Vì sao tiêm kích F-15 của Mỹ gặp nạn?
Ngày 27/8, một chiếc tiêm kích F-15 của Mỹ đã bất ngờ đâm đầu xuống đất và nổ tung khiến viên phi công điều khiển máy bay mất tích.
Tiêm kích F-15. Ảnh: Reuters
Già cỗi
Theo cảnh sát trưởng hạt Augusta thuộc bang Virginia, chiếc máy bay chiến đấu F-15 gặp nạn thuộc Lực lượng Không quân quốc gia bang Massachusetts đã rơi gần thị trấn Deerfield vào khoảng 9h ngày 27/8 (theo giờ địa phương). Ngay trước khi gặp nạn, chiếc máy bay này đã mất liên lạc với mặt đất.
Theo các nhân chứng tại hiện trường, họ nghe thấy một tiếng nổ lớn và chứng kiến cột khói đen khổng lồ bốc lên bầu trời. Thiếu tá Matthew Mutti, phát ngôn viên của Lực lượng không quân quốc gia Massachusetts, cho biết chiếc chiến đấu cơ một chỗ ngồi gặp tai nạn khi tham gia cuộc bay huấn luyện thường kỳ và không mang theo vũ khí.
Video đang HOT
Trước khi chiếc tiêm kích này gặp nạn, Không quân Mỹ đã có kế hoạch nâng cấp dòng chiến đấu cơ F-15 do sự già cỗi của chúng. Trong bản kế hoạch trung hạn nâng cấp F-15 đến năm 2017, Không quân Mỹ dự định sử dụng 5,8 tỷ USD để kéo dài tuổi thọ của loại máy bay chiến đấu này.
Thiết kế tổng quan của F-15 chỉ cho phép sử dụng tối đa là 8.000 giờ bay, nhưng chiếc F-15 già nhất trong lực lượng Không quân Mỹ đã bay tới hơn 10.000 giờ.
Một chiến đấu cơ F-15 của Không quân Mỹ rơi xuống khu rừng cách thủ đô Washington gần 290 km về phía tây hôm 27/8.
Boeing đang tìm các biện pháp thử nghiệm khả năng chịu tải của thân máy bay sao cho F-15C/D có thể tiếp tục sử dụng tới khi nó đạt mốc 18.000 giờ bay (gấp hơn 2 lần thiết kế ban đầu), còn F-15E lên tới 32.000 giờ.
Để “cải lão” cho nó, trước tiên Mỹ và các nước đồng minh đang sử dụng F-15 cần phải tiến hành hạng mục nâng cấp, hiện đại hóa radar trên máy bay trước năm 2021, sau khi dỡ bỏ các bộ xử lý tín hiệu cũ và thay bằng các bộ xử lý APG -82 (V) 1 và APG-79, độ tin cậy và tính hiệu quả của radar APG-63 (V) 3 sẽ được nâng cao hơn 5 lần.
Ngoài nhu cầu nâng cấp vì sự già cỗi của F-15, chiến đấu cơ này còn dính phải vụ bê bối lớn về linh kiện rởm khiến người ta nghi ngờ về chất lượng của nó. Theo tin từ Không quân Mỹ hồi cuối năm 2013, trong quá trình kiểm tra chất lượng định kỳ cho các tiêm kích F-15, các kỹ sư đã phát hiện ra hàng loạt linh kiện kém chất lượng được sử dụng.
Các nhà điều tra đã vào cuộc và phát hiện ra rằng, số lượng linh kiện kém chất lượng này được ghi là sản xuất tại Mỹ nhưng có nguồn gốc từ một công ty của Ấn Độ. Quá trình sản xuất linh kiện cho F-15 tại công ty của Ấn Độ đã xảy ra lỗi kỹ thuật dẫn đến chất lượng linh kiện không đạt chuẩn để thay thế trên các tiêm kích F-15.
Đây không phải là lần đầu tiên các tiêm kích của Mỹ phải điêu đứng vì linh kiện kém chất lượng. Trước đó, tiêm kích F-15 cũng từng dính sự cố linh kiện điện tử kém chất lượng từ Trung Quốc.
Trong khi kế hoạch nâng cấp chưa hoàn thành và việc thay thế những linh kiện kém chất lượng chưa được thực hiện toàn diện, việc chiếc F-15 vừa gặp nạn không phải là điều bất ngờ. Không quân Mỹ hiện tại có 249 máy bay chiến đấu F-15 đang hoạt động và chúng được triển khai tại Iraq, Afghanistan trong những năm gần đây.
Tiêm kích chủ lực Hàn Quốc – Nhật Bản có thực sự mạnh?
Tiêm kích F-15 phô diễn sức mạnh cùng F-22. Ảnh minh họa: Wikipedia
Không quân Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore cũng đang sử dụng dòng tiêm kích F-15 với những biến thể khác nhau.
Hiện tại, mẫu máy bay chiến đấu F-15K Slam Eagle của Không quân Hàn Quốc được coi là mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất ở khu vực Đông Bắc Á khi so sánh với những đối thủ từ Trung Quốc và Nhật.
Trong khi đó, Nhật Bản chính là nước mua tiêm kích F-15 nhiều nhất ngoài Mỹ. Do những hạn chế trong hiến pháp của Nhật về việc thiết kế vũ khí có khả năng tấn công, các mẫu F-15J và F-15 DJ Eagle của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đều được thiết kế với khả năng tấn công máy bay thù địch xâm nhập vào vùng trời Nhật Bản. Biến thể nâng cấp F-15J Kai của Nhật có khả năng mang theo tên lửa không đối không nội địa AAM-4.
Tuy nhiên, F-15J của Nhật vẫn không thể so được với mẫu F-15K Slam Eagle của Hàn Quốc vì phiên bản này còn có khả năng tấn công mặt đất. Ngoài ra, F-15J chỉ có thể chở theo 10 tấn vũ khí, còn F-15K có khả năng mang theo 11,4 tấn.
Sau khi loạt bê bối F-15 sử dụng linh kiệm kém chất lượng được Không quân Mỹ phát hiện, giới chuyên gia nghi ngờ về sức mạnh thực sự của dòng tiêm kích này.
“Ong bắp cày” F/A-18, “Chim ăn thịt” F-22 hay Su-27 là ba trong số 10 tiêm kích sở hữu sức mạnh đáng sợ nhất hành tinh theo bình chọn của trang tin Military Today.
Theo_Zing News