Vì sao xảy ra thất thoát vốn ở doanh nghiệp nhà nước?
Theo chuyên gia kinh tế, thực trạng giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa hiệu quả, gây thất thoát lãng phí. Tư duy quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hành chính và dựa trên quan hệ thân hữu.
Tại hội thảo xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ở Hà Nội ngày 15/11, các chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra thực trạng giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa hiệu quả, gây thất thoát lãng phí. Tư duy quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hành chính và dựa trên quan hệ thân hữu.
Nhà máy đạm Ninh Bình – một trong những dự án đầu tư thua lỗ. (Ảnh minh họa)
Suy thoái
Đánh giá về việc quản lý vốn nhà nước tại DNNN, PGS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, DN tư nhân mua mớ rau tính kỹ nhưng DNNN ký hợp đồng tỷ đồng rất dễ dàng. Để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, bản thân DN phải có thể chế giám sát và giám sát từ bên ngoài. Từ đó mới có thể giúp việc đầu tư các dự án đảm bảo hiệu quả.
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, hoạt động kinh doanh của DNNN thiếu công khai, minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, nhất là trong mua sắm, đầu tư, công tác cán bộ, giao dịch với người có liên quan. Việc thực hiện công bố thông tin còn mang tính hình thức và trách nhiệm giải trình của DNNN còn thấp. Trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp của cán bộ quản lý DNNN còn nhiều hạn chế. Có tình trạng cán bộ quản lý DNNN vì không muốn quyền lợi và lợi ích cá nhân đã làm chậm tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành tại doanh nghiệp nhà nước.
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng cho bản thân và gia đình, thân thích, tham nhũng. Từ đó, gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, nhà nước và niềm tin vào khu vực DNNN. Một số DN vi phạm các quy định quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của nhà nước nhưng chậm được phát hiện”, ông Tuấn nêu thực trạng.
Ông Tuấn thẳng thắn chỉ ra thực tế, quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý DNNN chưa phù hợp với sự hoạt động của DN theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính. Trong nhiều trường hợp thực hiện “đúng quy trình” nhưng không đúng thực chất; “quy trình” nhiều trường hợp trở thành bình phong cho những sai phạm, vụ lợi, khuất tất trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Tư duy quản lý hành chính và quan hệ thân hữu (kể cả quan hệ lợi ích và không loại trừ các yếu tố tiêu cực, chạy chức, chạy quyền) vẫn chi phối không nhỏ trong việc tuyển chọn, bố trí cán bộ quản lý DNNN.
Video đang HOT
Nên cho DNNN yếu kém phá sản
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, việc quản lý DNNN phải đảm bảo 2 mục tiêu: tạo lợi nhuận, phát triển vốn và làm đúng chính sách của nhà nước. Nhà nước hỗ trợ DNNN phát triển nhưng chỉ hỗ trợ “người thắng cuộc” – những DNNN làm ăn hiệu quả. Chúng ta phải đặt DNNN vào thị trường, buộc họ phải cạnh tranh thì mới có thể nâng cao hiệu quả. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch bằng việc yêu cầu tất cả DNNN phải đăng ký trên thị trường chứng khoán. Các nước như Trung Quốc yêu cầu DNNN đăng ký trên thị trường chứng khoán trong nước và thị trường chứng khoán thế giới.
“Chúng ta học các nước, cho phép DNNN kinh doanh đa ngành nghề nhưng cuối cùng họ đầu tư linh tinh, gây hậu quả đáng tiếc. Chúng ta nên cho DNNN yếu kém phá sản như các loại hình DN khác. Hiện nay, chúng ta hầu như không dám cho DNNN phá sản nên không có động lực buộc nó phải thay đổi”, ông Tuyển nói.
Theo ông Tuyển, hằng năm Chính phủ phải báo cáo trước Quốc hội về hiệu quả hoạt động của DNNN để Quốc hội giám sát thường xuyên. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xác định rõ vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa thành lập. Nếu cơ quan này chỉ làm nhiệm vụ duy trì, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước sẽ không cần thiết, vì SCIC đã làm tốt nhiệm vụ này.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính của nhà nước với DNNN nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giám sát chưa cao. Mô hình quản lý phân tán làm cho DNNN phải thực hiện nhiều báo cáo, làm mất thời gian và gây chậm trễ trong việc nộp báo cáo.
“Phương thức giám sát của chúng ta chủ yếu thực hiện giám sát sau, giám sát gián tiếp thông qua báo cáo tài chính nên không nhận định được rủi ro để có những cảnh báo kịp thời cho DNNN. Trong khi mục tiêu của việc giám sát tài chính là để phát hiện kịp thời và cảnh báo được những rủi ro xảy ra, đưa ra giải pháp giảm thiểu rủi ro cho DN. Giám sát trước đối với chiến lược, kế hoạch phát triển của DNNN sẽ đánh giá được mức độ phù hợp và khả thi của kế hoạch”, ông Đạt cho biết.
Trước thực trạng trên, ông Đạt kiến nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để triển khai quản lý. Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước cần đảm bảo theo thông lệ của thị trường và tuân thủ theo các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Cơ chế quản lý tài chính của nhà nước cần được hoàn thiện lại để phù hợp với mô hình quản lý mới. Phải tiếp tục thống nhất quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây. Cơ chế quản lý tài chính sẽ tập trung vào khâu giám sát tài chính thông qua theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin để phân tích, đánh giá, cảnh báo rủi ro cho các DNNN nhằm đảm bảo an toàn vốn nhà nước.
“Trình tự giám sát DNNN nên theo hướng chú trọng giám sát trước và giám sát trong, đồng thời truy cứu trách nhiệm sau. Cơ quan chức năng cần xây dựng các chỉ tiêu gồm cả định tính và định lượng để đánh giá người đại diện để tránh hiện tượng lạm quyền, có hành vi vi phạm các quy định của chủ sở hữu vốn nhà nước”, ông Đạt kiến nghị.
Thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện nay cả nước có khoảng 500 DN 100% vốn nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến năm 2020, sau khi cổ phần hóa, cả nước sẽ còn khoảng 100 DNNN.
Theo Tiền Phong
Chiến tranh thương mại và thị trường bất động sản Việt Nam
Chiến tranh thương mại và thị trường bất động sản là hai phạm trù kinh tế thoạt nghe qua sẽ khó nhận thấy được mối liên hệ của nó.
Tổng thống Donal Trump đã phát động chiến tranh thương mại nhắm đến Trung Quốc được gần 1 năm, và cũng gần 1 năm qua thị trường bất động sản Việt Nam có những diễn biến khá đặc biệt.
Thông tin từ các sàn môi giới thuộc Hội môi giới bất động sản Việt Nam ghi nhận có sự đột phá tăng giá, tăng nhu cầu nhà ở, nhà cho thuê của người nước ngoài đối với sản phẩm trong phân khúc bất động sản nhà ở hạng sang ở các Thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, tăng nhu cầu đối với bất động sản văn phòng và nhà xưởng, đất đai, tuy nhiên ở chiều ngược lại Bất động sản nghỉ dưỡng đã không có được sự tăng trưởng tốt như trong những năm 2016-2017.
Tại các dự án bất động sản nhà ở cao cấp có mức giá phù hợp Room 30% cho người nước ngoài nhanh chóng được lấp đầy, người nước ngoài tranh nhau mua thậm chí ghi nhận nhiều trường hợp đầu cơ sang tay chuyển nhượng suất mua giữa khách hàng nước ngoài với nhau.
Về mức giá chào bán trong phân khúc BĐS hạng sang cũng có sự gia tăng với biên độ chưa từng thấy, nếu như những năm trước sản phẩm cao cấp có mức giá 3.000USD - 4.000USD thuộc hàng hiếm và khó tiêu thụ thì chỉ trong một năm qua mức giá này đã được đã liên tiếp tạo thêm những kỷ lục, được các chủ đầu tư đẩy lên đến 7.000USD - 8.000USD thậm chí có dự án dự kiến chào giá đến 10.000USD mà vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của người mua nhà.
Bên cạnh nhà ở cao cấp thì giá thuê văn phòng cũng đang trong diễn biến "leo dốc" tăng 5% - 7% ở hầu hết các phân khúc và tỷ lệ lấp đầy cũng tăng cao. Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đặt hàng thông qua các nhà môi giới để tìm quỹ đất xây dựng văn phòng làm việc hoặc xây dựng VP cho thuê ở các khu vực trung tâm, Quận 2, Quận 7...
Từ đầu năm thông tin từ các sàn môi giới bất động sản trực thuộc Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng đã ghi nhận việc tăng nhu cầu tìm kiếm nhà sưởng, kho bãi. Các khu công nghiệp nhanh chóng được lấp đầy và nhộn nhịp thi công xây dựng. Giá thuế nhà xưởng sản xuất cũng tăng 3% - 4%, cùng theo đó là nhu cầu nhà ở bình dân, đất nền phân lô cho công nhân, người lao động thuê gần các thủ phủ Công nghiệp như Bình Dương, Biên Hoà, Đồng Nai cũng diễn ra sôi động, nhu cầu tăng rất mạnh.
Ở chiều ngược lại thị trường căn hộ nghỉ dưỡng Condotel khá ảm đạm, từ đầu năm rất ít sản phẩm mới được chào hàng, trong khi các sản phẩm, dự án tồn đọng trong những năm trước tiêu thụ khá khó khăn. Thị trường condotel đang cạnh tranh rất khốc liệt và chỉ có những tên tuổi lớn có sản phẩm thật sự chất lượng được quản lý và vận hành chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản đúng tiến độ mới duy trì được sự quan tâm của khách hàng.
Có ý kiến cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ từ Trung Quốc dịch chuyển sang những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác như một kịch bản thay thế, bổ sung. Thậm chí chính các nhà đầu tư và các gia đình tại Trung Quốc cũng muốn đầu tư và dịch chuyển tài sản ra nước ngoài để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội tiềm tàng có thể xảy ra do chiến tranh thương mại, tranh dành ảnh hưởng Mỹ - Trung.
Không ít các ý kiến khác lại cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây thiệt hại cho cả hai đầu tầu kinh tế, khiến cho kinh tế toàn cầu suy thoái, ảm đạm dẫn đến hệ lụy, giảm nhu cầu và suy thoái đà tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới và mọi quốc gia đều sẽ chịu ảnh hưởng, suy thoái theo.
Rõ ràng tăng trưởng hay suy thoái kinh tế sẽ là nhân tố quyết định ảnh hưởng đến suy thoái hoặc tăng trưởng của thị trường bất động sản mọi quốc gia vì thị trường Bất động sản là thị trường cốt lõi cung cấp sản phẩm dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế.
Kịch bản tăng trưởng nào sẽ xảy ra đối với Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ -Trung? Kịch bản đó sẽ chỉ là ngắn hạn hay là xu hướng dài hạn? Khi dòng vốn đầu tư dịch chuyển do chiến tranh thương mại thì phân khúc bất động sản nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất?
Với mục đích hỗ trợ cho các nhà tư vấn, môi giới bất động sản có thêm thông tin và cái nhìn đa chiều, rõ nét hơn về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản trong bối cảnh đang có sự biến động khó lường của dòng vốn đấu tư toàn cầu trong chiến tranh thương mại, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đã mời chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Nguyên thành viên tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng chính phủ, là người có rất nhiều thông tin, kinh nghiệm và kiến thức về quá trính phát triển và quản lý kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ sẽ đến chia sẻ và nói chuyện chuyên đề về "Chiến tranh thương mại và thị trường bất động sản Việt Nam".
A.D
Theo Nhịp sống kinh tế
Chứng khoán Mexico lao dốc vì dự luật mới Thị trường chứng khoán Mexico chao đảo ngay sau khi đảng của Tổng thống đắc cử Andres Manuel Lopez Obrador công bố dự luật mới. Ngày 8/11, thị trường chứng khoán Mexico chao đảo ngay sau khi đảng của Tổng thống đắc cử Andres Manuel Lopez Obrador công bố dự luật mới cho phép giảm sâu mức phí dịch vụ mà các ngân...