Vì sao Trung Quốc quay lưng với Liên hợp quốc?
Một cuộc thăm dò trước phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York cho thấy dư luận Trung Quốc ngày càng có quan điểm không ủng hộ Liên hợp quốc, trái ngược với ý kiến của công chúng tại các quốc gia láng giềng.
Trước khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) nhóm họp tại thành phố New York, Mỹ hồi tuần trước, trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) đã thực hiện một cuộc thăm dò đối với công dân từ 39 quốc gia trên thế giới về quan điểm của họ đối với LHQ. Nhìn chung, LHQ là một tổ chức được ưa chuộng trên toàn cầu, với phần lớn người dân tại 22 trong số 39 quốc gia có quan điểm tích cực về tổ chức này.
LHQ đặc biệt được ủng hộ tại châu Á-Thái Bình Dương. Một thông cáo báo chí được công bố kèm với kết quả khảo sát của Pew cho biết: “LHQ có tỷ lệ ủng hộ cao nhất từ công chúng tại châu Á-Thái Bình Dương, với các tỷ lệ ủng hộ tại Hàn Quốc là 84%, tại Indonesia và Philippines là 82%”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương đều ủng hộ LHQ. 45% người Nhật có quan điểm ủng hộ LHQ, so với 40% không ủng hộ. Pakistan là quốc gia châu Á có tỷ lệ ủng hộ LHQ thấp nhất, chỉ 20%. Và 18% số người Pakistan được hỏi có quan điểm không ủng hộ LHQ, trong khi 61% không có ý kiến gì.
Nhưng có lẽ kết quả bất ngờ nhất là từ Trung Quốc, nơi có tới 45% số người được hỏi bày tỏ quan điểm phản đối LHQ và chỉ 39% ủng hộ. Điều này khiến Trung Quốc trở thành thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an không có tỷ lệ ủng hộ đa số của công chúng đối với LHQ. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ LHQ đối trong công chúng Nga là 53%, Mỹ là 58%, Pháp là 63%, Anh là 64%.
Đặc biệt, sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc đối với LHQ đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Vào năm 2009, tỷ lệ ủng hộ LHQ tại Trung Quốc là 55%. Cho tới nay, đây là sự thay đổi quan điểm mạnh mẽ nhất trong bất kỳ cuộc khảo sát nào mà Pew từng thực hiện.
Video đang HOT
Một câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại quay lưng với LHQ trong những năm gần đây?
Thứ nhất, dư luận Trung Quốc có thể ngày càng không ưa LHQ vì tổ chức này không thể kiểm soát được các cường quốc mà Bắc Kinh xem là “hung hăng” như Mỹ và Nhật Bản. Ví dụ, Liên hợp quốc đã không ngăn được Mỹ và NATO lật đổ chính quyền Gadhafi tại Libya hồi năm 2011, hay cũng không thể hạn chế các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt với Iran (vốn ảnh hưởng tới Trung Quốc vì nước này tiêu thụ nhiều dầu mỏ của Cộng hòa Hồi giáo). Nhật Bản đã quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hầu như không quan tâm tới LHQ và Mỹ đã tiến hành các hoạt động tình báo bằng máy bay do thám mà cũng bỏ qua LHQ.
Thứ hai, Trung Quốc tin rằng LHQ ngày càng kìm hãm quyền lực của Bắc Kinh.
Người dân Trung Quốc trước đây ủng hộ LHQ như một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn “chính sách đơn phương” và “chủ nghĩa bá quyền” tại châu Á và trên thế giới.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc ngày càng mạnh lên, nước này có thể muốn hành động độc lập và theo kiểu bá quyền, và do đó có thể bị cản trở bởi chính LHQ. Ví dụ, khi cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc với Philippines vì một bãi cạn ở Biển Đông trở nên căng thẳng, Manila đã tìm cách đưa Bắc Kinh ra một tòa án LHQ để giải quyết tranh cãi. Tất nhiên Bắc Kinh phản đối cách giải quyết này. Không chỉ LHQ, các quốc gia thành viên của một tổ chức quốc tế khác, ASEAN, cũng đang muốn dùng tổ chức này để kìm chế khả năng của Trung Quốc nhằm giải quyết bất đồng với các thành viên riêng rẽ trên cơ sở song phương.
Nhìn rộng hơn, người Trung Quốc có thể xem LHQ là một phần của một cấu trúc quốc tế lớn hơn, vốn được tạo nên bởi các cường quốc khác khi Trung Quốc vẫn còn yếu. Khi Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn, người Trung Quốc cũng như các lãnh đạo nước này có thể muốn một trật tự toàn cầu mới có lợi hơn cho các lợi ích cũng như uy tín của Bắc Kinh.
Đó không phải là 2 lý do duy nhất khiến uy tín của LHQ ngày càng sụt giảm tại Trung Quốc. Một số người Trung Quốc thậm chí còn xem LHQ là một công cụ để các cường quốc phương Tây áp đặt các giá trị của phương Tây lên phần còn lại của thế giới.
Những người khác có thể lo ngại rằng nếu tham gia quá tích cực vào LHQ, Trung Quốc có thể bị lôi kéo vào các cuộc xung đột quốc tế như cuộc nội chiến tại Syria. Đó cũng có thể là trường hợp mà nhiều người tại Trung Quốc xem LHQ là bất lực và vô dụng.
An Bình
Theo Diplomat
Ngoại trưởng Iran cáo buộc Thủ tướng Israel "nói dối"
Ngoại trưởng Iran hôm nay đã cáo buộc Thủ tướng Israel nói dối về chương trình hạt nhân của Iran, khi ông Netanyahu chuẩn bị có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tại New York, Mỹ.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif
"Chúng tôi không nhận thấy điều gì từ ông Netanyahu ngoài những lời nói dối và hành động lừa gạt, dọa nạt. Cộng đồng quốc tế sẽ không để những lời nói dối này trôi qua", Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Iran vào ngày hôm nay 1/10.
Ông Zarif trả lời từ Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến có bài phát biểu vào cuối ngày hôm nay. Cũng tại diễn đàn này vào năm ngoái, ông Netanyahu đã đưa ra biểu đồ bom chứng tỏ Iran đang tiến rất gần đến đích sản xuất được một đầu đạn hạt nhân.
"Trong suốt 22 năm, chính quyền Do Thái đã nói dối, bằng cách nhắc đi nhắc lại Iran sẽ có bom nguyên tử trong vòng 6 tháng", ông Zarif cho hay.
"Sau tất cả chừng đó năm, thế giới phải hiểu ra sự thực của những lời nói dối đó và không cho phép chúng được lặp lại".
Ông Netanyahu đã rời đi New York, Mỹ, với quyết tâm dùng bài phát biểu trước Liên hợp quốc và tận dụng cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng để phơi bày điều mà ông gọi là "lời nói ngon ngọt" của Iran về chương trình hạt nhân của nước này.
Tại Nhà Trắng, ông Netanyahu cho biết điều quan trọng là "Iran phải tháo dỡ hết chương trình hạt nhân quân sự của mình". Ông cũng kêu gọi ông Obama tiếp tục giữ nguyên các lệnh trừng phạt của Mỹ trong quá trình đàm phán giữa Iran và các cường quốc về chương trình hạt nhân.
Ông Zarif cho rằng ông "Netanyahu đã là người bị cô lập nhất Liên hợp quốc" khi ông chuẩn bị phát biểu trước Đại hội đồng.
Vũ Quý
Theo AFP
Hồ sơ hạt nhân Iran: Hé mở những triển vọng Phương Tây và Iran đều đang có những động thái hòa giải hiếm có, báo hiệu triển vọng mới - tuy còn mong manh - trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran. Sự vắng mặt của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong lễ đón tiếp các nguyên thủ thế giới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 24/9...