Vì sao Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng PISA?
Có hai lý do khiến kết quả PISA năm 2018 của Việt Nam cao, nhưng không được OECD đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu.
Hai lý do chính để Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh theo Bộ GD-ĐT là:
Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Bởi vì, ban đầu OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang 2020 mới công bố, họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu nên đến tháng 9/2019 OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác vào ngày 3/12/2019.
Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.
Kết quả PISA Việt Nam cao nhưng không có tên trong bảng xếp hạng. Ảnh minh họa: Báo CAND
TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải thích thêm, quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã làm đúng quy trình nghiêm ngặt.
Sau quá trình thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện, không thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm.
Tuy nhiên, do kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính nên OECD muốn nghiên cứu sâu hơn.
Video đang HOT
Bà Hà cũng khẳng định, không có tên không phải là thất bại. Việt Nam vẫn nhận được kết quả thi, có thể nắm bắt điểm mạnh của học sinh, thấy được bức tranh tổng thể về giáo dục quốc tế, từ đó có thay đổi phù hợp trong việc dạy – học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thông tin tóm tắt về kết quả PISA của Việt Nam.
Học sinh Việt Nam đạt 505 điểm Đọc hiểu, cao thứ 13 trong 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với chu kỳ năm 2015. Về Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, cao thứ 24, giảm hai bậc. Còn với Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, cao thứ 4, tăng 8 hạng so với năm 2015.
Báo cáo cho thấy thế mạnh của học sinh Việt Nam là ở thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới. Qua câu hỏi ở cuối đề thi về tự đánh giá nỗ lực của bản thân khi làm bài, hầu hết học sinh Việt Nam đánh giá đã làm bài thi PISA với nỗ lực cao nhất.
Về thời gian làm bài, nhiều học sinh các nước đã phải bỏ một số câu hỏi khi kết thúc thời gian ở cuối mỗi phần thi, nhưng Việt Nam chỉ bỏ 0,1% số câu hỏi, thấp hơn cả Trung Quốc – quốc gia đứng đầu (có tỷ lệ câu hỏi phải bỏ là 1,1%).
Dù đạt kết quả rất tốt, Việt Nam không được OECD đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu. Điều này đã gây nhiều băn khoăn.
Chương trình Đánh giá Học sinh quốc tế (PISA) là một cuộc khảo sát được thực hiện 3 năm một lần với học sinh 15 tuổi nhằm đánh giá mức độ kiến thức và kỹ năng mà các em có được để tham gia vào thị trường lao động.
Việc đánh giá này tập trung vào mức độ thành thục ở các môn Đọc hiểu, Toán, Khoa học và một lĩnh vực mang tính sáng tạo (năm 2018 là năng lực toàn cầu) cũng như mức độ hạnh phúc của học sinh.
Thái An (tổng hợp)
Theo baodatviet
Thi học kỳ trên máy tính: Còn nhầm lẫn, sai sót
Học sinh 2 trường THPT tại TP HCM vừa kết thúc đợt thi giữa học kỳ I theo hình thức trực tuyến. Ngoài những lợi ích tích cực, còn nhiều băn khoăn xoay quanh vấn đề quản lý và kết quả thi khi các thiết bị điện tử được kết nối internet
Đón đầu xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục, kỳ thi giữa học kỳ I vừa qua, các trường THPT tại TP HCM đã mạnh dạn tổ chức thi bằng hình thức trực tuyến trên máy tính và điện thoại thông minh, giúp giáo viên (GV), học sinh (HS) làm quen, tập luyện thao tác trên máy tính để không bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 theo dự kiến là thi trên máy tính. Đồng thời, đánh giá, khắc phục những hạn chế, lỗ hỏng trong quá trình thử nghiệm thi trực tuyến.
Cải tiến cách thi, chấm điểm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP HCM), cho biết thông qua phổ điểm đợt kiểm tra giữa học kỳ I lần này cho thấy việc thay đổi về hình thức kiểm tra đánh giá không làm thay đổi kết quả thi. Thực tế, thi theo hình thức trực tuyến chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật, cải tiến công tác kiểm tra, chấm điểm của GV. Thay vì GV phải chấm điểm trên giấy từng bài một, mất thời gian thì với hình thức mới này, GV chỉ cần bằng một cú nhấp chuột là có kết quả ngay lập tức.
Kiến thức thi y như kiểm tra giấy, thi trắc nghiệm nên các câu sẽ có thời gian làm bài ngắn. Về công tác quản lý thi, cơ chế, trình tự, quy trình thi, hình thức kỷ luật khi phát hiện gian lận vẫn như kiểm tra truyền thống bằng giấy.
Dựa trên nền tảng công nghệ, ứng dụng Trường học thông minh 789.vn đã đưa ứng dụng hỗ trợ GV tự động chấm điểm, giúp HS biết được ngay kết quả thi của mình, GV cũng không còn cảnh mang bài thi về nhà thức đêm chấm điểm. Ma trận đề sẽ sắp xếp các câu hỏi không bị trùng nhau, khi thi, mỗi HS được tự động nhận mỗi mã nên cuộc thi diễn ra công bằng, minh bạch. HS có thể dễ dàng thực hiện bài kiểm tra trên hệ thống máy tính, điện thoại thông minh. Đồng thời, ứng dụng này sẽ đặt hệ thống máy chủ tại trường, trường sẽ có không gian mạng riêng, bảo mật riêng, chống sao chép câu hỏi, thông tin bị lộ. Mỗi trường sẽ tự quản lý đề thi, điểm số, hay thông tin cá nhân của GV, HS.
"GV sẽ tiết kiệm được 60% sức lao động so với hình thức thi truyền thống. GV không phải chấm từng bài, tiết kiệm thời gian, áp dụng công nghệ vào quá trình soạn đề và ra bài tập về nhà, vào sổ điểm tự động, thông báo kết quả kiểm tra tự động cho phụ huynh qua email, sẽ giảm tải bớt phần nào công việc cho GV" - cô Trần Thị Ngọc Huyền, GV vật lý Trường THPT Trần Hữu Trang, chia sẻ.
Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), khẳng định đây là dịp để tập huấn cho HS khối 12 năm nay làm quen với hình thức thi trên máy tính, tới đây có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM. Lớp 11 được triển khai tập huấn bước đầu nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021. Sau khi tiến hành thử nghiệm thi trên máy tính 3 môn, toán, lý, hóa, phần lớn các em HS cảm thấy phấn khích, phản ánh trung thực kết quả học tập của từng em.
Giáo viên Trường THPT Trần Hữu Trang rút ngẫu nhiên 5% bài thi giữa học kỳ I vừa qua để đối chiếu lại điểm trên ứng dụng 789.vn
Lỗi máy móc có thể gây thiệt thòi cho học sinh
Tuy nhiên hình thức thi mới này vẫn còn tạo áp lực, lo lắng cho HS. Một HS Trường THPT Trần Hữu Trang kể lại: "Việc thi trên máy tính, điện thoại thông minh vừa qua cũng đã có ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả thực tế của em so với khi em thi trên giấy. Khi bắt đầu thi trên ứng dụng 789.vn, môn địa lý trong câu đầu tiên em chọn đáp án A sau đó quay lại chọn đáp án B nhưng khi chấm bài hệ thống vẫn tính chọn đáp án A, có rất nhiều bạn gặp phải trường hợp như vậy, kết quả bị chấm sai, em phải báo cáo lên thầy phụ trách để được xem xét lại đáp án và điều chỉnh điểm".
"Có những bạn chụp hình đề cương ôn tập trong đó có đáp án, khi thi, các bạn mở ảnh lên để xem lại, như vậy điểm đó thực sự không công bằng. Nếu tiếp tục hình thức thi trên điện thoại, máy tính thì nên cải tiến ứng dụng, khi mở sang các cửa sổ trình duyệt khác, bài thi sẽ tự động bị hủy" - HS này đề nghị.
Thầy Nguyễn Anh Quân, GV môn tiếng Anh Trường THPT Trần Hữu Trang, đề cập đến vấn đề nghẽn mạng khi các em cùng một lúc đăng nhập vào hệ thống, có những em đã phải tự mua 3G, 4G để sử dụng trong lúc thi vì chất lượng wifi không thể đáp ứng được, vào thì bị văng ra. "Do ứng dụng nặng, tốn bộ nhớ, nên có thể khi các em đang làm bài thì bị đứng máy, phải thoát ra làm lại, mặc dù thời gian sẽ được tính lại, kết quả sẽ được lưu liên tục nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các em" - thầy Quân băn khoăn.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng cần nâng cấp ứng dụng, bảo đảm chất lượng mạng ổn định... Mỗi lần thi chỉ được 150 em trên 3 phòng máy nên bắt buộc phải thi nhiều đợt.
Khó khăn để tập huấn giáo viên
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho rằng việc triển khai đồng bộ hình thức thi trên máy tính cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 là một thách thức lớn. GV quá đông và không phải ai cũng có khả năng sử dụng công nghệ, giáo trình hướng dẫn cụ thể chưa được thống nhất, rất khó để tập huấn. Với cơ sở vật chất như hiện nay, để tiến hành thi đồng loạt trên cả nước là điều bất khả thi, phải chia ra thành nhiều đợt thi nhưng chưa có chế tài chặt chẽ để chống gian lận công nghệ cao.
Bài và ảnh: NGUYỄN THUẬN
Theo nguoilaodong
Chuyển động với yêu cầu đổi mới thi THPT quốc gia Thi trên máy tính là bước tiến bộ của ngành Giáo dục khi đưa công nghệ vào học tập. Để làm được bài thi THPT quốc gia trên máy tính, học sinh không chỉ có kiến thức các môn học, mà còn phải có điều kiện học tập và biết sử dụng máy tính. Nhiều trường học đã được trang bị hệ thống...