Vì sao số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng 60%?
Theo GS Trần Văn Nhung, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng do yếu tố khách quan, chất lượng vẫn được đảm bảo.
ảnh minh họa
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên . Tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước.
Trao đổi với Báo chiều 2/2, GS Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước – lý giải về sự tăng đột biến của số giáo sư, phó giáo sư trong năm 2017.
- Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng khoảng 60% so với năm trước. GS có thể lý giải về con số tăng đột biến này?
- Việc tăng giáo sư, phó giáo sư là lý do khách quan, trong khi đó chất lượng không thay đổi. Thậm chí, chất lượng có phần tăng lên.
Năm nay, thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng so với năm trước. Nếu như hạn nộp hồ sơ ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là ngày 5/11, thì năm 2016 là ngày 25/5, bởi chờ quy chế mới thay thế Quyết định 174 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thời hạn nộp hồ sơ dài hơn nên số ứng viên ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng tới 1.537 hồ sơ. Trong đó, 151 ứng viên giáo sư và hơn 1.300 ứng cử phó giáo sư.
Video đang HOT
Đồng thời, số lượng đăng ký đầu vào cũng cao hơn. Quá trình xem xét chất lượng được đảm bảo, không thay đổi so với các năm.
- Cụ thể, chất lượng của giáo sư, phó giáo sư năm nay thay đổi như thế nào so với các năm?
- Những con số tăng trưởng cho thấy chất lượng của giáo sư, phó giáo sư được đảm bảo. Số lượng công bố quốc tế, giảng viên trực tiếp giảng dạy, khả năng giao tiếp tiếng Anh tăng, số thành viên là nữ và nằm ngoài Hà Nội và TP.HCM đều nằm trong sự mong muốn.
Cụ thể, trình độ ngoại ngữ của các ứng viên tăng lên rõ rệt. Nhiều người đã được cử đi học nước ngoài theo Đề án 911 và có sự hợp tác với nước ngoài.
Số lượng giáo sư, phó giáo sư là nữ tăng lên 28%-29%, trong khi trước đây chỉ 25%. Số lượng bài báo quốc tế đăng trên tạp chí ISI/Scopus của ứng viên năm 2017 tăng. Cụ thể, ngành Vật lý có hơn 1.170 bài, ngành Hóa học – Công nghệ Thực phẩm là 1.020.
Một số ứng viên có nhiều bài báo quốc tế ISI/Scopus, chỉ số H cao (thước đo về năng suất làm việc, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế), hoặc có nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, đáng được biểu dương.
Đặc biệt, nhiều ứng viên đã được trao giải thưởng quốc tế uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Điển hình là Nguyễn Thế Hoàng (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) được giải thưởng A.v.Humboldt, APKO, J.N. Von Nussbaum của Đức; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp…
- Lần xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư này, ông ấn tượng với trường hợp nào?
- Ứng viên giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), 35 tuổi, ngành Toán học. Đây là kỷ lục giáo sư trẻ nhất Việt Nam (năm 2016, giáo sư trẻ nhất là 37 tuổi).
Ứng viên phó giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (ĐH Bách khoa Hà Nội), 32 tuổi, ngành Toán học, đạt kỷ lục phó giáo sư trẻ nhất (người trẻ nhất năm 2016 là 28 tuổi).
Theo Zing
Hơn 1200 giáo sư, phó giáo sư mới: Vét 'chuyển tàu' chót mang số hiệu 174
Ngày 31/01/2018 và 01/02/2018, tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) nhiệm kỳ 2014-2019 đã họp Kỳ họp lần thứ VII. Tại Kỳ họp HĐCDGSNN đã xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.
ảnh minh họa
Có nhiều ý kiến cho rằng năm 2017 "bão" chức danh Giáo sư và Phó giáo sư, con số thật đáng bất ngờ với hàng nghìn ứng viên được phong hàm. Báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan, Úc về con số hơn 1200 giáo sư và phó giáo sư mới được công nhận.
Thưa GS Nguyễn Văn Tuấn, theo công bố mới nhất của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước năm 2017 có thêm hơn 1200 chức danh giáo sư và phó giáo sư mới. Quan điểm của ông như thế nào?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy báo chí cũng đã nhận xét về con số GS/PGS được 'công nhận' năm nay là "đột biến". Quả thật như vậy, số GS/PGS năm nay tăng 75% so với năm 2016 và hơn 2 lần so với năm 2015. Tôi nghĩ số lượng GS/PGS tăng hàng năm thì có thể hiểu được, nhưng tăng ở mức độ trên thì quả là bất thường. Lí do như ông Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã nói là "vét chuyến tàu chót mang số hiệu 174" Lí do đó tự nó cũng là một bất bình thường.
Từ năm 2019 trở đi, theo dự thảo mới thì để được công nhận chức danh giáo sư thì ứng viên ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus ... Với quy định này theo ông có làm khó các ứng viên không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ những qui định về số bài báo khoa học là cần thiết nhưng chưa đủ. Nếu chỉ có 2 bài báo khoa học thì tôi e rằng quá thấp và quá đơn giản. Xin nói thêm rằng một nghiên cứu sinh ở Úc cũng đã có ít nhất 2 bài báo khoa học trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Trong lần xét giải thưởng Tôn Đức Thắng vừa qua, chúng tôi nhận những hồ sơ của các "Assistant Professor" (tức thấp hơn Phó giáo sư một bậc) mà người nào cũng có hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học.
Qui định 2 bài báo vẫn chưa đủ, bởi vì đó chỉ là lượng; cần phải xem xét đến chất nữa. Vấn đề không phải là bao nhiêu bài báo khoa học, mà là những bài đó được công bố ở đâu, ứng viên đóng vai trò gì trong bài báo, và bài báo có tác động như thế nào đến chuyên ngành. Tất cả những khía cạnh vừa kể không có trong qui định. Do đó, tôi nghĩ qui định mới chẳng làm khó ai cả; trong thực tế qui định đó rất dễ cho nhiều ứng viên.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng con số hơn 1200 giáo sư được phong hàm mới là bất thường
Trong số danh sách các ứng viên được phong hàm đợt này có danh sách ngành y khá dày trong số 85 GS thì có gần 20 người, 1141 PGS thì có 172 người thuộc ngành y. Theo GS Tuấn hiện nay tiêu chuẩn tác giả trong các bài nghiên cứu của ngành y như thế nào, làm sao để tránh bị lạm dụng các tiêu chí?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy năm nào con số GS/PGS ngành y đều cao hơn nhiều so với các chuyên ngành khác. Điều này quả thật là đáng ngạc nhiên, bởi vì ở nước ngoài, các ngành kĩ thuật và công nghệ thường có số giáo sư đông hơn ngành y.
Tôi nghĩ hiện trạng này có thể xuất phát từ qui định. Với những qui định như số bài báo khoa học mà không kèm theo những tiêu chuẩn về phẩm chất và vị trí tác giả, thì ngành y có nhiều công bố hơn các ngành khác. (Cần nói thêm rằng khoảng 90% các công bố quốc tế trong ngành y không phải tác giả trong nước chủ trì hay đứng tên tác giả chính). Do đó, nếu qui định có kèm theo những tiêu chuẩn như phải là tác giả đầu hay tác giả chính và phải chứng minh là chủ trì công trình nghiên cứu thì chắc ngành y sẽ có rất ít ứng viên đạt tiêu chuẩn.
Những bất cập trong việc xét duyệt GS, PGS ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học nước nhà như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Những bất cập về qui trình và tiêu chuẩn làm cho uy tín khoa học của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực. Thử tưởng tượng, nếu đối tác nước ngoài đọc lí lịch khoa học của một giáo sư Việt Nam mà chỉ có 2 bài báo khoa học thì họ sẽ rất ngạc nhiên. Nếu con số là 20 hay 30 thì họ có thể thông cảm, vì nước nghèo và khoa học kém phát triển nên tiêu chuẩn như vậy là tạm được. Nhưng dù là nước nghèo, mà một giáo sư chỉ có vài bài báo khoa học thì đó là một điều bất thường. Từ đó, người ta có cái nhìn tiêu cực về khoa học Việt Nam, và cái nhìn này gây ảnh hưởng xấu đến những giáo sư Việt Nam có thực tài và có thành tích công bố quốc tế tốt.
Vâng xin cảm ơn ông!
Theo Infonet
GS, PGS được phong tăng vọt trước thời điểm áp tiêu chuẩn mới Ngày 31/1 và 1/2 vừa qua, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Con số này tăng 1,74 lần so với năm 2016 và 2,35 lần so với năm 2015. Lễ phong tặng chức danh GS, PGS năm 2016. Năm...