Vị thế các đảng thân Ukraine sau bầu cử Nghị viện châu Âu
Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo đường lối trung hữu – đảng chủ yếu ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Liên bang Nga – đã giành được 186 trên 720 ghế trong Nghị viện châu Âu (EP), trong khi các đảng cực hữu, đặc biệt là ở Đức và Pháp, được cho là có quan hệ với Nga, nhận được nhiều ghế trong EP hơn trước.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu hôm 9/6/2024. Ảnh cắt từ clip của Reuters
Theo tờ Euromaidan ngày 11/6, kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2024-2029 cho thấy các đảng cực hữu đã đạt được một số lợi ích, đặc biệt nhờ kết quả ở Pháp và Đức. Tuy nhiên, các nhóm trung dung thân Ukraine vẫn giữ được đa số.
Các đảng cực hữu ở châu Âu, chẳng hạn như đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) của Đức, bị cáo buộc có quan hệ với Liên bang Nga và trong hàng ngũ có người chịu ảnh hưởng của Điện Kremlin cũng như hoạt động tuyên truyền của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu vẫn dẫn đầu với việc giành được 186 trên 720 ghế EP. Đảng này phần lớn ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Liên bang Nga.
Theo Đài Liberty (RL), liên minh trung dung, hiện đang thành lập Ủy ban châu Âu, có khả năng duy trì đa số và dự kiến bà Ursula von der Leyen, chính trị gia đến từ EPP, một lần nữa trở thành ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Kể từ khi Liên bang Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, bà Ursula von der Leyen được nhìn nhận là một người ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine và hậu thuẫn cho các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga và cung cấp viện trợ tài chính cũng như viện trợ nhân đạo cho Ukraine, đồng thời kích thích cảm hứng trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.
Kết quả bầu cử EP cũng cho thấy đứng sau EPP là hai đối tác chính – đảng Xã hội và Dân chủ theo đường lỗi trung tả với 135 ghế và đảng Đổi mới châu Âu theo đường lỗi trung dung với 79 ghế.
Tiếp đến là hai nhóm cực hữu, gồm đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu cùng đảng Bản sắc và Dân chủ, lần lượt với 73 và 58 ghế.
Euromaidan cho biết thêm EP là một trong những cơ quan ra quyết định và phân bổ ngân sách cốt lõi của EU. Với Ukraine, trách nhiệm chính của EP thể hiện trên các phương diện như hỗ trợ tài chính cho Kiev trong cuộc chiến chống lại Moskva và việc Ukraine gia nhập EU.
Video đang HOT
Pháp
Tại Pháp, liên minh ôn hòa của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) trước đảng Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu.
Trong một bài phát biểu trước toàn thể người dân Pháp, Tổng thống Pháp cho biết các đảng cực hữu đang thắng thế ở khắp nơi trên lục địa già. Đó là tình huống khiến ông không thể từ chức.
Ông Macron nhấn mạnh: “Tôi quyết định để các bạn lựa chọn… Vì vậy, tôi sẽ giải tán Quốc hội vào tối nay (ngày 9/6 theo giờ địa phương)”.
Đức
Khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo Bavaria (CSU) theo đường lối bảo thủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở nước này với cách biệt lớn. Trong đó, đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) đứng ở vị trí thứ hai, đúng như dự đoán. Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đứng ở vị trị thứ ba.
Cả ông Macron và ông Scholz đều tích cực cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine từ năm 2022 và gần đây đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga.
Áo, Tây Ban Nha và Italy
Ở Áo, đảng Tự do theo đường lối cực hữu, nổi tiếng với việc chỉ trích các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, đứng ở vị trí thứ nhất.
Ở Tây Ban Nha, đảng Nhân dân cánh hữu dẫn trước một chút so với đảng Xã hội cầm quyền.
Tại Italy, đảng Những người anh em Italy của Thủ tướng Giorgia Meloni dẫn đầu cuộc bầu cử EP với kết quả dự kiến là giành được từ 26-30% số phiếu ủng hộ.
Hà Lan
Tuy nhiên, ở Hà Lan, liên minh đảng Xã hội và đảng Xanh, do cựu Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans lãnh đạo, dẫn trước đảng Vì Tự do cánh hữu của Geert Wilders.
Bỉ
Ở Bỉ, những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu từ Liên minh Flemish mới đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố từ chức sau thất bại đáng kể của đảng đảng Tự do và Dân chủ Flemish mở rộng do ông lãnh đạo trong cả cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử EP.
Khoảng 360 triệu cử tri từ 27 quốc gia EU đã đủ điều kiện tham gia cuộc bỏ phiếu từ ngày 6 đến ngày 9/6. Tại hầu hết các quốc gia thành viên, người ta đã chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao hơn ở so với cuộc bầu cử năm 2019.
Xung đột và những bộn bề lo toan
Các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, cùng với khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, đang thử thách liên minh phương Tây.
Bên cạnh đó là những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang lan rộng khắp châu Âu và những thách thức bất ổn trên chính trường trước sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Trải qua kỷ nguyên hồi sinh và đổi mới
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Paris hôm 5/6 trong chuyến đi đánh dấu kỷ niệm 80 năm D-Day (ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp trong Thế chiến II) và thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Sau Pháp, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tới Italy, nhưng dự kiến sẽ bỏ qua Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình về Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ. Điều này cho thấy đương kim Tổng thống Mỹ đang tăng cường hoạt động ngoại giao trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trong năm bầu cử trước đối thủ Donald Trump, người nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay có thể có tác động lớn đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Những tấm áp phích cổ động cho cuộc bầu cử EP trên đường phố ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AP.
Ông Charles A. Kupchan, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown, nhận định: "Liên minh phương Tây đang trải qua một kỷ nguyên hồi sinh và đổi mới, và những hội nghị thượng đỉnh khác nhau này sẽ thể hiện được điều đó. Nhưng chúng ta đang kỳ vọng vào đúng thời điểm mà mọi người đều lo lắng về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới". Vị chuyên gia này, người từng làm việc về các vấn đề châu Âu trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, đồng thời lưu ý: "Lần đầu tiên kể từ thế chiến II, mối đe dọa bên trong đối với phương Tây nghiêm trọng hơn mối đe dọa từ bên ngoài". Và trong khi ông Donald Trump đang vướng vào những rắc rối pháp lý, nhiều người ở châu Âu không thể thay đổi được cảm giác rằng, vị tỉ phủ này vẫn đang trên đường trở lại Nhà Trắng. Ông Kim Darroch, người từng là Đại sứ Anh tại Mỹ trong chính quyền ông Donald Trump, cho biết: "Người châu Âu đã nghĩ rằng, loạt vụ án hình sự này đang giúp ích cho ông Trump hơn là cản trở ông ấy. Đây sẽ là một phần của mọi cuộc thảo luận giữa các phái đoàn tại tất cả các hội nghị thượng đỉnh này".
Theo nhận định của một số chuyên gia, đối với tất cả những nỗ lực ngoại giao của mình, việc Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh vào các liên minh đã gieo mầm mống cho những vấn đề trong tương lai. Nó đã khiến các đồng minh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và đó là lý do tại sao "bóng ma" về sự trở lại của ông Donald Trump phủ bóng các cuộc họp ở Pháp, Thụy Sĩ, Italy và Mỹ. Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu Jeremy Shapiro nêu quan điểm: "Trọng tâm chiến lược của Tổng thống Joe Biden là các liên minh và đồng minh; họ vô cùng tự hào về điều đó. Ngược lại, ông Donald Trump về cơ bản nghĩ rằng các đồng minh là người thân đến nhà bạn, mượn tiền và sử dụng đồ dùng của bạn. Nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi vì đã tạo ra sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hiện tại". Bên cạnh đó, việc ông Biden kiên quyết ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở Gaza đã gây ra sự chia rẽ giữa Mỹ và một số nước châu Âu. Ireland, Norway và Tây Ban Nha gần đây đã công nhận nhà nước Palestine. Nhưng Anh, Pháp và Đức cho đến nay vẫn tránh được sự chia rẽ với Mỹ, bất chấp tình hình chính trị nội bộ đầy khó khăn ở các nước này và sự khó chịu ngày càng tăng đối với cách tiến hành cuộc chiến của Israel.
Nhưng sự lo lắng của phương Tây không chỉ giới hạn ở những lo ngại về Mỹ. Những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang lan rộng khắp châu Âu - từ Italy, nơi Thủ tướng cánh hữu Giorgia Meloni, sẽ chủ trì cuộc họp G7, đến Pháp và Đức, nơi các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng và những thách thức bất ổn trên chính trường trước sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử EP.
Cuộc bầu cử định hình tương lai
Tại cuộc bầu cử EP, kéo dài từ ngày 6-9/6, cử tri sẽ bỏ phiếu cho các đảng quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) mà phần lớn trong đó có liên kết với một nhóm chính trị châu Âu, chẳng hạn đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), đảng Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), đảng Đổi mới châu Âu (RE)... Sau khi được bầu, các đại biểu sẽ chọn trở thành thành viên của các nhóm chính trị xuyên quốc gia này.
Theo kết quả các cuộc thăm dò trước thềm bỏ phiếu, cuộc bầu cử lần này được đánh dấu bằng sự suy yếu của 3 nhóm chính trị chính tạo thành phe "siêu đa số" trong EP hiện nay, gồm EPP, S&D và RE. Hiện giữ 178 ghế EP, nhóm EPP thuộc cánh hữu bảo thủ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hy vọng sẽ giữ được sự ổn định tương đối. Trong khi đó, S&D, liên minh trung tả do Ủy viên châu Âu về Việc làm và Quyền xã hội, cựu Bộ trưởng Lao động Luxembourg Nicolas Schmit dẫn dắt, hy vọng có thể duy trì được 141 ghế hiện tại mặc dù tổng số đại biểu được bầu trong EP lần này tăng thêm 15 so với kỳ trước.
Về phần mình, giữ vị trí ở "trung tâm bàn cờ", nhóm RE theo đường lối trung dung thân châu Âu hiện giữ 101 ghế và do phe đa số ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống trị. Theo các cuộc thăm dò, trong khi EPP và S&D có thể mất lần lượt là 5 và 10 ghế thì RE có thể bị rớt hạng từ vị trí thứ ba xuống thứ tư, thậm chí thứ năm trong EP mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn lại lịch sử bầu cử EP, sự dịch chuyển cán cân sang cánh hữu được thấy qua các cuộc thăm dò dư luận lần này sẽ không làm hỏng "siêu liên minh" EPP, S&D và RE vốn luôn giữ "thế cầm trịch" trong các thể chế châu Âu. Nhưng tiếng nói của "siêu đa số" này sẽ yếu hơn đáng kể trong cơ quan lập pháp mới.
Trái ngược với tình trạng đi xuống của phe "siêu đa số" là sự lớn mạnh của hai đại diện cánh hữu cấp tiến, gồm nhóm Bảo thủ và Cải cách (ECR) và Bản sắc và Dân chủ (ID). Theo kết quả thăm dò mới nhất, nhóm ECR theo chủ nghĩa chủ quyền và hoài nghi châu Âu, gồm các đảng Anh em Italy (Fratelli d'Italia), Luật pháp và Công lý (PiS) ở Ba Lan và Vox ở Tây Ban Nha..., sẽ giành được 86 ghế, nhiều hơn 19 ghế so với hiện nay. Tương tự, nhóm ID gồm các lực lượng cực hữu như Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp, Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ở Đức, Liên đoàn (La Liga) ở Italy, đảng Tự do (VVD) ở Hà Lan..., cũng có những bước tiến ngoạn mục khi được dự kiến sẽ có thêm 25 ghế, nâng tổng số ghế có được sau bầu cử lên 84. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng khó khăn, các đảng cầm quyền tại nhiều nước châu Âu không đưa ra được các quyết sách thuận lòng dân, phe cực hữu và dân túy đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng vươn lên trở thành một lực lượng chính trị có tiếng nói trọng lượng hơn.
Có thể nói tâm trạng bất an của đông đảo cử tri sẽ chi phối các lá phiếu và mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống chính trị ở châu Âu sau cuộc bầu cử EP năm nay. Trong điều kiện như vậy, cơ quan lập pháp mới sẽ đóng vai trò quan trọng đối với rất nhiều dự án của EU.
12 nước EU hối thúc Bỉ đẩy nhanh đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 5/6, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Cộng hòa Séc Martin Dvorak đã khởi xướng một lá thư chung kêu gọi Bỉ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh tiến độ trong các cuộc thảo luận về việc Ukraine và Moldova gia nhập EU. Tòa nhà...