các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty.
Video đang HOT
Doanh thu quảng cáo của Yahoo đã sa sút trong nhiều năm. Ảnh: Yahoo.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại khá lạc quan về tiềm năng của Yahoo khi được Verizon mua lại và kết hợp với AOL của Armstrong. Yahoo sở hữu lượng lớn tài sản liên quan tới công nghệ quảng cáo có thể kết hợp với AOL, còn đội ngũ bán hàng mạnh của AOL sẽ giúp bán nhiều quảng cáo hơn đồng thời giảm chi phí của Yahoo.
Neil Doshi của Mizuho Securities cho biết chỉ tính riêng việc kết hợp đội ngũ bán hàng của hai công ty có thể giúp tiết kiệm gần 1 tỷ USD. Khi điều đó cộng với việc sáp nhập vào một nền tảng quảng cáo rộng hơn, mọi thứ có thể sẽ nhanh chóng đi lên.
“AOL-Yahoo sẽ kết hợp thành nền tảng quảng cáo lớn hơn”, Doshi nói thêm, “Yahoo dưới thời Armstrong sẽ rất khác với Yahoo của Marissa Mayer”.
Các nhà đầu tư có vẻ đặt nhiều niềm tin vào đội ngũ bán hàng và vận hành của Armstrong hơn so với các CEO trước của Yahoo.
Armstrong có tiểu sử khá lẫy lừng. Ông từng là nhân viên bán hàng hàng đầu của Google trước khi thâu tóm AOL đang suy yếu. Ông đã vực dậy AOL và bán cho Verizon với giá 4,4 tỷ USD hồi năm ngoái. Dưới bàn tay của Armstrong, AOL trở thành nền tảng quảng cáo tự động và dịch vụ video đầy quyền lực.
Tiếng tăm trong ngành quảng cáo cũng là một lợi thế của Armstrong. Nhiều đơn vị ký hợp đồng quảng cáo với AOL đơn giản vì họ thích làm việc với Armstrong.
“Đây có lẽ là điều lớn nhất Armstrong mang đến cho Yahoo”, Eric Jackson của SpringOwl Asset Management nhận xét.
Cái dớp thất bại?
Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng cho Armstrong. Và việc vực dậy một công ty cung cấp dịch vụ internet là điều chưa từng thấy trước đây.
Jessica Lessin của Information chỉ ra rằng nếu bạn cố gắng thúc đẩy tăng trưởng bằng việc cắt giảm chi phí, bạn đã cầm chắc thất bại. “Giảm chi phí không thể mang lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ có sự cải tiến làm được điều đó”, bà cho biết.
Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ không thể biết Armstrong đang đưa Yahoo về đâu khi công ty này thuộc quản lý của Verizon và điều này có thể ảnh hưởng tới tình hình tài chính của Yahoo.
“Chúng tôi sẽ không biết ông ấy làm gì với AOL hay Yahoo. Chỉ có lãnh đạo Verizon biết điều đó”, nhà phân tích Laura Martin của Needham & Co. cho biết.
Giống tất cả CEO trước đây của Yahoo, Armstrong đang có danh tiếng lẫy lừng. Tuy nhiên, tất cả những người bước vào vị trí này đều bị “hủy hoại”. Liệu cái dớp thất bại này có ám vào Armstrong như với các CEO tiền nhiệm không?
Chỉ thời gian mới có câu trả lời, nhưng ít nhất hiện giờ các nhà đầu tư có vẻ ưng ý với việc ông trở thành CEO tiếp theo của Yahoo.
“Armstrong là một trong những CEO công nghệ giỏi nhất”, Martin nói. “Yahoo cùng với AOL sẽ được quản lý tốt hơn và mang về nhiều tiền hơn”.
Theo_Zing News
Xóa bỏ "xin-cho", giảm chi phí ngoài luồng cho doanh nghiệp
Ngày 11-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo: "Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới góc nhìn doanh nghiệp". Đây là dự thảo rất được quan tâm vì đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và được coi là động lực phát triển kinh tế.
Phân loại đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ hợp lý
Không nên hỗ trợ dàn trải
Số liệu thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 97,5% tổng số doanh nghiệp hiện nay là vừa và nhỏ. Khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định đối tượng áp dụng đối với Luật này là "Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp".
Vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basisco cho rằng: "Việc quy định hỗ trợ cho quá nhiều doanh nghiệp là không hợp lý. Càng bất hợp lý hơn khi đặt ra các mức hỗ trợ cào bằng như nhau, không hề có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp có quy mô doanh thu gần 100 tỷ đồng với đa số doanh nghiệp còn lại chỉ có doanh thu 10 tỷ đồng. Thậm chí, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp chỉ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm".
Theo vị luật sư này, do nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa "cũng rất vừa và nhỏ", nên cũng cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả, khả thi. Do đó, cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng doanh thu và hoặc từ 20 - 30 lao động trở xuống) vì đây là nhóm doanh nghiệp rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn, lúng túng, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
"Doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ với doanh nghiệp vừa có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô, nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau" - ông Trương Thanh Đức nói. Theo ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, việc xét hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải dựa trên các doanh nghiệp "có tương lai để không biến các quỹ hỗ trợ thành quỹ từ thiện".
Chấm dứt cơ chế "xin- cho"
Kỳ vọng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho hay, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng những chương trình trên còn tản mạn, nguồn lực hạn chế, tính hỗ trợ chưa cao... nên ít có hiệu quả.
"Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời là động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp như Chính phủ đã đề ra. Xây dựng luật này nhằm thúc đẩy được phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện có phát triển và kinh doanh bài bản hơn. Cần hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không có cơ chế "xin-cho"; thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp tới doanh nghiệp, không "đẻ" thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Phạm Đình Đoàn cũng cho rằng, các cơ quan ở Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực thi ở địa phương lại còn nhiều vấn đề nên cần quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương.
Theo_An ninh thủ đô
Căn nhà nhỏ ngoại ô Những căn nhà diện tích chừng 60 m2, xây lên 1-2 lầu vừa đủ xinh cho cuộc sống của gia đình trẻ. Ngoại ô thì xa, nhưng là nhà mình thì vẫn hơn phòng trọ chật chội trong thành phố, phải không? 1. Giữa tuần, tôi theo chân một nhóm nhà đầu tư đất nền tới quận 9 và Thủ Đức. Giá đất...