Vì sao tiêm kích F-35 Nhật mới nguyên gặp sự cố rơi xuống biển?
Tiêm kích tàng hình F-35 Nhật rơi xuống biển là chiếc đầu tiên trong lô lắp ráp nội địa, theo hợp đồng ký với Mỹ.
Tàu Nhật Bản và máy bay Mỹ tích cực tìm phi công mất tích.
Theo CNN, tiêm kích tàng hình F-35 biến mất khỏi màn hình radar trong một nhiệm vụ huấn luyện từ căn cứ Misawa ở phía bắc Nhật Bản.
Các quan chức quốc phòng Nhật nói phi công gửi thông điệp báo cần phải hủy nhiệm vụ huấn luyện, ngay sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya nói đội cứu hộ tìm được một số mảnh vỡ máy bay, bao gồm hai mảnh ở phần đuôi.
Tàu chiến, máy bay của Mỹ và Nhật Bản, bao gồm cả tàu tên lửa dẫn đường Mỹ, tiếp tục tìm kiếm phi công mất tích, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Phi công không xác định danh tính là nam giới, ở độ tuổi ngoài 40 với hơn 3.200 giờ bay. Phi công này được tin tưởng để điều khiển một trong những máy bay tàng hình tốt nhất thế giới hiện nay.
Với các trang thiết bị hiện đại, Lầu Năm Góc nói F-35 là mẫu chiến đấu cơ “đáng giá, mạnh mẽ, hữu dụng và có khả năng sống sót cao”.
Đến tháng 8.2018, hơn 310 tiêm kích F-35 đã được bàn giao cho các lực lượng quân đội trên thế giới, chủ yếu là Mỹ, theo nhà sản xuất Lockheed Martin.
Phi đội tiêm kích F-35 của Nhật chỉ mới được đưa vào sử dụng từ 11 ngày trước. 13 tiêm kích với giá gần 100 triệu USD mỗi chiếc này được đặt tại căn cứ không quân Misawa ở phía Bắc Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố ngừng bay toàn bộ các tiêm kích F-35 còn lại để điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay.
Video đang HOT
Nhật Bản chế tạo tiêm kích F-35 ngay trong nước theo thỏa thuận với Mỹ.
Báo cáo ban đầu cho thấy máy bay dường như gặp trục trặc hệ thống. Điều đó có nghĩa là có vấn đề trong dây chuyền sản xuất, Carl Schuster, cựu sỹ quan hải quân Mỹ và là giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii nói.
Theo ông Schuster, các chiến đấu cơ mới xuất xưởng cần phải đạt chứng chỉ và trải qua kiểm tra nghiêm ngặt.
Phần lớn tiêm kích F-35 được chế tạo ở Mỹ. Chiếc máy bay gặp nạn là chiếc đầu tiên xuất xưởng ở nhà máy lắp ráp tại Nagoya, Nhật Bản.
Peter Layton, cựu sỹ quan không quân Úc và là chuyên gia phân tích tại Viện Griffith châu Á, nói dây chuyền lắp ráp ở Nhật Bản có thể có vấn đề.
“Mỹ duy trì hoạt động hàng trăm tiêm kích F-35 mà không gặp vấn đề gì, cho thấy nguyên nhân có thể nằm ở dây chuyền sản xuất địa phương”, Layton nói.
Bên cạnh đó, việc phi công thông báo hủy nhiệm vụ chứ không phải gọi cấp cứu, cho thấy chiếc F-35 gặp vấn đề về thiết bị, Layton nói.
“Phi công nghĩ mình kiểm soát được tình hình, chưa có gì quá nguy hiểm”, Layton giải thích. Nhưng máy bay sau đó đã đâm đầu xuống biển.
Vụ tai nạn khiến Mỹ và Nhật Bản tích cực tìm kiếm xác máy bay, để tránh khả năng Nga hay Trung Quốc tìm thấy, Schuster nói. “Chỉ cần chụp các bức ảnh mảnh vỡ máy bay thôi cũng giúp Nga và Trung Quốc thu thập được các thông tin đáng giá”.
Schuster nhắc lại sự việc xảy ra những năm 1980, khi Mỹ phải gấp rút thu hồi xác chiếc F-14 Tomcat rơi ở biển Caribe. F-14 là một trong những mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất ở thời điểm đó.
Hiện chưa rõ vụ rơi máy bay có làm ảnh hưởng đến đơn hàng mua thêm 105 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B của Nhật hay không.
Theo Danviet
Triều Tiên có đủ sức bắn rơi tiêm kích F-35 Hàn Quốc mua của Mỹ?
Không quân Hàn Quốc mới tiếp nhận 2 tiêm kích tàng hình F-35A từ Mỹ và dự kiến sẽ có 10 chiếc vào cuối năm nay.
Tiêm kích tàng hình F-35 vừa có khả năng không chiến, vừa mang theo bom tấn công mặt đất.
Tờ National Interest đặt câu hỏi rằng liệu các chiến đấu cơ mới sẽ đóng vai trò ra sao trong phi đội máy bay Hàn Quốc, cũng như việc F-35 uy lực như thế nào khi đối đầu với không quân Triều Tiên.
Không quân Hàn Quốc hiện đang sử dụng nhiều máy bay do Mỹ sản xuất, bao gồm hàng trăm chiếc KF-16C và khoảng 60 chiếc F-35K. Các máy bay KF-16C được nâng cấp để tương thích với các mẫu tên lửa đối không tầm xa của Mỹ như AIM-120C-5 và AIM-120C-7.
Chiến đấu cơ KF-16C trang bị tên lửa đối không tầm xa vượt trội hoàn toàn so với các máy bay của không quân Triều Tiên.
Triều Tiên hiện chủ yếu sử dụng các tiêm kích MiG-21 và chiến đấu cơ J-7. Hai mẫu máy bay này ngày nay đầu đã lỗi thời, chỉ được trang bị tên lửa tầm ngắn.
Theo các chuyên gia, KF-16C chỉ cần phóng tên lửa tầm xa và giữ khoảng cách là mục tiêu sẽ tự bị tiêu diệt. Trong trường hợp không chiến tầm gần, kỹ năng của phi công là yếu tố quan trọng.
Triều Tiên hiện sở hữu một số lượng hạn chế các tiêm kích MiG-29. Đây được coi là vũ khí uy lực nhất, nhưng vẫn tỏ ra lép vế so với KF-16C và tên lửa tầm xa.
Để dội bom các mục tiêu ở Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ sử dụng chiến đấu cơ F-15K trang bị bom dẫn đường bằng laser hoặc bom hạng nặng.
Vậy tiêm kích tàng hình F-35 đóng vai trò gì khi vừa có thể tấn công mặt đất, vừa có thể đối đầu với máy bay Triều Tiên?
Theo National Interest, câu trả lời có thể nằm ở cảm biến. F-35 có cảm biến tối tân hàng đầu và dùng để ngắm bắn mục tiêu đối phương. Trong điều kiện tác chiến điện tử, những máy bay thông thường hoàn toàn bị "mù" còn F-35 vẫn ngắm bắn được mục tiêu.
Tiêm kích F-35A phóng tên lửa tầm xa.
Tiêm kích MiG-29 của Triều Tiên cũng có công nghệ cảm biến quang điện, nhưng xuất hiện từ những năm 1980 nên độ phân giải thấp và không nhạy như các thế hệ cảm biến mới nhất.
Trong môi trường tác chiến hiện đại, việc lực lượng quân đội sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử gần như là điều bắt buộc, theo National Interest.
Đây cũng là cách để không quân Triều Tiên với trang bị ít ỏi hơn có thể gây khó dễ cho máy bay Hàn Quốc. Đó là lý do Hàn Quốc cần đến các tiêm kích F-35A tối tân.
Nhược điểm của F-35 là việc mang vũ khí hạn chế vì phải giấu vũ khí trong thân để đảm bảo khả năng tàng hình. Vậy nên Hàn Quốc sẽ vẫn phải sử dụng các chiến đấu cơ thông thường trong đội hình tiêm kích F-35.
Trong trường hợp các máy bay thông thường bị chiến đấu cơ Triều Tiên bắn rơi, Hàn Quốc sẽ vẫn có tiêm kích F-35 trên bầu trời để đóng vai trò quyết định.
Tờ National Interest kết luận, việc Triều Tiên có khả năng bắn rơi F-35 hay không còn tùy thuộc vào cách Hàn Quốc sử dụng chiến đấu cơ này. F-35 không mạnh như tiêm kích "chim ăn thịt" F-22 nên thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Nếu Hàn Quốc để các máy bay này tiếp cận quá gần máy bay Triều Tiên thì khả năng bị bắn rơi vẫn có thể xảy ra.
Theo Danviet
Hàn Quốc tiếp nhận tiêm kích F-35, Triều Tiên cảnh báo "hậu quả thảm khốc" Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc thời gian qua đã đạt mức ấm lên cao nhất trong hàng thập kỷ, nhưng điều này có thể thay đổi một khi Hàn Quốc triển khai các tiêm kích tàng hình tối tân mua của Mỹ. Triều Tiên chỉ trích mạnh mẽ việc Hàn Quốc tiếp nhận tiêm kích F-35 từ Mỹ. Theo Sputnik, Triều...