Vị thế toàn cầu Mỹ lung lay vì khủng hoảng Afghanistan
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan mà Tổng thống Joe Biden đưa ra đang khơi dậy một làn sóng hoài nghi về vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ.
Tại Liên minh châu Âu (EU), ngoại trưởng các nước thành viên vừa tổ chức một cuộc họp khẩn của về vấn đề Afghanistan hôm 17/8 và đưa ra những lời chỉ trích hiếm hoi nhằm vào Washington, cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ thúc đẩy dòng người di cư đổ về biên giới châu Âu và tạo nền tảng cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ở Trung Á.
“Hành động rút quân này gây ra hỗn loạn”, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks nhận xét trong một cuộc phỏng vấn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về tình hình Afghanistan tại Nhà Trắng hôm 16/8. Ảnh: AP .
Tại Đức, Armin Laschet, ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo, gọi quyết định rút quân là “thất bại lớn nhất của NATO kể từ khi thành lập”.
Tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken nói rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan nhanh chóng đã gây ra “tác động tiêu cực nghiêm trọng”, đồng thời cho thấy Mỹ không có khả năng áp dụng mô hình quản trị của mình sang một quốc gia có văn hóa và lịch sử khác biệt.
Phát biểu ngày 16/8, bảo vệ cho quyết định rút quân, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh Mỹ cần phải thoát khỏi những vũng lầy tốn kém trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc.
“Những đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của chúng ta, Trung Quốc và Nga, sẽ không mong muốn gì hơn là Mỹ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD nguồn lực và sự chú ý vào nỗ lực ổn định Afghanistan không hồi kết”, ông nói. Theo Biden, Mỹ vẫn có thể triệt hạ các tổ chức khủng bố bằng sức mạnh không quân mạnh mẽ của mình.
Dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn phải đối diện những câu hỏi khó khăn với quyết định rút quân, khi Tổng thống Biden lâu nay vẫn truyền đi thông điệp rằng ủng hộ nhân quyền và hỗ trợ đồng minh sẽ là “trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Những tiếng nói chỉ trích chính sách của Biden lúc này lập tức đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Trong thời kỳ Taliban nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1994 đến 2001, lực lượng này đã áp đặt những quy định hà khắc với phụ nữ, cấm họ đi học và làm việc. Phụ nữ chỉ có thể ra ngoài khi có đàn ông đi cùng.
“Đã có chuyện gì xảy ra với cái gọi là Nước Mỹ trở lại?”, Tobial Ellwood, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng thuộc quốc hội Anh, chất vấn, đề cập tới lời hứa của Tổng thống Biden về việc xây dựng lại các liên minh và khôi phục vị thế Mỹ trên thế giới.
Video đang HOT
Theo bình luận viên John Hudson và Missy Ryan từ Washington Post, quyết định rút quân của chính quyền Biden đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về vị thế Mỹ: Liệu nó có cho thấy một nước Mỹ yếu đuối và làm suy yếu khả năng dẫn dắt của Washington trên trường quốc tế hay không? Hay đây chỉ đơn giản là hành động xem xét lại lợi ích quốc gia hợp lý hơn, giúp Mỹ có nền tảng tốt hơn khi ứng phó với những thách thức mới, đồng thời làm rõ với các đồng minh và đối thủ về việc Mỹ sẵn sàng và không sẵn sàng sử dụng nguồn lực cho những mục tiêu nào?
“Một trong những thực tế có thể được nhận ra trong hai thập kỷ qua đó là thúc đẩy nhân quyền thông qua can thiệp quân sự là cực kỳ khó khăn”, Stephen Pomper, giám đốc chính sách tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy các chính sách nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết xung đột, bình luận.
Pomper dẫn chứng chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và các đồng minh châu Âu vào Libya năm 2011. Chiến dịch được triển khai với lý do “bảo vệ dân thường” Libya trước các cuộc “tàn sát” của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nhưng cuối cùng lại đẩy quốc gia này vào một thập kỷ hỗn loạn và bạo lực. Bài học đó cũng rất rõ ràng ở Afghanistan, nơi Mỹ đã không thể đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.
Các đại diện của Taliban trong cuộc họp báo đầu tiên ở Kabul ngày 17/8. Ảnh: AFP.
Hôm 17/8, các cường quốc thế giới bắt đầu chấp nhận thực tế rằng Taliban sẽ nắm quyền ở Afghanistan khi thủ lĩnh của nhóm Abdul Ghani Baradar quay trở lại đất nước lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Tại một cuộc họp báo ở Kabul, các lãnh đạo Taliban đã phát đi thông điệp hòa giải, hứa không phân biệt đối xử với phụ nữ hay kiểm soát truyền thông, đồng thời trấn an rằng bất kỳ ai từng cộng tác với chính quyền trước đây và các lực lượng đồng minh đều sẽ được “ân xá”. Tuy nhiên, thông điệp này vẫn bị hoài nghi.
Trong lúc chính quyền Biden còn đang cân nhắc có nên công nhận Taliban là chính phủ mới của Afghanistan hay không, một số nước đã bắt đầu đưa ra cách tiếp cận của riêng họ.
Nga, quốc gia thiết lập quan hệ với Taliban từ lâu nhưng không chính thức công nhận, hôm 16/8 đã lên tiếng ca ngợi nhóm. “Tình hình yên bình và tốt đẹp. Mọi thứ đã lắng xuống trong thành phố. Tình hình ở Kabul hiện nay dưới tay Taliban tốt hơn dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani”, đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov nói.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong khi đó khẳng định chính phủ của ông “không có ý định” công nhận chính quyền Taliban.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington sẽ chỉ quyết định vấn đề này sau khi Taliban cho thấy thiện chí quản lý đất nước một cách toàn diện và cấm những kẻ khủng bố hoạt động trên lãnh thổ của mình. “Chúng tôi đang xem xét những gì đã diễn ra trong 72 giờ qua và tác động ngoại giao, chính trị của nó”, ông nói.
"Cú sốc Afghanistan" - cơn đau đầu thực sự của ông Biden
Sự sụp đổ nhanh chóng không ngờ của chính phủ Afghanistan trước nhóm vũ trang Taliban đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với một cơn đau đầu thực sự, chỉ nửa năm sau khi ông lên nắm quyền.
Tổng thống Joe Biden (Ảnh: AP).
Taliban từ ngày 15/8 đã kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và tuyên bố sớm thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo". Một số chuyên gia nhận định, sự sụp đổ nhanh chóng của Chính phủ ở Kabul chính là sự thất bại từ từ và kéo dài của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden khẳng định, nước Mỹ đã nhận ra những rủi ro trong tương lai và có sự chuẩn bị tốt cho từng tình huống, Washington sẽ không mắc phải những sai lầm trong quá khứ.
Sự kiện 11/9
Để trả đũa vụ khủng bố lịch sử ngày 11/9, ngày 7/10/2001, Mỹ, Anh cùng các đồng minh bắt đầu chiến dịch trên lãnh thổ Afghanistan bằng một loạt phi vụ không kích các căn cứ quân sự của Taliban với lý do "chứa chấp trùm khủng bố Osama bin Laden", kẻ bị cáo buộc là chủ mưu các vụ khủng bố 11/9. Đúng 2 tháng sau, ngày 7/12/2001, chế độ Taliban đã sụp đổ hoàn toàn.
Tuy nhiên, các thành viên Al-Qaeda và Hồi giáo cực đoan khác, từng chiến đấu trong hàng ngũ Taliban còn sống sót trong những ổ kháng cự trước kia, đã tái nhóm và tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.
Tháng 3/2002, các quân đội Mỹ tiến hành Chiến dịch Anaconda. Hơn 800 tay súng Taliban và Al-Qaeda đã bị đánh bật khỏi Thung lũng Shah-i-Kot. Sau khi lật đổ Taliban, Mỹ và NATO đã chi hàng tỷ USD để tái thiết đất nước Afghanistan. Năm 2003, sau khi triển khai 8.000 binh lính ở Afghanistan, Mỹ bắt đầu chuyển nguồn lực chiến đấu sang cuộc chiến ở Iraq.
Năm 2004, một chính quyền thân Mỹ được dựng lên ở Kabul, tuy nhiên, các cuộc tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn. Năm 2009, Mỹ tăng quân tại Afghanistan, giúp đẩy lùi Taliban, nhưng tình thế không duy trì được lâu. Năm 2012, các lực lượng NATO đã bắt đầu chiến lược rút lui, Mỹ tuyên bố các hoạt động tác chiến lớn của họ sẽ kết thúc vào tháng 12/2014.
Năm 2014, các lực lượng quốc tế của NATO chấm dứt hoạt động giao tranh và trao lại việc đảm bảo an ninh cho quân đội Afghanistan. Điều này khiến cho Taliban có đà tiến lên, và họ đã chiếm được thêm lãnh thổ.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban được khởi động, trong đó chính phủ Afghanistan gần như không tham gia, thỏa thuận rút quân đã đạt được vào tháng 2/2020 tại Qatar. Theo đó, các lực lượng Mỹ sẽ rời Afghanistan vào ngày 1/5/2021. Tuy nhiên, thỏa thuận không làm chấm dứt các cuộc tấn công của Taliban. Thay vào đó, họ chuyển mục tiêu tấn công vào các lực lượng an ninh Afghanistan, dân thường và các mục tiêu cần ám sát. Những vùng đất do Taliban kiểm soát ngày càng rộng lớn thêm.
Nắm bắt cơ hội sau khi Mỹ rút quân, Taliban đã tiến quân khắp miền Bắc Afghanistan. Tại nhiều khu vực, quân chính phủ thậm chí đầu hàng mà không chiến đấu. Trong hơn tuần qua, Taliban đã ồ ạt tấn công vào hàng loạt các vị trí chính phủ Afghanistan kiểm soát. Ngày 15/8, Taliban đã chiếm thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan nhanh chóng chạy khỏi đất nước. Taliban tuyên bố sẽ sớm thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo".
Có thể nói 20 năm qua, Mỹ mặc dù tiêu tốn sức người, sức của nhưng không tiêu diệt được Taliban, mà buộc phải chấp nhận sự hiện diện của lực lượng này trong đời sống chính trị Afghanistan. Theo một thống kê, tính đến tháng 4 năm nay, có 2.448 binh lính Mỹ thiệt mạng, hơn 20.000 lính Mỹ bị thương. Số binh lính của đồng minh và các quốc gia thành viên NATO thiệt mạng là 1.144 người.
Mức phí tổn cho cuộc xung đột, bao gồm các khoản chi cho quân sự và tái thiết Afghanistan là 978 tỷ USD tính đến 2020. Ngoài ra, số tiền Mỹ phải dùng để trả chi phí y tế, trợ cấp thương tật, chôn cất và các chi phí khác cho khoảng 4 triệu cựu binh Afghanistan và Iraq là hơn 2.000 tỷ USD.
Tương lai nào cho Afghanistan?
Một số chuyên gia cho rằng, sau khi Taliban giành quyền lực một tương lai bất định sẽ dành cho Afghanistan. Những năm 90 của thế kỷ trước, Taliban hứa hẹn những điều tốt đẹp nhưng trên thực tế lại duy trì quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với phụ nữ. Mới đây, thủ lĩnh tối cao Taliban, Hibatullah Akhundzada, tuyên bố Taliban đang trên đà thiết lập một "hệ thống Hồi giáo thuần túy" ở Afghanistan, nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số không được hưởng các quyền.
Tuyên bố trên làm dấy lên lo ngại, người dân Afghanistan sẽ một lần nữa phải chịu một trong những hình thức khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa toàn trị tôn giáo, đảo ngược hai thập niên tiến bộ của phụ nữ và các nhóm thiểu số. Một hệ lụy khác là nguy cơ truyền bá các tư tưởng cực đoan thánh chiến, sự trở lại của tổ chức như IS, hay Al-Qaeda. Vì vậy, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái, yêu cầu Taliban "thực hiện kiềm chế tối đa".
Thế nhưng, cũng có các đánh giá khác rằng lực lượng Taliban ngày đã khác rất nhiều so với trước đây. Bằng chứng là Taliban mới đây kêu gọi người dân không nên lo sợ, lực lượng này không có ý định trả thù bất cứ ai. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban mô tả Afghanistan thời hậu chiến sẽ là đất nước tuân thủ luật pháp, là một thành viên của cộng đồng quốc tế, mở mang kinh doanh, hòa thuận cả bên trong lẫn với láng giềng và thế giới.
Ngày 16/8, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, Mohammad Naeem, khẳng định rằng phong trào này không muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, rằng lực lượng này "sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia". Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại. Ông Shaheen cũng hé lộ, chính phủ mới sẽ bao gồm những người Afghanistan không phải thành viên Taliban.
Bài toán khó của ông Biden
Về phần Mỹ, theo các nhà phân tích, sẽ có những rủi ro chính trị mới đối với Tổng thống Biden. Washington hiện đã rút gần hết các lực lượng đồn trú tại Afghanistan, sẽ rất khó để chính quyền Biden duy trì ảnh hưởng đối với các diễn biến trên thực địa cũng như quá trình thành lập chính phủ do Taliban đứng đầu. Cựu Tổng thống Donald Trump thì cho rằng "đây sẽ trở thành một trong những thất bại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ" và kêu gọi ông Biden từ chức.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden không có ý định đảo ngược quyết định rút quân. Ông khẳng định, nước Mỹ đã nhận ra những rủi ro trong tương lai và đã có sự chuẩn bị tốt cho từng tình huống, Washington sẽ không mắc phải những sai lầm trong quá khứ. Trong bài phát biểu, ngày 16/8, ông Biden nhấn mạnh: "Tôi kiên định ủng hộ quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi buộc phải chấp nhận thực tế rằng không có thời điểm nào là thích hợp cho việc rút các lực lượng Mỹ".
Ông Biden cũng cho biết ông phải lựa chọn hoặc tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, hoặc tiếp tục cuộc chiến tại quốc gia này. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả "nhanh chóng và mạnh mẽ" đối với bất kỳ cuộc tấn công nào để bảo vệ người dân của mình cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ Mỹ. Giới chức Mỹ cũng cho biết, hành động của Taliban sẽ quyết định liệu Washington có công nhận chính quyền mới ở Afghanistan hay không.
Như vậy, dù muốn hay không, Mỹ vẫn phải chấp nhận thực tế là Taliban đã kiểm soát Afghanistan và chuẩn bị cho thiết lập chính quyền mới. Dư luận cho rằng, để có một tương lai tốt đẹp cho Afghanistan, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó là sự nỗ lực cộng đồng quốc tế, góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đảm bảo môi trường an ninh của khu vực và thế giới.
Cựu binh Mỹ tuyệt vọng cứu đồng đội cũ kẹt ở Afghanistan Kiernan giúp phiên dịch viên Afghanistan của mình nộp đơn xin visa vào Mỹ từ năm 2015, song tức giận và thất vọng vì không thể làm gì hơn. Cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ James Kiernan ngày 16/8 thúc giục phiên dịch viên Afghanistan của mình đốt tài liệu mà người này thu thập hơn một thập kỷ, nhằm chứng minh...